C
ảm giác vướng víu trên trán làm tôi tỉnh giấc. Lúc tôi đưa tay vỗ mạnh vào trán thì thấy có mảnh giấy nhớ đã được dán lên từ bao giờ. Tôi dụi mắt, cố gắng nhìn xem trên mảnh giấy ghi gì.
Chúc may mắn trong ngày đầu tiên, đồ ngốc ạ.
Một trong những trò tiêu khiển ưa thích của thằng nhóc Noah là đặt các thứ lên mặt tôi lúc tôi ngủ. Tôi biết là mẹ bảo thằng bé đặt các mẩu nhắc nhở trên chiếc bàn kê cạnh giường tôi, hoặc là dán nó vào gương trong phòng tắm, nhưng không hiểu vì sao thằng bé chỉ thích nhắm đến mặt tôi mà dán. Lần tương tác vật thể-trên-mặt khó chịu nhất là khi thằng bé lên năm tuổi, khi ấy nó dám dán áo lót thể thao của tôi lên trán lúc tôi đang ngủ. Vì lần đó mà hàng tuần sau tôi phải ngủ trong cái cảnh gối che kín mặt.
Có tiếng nói vọng lên từ dưới phòng làm việc của mẹ. Hôm nay bà làm việc từ sớm. Cuối hè luôn là thời điểm mẹ bận rộn với công việc nhất, bởi bậc cha mẹ nào cũng muốn định hướng tốt nhất cho các cục cưng trước khi đám trẻ bước sang năm cuối cấp. Cũng chỉ có những lúc thế này tôi mới nghe được giọng nói của mẹ, còn không thì bà phớt lờ tôi suốt. Tuần trước tôi đã cố gắng nói chuyện với bà về mọi thứ - từ cách tôi sắp xếp cuộc sống của chính mình cho đến việc gặp lại Luke Upton - nhưng đáp lại mọi nỗ lực ấy chỉ là cái nhìn trống rỗng mà mẹ dành cho tôi.
Tôi để điện thoại mãi tít trên chiếc bàn cạnh giường, nên lúc này đành phải rời khỏi chăn ấm đệm êm để với lấy điện thoại. Cái điện thoại đáng thương bị khủng bố bởi cả ngàn tin nhắn của con bé Zoe vô cùng kiên định dù tôi không trả lời, nhưng buồn là không có bất kì tin nhắn nào của Luke. Không phải là tôi mong chờ một tin nhắn. Có thể chỉ phần nhỏ nào đó trong tôi mong đợi điều đó. Và đây là phần mà tôi vô cùng ghét khi ở trong một mối quan hệ tình cảm mới - xem anh chàng có chung cảm nhận với mình hay không mà không cần phải dính lấy nhau. Nếu Zoe mà là đối tượng trong mối quan hệ hẹn hò mới chớm nở theo kiểu của tôi, thì ắt hẳn là con bé sẽ bị đá đít vì phiền phức và bám lấy nhau quá mức.
Mình xin lỗi vì không trả lời điện thoại bữa hôm qua. Ghé qua đây dùng bữa sáng nhé?
Zoe lập tức trả lời lại. Hai mươi phút nữa sẽ có mặt.
Hai mươi phút thì tôi chỉ đủ thời gian thay quần áo và cố gắng chải gọn mớ tóc bù xù của mình thôi. Một dấu hiệu đặc trưng trong năm cuối cấp của tôi chính là phong cách ăn mặc khi đến trường ngày một ít quan trọng. Phần lớn đứa nào cũng thế, cứ đến trường thì diện quần jogger12 và áo phông, còn khi đi tiệc tùng nhảy múa thì trưng diện hết cỡ. Dẫu sao thì bản thân tôi cũng rất ủng hộ lối ăn mặc kiểu này.
Đánh răng rửa mặt xong xuôi thì tôi bắt đầu dùng lăn khử mùi rồi thay quần áo: quần soóc thể thao kết hợp với áo ba lỗ. Còn mái tóc thì không chịu sự an bài của tôi, cứ bù xù một mớ, lại còn những sợi tóc con mới mọc đâm tua tủa ra tứ phía nữa. Tôi xuống dưới nhà và lẩn vào bếp để xem trong chạn bếp còn gì ăn hay không. Ngoài ba hộp ngũ cốc đã gần hết ra còn có thêm mấy thanh ngũ cốc granola13. Trong tủ lạnh thì còn mỗi trứng đã hết hạn, sữa đậu nành, và phần đồ ăn Trung Quốc còn lại từ tối qua. Có lẽ nếu tôi thêm một ít si-rô vào món mỳ xào giòn Lo Mein thì chúng tôi cũng có được một bữa sáng tạm bợ.
12 Loại quần được cách tân từ quần thể thao truyền thống, thường có cạp quần bằng chun, gấu quần bo lại, rất thoải mái và dễ dàng vận động.
13 Một loại ngũ cốc phổ biến của người Mỹ.
Tuy là không còn nhiều đồ ăn, nhưng bù lại thì không thiếu cà phê. Ngay trên máy pha cà phê đã có sẵn một ấm cà phê mới được pha xong, dậy mùi thơm y như hương bánh quế ưa thích của mẹ. Loại này thơm ngon đến mức chẳng cần bỏ thêm sữa hay bất kì chất tạo ngọt nào nữa - mặc dù thể nào Zoe cũng bỏ thêm một chút. Cốc cà phê của Zoe lần nào cũng trở thành cái màu nhàn nhạt y như màu vỏ trứng hết hạn sau khi con bé bỏ đầy kem vào trong cà phê.
Lịch học tại trường DCC của tôi đang nằm gọn trên quầy bếp. Hôm nay tôi sẽ học tiết đầu tiên của hai môn Giải tích và Lý thuyết văn học. Nhắc đến cái môn Lý thuyết văn học mà bụng dạ tôi lại dội lên cảm giác vừa bồn chồn lại vừa hậm hực tức giận. Nếu không vì cái môn chết tiệt này thì tôi đã vào được trường Ohio lâu rồi. Tôi sẽ được tự lập, không phải chịu kiểm soát của ba mẹ nữa. Tôi sẽ làm họ hạnh phúc và tự hào về cô con gái của họ.
Chuông cửa reo, tôi gần như lao tới để mở cửa. Zoe ào vào từ cửa chính và ôm chầm lấy tôi. “Ôi Chúa ơi, kể cho mình mọi chuyện ngay đi!” Con bé la lên. Nó nóng lòng đẩy tôi ngược lại trong bếp khiến tôi bật cười. Con bé đặt mông ngay vào một chiếc ghế đẩu ở quầy bếp, chống khuỷu tay lên kệ, tay nghiêng ôm mặt.
“Ừm... nghe này. Anh bạn cùng làm ở hiệu sách với mình, Porter ấy, là bạn cùng phòng với Luke,” tôi bắt đầu.
“Không đời nào,” Zoe cảm thán.
“Còn không thể tin được hơn cơ,” tôi tiếp tục. “Luke xuất hiện ở hiệu sách ngay lúc bọn mình chuẩn bị đóng cửa, trong tay cầm theo hộp pizza, còn mình thì vô cùng xấu hổ khi hỏi anh ấy có phải là nhân viên giao hàng không. Rồi sau đó anh nói là anh mang pizza cho gã bạn cùng phòng đang sắp chết đói của anh ấy, chính là Porter đấy!”
“Đúng là định mệnh đã an bài rồi,” con bé nói.
“Đúng chứ?” Tôi nói. “Rồi sau đó Porter nói là hắn có hẹn hay là cái quái gì nữa ấy, nhưng tóm lại là hắn bảo hai đứa tụi mình nên cùng nhau xử gọn cái pizza ấy. Luke rất duyên dáng, quyến rũ và còn cảm thấy ngượng ngùng vì trước đó đã không nhớ ra mình là ai, rồi tụi mình hẹn hò ngay giữa hiệu sách.”
“Thật quá tuyệt vời!” Zoe kêu lên. Con bé còn làm bộ đập đầu xuống mặt bàn rồi giả khóc lóc sụt sùi. “Đúng là điều này xảy ra ngay khoảnh khắc bà quyết định theo học ở DCC. Thật là may mắn quá đi!”
“Mình nghĩ đây đúng là vận may thật,” tôi đáp. “Không thể tin là mình lại gặp nhiều may mắn đến thế sau cái sai lầm bất cẩn của mình. Điều này chưa bao giờ nằm trong kế hoạch của mình.”
“Người ta hay nói cái gì mà đóng cửa với mở cửa ấy nhỉ?” Con bé hỏi.
“Khi Thượng Đế đóng lại một cánh cửa thì chắc chắn Người sẽ lại mở ra một cái cửa sổ ấy hả?” Tôi đùa.
“Yeah, nhưng bà không mấy hứng thú với những gì liên quan đến Chúa, vậy nên ta hãy nói là năm nay các vì sao đã mỉm cười với bà rồi.” Con bé nhìn lên trần nhà rồi khua tay trong không trung. “Chúa ơi, người mà ban cho con một phần may mắn như cô ấy thì con sẽ rất biết ơn người.”
“Tin mình đi, may mắn này sẽ không được lâu đâu,” tôi nói. Tôi túm lấy ba hộp ngũ cốc từ chạn bếp và đặt trước mặt con bé. “Bà có muốn trộn cả ba loại ngũ cốc này với nhau không?”
“Miễn là không loại nào chứa nhiều chất xơ là được. Mình không tiêu hóa được đâu,” con bé đáp.
“Ngươi, Zoe Cabot, ngươi là cái đồ kén ăn muôn đời,” tôi nói.
“Rồi, rồi, mình sẽ cố.” Con bé cười.
Hai đứa chúng tôi xơi món ngũ cốc ấy bằng tốc độ cực đỉnh và húp cạn phần sữa trong đáy bát trước khi bỏ ra xe ô tô của Zoe. Một trong những đặc quyền mà tôi được hưởng khi trở thành bạn thân nhất của Zoe Cabot chính là chiếc xe của con bé. Trong khi tôi phải mượn xe của ba mẹ thì Zoe đã có xe riêng và toàn quyền sử dụng vì con bé tự bỏ tiền mua. Thậm chí con bé rất ít khi để mẹ nó lái xe nữa. Chiếc xe compact nhỏ màu xám này đã phải chịu đựng không biết bao nhiêu khổ sở khi phục vụ dưới trướng của Zoe, ví như đã có ba lần bác hàng xóm của con bé phải đẩy xe về nhà giúp nó. Và sau lần thứ ba ấy bác Carlson đã phải mặc kệ nó vì không còn sức đẩy xe được nữa.
“Thế hai đứa đã thành đôi chưa?” Zoe hỏi.
“Hẹn hò nghiêm túc á? Không,” tôi nói, cười mỉm. “Ít nhất là vẫn chưa.”
“Mong là hôm nay gặp được lão,” con bé rên rỉ. “Mình chưa được gặp mặt lão mà bà đã gặp đến cả bạn thân của lão rồi. Thế nên đúng ra là bà phải giới thiệu mình ngay mới phải.”
“Mình không muốn làm anh ấy phát hoảng chút nào,” tôi đáp.
“Ái chà! Mình đau lòng đấy, Danielle. Đấy là cách bà trả ơn người đã tìm ra bữa tiệc để cho hai người tái hợp đấy à? Bà đang mang ơn mình đấy,” con bé lên giọng.
Tôi huých tay con bé. “Tốt hơn hết là bà đừng có nói cho anh ấy những gì xảy ra đêm đó. Nếu không bà sẽ biết tay mình đấy nghe chưa.”
“Nào nào, Dan, tối hậu thư đe dọa kiểu đấy là không hay đâu,” con bé nói. “Và dĩ nhiên là mình sẽ không nói rồi. Mình không phải là đứa ngớ ngẩn đến mức ấy.”
“Cứ dặn trước thế cũng không thừa đâu,” tôi nói, dựa lưng vào ghế xe. Khuôn viên trường đã hiện ra trước mắt. Cách đây mới có một tuần, bãi đỗ xe vắng ngắt lưa thưa vài chiếc thì hôm nay gần như đã chật kín xe. Thật may vì còn một ô trống gần ngay lối vào, đỗ xe xong hai đứa tôi vội túm lấy cặp của mình. Đã không biết bao lần tôi đi qua trường Đại học Cộng đồng Denton này nhưng chưa bao giờ bản thân từng nghĩ qua việc sẽ theo học ở đây. Từ lúc lớn lên, ba mẹ tôi đã bơm vào đầu tôi cái điệp khúc rằng tôi sẽ lại tiếp bước truyền thống gia đình là theo học ở Đại học bang Ohio (và chỉ ngôi trường này mà thôi) và tôi, không biết đến bất cứ điều gì khác tốt hơn, cứ nghĩ rằng đó là nơi tôi thuộc về. Ai cũng nói với tôi rằng đó là định mệnh của tôi - rằng tôi sẽ lại theo chân ba mẹ. Và nhất là khi công việc của mẹ là giúp đỡ đám trẻ vào đúng môi trường đại học phù hợp, thì chẳng có lí do gì mà bạn không tin tưởng lựa chọn của bà cả.
Tiết đầu tiên của Zoe ở tận bên phía Đông của khu lớp học, còn của tôi ở phía Tây. Thế nên chúng tôi phải đường ai nấy đi, chia tay nhau bằng một cái ôm nhanh và chúc nhau may mắn trong ngày đầu tiên này. Tiết đầu tiên của tôi là tiết văn học. Cả đêm qua bụng dạ tôi nôn nao bồn chồn chỉ vì cái lớp này. Tôi đã lập ra một kế hoạch chi tiết trong đầu: Tôi sẽ đến lớp thật sớm để gặp giảng viên. Tôi sẽ hỏi về giờ hành chính và xin thầy cô bày cách để tôi trở thành người học trội nhất trong lớp. Tôi sẽ không để bi kịch mang tên Franco của kì trước lặp lại lần nữa. Dù cho tôi ghét nó đến mức nào đi chăng nữa thì tôi cũng sẽ hỏi xin sự giúp đỡ nhiều nhất có thể để qua được cái môn này.
Lúc tôi bước vào, phòng học vẫn trống rỗng, duy chỉ có thầy giảng viên trong đó, đang ngồi gác chân lên bàn, đọc báo và nhấp một ngụm cà phê trong cốc giấy. Tôi không nhìn thấy mặt thầy, bởi tờ báo đã che kín hết, đến tóc tai cũng không nhìn được. Tôi nhìn xuống thời khóa biểu mình đang cầm trong tay và đọc tên của thầy: Finn Harrisburg.
“Ờ... Thầy Harrisburg phải không ạ?” Tôi hỏi.
Tờ báo trước mặt thầy chầm chậm hạ xuống cho đến khi thầy nhìn vào tôi. Tôi còn nghĩ là kiểu gì thầy cũng sẽ nói mấy câu như “Xin chào” hay là “Đúng, tôi đây,” thế mà thầy chỉ nhìn chằm chằm vào tôi như thế, cách nhìn cũng thật lười biếng, uể oải.
“Em là Danielle Cavanaugh. Em là sinh viên lớp Văn học Anh của thầy ạ.” Tôi tiếp tục nói.
Thầy dịch chuyển cái ghế đang ngồi, đặt sấp báo xuống và liếc nhìn đồng hồ. “Ý em là cái lớp mà tận hai mươi phút nữa mới bắt đầu đấy à?”
“Thầy cũng biết là người ta hay nói thế nào rồi đấy ạ, đến sớm mới là đến đúng giờ,” tôi nói, cười một cách lo lắng và kèm thêm cả một hình ngoặc kép ngớ ngẩn.
“’Người ta’ là ai?” Thầy hỏi. Đôi mắt nâu nhỏ và sáng của thầy vẫn cứ nhìn chằm chằm vào tôi qua lớp kính, lông mày thì nhướn cao hơn để đợi chờ câu trả lời của tôi.
“Xem ra câu đùa này không có tác dụng rồi ạ.” Tôi nói. Điện thoại trong tay tôi rung lên, mồ hôi thì tích lại cả đống vì lo lắng, rồi không hiểu sao cái điện thoại rơi xuống sàn khiến tôi co rúm cả người. Tôi cúi xuống để nhặt nó lên thì phát hiện ra một góc màn hình đã nát bươm như mạng nhện. Thầy Harrisburg cũng bất đắc dĩ phải nhìn thấy vẻ mặt đau khổ tột độ của tôi khi nhìn xuống cái điện thoại. Đây sẽ là lần cuối cùng tôi cho phép mình mua một cái ốp nhựa rẻ tiền như thế ở trung tâm thương mại. “Xin lỗi thầy ạ. Em chỉ muốn giới thiệu về mình trước khi bắt đầu lớp học thôi ạ. Em... em sẽ chỉ ngồi đây đợi đến khi lớp học bắt đầu vậy.”
Thầy nhìn tôi ngồi xuống vị trí thứ hai ở dãy bàn đầu và lấy ra một cuốn sách từ trong cặp. Thứ duy nhất mà tôi mang theo là một cuốn hợp tuyển văn học thế kỷ 19 mà môn học này yêu cầu, và trang đầu tiên mà tôi mở ra là một bài thơ của Walt Whitman, trong đó ông miêu tả về cỏ cây và thiên nhiên mà tôi chẳng cảm được tí nào cả. Những câu chữ cứ nhảy nhót trước mặt tôi, còn tôi thì thầm hi vọng một bạn nào đấy trong lớp đến càng sớm càng tốt để giải cứu tôi khỏi cảnh kì cục này.
“Hôm nay chúng ta sẽ học về tác giả Hawthorne, nếu em thực sự muốn xem bài trước,” thầy nói từ phía sau tờ báo.
“Dạ vâng, em cảm ơn thầy ạ,” tôi đáp.
Trong lúc tôi đọc về chuyến phiêu lưu vào rừng sâu của một người đàn ông và cuộc chạm trán của ông với bầy ác quỷ, thì đám sinh viên ùa vào ngày một đông hơn. Tôi nhận ra một vài người quen từ hồi trung học, thắc mắc có khi nào họ cũng trượt môn của thầy Franco giống tôi. Đồng hồ đổ chuông lúc 10 giờ. Có tiếng ai đó ho khẽ, và thầy Finn Harrisburg nhìn lên từ tờ báo rồi lại nhìn đồng hồ trước khi bắt đầu lẩm bẩm. Thầy gập tờ báo rồi đặt vào trong ngăn bàn. Thầy viết lên bảng dòng chữ “Thầy Harrisburg” rồi sau đó quay xuống nhìn cả lớp.
“Tôi biết lớp học hôm nay sẽ kiểu gì rồi,” thầy bắt đầu nói. “Các anh chị sẽ ngồi nghe với một cái đầu rỗng tuếch, còn tôi huyên thuyên về một sấp giấy mà có lẽ chẳng bao giờ các anh các chị thèm đọc lại. Vậy nên chúng ta hãy bỏ qua phần đó và đi thẳng vào trọng tâm của môn học này. Tôi biết là hầu hết các anh chị đăng kí lớp này là vì nó là một trong những môn đại cương, chứ chẳng thiếu gì anh chị ngồi đây có ác cảm, thậm chí coi thường việc đọc và viết. Vậy thì để mở đầu tiết học, các anh các chị hãy nói cho tôi nghe xem mình ghét điều gì nhất trong Văn học Anh nào? Điều gì khiến các anh các chị sôi máu khi nghĩ đến nó? Mời em, cái em có điện thoại vỡ.”
Tôi phải mất một lúc mới định thần ra là thầy ấy đang nói đến tôi và cái điện thoại vỡ tan màn hình. Tôi hơi đỏ mặt rồi trả lời. “Em không có nhiều điều phàn nàn ạ.”
“Thôi nào, phải có điều gì đấy mà em ghét chứ,” thầy nói. “Ừm.. thơ chăng?” Tôi đáp.
“Hãy cụ thể thêm chút nữa,” thầy tiếp tục.
“Em không biết ạ,” tôi nói, mặt càng đỏ lựng. Bụng dạ tôi thì cực kì muốn chỉ ra bài thơ của Walt Whitman mà tôi vừa đọc lúc nãy đấy.
“Ắt hẳn phải có thứ gì đó về thơ ca khiến em ghét. Hãy nghĩ về điều đó. Nghĩ cả về người giảng viên - người đầu tiên bắt em đọc bài thơ đó. Điều gì khiến em ghét bỏ, thậm chí là căm thù?”
Tôi nghĩ lại về thầy Franco giao cho chúng tôi những tập thơ lớn bắt phải phân tích mỗi tối mà chẳng bao giờ hiểu nổi lấy một chữ, rồi sau đó đứng sát ngay bên cạnh tôi để đợi chờ một câu trả lời, bảo tôi phải suy nghĩ. “Em nghĩ là các nhà thơ chuyên chọn những cách khó khăn và lòng vòng nhất để giải thích ý của họ, trong khi chẳng mấy người hiểu được ý nghĩa của chúng ạ.
Thầy gật đầu. “Đúng rồi. Danielle, phải không nào?”
“Dạ vâng. Danielle Cavanaugh ạ.”
“Được rồi, em Danielle Cavanaugh, thần tượng của em là ai? Em có quen biết ai mà công việc và lối sống của người đó truyền cảm hứng cho em không?”
“Ừm...” Tôi cố gắng suy nghĩ.
“Tôi không muốn làm em tự gây áp lực cho mình,” thầy nói, vài đứa sinh viên cười khúc khích. “Khi trong đầu em xuất hiện một người nào đó, tôi muốn em tưởng tượng họ đang làm những việc mà họ làm tốt nhất. Em có thể làm điều tôi vừa yêu cầu chứ?”
Tôi nghĩ đến một nhà bảo tồn mà tôi đã từng gặp trong một dự án của trường khi còn học lớp chín. Tên cô ấy là Nancy Earl, và chỉ sau một ngày cùng cô ấy phân tích phấn hoa và cách giao tiếp giữa bầy ong, tôi đã bị thuyết phục đến mức còn định trồng cây suốt quãng đời còn lại để bảo tồn trái đất cơ đấy.
“Giờ thì hãy suy nghĩ tiếp, họ có từng cố gắng giải thích cho em những gì họ làm hay không?” Thầy hỏi.
Tôi gật đầu, hồi tưởng lại mức độ kính nể của chính mình khi nghe cô giải thích về mọi thứ cô làm. Tôi đã nghĩ rằng cô ấy là nhân vật ngầu nhất quả đất khi cô chỉ cho tôi xem tất cả những trang thiết bị của cô, và giải thích cho tôi những thứ tôi sẽ có được khi theo nghề này.
“Họ có giải thích rõ ý nghĩa cho em không?” Thầy lại hỏi.
Nhiều bạn trong lớp cười hơn, và tôi thấy rõ mặt mình càng ngày càng đỏ. “Chắc là có ạ.”
“Thế thì họ đang hại em rồi đấy,” thầy nói, kéo ra một chiếc ghế trước bàn tôi. “Em thấy không, khi mọi thứ được giải thích cặn kẽ, em sẽ mất đi những mảng ý nghĩa lớn. Chỉ khi nào em tự mình nghiền ngẫm và nghiên cứu thì những ý nghĩa mới mang đến cho em sự dội vang sâu sắc hơn.”
Tôi và thầy nhìn chằm chằm vào mặt nhau khoảng mười giây trước khi thầy Finn Harrisburg đứng dậy và đẩy chiếc ghế đang ngồi vào trong bàn, tạo nên một tiếng quệt sàn khá chói tai. Bây giờ thì tôi sôi máu thật, không phải vì bài thơ, hay thậm chí là thầy Franco. Thầy Franco có thể là một ông giáo khó tính và nghiêm khắc, nhưng gọi tôi đứng dậy phát biểu trước cả lớp ư? Chưa bao giờ xảy ra việc ấy. Thầy Finn Harrisburg quét mắt khắp phòng lần nữa và ánh mắt thầy dừng lại ở tôi một thoáng trước khi thầy cười.
“Ai tiếp theo nào?”
***
Tôi về đến nhà thì đã nghe giọng mẹ nghiêm nghị gọi điện cho một chuyên viên phòng tuyển sinh. Tôi quăng chiếc cặp sách trên quầy bếp và túm một thanh kẹo ngũ cốc từ trên chạn bếp. Xem chừng thanh kẹo đã đến ngày hết hạn, nhưng vì quá đói nên tôi đã bất chấp mà xơi nó ngon lành. Tôi vẫn đang bốc hỏa vì thầy dạy văn, dù tôi đã ca thán với Zoe về sự đáng ghét của thầy suốt dọc đường về. Thầy cứ liên tục hỏi cả lớp những câu hỏi khác nhau về Văn học Anh rồi quay ngược lại nhận xét đầy chế giễu rằng chúng tôi đã nhìn nhận sai lầm về nó như thế nào. Thậm chí có lúc thầy còn đổ lỗi cho những trải nghiệm của chúng tôi trước đây đã khiến chúng tôi mang đầu óc hạn hẹp đến thế. Thật là xúc phạm người khác một cách quá đáng mà. Thậm chí thầy Harrisburg đã khiến cả lớp ghét bỏ và giận dữ nhiều đến mức mà tôi không biết liệu sẽ còn bao đứa trở lại lớp học vào thứ Tư nữa.
Tôi nằm dài trên sofa, mở điện thoại ra để kiểm tra lịch xem ca làm tiếp theo ở hiệu sách là khi nào. Tôi và Porter sẽ chung ca làm ngày mai, bụng tôi lại rộn rạo. Anh ấy sẽ nói gì về chuyện giữa tôi và Luke đây? Cá là anh ta sẽ lại trêu chọc tôi vì cuộc đoàn tụ kì quặc ngay trước sự hiện diện của hắn.
Cánh cửa văn phòng của mẹ bật mở, và lần đầu tiên trong cả tuần dài vừa qua hai mẹ con tôi mới có dịp ở riêng với nhau như thế. Bà đã quá thành thục trong việc tránh mặt tôi, và tôi cũng không hi vọng đụng mặt bà. Có lẽ trong hoàn cảnh này nếu bà tuyệt nhiên phớt lờ tôi thì sẽ không ra dáng một bà mẹ tí nào, nên bà đứng cạnh bên ghế tôi đang ngồi.
“Ngày đầu tiên của con thế nào rồi,” bà hỏi.
“Cũng ổn ạ,” tôi đáp. “Giáo viên môn Văn học Anh của con có hơi nghiêm khắc một chút, nhưng con mong đây sẽ là lớp học tốt.”
Điện thoại của mẹ đổ chuông, và bà liếc nhìn điện thoại. Chắc chắn rồi.
“Mẹ phải nhận cuộc điện thoại này,” bà nói. “Chúng ta sẽ nói chuyện kĩ hơn trong bữa tối.”
“Lại thế rồi,” tôi đáp. Mẹ quay trở lại văn phòng và tim tôi như chìm nghỉm.