Yêu thích nghề làm khèn và được tổ đãi nên một ông già người H’mông sống tít tắp trên đỉnh núi chọc thủng mây mù ở cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang vẫn được Nhiều người đến thăm. Thật đúng là “Phú tại thâm sơn hữu viễn thân” (Giàu nơi núi thẳm lắm người thăm). Ông không giàu tiền giàu bạc mà giàu nghề làm khèn, giàu tri thức.
Nghề chọn người
Sủng Trái là một trong những xã nghèo nhất của huyện Đồng Văn. Há Pia lại là thôn nghèo nhất, xa xôi nhất của xã Sủng Trái. Và người chúng tôi đi tìm lại ở trên chòm xóm xa nhất, cao nhất của thôn Há Pia. “Ở đấy chưa có điện, phải đi bộ nửa tiếng đồng hồ.” Nghe anh Ly Mí Pó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Xã Sủng Trái nói vậy, tôi càng háo hức giục anh lên đường.
Đang bon bon chạy trên đường bê tông thì xe máy kêu đánh khục một cái. “Mất một đoạn đường xấu đấy,” Pó cảnh báo. Xe nhảy tưng tưng, lục cục dằn bên này hắt bên kia. “Một đoạn” của Pó nói cũng mất đến hai ki-lô-mét. Nhưng vào đến trụ sở thôn và điểm trường mầm non, tiểu học thì chúng tôi phải bỏ xe lại bên vệ đường. Hai chúng tôi bắt đầu cuốc bộ trên những lối mòn giữa biển đá tai mèo cứ lên cao mãi. Con đường như trải thảm bởi hoa bạc hà tím, hoa cúc kim trắng, hoa cải vàng, hoa dền đỏ, hoa ngũ vị xanh… Muôn sắc ngàn hoa gọi ong bướm dập dờn. Đẹp mê man! Nửa giờ sau, đang cắm cúi nhìn đường để đặt hai bàn chân vào những khe đá cho khỏi trượt ngã, xếp hai tay để dưới rốn (không vung vẩy hai tay khi bước cũng là một cách tiết kiệm sức mà tôi học được của người H’mông khi leo núi), tôi dừng chân nghỉ, ngửa mặt nhìn lên thì thấy cả một rừng trúc xanh um. “Sau rừng trúc này là đến rồi. Gióng trúc để làm ống khèn, tháng Hai, tháng Ba thì có măng ăn ngon lắm,” Pó chỉ bày. Tôi gật gù tấm tắc: “Ông lão này thật khéo chọn nơi ở, đã tiện cho công việc lại còn đẹp.”
Chúng tôi dừng chân trước một ngôi nhà nằm ở trung tâm xóm bảy nhà, bao bọc xung quanh bởi rừng trúc xanh um mọc trên núi đá tai mèo xám ngắt. Đúng chất của người H’mông, cư trú ở những nơi “giáp trời”, đó là những đỉnh núi cao chọc thủng mây mù. Ngôi nhà rất đẹp làm theo kiến trúc H’mông truyền thống với bờ rào đá, cổng gỗ, lối đi lát đá tảng, tường trình đất, mái lợp ngói âm dương… Ấy là nhà ông Lầu Chá Của, người H’mông xanh, nghệ nhân làm khèn nổi tiếng nhất xã Sủng Trái. Ông Của đang ngồi bên hiên nhà làm khèn, trên vách treo mấy chiếc khèn đã hoàn thiện, quanh chỗ ông ngồi nào đe, búa, bào, dao, gỗ thông đá, gióng trúc… Đang bào thanh gỗ thông đá làm bầu khèn, thấy khách đến, ông Của niềm nở đứng lên lấy ghế, nước, rượu, điếu cày mời chúng tôi ngồi chơi rồi vừa làm vừa nói chuyện vui vẻ. Ông nói hoàn toàn bằng tiếng H’mông.
Ông Của năm nay 69 tuổi. Như bất kì người đàn ông H’mông nào khác, mê thổi khèn nên năm 14 tuổi, ông mua một chiếc khèn về thổi. Đi chợ, đi đám ma, đi chơi hội thì mang khèn đi thổi rồi học mỗi người một ít. Ông thổi khèn hay rồi, lại như có duyên tiền định khi xung quanh nhà Của cơ man nào là cây thông đá, trúc, tê già - những thứ cần thiết để làm khèn. Khi không thổi, người H’mông treo khèn lên vách nhà, nhà thì tối, khèn thì nhiều ống, nhiều lỗ nên nhện, ong thường chui vào làm tổ. Trong một lần lấy khèn xuống, Của thấy tổ ong, tổ nhện giăng đầy mấy ống khèn nên ông phải dỡ tung cái khèn ra rồi rửa sạch. Từ lần ấy, ông Của nảy ra ý định tập làm khèn.
Quơ tay về phía những ống trúc vàng đặt quanh mình, ông Của tay cầm con dao quắm sắc lịm, tay nâng niu từng gióng trúc lên, nhẹ nhàng gõ sống dao vào từng đoạn ống, tai nghiêng nghiêng lắng nghe, mắt nheo nheo, mặt đăm chiêu, cẩn trọng đến thành kính. “Cái ống to nhất và ngắn nhất này để giữ nhịp, còn mấy ống to nhỏ khác thì cho tiếng cao, thấp”, ông giải thích.
Khèn H’mông có sáu ống với độ dài ngắn khác nhau, lắp xuyên qua một bầu gỗ. Phần trên của đầu bầu gỗ thuôn nhỏ, nối với một ống trúc khác tạo thành ống thổi. Trên mỗi thân ống trúc nằm ngang có một lưỡi gà nhỏ bằng đồng nằm ở chỗ cắm qua bầu gỗ, gần đó, phía bên ngoài bầu gỗ là lỗ bấm. Muốn tạo ra âm thanh của ống nào, người ta bịt tay vào lỗ bấm của ống đó, thổi hơi vào khiến lưỡi gà rung lên phát ra âm thanh. Lúc hít hơi vào lưỡi gà cũng bị tác động tạo thành tiếng. Tùy theo mức độ dài ngắn, to nhỏ mà các ống có âm thanh khác nhau. Riêng ống ngắn nhất và ống dài nhất có hai lưỡi gà song song phát ra đồng âm. Khi thổi, dù bịt hay mở lỗ thì khèn đều tạo ra âm thanh. Kỹ thuật sử dụng khèn H’mông cơ bản là những thế bấm như vỗ, vê, ngắt, láy rền, đánh chồng âm, hợp âm và hòa âm...
Để có được một chiếc khèn đúng kiểu, nghệ nhân phải trải qua nhiều công việc kỳ khu mà việc nào cũng cần nhiều tâm huyết và tài hoa.
Gỗ thông đá và ống trúc sau khi chọn, được sơ chế rồi gác lên gác bếp để sấy khô, vừa chống mối mọt, cong vênh khi dãi dầu mưa nắng, vừa để có độ chính xác cao khi khoét gióng và khi đưa vào thân khèn được khít, không lọt gió. Sau khi phơi trên gác bếp một thời gian, thanh gỗ thông đá được bào nhẵn, cưa đôi, khoét rỗng, đục lỗ rồi ghép lại làm chiếc bầu (hộp cộng hưởng). Những gióng trúc được khoét một miếng nhỏ (khía rãnh hai đầu) cách mấu 3cm để cài miếng lưỡi gà (bờ lài) bằng đồng. Tôi tỉ mẩn đo thấy độ dài của ống trúc ngắn dài đủ loại: 25cm, 30cm, 45cm, 70cm, 75cm, 100cm. Thấy vậy, đang thổi thử từng ống trúc phát ra những tiếng tênh, tênh, pì, pè…, ông Của dừng lại bảo: “Quan trọng là thử âm rồi cắt gióng dài ngắn tùy mình.”
Trong chiếc khèn H’mông quan trọng nhất ở cái lưỡi gà (bờ lài). Công việc chế tác bờ lài rất vất vả: phải chọn loại đồng nguyên chất, nấu chảy, dát thành lá mỏng rồi dùng lưỡi của một con dao nhỏ sắc lẹm rạch thành những đường thẳng tắp để chia tách, tạo khe. “Khó nhất trong việc làm khèn là khi gắn miếng bờ lài vào ống trúc (trà xông), vì nó quyết định chất lượng tiếng khèn. Gắn chuẩn thì tiếng khèn hay, gắn lệch một chút là tiếng rè ngay,” ông Của đúc kết. Thế nên gắn được một miếng lưỡi gà, ông phải thổi thử cả chục lần, từ nhẹ đến mạnh làn hơi, để thẩm âm, chỉnh từng li từng tí mới được âm chuẩn, thanh thoát. Sau khi lắp ống trúc vào bầu khèn, ông lấy sợi dây tê già quấn quanh khèn, vừa tạo thêm độ chắc chắn, vừa để trang trí. Kỳ công là thế nên để hoàn thành một cây khèn, trung bình, nghệ nhân lão luyện Lầu Chá Của phải mất cả một ngày trời.
Cây khèn tốt là khi thổi lên phải thấy được tâm hồn của người thổi lẫn người làm ra nó. Phải thực sự yêu thích mới có thể làm ra một cây khèn ưng ý. Chỉn chu, sáng dạ như ông Của mà cũng mất cả năm trời mới thành thục mọi việc để làm ra một chiếc khèn đẹp. Còn chuyện có tạo ra được những tiếng khèn hay nhờ đôi tai tinh tế khi thẩm âm hay không thì phải mất thêm hai năm nữa..
Làm khèn là công việc đặc biệt, Ông Của chỉ làm khi thấy bứt rứt trong ruột, không làm không chịu được hoặc khi có khách đến tận nhà đặt hàng, ông uống rượu nói chuyện với người ta rồi mới bắt tay vào làm. Thế nên mỗi chiếc khèn của ông đều là độc bản. Khắt khe thế nên năm 2017 vừa rồi ông chỉ làm 40 chiếc khèn, cỡ nhỏ bán từ 1,5 triệu đồng/cái đến 2 triệu đồng/cái, cỡ lớn bán từ 3,5 triệu đồng/cái đến 4 triệu đồng/cái.
Cũng vì khắt khe nên suốt 55 năm theo nghiệp “chắp tiếng gió gửi lời thương lời nhớ”, ông Của mới dạy cho bốn học trò, thế mà hai người đã chết rồi. Người học trò sáng dạ nhất của ông là ông Sềnh Phái Sính, người H’mông ở xã Vần Chải, huyện Đồng Văn. 61 tuổi ông Sính mới đến nhà ông Của xin học nghề. “Được ông Của chỉ bảo cẩn thận, nhất là chỉnh âm (việc khó nhất) nên học một tuần là tôi làm được một cái khèn mang ra chợ bán,” ông Sính cho biết. Nhắc chuyện người học trò đặc biệt này, ông Của vui sướng như câu chuyện của chính mình năm nào. Nghề này phải thích thì mới học được, thế nên dù có ba người con trai nhưng chưa ai thích học làm khèn, ông cũng không buồn.
Anh Ly Mí Pó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Sủng Trái, cho biết: “Làm khèn bán cho khách du lịch thì không khó và có nhiều người làm3. Nhưng làm khèn để bán cho người H’mông đi thổi đám ma, đám cưới, thổi chơi… thì ở đây chỉ có ông Của làm tốt nhất. Khèn của ông thổi hay mà dùng hàng chục năm không hỏng.”
3 Giá bán từ 200.000 đồng/cái đến 500.000 đồng/cái.
Lưu giữ tri thức văn hóa, ký ức dân tộc
Suốt cả giờ bào, đục, khoét, vót, cưa…, người đã mỏi, ông Lầu Chá Của nghỉ tay, gỡ cái khèn treo trên vách xuống thổi chơi. Tiện thể tôi thổ lộ rằng muốn nghe bài khèn mời cơm sáng trong đám ma của người H’mông - một trong những bài khèn mình rất thích. Ông lão cười tươi tắn, hiền hậu rồi ngậm ống thổi, lấy hơi, thổi. Những tiếng ve ve, pì pè, pặp pặp, pừ lê lê, pừ từ từ... vang lên, bay lượn, da diết, thủ thỉ tâm tình:
Hỡi người chết Pù Ka Na
Đã đến lúc bày cơm sáng rồi
Pù Ka Na người hãy dậy đi
Để nhận lấy chín chén trà, chín chén nước, ba chén đầy, ba chén vơi
Kẻo mà ngựa ma lại nhận ăn
Kẻo mà ngựa vằn lại nhận uống
Ngươi hãy mau mau dậy mà ăn sáng đi…
Những bài khèn trong đám ma của người H’mông là những bài khèn hay nhất, thể hiện đầy đủ hành trình về với tổ tiên: bài ca chỉ đường, bài ca tắt thở, khèn tắt thở, khèn lên ngựa, bài ca lên ngựa, khèn cơm sáng, bài ca cơm sáng…
Truyền thuyết về chiếc khèn của dân tộc H’mông à? Chuyện rằng, xưa lắm, nhà họ Giàng có sáu anh em. Tất cả đều giỏi thổi sáo. Hằng ngày, tiếng sáo của họ đan vào nhau vi vút, êm ru, xao xác như cây rừng gặp gió, véo von tựa chim ca trên đỉnh núi, ào ạt như thác đổ trong rừng thẳm. Lễ cúng cơm mới, hội gầu tào, những đám ma, đám cưới…, dân làng đều mời sáu anh em đến thổi sáo góp vui. Sau này, mỗi người đều lập gia đình nên không mấy khi đủ mặt khiến tiếng sáo trở nên lạc điệu. Họ bèn bàn nhau làm một thứ nhạc cụ hợp nhất: người anh cả nghĩ ra cái bầu, anh hai nghĩ ra ống dài, anh ba, anh tư, anh năm, anh sáu nghĩ ra những ống tiếp theo. Tất cả sáu ống tượng trưng cho sáu anh em, dài ngắn khác nhau rồi ghép lại qua chiếc bầu. Họ đặt tên là kềnh (khèn), khèn sáu ống ra đời từ đó.
Khi được thổi, nhạc cụ độc đáo ấy phát ra nhiều tầng âm thanh quyến rũ lạ kỳ. Thứ âm thanh huyền ảo ấy cứ quện lấy mây, gió và núi rừng hùng vĩ. Cây khèn như biểu tượng của chàng thanh niên văn võ song toàn. Người thổi khèn vừa phải chau chuốt âm thanh, vừa phải múa những thế võ đẹp mắt. Tiếng khèn được vang lên nhiều nhất vào dịp lễ hội, trai gái người H’mông bén duyên nhau cũng nhờ tiếng khèn. Con gái H’mông 15 tuổi, 16 tuổi đã biết đi theo tiếng gọi của khèn, nếu ưng thuận, cô sẽ đáp lại bằng tiếng kèn lá rồi lặng lẽ tìm đến:
... Ơ này anh chàng
Anh từ đâu ra
Núi rừng bao la
Sẽ kết đôi ta thành đôi vợ chồng.
(Dân ca H’mông)
Khi đó, tiếng khèn của chàng trai thổn thức đáp lại:
... Đôi ta hát với nhau đêm nay
Hát với nhau một ngày
Mai có phải chia tay
Ta mới ưng cái bụng...
(Dân ca H’mông)
Và rồi bên bạn tình, giọng khèn ngân lên tình tứ:
… Kìa mưa cho hoa nở tươi
Kìa nắng cho hoa buồn khô
Gặp nàng, anh vui lắm
Bên nàng, anh yêu mãi cô nàng ơi…
(Dân ca H’mông)
Tiếng khèn là tiếng lòng của đàn ông H’mông đa cảm, đa tình.
Chiếc khèn là nhạc cụ không thể thiếu được trong đời sống của người H’mông. Nó được sử dụng rất đa dạng: thiêng liêng trong bản nhạc nghi lễ, hoan hỉ khi chúc tụng, vui chơi, réo rắt khi gọi bạn, nỉ non khi buồn khổ, đơn côi…
Chiếc khèn có khi thổi đệm cho người hát các bài dân ca, có khi bắt nhịp cho các vũ điệu mạnh mẽ. Hình ảnh thân thương nhất của cây khèn mà ta thường gặp trên những nẻo đường miền ngược là trên lưng núi, bên bờ suối, dưới bóng mát của tán cây rừng…, cô gái che ô cho chàng trai thổi những bài khèn mê đắm, để rồi: “Vang vọng núi rừng tiếng khèn gọi bạn/ Điệu múa khèn nghiêng ngả tán ô đen.”
Theo ông Nguyễn Trùng Thương, nhạc sĩ – nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang: Khèn H’mông chỉ có sáu ống ngang nhưng thổi được bảy nốt trên khuông nhạc. Nó là nhạc cụ đa thanh, âm sắc có nhiều chất kim, hơi rè nhưng mạnh mẽ. Âm vực của nó trong vòng một quãng tám, mỗi ống chỉ phát ra một âm thanh. Một số nghệ nhân đã cải tiến loại khèn H’mông thành tám ống, chín ống hoặc vẫn giữ nguyên sáu ống nhưng làm khóa bịt mở lỗ bấm để tạo thêm nhiều âm hơn và âm vực rộng hơn. Tiếng khèn có thể một lúc phát ra đa âm, nhiều bè vang xa trầm hùng như tiếng của gió ngàn, của suối reo, chim kêu, vượn hót, tiết tấu theo nhịp 4/4 hoặc 2/4. Có tới 360 bài khèn. Hầu hết những tri thức văn hóa và ký ức dân tộc H’mông đều được lưu giữ trong các bài khèn. Nó phân thành bốn loại: sơ nhạc, tiểu nhạc, trung nhạc và đại nhạc, chủ yếu thể hiện toàn bộ đời sống tâm linh; chỉ có một phần nhỏ mang tính văn nghệ.
Cây khèn đồng thời là đạo cụ múa có cấu tạo phù hợp với dáng khum người và các thế quay, nhảy. Cũng có thể nhiều chàng trai H’mông cùng nhau múa khèn trên bãi cỏ, mảnh đất bằng phẳng với những vũ đạo đẹp mắt, những bước nhún, bước đo, bước quay hoặc vừa ôm khèn vừa lăn mình trên đất. Những nghệ nhân múa khèn điêu luyện có thể biểu diễn nhiều kiểu độc đáo: múa khèn trên một gốc cây lớn cưa bằng, trên bốn chiếc cọc trồng hình vuông, trên cây gỗ tròn bắc qua suối. Các nhà nghiên cứu thống kê được có tới 33 động tác, tổ hợp múa khèn như: nhảy đưa chân, nhảy lưới, quay đổi chỗ, quay tại chỗ, quay di động, vờn khèn, quay cầu, quay gót, chọi gà v.v… Trong đó, kiểu chủ đạo là quay hất gót tại chỗ và quay hất gót di động trên vòng quay lớn rồi thu hẹp dần theo hình xoáy chôn ốc. Cây khèn mạnh mẽ mà nên thơ, hoang dã và gần gụi như chính cuộc sống khoáng đạt, đa cảm của người H’mông vậy.
Giàu hay nghèo thì người đàn ông H’mông cũng nổi tiếng với cây khèn. Nếu kiếm sĩ không thể thiếu cây kiếm thì người đàn ông H’mông cũng như vậy với cây khèn. Nhà dân tộc học Doãn Thanh từng nhận xét: “Đời sống H’mông không thể thiếu lời ca tiếng hát”, “nghe nhạc mà đủ hiểu mọi tình ý, điều này gần như thành bản năng của mọi thanh niên nam nữ, của mọi người H’mông”. Nhà nghiên cứu dân tộc học âm nhạc Hồng Thao thì miêu tả kỹ càng: Hãy cứ xem cách một chàng trai H’mông tìm người yêu là đủ thấy tiếng hát với tộc người này có vị trí quan trọng lạ lùng đến thế nào. Chàng trai H’mông truyền thống thường tìm bạn đời bằng cách trổ tài khéo thổi khèn, sáo vào buổi đêm, nơi bìa rừng gần nhà cô gái mình yêu. Tiếng khèn, sáo theo gió bay đi, là sứ giả tình yêu đến chinh phục trái tim cô gái. Hay có khi, nơi phiên chợ, hội lễ, chàng trai H’mông cứ đứng thổi khèn, biểu diễn, vây quanh là đoàn người thưởng lãm, nhất là các cô gái H’mông luôn chăm chú lắng nghe, tập trung “thẩm âm” cái tâm hồn và tài nghệ của chàng trai. Nếu tiếng khèn, đàn môi… của chàng hay, đủ khơi lên trong lòng em niềm rung động, thiết tha, gõ đúng cái mạch ngầm âm ỉ chảy nơi đáy tim cô gái, thì cô gái H’mông ấy sẽ kết bạn với chàng.