T
ất nhiên con trai tôi không thể lái xe một mình được, song nó hoàn toàn có thể đi bằng một phương tiện di chuyển khác thích hợp hơn, xe buýt chẳng hạn. Chính những lúc như vậy sẽ giúp nó học hỏi nhiều hơn và cảm thấy có trách nhiệm hơn. Nhìn lại những sự việc đã xảy ra, tôi thấy mình đã nhận “con khỉ” của người khác một cách quá dễ dãi.
Chúng ta là người như thế nào khi đành lòng bỏ mặc những “con khỉ” của mình, rồi vơ lấy trách nhiệm của người khác, tước đi của họ cơ hội học cách tự đương đầu, giải quyết với các khó khăn của bản thân.
Lẽ ra, tôi nên suy nghĩ về câu nói của Tướng George C. Marshall:
“Nếu muốn một người nào đó chiến đấu cho mình, thì đừng bao giờ để anh ta cảm thấy đang phụ thuộc vào bạn.”
Và cả câu nói trứ danh của Benjamin Franklin nữa:
“Cách tốt nhất để biến một người bạn thành kẻ thù là khiến cho người đó trở nên phụ thuộc bạn.”
Khi ngẫm lại buổi chuyện trò trưa nay với Vị Giám Đốc Một Phút, tôi nhận ra là ông đang băn khoăn một điều. Ông tự hỏi phải chăng tôi đã trở thành “người cứu nguy” – một người chuyên làm giúp mọi người những điều mà lẽ ra tự họ có thể làm được, nhưng hành động giúp đỡ đó cũng đồng nghĩa với việc thừa nhận rằng năng lực của họ đang “có vấn đề”. Trong khi nói chuyện, ông kể với tôi rằng mỗi lần nhân viên đến tham vấn ý kiến của ông là ông lại nhận thêm một “con khỉ”. Ông thường nói với họ: “Tôi nghĩ rằng vấn đề này nằm ngoài khả năng của cậu, tốt hơn hết tôi sẽ tự mình giải quyết!”.
Tuy nhiên, ông cũng an ủi rằng tôi không phải là người duy nhất xử sự theo cách như vậy. Trên thực tế, đây gần như là căn bệnh rất phổ biến đối với những người làm công tác quản lý. Và căn bệnh này bắt đầu lây lan sang môi trường xã hội. Các tổ chức chính quyền, các bậc cha mẹ... cũng có những biểu hiện cho thấy họ đã nhiễm bệnh. Ông đưa ra một ví dụ minh họa cho ảnh hưởng của tâm lý “giải cứu” trong môi trường xã hội như sau:
Khi còn nhỏ, nếu muốn chơi bóng chày, bọn tôi thường gặp phải ba vấn đề sau: trước tiên, chúng tôi phải có dụng cụ chơi bóng. Vào thời buổi ấy, gậy bóng chày không được bày bán phổ thông như bây giờ và giá của chúng lại vô cùng đắt đỏ. Do vậy, để có được một cây gậy bóng chày là cả một vấn đề. Rồi nếu không may cây gậy đánh bóng của bạn bị gãy, bạn sẽ chẳng bao giờ dám nghĩ đến chuyện chạy về nhà xin tiền bố mẹ để mua ngay một cây khác. Giải pháp duy nhất là dùng băng keo và đinh để nối chúng lại với nhau. Tôi không bao giờ quên được cảm giác phồng rộp và tê rần khi phải chơi suốt trận bóng bằng một “cây gậy bóng chày hàn nối vụng về” đó.
Thậm chí, tôi không hề biết rằng quả bóng chày thực ra có màu trắng cho đến năm lên chín tuổi – lúc nhà tôi mua được chiếc ti vi đầu tiên. Trước đó, những quả bóng chày chúng tôi dùng để chơi đều bị dán băng keo đen chằng chịt. Đôi khi, băng keo dán dầy đến nỗi bọn trẻ chúng tôi không thể phân biệt được đâu là bóng chày và đâu là bóng rổ nữa.
Còn găng tay à? Chúng tôi làm gì có được mấy thứ xa xỉ đó. Khi ấy, cả bọn chỉ có được hai đôi găng cũ kỹ và rách bươm, nên ngay khi bước ra khỏi sân bóng, tôi lập tức phải gỡ găng ra, chuyền lại cho người chơi tiếp theo. Bọn trẻ con bây giờ có ít nhất từ hai đến ba đôi găng tay bóng chày khác nhau.
Khi đã có đủ những dụng cụ tối thiểu để chơi bóng, thì vấn đề thứ hai là phải tìm địa điểm chơi. Nếu sống ở thành phố, bạn sẽ phải tìm một khoảng đất trống, không có nhiều người lẫn xe cộ qua lại. Rồi bạn sẽ phải dùng máy khâu cũ, vòi nước hỏng và những thứ đại loại như thế để khoanh vùng cho sân bóng. Còn nếu sống ở nông thôn, như tôi chẳng hạn, bạn phải tìm một bãi cỏ ở trang trại của ai đó, rồi dọn dẹp hết đất đá và chỉ để lại vài cục đá to để làm cầu môn.
Điều thứ ba và cũng là điều sau cuối, một khi đã có đủ dụng cụ, lại có được cả sân chơi, thì vấn đề cuối chính là…kiếm đủ người để chơi. Bóng chày là một môn thể thao đồng đội. Và vì không có nhiều sự lựa chọn, cho nên liên minh nhí của chúng tôi gồm đủ mọi lứa tuổi, từ bảy, tám cho đến tận mười tám tuổi.
Tôi chưa bao giờ vòi vĩnh bố mẹ cho những thiếu thốn của mình. Trong suy nghĩ non nớt của tôi khi ấy, tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng nếu kiên nhẫn luyện tập, lớn lên tôi sẽ có thể gia nhập đội tuyển và trở thành một vận động viên thực thụ.
Chúng tôi tiếp tục chơi như thế, ngày này sang ngày khác. Cho đến một hôm, ai đó nói với chúng tôi rằng: “Tớ nghe nói nhóm của thằng Keith Dollar chơi bóng cũng khá lắm!”. Thế là chúng tôi cử một người đến gặp Dollar và mở lời khiêu chiến. Chúng tôi đã chơi một trận ra trò và dĩ nhiên, đội của Dollar bị đánh bại một cách thảm hại. Cứ thế, chúng tôi hạ gục liên tục sáu đội cả thảy.
Nhưng vấn đề đặt ra là - ai đã lên tất cả kế hoạch đó? Chúng tôi! Ai đã tổ chức các trận đấu và giải quyết những khó khăn phát sinh, v.v…? Chúng tôi làm tất cả.
Còn thời nay thì sao? Các bậc phụ huynh sẽ lo những chuyện đó. Bọn trẻ chẳng cần phải lao mình ra chuẩn bị hoặc suy tính bất cứ điều gì. Chúng chỉ cần thay quần áo và sẵn sàng. Bọn chúng lại còn được chở đến tận nơi, chăm sóc thật kỹ lưỡng. Thậm chí, khi chúng tham gia trận đấu, trên một sân bóng lý tưởng đến không ngờ, thì các bậc phụ huynh cũng ngồi cùng nhau đổ mồ hôi, chuẩn bị bánh mì, thịt nguội, nuớc uống và rất nhiều thức ăn khác nữa. Họ không muốn để bọn trẻ bị đói.
Mà như thế cũng chưa chắc đã ổn!
Bọn trẻ bây giờ, đứa nào cũng trông hệt như Joe DiMaggio hay Willie Mays. Mà không phải chỉ riêng gì trong môn bóng chày, hầu như tất cả các môn thể thao khác đều như thế cả.
Các vị phụ huynh đó lại còn tập trung ghi lại diễn tiến sự tình của trận đấu. Khi một đứa trẻ phạm lỗi hoặc đánh hụt và bị loại khỏi sân bóng, các vị phụ huynh tội nghiệp phải cố tìm lời an ủi, bào chữa cho sai lầm của con mình. Còn bên ngoài sân bóng, đã có sẵn người, mồ hôi đầm đìa, liên tục thay bảng chỉ tỷ số trận đấu nữa.
Hồi còn nhỏ, chúng tôi dùng một cây que để ghi lại tỷ số của trận đấu lên trên nền đất. Nhất định sẽ có một đối thủ của đội bạn chạy đến và la lên rằng “Bàn vừa rồi không tính!” và di chân xóa con số vừa ghi trên nền đất ấy. Khi ấy tôi thường đẩy hắn qua một bên rồi nắn nót vẽ lại tỷ số một lần nữa.
Thời nay, khi trận đấu kết thúc, nếu chẳng may thua cuộc thì bọn trẻ cũng không thể khẩu chiến một trận đã đời với đối thủ được. Bọn chúng sẽ đi ăn kem ở tiệm Baskin-Robbins hoặc Haagen- Dazs. Bọn chúng sẽ không bao giờ có được cảm giác thưởng thức món kem mát lạnh vào giữa trưa thứ Bảy. Còn chúng tôi, và hầu như mọi đứa trẻ trong thị trấn đều có mặt ở đó - cả một tiểu đội những liên đoàn nhí, đều la hét ầm ĩ đòi kem.
- Khi bố mẹ cố gắng mang giúp cho bọn trẻ những “con khỉ” của chúng, thì như một hệ quả tất yếu, tất cả những “con khỉ” đó sẽ bám chặt lấy chúng ta, và bọn trẻ sẽ không thể nào được học khái niệm thế nào là tinh thần trách nhiệm.
Tất cả chúng ta đều rất yêu thương con cái, nên có khuynh hướng luôn muốn đem đến cho chúng những điều mà chúng ta đã không thể có được khi còn nhỏ. Song lại không biết rằng, bằng cách nghĩ đó, đôi khi chúng ta lại lấy đi của chúng quyền có được những trải nghiệm quý báu mà chúng ta đã có thuở thiếu thời. Hậu quả là bọn trẻ bây giờ thường chẳng biết phải làm gì nếu như không được ai đó lên kế hoạch trước. Hầu như lúc nào cũng phải có ai đó cầm tay chỉ việc, chúng mới có thể làm “bước tiếp theo” được. - Vị Giám Đốc Một Phút nhấn mạnh.