Du lịch cộng đồng gắn với các bản dân tộc là một trong những nội dung của Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó làng văn hóa du lịch Lô Lô Chải ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn là một điểm đến điển hình.
Chặng đường dài hơn 150km từ thành phố Hà Giang đến cao nguyên đá Đồng Văn thật kỳ ảo. Đó là con đường khúc khuỷu, cua tay áo liên chi hồ điệp, chạy men theo các triền núi đá cao sừng sững, một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Càng đi, con đường càng trở nên kỳ diệu với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, rợn ngợp mà nên thơ.
Đầy huyền tích
Lô Lô Chải nằm dưới chân núi Rồng, nơi có cột cờ Lũng Cú, đỉnh chóp nón cực Bắc của Tổ quốc, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, cách thị trấn Đồng Văn 24km. Thôn nằm phía trái ngay cạnh con đường rải đá dẫn từ cột cờ Lũng Cú ra cột mốc 422 trên biên giới Việt Nam – Trung Hoa. Những người già kể lại, thôn được hình thành từ khoảng cuối thế kỷ XVII đầu thế kỉ XVIII là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Lô Lô hoa nên mới có tên là Lô Lô Chải (chải là nơi ở), sau này mới có một số gia đình người H’mông đến cư trú. Hiện nay, thôn có 96 hộ gia đình với 453 nhân khẩu, trong đó người Lô Lô chiếm đến 86 hộ, 371 người. Phong cảnh Lô Lô Chải rất đẹp, tựa lưng vào núi cao nhìn ra có thung lũng rộng, có núi trước mặt chắn gió, có núi hai bên làm tay ngai, có suối róc rách uốn quanh, có hồ nước tự nhiên rộng hơn 2.000m2 để điều hòa khí hậu, đất màu mỡ nên hoa cỏ bốn mùa tươi tốt, lúa, ngô, đậu… bội thu, trâu, bò, gà, lợn, dê… béo tốt.
Lô Lô Chải trước tiên là một bảo tàng kiến trúc truyền thống. Người Lô Lô và người H’mông ở đây đều làm nhà trình tường, tường đất dày từ 40cm, mái lợp ngói máng. Nhà đầu tiên nằm ở bên trái đường vào thôn là của gia đình anh Sình Dỉ Gai, sinh năm 1976, trưởng thôn. Đây là nhà du lịch cộng đồng được nhiều người tìm đến. Anh Gai làm nhà trình tường này từ tháng 10 năm 2015. Dựng cái khung nhà bằng gỗ lên rồi bắt đầu trình tường đất. Đất sét vàng, đất thịt nâu lấy ở chân núi sau nhà, người gùi đất về đổ vào khuôn gỗ, bốn người đứng hai đầu khuôn lấy chày nện kỹ càng cho đất nhuyễn, nèn chặt; nhấc khuôn lên lại có người tiếp sức lấy bay vỗ, miết cho phẳng. Hơn chục người làm một tháng mới xong nhà. Nhà được trình tường chắc chắn, bề thế, ấm áp vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hè. Những vì kèo gỗ làm khá đơn giản, với ba hàng cột (cột chống nóc, cột quân tiền và thường trốn cột quân hậu); có kết cấu xà ngang, xà dọc và kèo gỗ gác lên đầu cột. Tuy nhiên, nó được gác trên một khung tường bằng đất nên ngôi nhà rất vững chắc. Gỗ làm nhà là các loại gỗ tốt mọc trên núi đá rất khỏe và bền như thông đá, sa mộc... Theo kiến trúc truyền thống, nhà thường chỉ làm ba gian, không có trái và chỉ có hai vì kèo gỗ, hai đầu hồi trốn cột, kèo gác ngay lên tường. Nhà chỉ có một cửa chính ở gian giữa và một cửa phụ ở gian bên trái để đi ra vườn. Một gian ở giữa với hai gian hai bên. Gian bên phải là chỗ ở của ông bà, bố mẹ, gian giữa dành tiếp khách và tổ chức đám cưới, đám ma. Gian trái là chỗ ở của con trai, con dâu, con rể. Trên gác thì dành cho khách khi ở lại và để ngô, đậu, sắn… Nhà anh Gai làm để đón khách du lịch nên có bốn phòng riêng, bốn phòng tập thể, chứa được 40 khách. Hằng tuần từ thứ Năm đến Chủ nhật nhà anh Gai đều có du khách cả trong nước và ngoài nước đến ăn uống, ngủ nghỉ. Ai đến cũng được gia đình niềm nở đón tiếp, hướng dẫn trải nghiệm văn hóa bản địa.
Đi khắp thôn, khách thích thú với những ngôi nhà trình tường đẹp và đậm bản sắc. Không chỉ nhà trình tường đẹp mà đến tường bao quanh nhà bằng đất trình hoặc đá xếp, đá xây cũng níu chân du khách. Tường vững chãi với nắng mưa không chỉ che chắn cho gia chủ suốt bốn mùa mà còn là nơi để hoa cỏ đua nở, sinh sôi, gọi chim, bướm, ong đến làm tổ, hút mật. Đẩy cánh cổng gỗ bước vào sân, bên gốc cây đào, cây mơ, cây mận… là những dây phơi váy, áo, quần, túi hoặc sặc sỡ của người Lô Lô hoa, hoặc xanh, đen của người H’mông. Những hàng kèo ở hiên nhà giăng đầy những túm ngô, đậu vàng ươm… Cả một bức tranh hài hòa, đầy màu sắc.
Quán cà phê Cực Bắc của gia đình anh Dìu Dỉ Chiến, 39 tuổi, – chị Lục Thị Vấn, 38 tuổi, là một điểm đến yêu thích của bất cứ ai đặt chân đến Lô Lô Chải. Ngồi uống trà ở hiên nhà, bà Mùng Thị Guối, 76 tuổi, bác gái của anh Chiến, chỉ tay lên ngọn núi trước mặt kể với tôi câu chuyện truyền thuyết. Chuyện rằng núi Vua ở thôn Lô Lô trước kia cao hơn cả núi Rồng, năm nào đá cũng nở hoa, đây là một trong bốn cửa ngõ của Đồng Văn. Khi thực dân Pháp đánh chiếm Lô Lô Chải, chúng phạt bằng đỉnh núi để xây lô cốt. Lúc phạt núi có một đôi chim trắng bay đi và máu chảy suốt một tuần. Từ đó, người Lô Lô nghèo.
Truyền thuyết về địa thế đất, về những long mạch, về ý nghĩa của những tên đất, tên làng luôn ăn sâu vào tiềm thức của người dân và họ luôn kể cho khách nghe với tất cả sự thân tình, huyền hoặc. Đến nay các cụ cao niên trong làng vẫn thường kể cho con cháu về truyền thuyết rồng thiêng. Nơi rồng thiêng xuất hiện được gọi là núi Rồng (chính là nơi có cột cờ Lũng Cú ngày nay), hai hồ nước hai bên chính là long nhãn, tức là mắt của rồng. Người làng Lô Lô được núi Rồng che chở, được hồ là mắt rồng cung cấp nước, từ vài ba hộ nay đã trở thành ngôi làng trù phú. Lũng Cú là tên gọi theo tiếng Lô Lô, còn gọi là Long Cư, nghĩa là nơi rồng ở. Chuyện kể rằng, xưa kia một con rồng từ trên trời bay xuống và đậu trên ngọn núi cao nhất của khu vực. Rồng say sưa ngắm cảnh núi non hùng vĩ và rất hài lòng về điểm ngụ cư này. Song có điều làm nó động lòng trắc ẩn, đó là nơi đây rất thiếu nước sinh hoạt, bà con nhân dân vô cùng cực khổ. Vì vậy, trước khi về trời, nó đã để lại đôi mắt cho dân làng như một nguồn nước cho cuộc sống sinh sôi nảy nở. Từ đôi mắt của rồng để lại đã biến thành hai hồ nước trong xanh quanh năm và không bao giờ cạn. Một hồ thuộc làng Lô Lô, hồ kia thuộc làng Thèn Ván của người H’mông.
Từ cây chăn nuôi thành cây du lịch
Tam giác mạch là loài cây thân mềm, khi mới trổ hoa li ti màu trắng hoặc phớt hồng, cánh hoa chụm lại thành hình chóp nón, có ba mặt hình tam giác. Đây là một loại cây bình dị trên cao nguyên đá, người dân vẫn trồng cây chez (tên gọi khác của tam giác mạch) để nuôi gia súc, gia cầm. Sau mùa thu hoạch lúa nương hoặc ngô vào tháng 7, tháng 8, để đất khỏi trống đến mùa gieo trồng năm sau, đồng bào vãi hạt tam giác mạch để lấy rau chăn nuôi. Cây tam giác mạch sẽ vẫn ngủ yên như thế nếu không có một ngày, những bạn trẻ đi du lịch tình cờ nhận ra vẻ đẹp vừa mộc mạc, vừa quyến rũ của những cánh đồng hoa đẹp mắt ở cực Bắc của Tổ quốc. Rồi mạng xã hội, truyền thông đã phong vương miện cho loài hoa này thành một biểu tượng của miền sơn cước. Và các lãnh đạo tỉnh Hà Giang, nắm ngay cơ hội, đưa tam giác mạch từ một loài cây giản dị, lặng lẽ trở thành “cây du lịch”. Nó được đưa vào cả Nghị quyết về phát triển du lịch của tỉnh Hà Giang.
Hoa tam giác mạch đang trở thành cây trồng thế mạnh trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh và mang lại nguồn thu nhập khá lớn cho người dân địa phương. Năm 2015, thực hiện chủ trương của tỉnh, các cấp chính quyền đã vận động bà con gieo trồng cây hoa tam giác mạch để làm cảnh quan du lịch và được hỗ trợ về giống, phân bón. Trước đây, diện tích đất canh tác của đồng bào ở bốn huyện vùng cao nguyên đá huyện Đồng Văn chủ yếu để trồng ngô một vụ hoặc hai vụ trong năm, năng suất đạt bình quân từ 4 tấn/ ha đến 5 tấn/ ha, thu nhập từ 18 triệu đồng/ ha đến 22 triệu đồng/ ha, trừ chi phí còn lãi 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Năm 2015 với chủ trương trồng hoa của tỉnh, các hộ trồng tam giác mạch có thu nhập từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng. Mỗi vụ tam giác mạch chỉ cần thời gian hai tháng rưỡi và quan trọng là thời gian trồng tam giác mạch chính là thời kỳ đất rỗi. Nếu trước kia bà con chỉ trồng để lấy hạt chăn nuôi gia súc, thì nay đã có đầu ra, hạt bán cho người thu mua về làm bánh, thân cây làm rau ăn; du khách đến tham quan, chụp ảnh cũng mang lại thu nhập cho người dân. Đây chính là lợi ích rõ rệt nhất của việc phát triển loài cây này.
Nhằm tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với Đồng Văn, huyện cũng đã xây dựng kế hoạch trồng cây cảnh quan, hoa tam giác mạch theo mùa dọc theo các trục đường chính, tại các điểm tham quan; có cách làm riêng trong việc sản xuất, chế biến những sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương như nấu rượu, làm bánh, kẹo từ bột tam giác mạch, nấu món ăn (canh, xào) từ rau tam giác mạch… Và năm 2015, không chỉ chờ đến lễ hội hoa tam giác mạch, suốt từ đầu tháng 10, những đoàn du khách từ khắp các nơi rầm rộ vượt đèo lên cao nguyên đá. Từng đoàn du khách đứng, ngồi, nằm tạo dáng trong ruộng hoa tam giác mạch để lưu lại những bức ảnh đẹp. Nhiều người đi Hà Giang còn mang những túi hạt tam giác mạch về tặng bạn bè, người thân. Nhiều địa phương ở miền Bắc cũng bắt đầu học Hà Giang, trồng tam giác mạch để tạo cảnh quan, thu hút khách du lịch.
Trong bữa cơm ấm cúng ở nhà anh Sình Dỉ Gai, chúng tôi ồ lên khi thấy có rượu tam giác mạch và rau tam giác mạch nấu canh. Anh Gai cười tươi tắn bảo: “Chụp ảnh hoa tam giác mạch nhiều rồi, tối nay các anh, chị uống rượu tam giác mạch, ăn rau tam giác mạch xem có ngon không.” Quả là hương vị đặc trưng, rau tam giác mạch mềm, thơm, ăn rất mát; còn rượu nấu từ hạt tam giác mạch thì uống êm và thơm. Hôm sau ra về, anh Gai còn gói cho chúng tôi cả cân hạt tam giác mạch mang về gieo trồng để nhớ Hà Giang. Vậy là chúng tôi đã có đã có một tour trải nghiệm đủ các cung bậc của cây tam giác mạch.
Ông Hoàng Văn Kiên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, hồ hởi: “Năm 2015, mùa hoa tam giác mạch ở bốn huyện cao nguyên đá đã trở thành chất xúc tác thu hút du khách trong và ngoài nước. Kết thúc năm 2015, lượng khách du lịch đến với Hà Giang đạt trên 762.600 lượt người, tăng 8,9% so với kế hoạch năm và tăng 17,3% so với năm 2014. Trong đó, lượng khách quốc tế đạt 145.789 lượt; khách nội địa là 616.833 lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 708 tỉ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2014, công suất sử dụng phòng bình quân ước đạt từ 70% đến 75%.”
Hài hòa thì bền vững
Khai thác tiềm năng du lịch địa phương, nâng cao đời sống nhưng không làm mất đi bản sắc truyền thống; bảo tồn được nét đẹp văn hóa truyền thống của người Lô Lô và dùng chính nét đẹp này để hấp dẫn du khách, phát triển kinh tế du lịch chính là mục tiêu phát triển của người dân nơi đây.
Chuyện người hiền Nhật Bản
Quán cà phê Cực Bắc của gia đình anh Dìu Dỉ Chiến, 39 tuổi, chị Lục Thị Vấn, 38 tuổi, là một điểm đến yêu thích của bất cứ ai đặt chân đến thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Để có được không gian ấn tượng ấy là tâm huyết, công sức và tiền bạc của một người đàn ông Nhật Bản.
Tôi quen ông Yasushi Ogura khi thấy trên tài khoản Facebook của một người bạn tag ông vào chùm ảnh cả nhóm chụp ở hai ngôi nhà ở thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, nơi tôi vừa dẫn khách đến ở mấy ngày và trở về. Xem ảnh, thấy ông hiền và lại mê thích văn hóa dân tộc như mình nên tôi gửi lời mời kết bạn. Ông chấp nhận, vào xem những ảnh tôi mới đăng về nơi ông đang lưu lại, ông bấm nút “thích” rồi nhắn tin cho tôi “Em cũng đang tìm hiểu văn hóa Lô Lô à?” Chúng tôi bắt đúng sóng và dần trở nên thân tình.
Hóa ra, thôn Lô Lô Chải, nơi tôi bắt đầu say mê, cũng đã in dấu ấn của người hiền Nhật Bản này. Ông Yasushi Ogura sinh năm 1957, người Tokyo, Nhật Bản.
Lần đầu tiên ông sang Việt Nam là năm 1995. Chuyến du lịch một tuần ở Thành phố Hồ Chí Minh năng động, Thành phố Cần Thơ sông nước mênh mông, hoa trái tốt tươi và con người hiền hòa nơi ấy đã thu hút ông. Vậy là từ đó, Việt Nam trở thành điểm đến hằng tháng của người đàn ông làm công tác quản lý nhân sự ở một công ty kế toán này. Ông quyết tâm học tiếng Việt và mỗi tháng sang Việt Nam từ một tuần đến hai tuần để đi thăm thú khắp nơi. Rồi ông tìm thêm được một công việc hữu ích. Mỗi lần sang ông đều thu xếp thời gian dạy tiếng Nhật cho các trung tâm ngoại ngữ ở thành phố Hà Nội để có cơ hội đóng góp cho Việt Nam, được trau dồi vốn tiếng Việt từ các học viên cũng như kiếm thêm chút thu nhập.
“Nước Nhật chỉ có một dân tộc, còn Việt Nam có đến 54 dân tộc và dân tộc nào cũng có những nét văn hóa đặc sắc. Điều ấy làm tôi rất thích thú”, ông Yasushi Ogura tâm sự. Hà Giang trở thành điểm đến thường xuyên của ông cũng bởi lý do ở đây có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và có tới 22 dân tộc cư trú. Yêu mảnh đất địa đầu Tổ quốc Việt Nam, yêu bức tranh văn hóa đa dạng của các dân tộc và năm 2014, ông chính thức gắn bó với mảnh đất của người Lô Lô dưới chân cột cờ Lũng Cú. “Ở Việt Nam, tôi thấy người Dao, người H’mông, người Tày… có nơi lưu giữ và quảng bá văn hóa của dân tộc mình nhưng người Lô Lô thì chưa. Hằng ngày có rất nhiều du khách nước ngoài lên tham quan cột cờ Lũng Cú mà không biết tìm đâu ra một quán cà phê đẹp để ngồi ăn uống, nghỉ ngơi, thư giãn.” Làm từ thiện không gì bằng hỗ trợ kiến thức để người dân cùng tham gia và thay đổi cuộc đời. Thế là ý tưởng hỗ trợ người Lô Lô ở thôn Lô Lô Chải mở một quán cà phê kiêm nơi bảo tồn văn hóa dân tộc và giới thiệu văn hóa Lô Lô đã hình thành trong ông. Đi khắp thôn, ông thấy nhà anh Chiến – chị Vấn có địa thế phù hợp nhất để làm quán cà phê.
Gia đình anh Chiến có năm anh em và có người không đồng ý khi ông Yasushi Ogura chia sẻ về ý tưởng của mình. Ông Ogura bình tĩnh, nhiệt tâm thuyết phục gia đình vượt qua ngại ngần. Ông đầu tư 200 triệu đồng để mua sắm đồ đạc, xây hai phòng vệ sinh tự hoại. Ông đón một cô gái từ Hà Nội lên Lô Lô Chải một tuần để dạy chị Vấn những câu giao tiếp tiếng Anh thông dụng; dạy chị cách pha cà phê, trà, nước chanh, cách phục vụ bàn... Dần dà, các thành viên trong gia đình cũng tăng phần tự tin.
Ở một bản heo hút nơi cực Bắc của Tổ quốc mà có một quán cà phê đẹp để ngồi thư thái ngắm núi non trùng điệp với nhà trình tường đất, tường đá, cổng gỗ, đến cái chuông gọi đồ uống cũng chính là chuông treo trên cổ trâu, bò, dê v.v… và thưởng thức những cốc cà phê, ấm trà…, xem dệt thổ cẩm, đan lát, nấu rượu… do người Lô Lô tự tay làm và trò chuyện thân tình với những con người hiền lành chân chất này, thật là thú vị!
Quán cà phê Cực Bắc là điểm dừng chân không thể thiếu của các du khách khi đến tham quan cột cờ Lũng Cú. Vừa đến chỗ rẽ vào lối lên cột cờ, du khách đã nhìn thấy tấm bảng chỉ dẫn rất ấn tượng của quán với hai cô gái Lô Lô hoa cười tươi tắn, duyên dáng. Ông Yasushi Ogura chia sẻ: “Du khách khi đến quán cà phê Cực Bắc sẽ góp phần giúp người dân khai thác tiềm năng du lịch địa phương, nâng cao đời sống nhưng lại không làm mất đi bản sắc. Bảo tồn được nét đẹp văn hóa truyền thống của người Lô Lô và dùng chính nét đẹp này để hấp dẫn du khách; phát triển kinh tế du lịch chính là công cụ bền vững để người dân địa phương nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần. Từ đó, những nét đẹp, những giá trị của người Lô Lô, của Đồng Văn sẽ ngày một phát triển và có cơ hội bảo tồn trong tương lai.”
Sau quán cà phê Cực Bắc, ông Yasushi Ogura lại hỗ trợ 95 triệu đồng để gia đình anh Sình Dỉ Gai dựng nhà trình tường rộng hơn 540m2 để làm du lịch cộng đồng, cũng với mục đích từ thiện, làm tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Nhớ có lần đã hẹn gặp ông Yasushi Ogura ở Lô Lô Chải mà cuối cùng tôi lại bận. Tôi nhắn tin trên Facebook xin lỗi và tỏ ý tiếc nuối, ông nhắn lại an ủi: “Em cứ ưu tiên công việc của mình đi nhé. Tháng nào anh cũng sang Việt Nam mà”. Quả vậy, điều mà cháu Hạnh, chị Vấn, chị Xuyến, anh Gai… ở Lô Lô Chải mong chờ nhất là hằng tháng, cứ tầm từ ngày mùng 10 trở đi là ông Yasushi Ogura lại sang Việt Nam, đi khắp thôn để khi thì chỉ vẽ cho nhà này phương pháp làm ăn, cách thức giao tiếp với khách, cách bày biện mâm cơm, hỗ trợ nhà kia kinh phí chuyển chuồng bò ra xa nhà ở để bảo đảm vệ sinh và cảnh quan… Tháng nào người đàn ông hiền lành ấy cũng bay từ Tokyo sang Nội Bài, đi hai chặng ô tô và một chặng xe ôm để lên đến Lô Lô Chải. Hành trình đằng đẵng và vất vả, nhưng ông bảo chỉ cần thấy việc làm của mình giúp ích được cho bà con là bao mệt nhọc tan biến hết.
Ông Sình Dỉ Pai, 60 tuổi, thầy cúng trưởng của thôn Lô Lô Chải, khi nghe tôi hỏi thăm ông Ogura thì cười sảng khoái bảo: “Ô, ông Nhật ấy ở Lô Lô Chải suốt mà. Ông ấy theo tôi đi khắp thôn thăm nhà dân, chụp ảnh trống đồng, xem dệt quần áo… Ai cũng quý ông ấy.”
Biến văn hóa thành tài sản
Cảnh đã đẹp, người ở Lô Lô Chải càng hay. Anh Gai tự hào khoe: “Người Lô Lô rất ham học, nhiều người tốt nghiệp đại học. Người ở thôn Lô Lô đi (làm) cán bộ nhiều nhất trong tám thôn của xã.” Bố mẹ mất sớm phải ở với chú, nhà nghèo nên anh Gai chỉ học hết lớp tám. Nhưng rồi anh mày mò tự học, năm 2002 làm khuyến nông viên của xã, từ năm 2006 đến nay làm trưởng thôn. Nhanh nhạy, ham làm nên khi thấy có nhiều khách du lịch đến tham quan thôn, anh Gai đã nắm bắt cơ hội khai thác mô hình du lịch cộng đồng.
Vốn văn hóa, tài sản du lịch của thôn rất phong phú. Tập quán canh tác của đồng bào đã là một sản phẩm du lịch độc đáo. Các dân tộc ở đây chủ yếu làm nương rẫy và làm ruộng bậc thang, với mô hình thổ canh hốc đá, xen canh gối vụ và luân canh. Nương là loại hình canh tác phổ biến nhất của người Lô Lô. Nương có nhiều loại phân biệt theo từng phương thức canh tác: nương dùng gậy chọc lỗ, nương cuốc (ở nơi có độ dốc cao), nương cày (đất bằng). Loại nương phổ biến của người Lô Lô là thổ canh hốc đá. Sống ở vùng núi đá vôi, đất đai để trồng trọt rất hiếm nên người Lô Lô đã biến những hốc đá cằn cỗi thành những vạt ngô xanh tốt. Qua kỹ thuật canh tác, chúng ta có thể biết được tri thức bản địa của họ, ví dụ, họ nhặt đá trên nương xếp vào khe giữa các mô đá ngăn thành gờ nhỏ giữ đất cho từng hốc, từng mảnh khỏi xói mòn khi mưa lũ. Hằng năm, cứ vào cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai âm lịch, đồng bào bắt đầu đi cuốc thổ canh hốc đá. Họ thường chia thành từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm bốn người: người đi đầu cuốc bổ hốc, người tiếp sau tra hạt, người thứ ba bỏ phân và người cuối cùng lấp lỗ. Việc bổ hốc tốn nhiều sức lực hơn các khâu còn lại nên đàn ông thường đảm nhận việc này; còn đàn bà, người già yếu và trẻ con đảm nhiệm những thao tác tiếp theo. Mỗi hốc ngô được trỉa từ ba hạt đến năm hạt, để đề phòng bị chuột hay sâu bọ phá hoại. Nương thổ canh hốc đá thường được trồng xen canh các loại cây khác nhau. Ngoài làm nông nghiệp, người Lô Lô còn làm một số nghề thủ công truyền thống như làm ngói máng, làm mộc, thêu thùa, chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình.
Trang phục của dân tộc Lô Lô độc đáo, đa dạng sắc màu và cầu kỳ hoa văn trang trí. Trang phục của nam giới là quần đen với áo đen thân dài đến trên đầu gối, xẻ tà hai bên, cài cúc bên nách phải. Nam giới thường chít khăn trên đầu, dắt mối khăn phía sau gáy. Với phụ nữ Lô Lô đen, họ mặc áo cổ vuông chui đầu có các mảng hoa văn hình chim vòng quanh thân áo. Tay áo rộng được ghép bằng nhiều vòng vải màu khác nhau. Áo kết hợp với váy và mảnh vải hình chữ nhật dài trùm phía sau hông, xà cạp quấn chân... Phụ nữ Lô Lô hoa lại mặc áo cánh cổ tròn, xẻ ngực. Tay áo được ghép bằng các vòng vải màu khác nhau. Khác với nhóm Lô Lô đen, phụ nữ Lô Lô hoa lại mặc quần ống trang trí hoa văn. Dù có điểm khác nhau nhưng bộ trang phục nữ giới của hai nhóm này đều rất đẹp, được làm rất công phu, trang trí các loại hoa văn như hình tam giác, hình vuông, hình quả thảo quả… Bộ trang phục nữ Lô Lô được kết hợp với những đồ trang sức bằng bạc, nhôm. Trang phục Lô Lô rất khó làm, chăm chỉ thì hai năm đến ba năm mới xong. Màu đỏ đầu tiên, rồi đến màu trắng, màu hồng. Quần của nam giới và nữ giới giống nhau, chỉ khác là quần nam giới chỉ dùng thắt lưng, không có yếm phía sau như nữ giới. Bộ trang phục truyền thống vì làm thủ công cộng với trang sức làm bằng bạc nõn nên giá có khi lên tới hàng chục triệu đồng.
Người Lô Lô có câu ca:
Người đẹp nhờ vải đẹp
Vải đẹp có hoa thêu
Thêu cho người cho đời
Đẹp cho làng cho xóm
Đẹp cho họ, cho hàng
Sống để thiên hạ khen
Chết cho tổ tiên mừng...
Phong tục tập quán và tín ngưỡng dân gian truyền thống của người Lô Lô độc đáo nhất phải kể đến lễ tổ tiên. Đây là một nghi lễ cổ truyền của người Lô Lô, điển hình là người Lô Lô ở thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, thường được tổ chức hàng năm vào ngày 14 tháng 7 âm lịch. Theo phong tục của người Lô Lô, khi gia đình có người chết từ ba năm đến bốn năm, người con trưởng trong gia đình sẽ lập bàn thờ tổ tiên (ông tổ “dùy khế”) và rước hồn lên bàn thờ, lập bài vị (miếng gỗ hình người) để thờ cúng. Người Lô Lô cho rằng tổ tiên là những người thuộc các thế hệ trước, đã sinh ra mình và chia thành hai hệ: tổ tiên gần (dùy khế) - các ông tổ ba đời đến bốn đời và tổ tiên xa (pờ xi) - những ông tổ từ đời thứ năm hoặc thứ sáu trở đi. Các gia đình Lô Lô thường lập bàn thờ tổ tiên ở sát vách của gian giữa, đối diện cửa chính, có những hình nhân bằng gỗ, được cắm hoặc cài ở vách phía trên bàn thờ để tượng trưng cho linh hồn tổ tiên. Tuy mỗi gia đình đều có ban thờ tổ tiên, nhưng lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô thường được tổ chức tại nhà trưởng họ (thầu chư) và được dòng họ chuẩn bị trước cả năm. Theo lệ, khi làm lễ, trưởng họ sẽ là người đứng ra sắm lễ, các gia đình trong dòng họ đóng góp theo khả năng. Lễ vật bắt buộc phải có để dâng cúng tổ tiên gồm: một con bò, một con lợn, một con gà, xôi, rượu, tiền vàng (phíu khí), đèn dầu, đôi trống đồng.
Khi dòng họ có kế hoạch làm lễ, trưởng họ phải trực tiếp đi mời thầy cúng (trừ khi trưởng họ là thầy cúng) và cử một người đàn ông trong họ đi mượn trống đồng về để làm lễ. Đây là bảo vật linh thiêng của cộng đồng, luôn có đôi, chiếc trống đồng cái (giảnh đú) luôn là chiếc trống to, còn trống đực (giảnh kê) là chiếc trống nhỏ hơn; đôi trống chỉ được đem ra đánh khi có lễ hội lớn trong cộng đồng, dòng tộc. Sau đó, họ mời nghệ nhân đánh trống đồng đến nhà trong lễ cúng tổ tiên, mời và nhờ người hóa trang thành người rừng để múa nghi lễ. Khi hóa trang xong, ma cỏ sẽ nhảy lễ cho đến khi kết thúc lễ cúng tổ tiên. Trong nghi lễ cúng tổ tiên hay lễ cúng tang ma cho người đã khuất của người Lô Lô bắt buộc phải có người nhảy lễ trong trang phục ma cỏ. Họ quan niệm rằng ma cỏ là nguồn cội của tổ tiên nên ngày nay khi làm lễ, muốn tổ tiên về được thì phải có ma cỏ dẫn đường, làm cầu nối giữa con cháu trên trần gian với tổ tiên. Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô gồm ba phần chính: lễ hiến tế, lễ tưởng nhớ và lễ tiễn đưa.
Ngoài ra, những nghi lễ, hội hè của người Lô Lô như hôn nhân, tang ma, lễ cầu mưa, lễ cúng thần đất sau khi cấy lúa, lễ cúng cơm mới sau khi gặt lúa, Tết Nguyên đán, Tết Thanh minh, Tết Đoan ngọ v.v… cũng rất đa sắc. Anh Sình Dỉ Gai, trưởng thôn Lô Lô Chải, cho biết: “Hiện nay, thanh niên đi học hết rồi, ít quan tâm đến việc bảo lưu và gìn giữ văn hóa dân gian của dân tộc Lô Lô. Chúng tôi bây giờ vẫn cố gắng truyền dạy cho thế hệ trẻ các phong tục tập quán của dân tộc Lô Lô. Các điệu múa dân ca, dân vũ như múa tra hạt, múa đi nương, múa làm cỏ, múa hát lúa, múa vui được mùa, múa nhớ về cội nguồn, múa cúng rừng, múa dệt vải, hát mừng năm mới, hát mừng đám cưới đang được truyền dạy cho trẻ nhỏ.”
Cảnh quan đẹp, vị trí thuận tiện, người dân vẫn giữ được những nét văn hóa đặc sắc, thuận lợi trong việc kết nối với nhiều tuyến, điểm tham quan du lịch tại các địa bàn trong xã cũng như các xã lân cận trong huyện (như cột cờ Lũng Cú, chợ phiên Phố Cáo, nhà Pao và cánh đồng hoa tam giác mạch ở thôn Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là, cánh đồng hoa Ma Lé mọc trắng các sườn đồi, dãy núi, con đường… nên Lô Lô Chải có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng.
Hằng năm, thôn thu hút gần một nghìn lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ ngơi. Thôn đã xây dựng nhiều mô hình mới nhằm phát triển dịch vụ, du lịch. Thôn đã xây dựng được ba nhà nghỉ cộng đồng, ba nhà nấu ăn chuyên phục vụ khách du lịch. Tích cực xây dựng các tiêu chí nông thôn mới, 100% hộ gia đình trong thôn đều có nhà kiên cố, sân và nền nhà được đổ bê tông, hoàn thành tiêu chí nhà sạch, vườn đẹp…