Nơi nào có đông người H’mông cư trú cũng đều sôi động và đặc sắc những chợ rượu. Nhưng rượu nhiều và đặc sắc nhất là ở chợ huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Đến độ người H’mông ở đây tự hào khoe: “Cả chợ uống say cũng không hết rượu”.
Những quán rượu suông
Chợ Mèo Vạc họp Chủ nhật hằng tuần ở một thung lũng rộng bốn bề núi đá bao quanh thuộc thị trấn Mèo Vạc. Dãy hàng rượu tụ vòng quanh chợ, họp thành bốn, năm khu, dài phải đến 500m. Có khu bán rượu theo can, người bán cho can rượu 20 lít vào quẩy tấu gùi đến chợ, người có nhiều thì chở rượu đến bằng xe máy, mỗi xe bốn, năm can.
Đó là thế giới của phụ nữ. Người nọ nối tiếp người kia xếp những can rượu thành hàng ngang dài ngay ngắn trước mặt rồi úp cái quẩy tấu xuống làm ghế ngồi hoặc có người ngồi luôn lên một can rượu. Tay mỗi người đều cầm sẵn một cái muỗng nhựa, sâu lòng. Khi có người đi qua, họ tươi cười, giơ tay vẫy, cất tiếng chào mời: “Mua rượu đi!” Khi có người dừng lại, rẽ vào, người bán nhanh tay thò muỗng vào miệng can múc một muỗng rượu đưa mời. Khách đưa tay đón, nhìn, đưa lên mũi ngửi rồi đưa xuống miệng nhấp một ngụm, ngậm một chút để hơi rượu xông lên mũi, vị rượu thấm vào đầu lưỡi, lan ra cả khoang miệng rồi mới từ từ nuốt xuống cổ họng. Rượu chảy xuống đến đâu ruột ấm đến đấy. Chỉ lúc ấy người khách mới gật gù hoặc lắc đầu, rồi à lên khen hoặc ề xuống chê:
- Gắt thế.
- Mới nấu mà. Mai là êm thôi.
Ưng và khen thì hỏi giá:
- Bán bao nhiêu?
- Rẻ thôi mà, 30 nghìn.
- 20 nghìn thôi.
- Ố, không được đâu. Rượu ngon mà.
- Thế thì 25 nghìn.
- Được rồi, bán cho nhanh. Lấy bao nhiêu?
...
Mặc cả được giá thì bán, người mua bao nhiêu thì đưa can, người bán lấy cái ống truyền nước cắm vào can rượu của mình hút sang đong cho đủ. Rượu trao, tiền nhận rồi bắt tay cười nói vui vẻ. Người không thích rượu, không ưng giá thì lại bỏ sang hàng khác. Đi khảo hết cả mấy dãy hàng rượu có khi khách uống cả nửa lít, nóng bừng mặt chứ chẳng đùa!
Đi khắp chợ mua bán, thăm thú đã mệt, người đói thì vào khu bán hàng ăn trong lồng chợ ăn bát phở, bát mèn mén, bát tẩu chúa, bát tiết nấu, bát thắng cố rồi rủ nhau đi uống rượu. Một nét đặc sắc của các phiên chợ ở cao nguyên đá Hà Giang là chợ nào cũng có những quán rượu suông. Ở đó, những người phụ nữ bán hàng chỉ kê mấy chiếc bàn ghế gỗ, nhựa, bày mấy chai rượu, mấy cái chén đáy bằng đặc trưng lên mặt bàn, cùng lắm là thêm mấy chai/lon nước ngọt, mấy chai/lon bia chứ không có bất cứ đồ nhắm bán kèm nào. Những quán rượu suông ở chợ Mèo Vạc nằm rải rác mỗi nơi vài điểm, nhưng tập trung nhất là khu chợ bò, lợn, gà, dê, chó và khu chợ chim họa mi. Đơn giản là vì đi buôn bán, xem đại gia súc và chim họa mi là công việc quan trọng và yêu thích của bất cứ người đàn ông H’mông nào.
Điều đặc biệt ở những quán rượu suông ở chợ Mèo Vạc cũng như các chợ ở cao nguyên đá là không chỉ có đàn ông ngồi uống rượu mà phụ nữ cũng ngồi uống cùng chồng, bạn chồng hoặc mấy người phụ nữ rủ nhau ngồi uống rượu. Họ vừa tước lanh vừa uống rượu, cũng bá cổ, khoác vai, cũng khề khà ngồi uống cả giờ, nói lớn, cười to... rất sảng khoái. Nhưng đã 11 giờ, nắng chang chang, ở quán rượu của chị Vừ Thị Mỵ, 37 tuổi, người H’mông ở thôn Tìa Chí Dùa, thị trấn Mèo Vạc, tôi thấy có hai người phụ nữ một già một trẻ đang uống rượu nhấm nháp với nỗi buồn. Người phụ nữ trẻ vừa uống rượu vừa khóc tấm tức. Người lớn tuổi hơn thì cứ để cho cô ấy tựa vào vai mình, nhẫn nhịn nghe lời tâm tình, nghe cả tiếng khóc, thi thoảng rót một chén rượu đưa sang, đồng cảm, nhân ái.
Một cái bàn, vài cái ghế đặt bên lề đường, trên vỉa hè, có hoặc không có ô che là đủ hấp dẫn để mời mọi người bắt đầu cuộc vui. Tiếng H’mông, Dao, Giáy, Tày, Hoa, Kinh... hòa vào nhau; người đi cứ đi, người mua bán cứ mặc cả bán mua; xung quanh tiếng bò ò ò, dê be be, lợn eng éc, chó gâu gâu, gà cục cục... tạo thành một cảnh tượng ồn ã, huyên náo đặc trưng.
Trong số hàng nghìn con người xoay tròn trong khu chợ rực rỡ, náo nhiệt, rộn ràng, ước tính mỗi phiên chợ Mèo Vạc có 200 phụ nữ bán rượu. Một người bán ít thì 10 lít, nhiều thì cả trăm lít rượu, lượng rượu tiêu thụ lên đến cả vạn lít. Tôi thấy cả những chiếc xe bán tải, xe tải mang biển số Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc... lên mua rượu chở về xuôi. Thế nên anh Ly Mí Chá mới tự hào rằng “cả chợ uống say cũng không hết rượu” để khoe về việc “trên trời dưới rượu” ở chợ quê mình.
Nét văn hóa độc đáo
Người H’mông là dân tộc thiểu số có dân số đông nhất ở tỉnh Hà Giang, với hơn 200.000 người, chiếm 1/3 số người H’mông trên cả nước. Thế nên những nét văn hóa đặc sắc nhất của người H’mông đều có ở Hà Giang. Ở đâu có người H’mông là ở đó có chợ rượu, nhưng những quán rượu suông thì chỉ có ở tỉnh Hà Giang. Ngoài chợ Mèo Vạc, những phiên chợ rượu nổi tiếng ở cao nguyên đá là các chợ huyện, họp Chủ nhật hằng tuần như: Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh; các chợ xã, họp sáu ngày một phiên, phiên sau lùi một ngày so với phiên trước, tính theo lịch âm, như: Lũng Phìn (ngày dần, thân), Phố Cáo (ngày thìn, tuất), Sà Phìn (ngày tị, hợi), Phó Bảng (ngày ngọ, tí), Lũng Cú (ngày mùi, sửu), Khau Vai (họp vào sáng các ngày mùng 2, 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch)...
Gặp nhau ở chợ Lũng Phìn, anh Mua Dũng Pó bảo tôi: “Có con gà nó bị đau cổ, tối xuống nhà mình uống rượu nhé!” Mời nhau đến uống rượu mà hài hước và thanh tao đến thế thì tôi không đến sao được.
Anh Pó, sinh năm 1982, người H’mông trắng ở thôn Sủng Trái A, xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Nấu rượu là nghề gia truyền của người H’mông. Bố anh Pó, Mua Phái Sính lại giỏi nghề nức tiếng trong vùng, thế nên ngay từ nhỏ, Pó đã phụ giúp bố nấu rượu và học nghề. Đến năm 17 tuổi thì anh đã tự nấu rượu được. Rượu nhà anh nấu ra đến đâu người ta đến tận nhà mua hết đến đấy, không phải mang đi chợ bán bao giờ. Nhưng như bất cứ người H’mông nào, phiên chợ nào anh cũng đi, khi để mua bán bò, khi chỉ để chơi và uống rượu với bạn.
Men rượu anh tự làm, gồm củ riềng, gạo nếp, ngô nếp già, quả ớt và một số loại lá cây rừng. Cho tất cả các loại thảo dược vào cối đá giã nhỏ, ủ một tuần rồi đun kỹ lấy nước; ngô và gạo giã thành bột rồi đổ nước thuốc vào trộn đều, nắm thành từng quả to như quả trứng vịt mang phơi nắng cho khô rồi cất lên gác bếp để dùng dần. Sau mỗi vụ thu hoạch ngô, anh Pó chọn ra những bắp ngô ngon nhất, hạt chắc, màu vàng óng, được trồng từ 6 tháng đến 7 tháng trên núi cao, phơi khô rồi chất lên gác bếp. Khi cần nấu rượu, anh mang ngô xuống tuốt lấy hạt, quạt sạch, cho vào chõ gang đổ nước vào luộc khoảng 12 giờ, đến khi hạt ngô chớm bung thì đổ ra nia tãi mỏng cho nguội. Tiếp đến là trộn đều ngô với bột men. Cứ 10kg ngô trộn với hai đến ba quả men, trộn quá nhiều hoặc quá ít men thì rượu cũng sẽ không ngon. Bóp quả men ra thành bột trộn đều với ngô rồi cho vào thùng ủ từ 10 ngày đến 23 ngày. Đổ ngô đã ngấu men vào chõ gỗ lớn, mỗi chõ chứa được ba sinh ngô (một sinh bằng 1,4kg), đặt lên chảo gang, nấu trong bốn giờ là được thứ rượu thơm nức.
Muốn rượu ngon, người nấu phải để lửa cháy đều, liên tục, lửa to thì rượu bị khê, lửa nhỏ quá thì rượu không chín. Phải luôn tay điều chỉnh lửa, và tiếp thêm nước vào chảo dưới chõ. Mỗi tuần anh Pó nấu hai nồi rượu. Mỗi nồi nấu ba sinh ngô được 18 đến 19 lít rượu. Rượu ngô sau khi nấu để từ năm ngày đến bảy ngày cho rượu dịu xuống thì uống mới ngon, uống ngay rượu sẽ nồng, gắt. Nếu trữ rượu bằng chum sành để trong góc tối thì càng lâu càng ngon, lúc đó rượu uống mát, êm.
Rượu ngon nên anh Pó bán 600.000 đồng một xách (can 20 lít), trong khi đó những người nấu rượu khác trong vùng thường chỉ bán được 450.000 đồng một xách. Rượu của anh Pó chỉ lấy tầm 30 độ C, lại ủ với men lá nên uống rất êm, ngon. “Vui quá uống say thì cũng không khát nước, sáng hôm sau ngủ dậy cũng không đau đầu”, anh cho biết.
Gia đình anh Pó là một trong những hộ có đời sống kinh tế khá ở địa phương. Một năm nhà anh trồng 11kg ngô giống, nuôi hai con bò, hai con lợn, vài chục con gà, vịt, ngan. Ngô để người ăn (làm mèn mén), để nấu rượu, bã rượu dùng nuôi gia súc, gia cầm, lõi ngô để đun, cây ngô để cho bò ăn. Cây ngô gắn bó không thể tách rời với đời sống của người H’mông. Hết tháng 11 là nhà hết ngô, anh Pó cũng dừng nấu rượu. Anh không mua ngô ở chợ vì sợ người ta không trồng trọt, bảo quản cẩn thận như mình, có người còn phun thuốc chống mọt cho ngô nhanh khô và bóng hạt. Không bị mọt ăn thì đỡ hao ngô nhưng như thế chất lượng lại không bảo đảm, hại sức khỏe người dùng. Phần nữa là người H’mông là vậy, nấu rượu để tận dụng thực phẩm trong nhà chứ không ham làm lớn rồi cái gì cũng đi mua. Anh cho biết, theo phong tục, nồi rượu đầu tiên nấu trong năm không được bán, chỉ để uống và mời khách. Theo kinh nghiệm của anh, “Rượu chuẩn là nhìn trong, ngửi thơm, châm lửa đốt cháy nhưng thổi tắt lửa uống không thấy khét.”
Người H’mông ở tỉnh Hà Giang sống ở độ cao từ 1.000 m đến gần 3.000 m so với mực nước biển nên nước rất hiếm. Rượu ngô là thức uống thân thuộc hằng ngày và trong cả các nghi lễ của người H’mông. Đến nhà người H’mông nào ta cũng sẽ được mời uống chén rượu. Nước trà có thể không có nhưng rượu ngô thì không thể thiếu. Anh Ly Mí Pó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Xã Sủng Trái cười hiền đúc kết: “Vào thôn mà không uống chén rượu, không hút điếu thuốc lào thì không nói được chuyện gì”.
Người H’mông ủ ngô với men lá rừng rồi nấu rượu để uống hằng ngày, bã rượu để nuôi gà, vịt, ngan, lợn, bò... Và mỗi ngày chợ phiên, hình ảnh ấn tượng nhất là những người H’mông gùi, chở từng can 20 lít rượu từ khắp núi cao xuống, thung sâu lên đến tụ họp thành những dãy dài ở chợ để bán. Đặc biệt, nấu rượu ở nhà thì cả đàn ông và phụ nữ nấu, nhưng đến chợ thì chỉ có phụ nữ bán, đàn ông chỉ chở hay gùi ra giúp. Nhưng người mua rượu, uống rượu ở chợ thì đủ cả nam, nữ, già, trẻ.
12 giờ, chợ tan, người ngật ngưỡng ra về, người say quá thì ngồi gục đầu vào quẩy tấu hoặc lăn ra đất nằm ngủ ngon lành, tỉnh rượu thì về. 13 giờ, bên vệ đường, đi chợ Lũng Phìn về, tôi gặp cảnh chồng nằm ra đất ngủ, vợ ngồi bên cạnh tước lanh, kiên nhẫn chờ chồng tỉnh rượu thì cùng về. Chị Giàng Thị Chúa, 29 tuổi, người H’mông xanh ở thôn Sủng Của, xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn đang chờ chồng say rượu nằm ngủ là Thào Chứ Nhù, 33 tuổi, người H’mông xanh. Chị cười hiền bảo: “Uống rượu với bạn, vui nên chồng mình mới say. Không vui không uống say đâu.” Nhìn cảnh ấy, tôi mới thấu hiểu câu mà người phụ nữ H’mông thường nói để chứng tỏ tình yêu của mình: “Dù em có chết, hồn em cũng cầm ô đứng đợi anh.” Không gì đậm chất H’mông hơn thế!
Người H’mông, người vùng cao là thế, cả tuần lao động mệt nhọc, xuống chợ gặp nhau có một lần để uống rượu, nói chuyện nên vui quá uống say cũng chẳng ai cười. Mỗi tuần có một ngày quên. Hơn thế, người nào say khi đi chợ về là người tốt phúc vì có nhiều bạn. Bà Lý Trung Kiên, Trưởng Ban tuyên giáo Huyện ủy Đồng Văn, lý giải: Niềm tự hào của người phụ nữ H’mông là khi đến chợ, chồng mình có nhiều bạn, được nhiều người mời uống rượu, uống đến say thì thôi. Đó là đức tính cam chịu và bằng lòng với cuộc sống của người phụ nữ H’mông. Khi chồng say, họ còn tự hào và luôn sẵn sàng ngồi chờ chồng, xem đó như là bổn phận của người vợ mà không hề than vãn.
Anh Lý Viết Trường, thạc sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa công tác tại Viện Việt Nam học và khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội, đúc kết:
Rượu là thức uống phổ biến hằng ngày và trong các nghi lễ tín ngưỡng của người H’mông. Người ta cất rượu từ ngô và men lá. Người H’mông uống rượu rất giỏi, những ngày chợ phiên họ có thể uống với bạn cả ngày. Trong tất cả các nghi lễ nhất định phải có rượu làm đồ cúng. Nhắc đến người H’mông, người ta phải nhớ đến rượu và rượu đã trở thành văn hóa. Xung quanh chén rượu, những phong tục tập quán được tiến hành, người ta múa khèn khi có men rượu ngà ngà, chàng trai H’mông thổi khèn hay có lẽ một phần vì chất ngọt của rượu. Bên mâm rượu người ta hát dân ca, ly rượu khiến người ta ném pao giỏi hơn. Ngoài ra rượu giúp người ta chống chịu lại cái lạnh đến thấu xương thịt của miền núi cao.