Steve Wadsworth nhấn mạnh rằng: “Tôi không xem năng lực lãnh đạo là những bí quyết hay hành vi được hoạch định trước hay là một hình ảnh cụ thể nào đó. Tôi không có bí quyết hay quy tắc lãnh đạo nào cả”.
“Sự lãnh đạo là sức mạnh của một nhóm được tổ chức hợp lý và có trọng tâm. Nếu buộc phải mô tả phương pháp lãnh đạo của mình, tôi sẽ nói đến những hoạt động như sáng tạo, ủy quyền và hướng dẫn nhóm cùng nhau dẫn dắt cả tổ chức đi đến những giải pháp đúng đắn.
Tôi dựa vào trí tuệ của cả nhóm để hình thành một tầm nhìn rõ ràng. Tôi dựa vào năng lực tư duy của cả nhóm để phát triển những ý tưởng sáng tạo. Và, tôi cũng dựa vào các nguồn lực của nhóm để triển khai tầm nhìn. Vai trò lãnh đạo của tôi là nhằm kéo cả nhóm lại với nhau, dẫn dắt nhóm hoàn thành những quyết định then chốt và giúp cả nhóm đạt được những kết quả tốt nhất.
Cách tôi làm điều đó phụ thuộc vào tình huống hay thách thức mà nhóm đang đối mặt, nhưng việc giao tiếp luôn là một thành phần cốt yếu. Nếu công ty cần đến phương hướng, tôi sẽ giúp cả nhóm hợp tác cùng nhau, cùng vượt qua thách thức và xác lập định hướng – một định hướng mà cả nhóm cùng sở hữu.
Nếu nhóm cần đến sự động viên, tôi sẽ đặt câu hỏi về hiệu quả những việc họ đang làm và thách thức cả nhóm cùng nhau đưa ra những giải pháp có khả năng nâng hiệu quả công việc lên cấp độ cao hơn. Tôi sẽ cung cấp một tầm nhìn và sự giao tiếp tổng quát để bảo đảm mọi người cùng hợp tác với nhau. Tôi cố gắng chứng tỏ rằng tổ chức của chúng tôi phụ thuộc vào tài năng của mọi thành viên trong nó vì đó là nền tảng của mọi thành công.
Như những tổ chức hoạt động Internet khác, khoảnh khắc thách thức nhất của tổ chức chúng tôi bắt đầu với sự suy sụp của “cái bong bóng” Internet. Rõ ràng rằng con đường chúng tôi đang đi cần phải có sự thay đổi tận gốc, phương pháp tiếp cận tổng quát cần có trọng tâm cụ thể, cũng như sự tổ chức và phương hướng mới là rất cần thiết.
Trong vai trò lãnh đạo, tôi phải thuyết phục mọi người rằng sự thay đổi lớn là cần thiết. Tôi tập hợp một nhóm làm việc gồm các nhà lãnh đạo cao cấp để định ra một tầm nhìn về mục tiêu chúng tôi muốn theo đuổi và hình thành kế hoạch tái cơ cấu, cũng như định ra phương hướng mới.
Là người lãnh đạo, mục tiêu của tôi là không được hình thành và ấn định phương hướng hoạt động một cách tách biệt – mục tiêu của tôi là tập hợp cả nhóm để đi đến một giải pháp có thể sử dụng kiến thức và kinh nghiệm của cả nhóm.
Chỉ có cách tập hợp thông tin từ nhiều bộ phận trong tổ chức, chúng tôi mới có thể phát triển một kế hoạch và phương hướng cụ thể, cũng như những mục tiêu kinh doanh cốt lõi. Nhờ việc nắm được kết quả của nỗ lực hoạch định và tái cơ cấu đó, tất cả chúng tôi đều gắn bó với thành công hay thất bại của nó.
Các nhóm làm việc không phải là những thể chế dân chủ. Hãy thử hỏi các huấn luyện viên bóng đá mà xem. Các đội bóng không có chuyện bỏ phiếu bầu chọn cách chơi hay chiến lược cần áp dụng. Trên sân cỏ, đội trưởng luôn là người có quyền quyết định cao nhất. Thực ra, các nhóm hay các tổ chức luôn dựa vào người lãnh đạo để ra quyết định.
Tuy nhiên, trong phương pháp lãnh đạo nhóm của tôi, tôi kích thích nhóm thể hiện kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng của mình. Tôi muốn trí tuệ tập thể sẽ giúp chúng tôi ra được quyết định cuối cùng, nhưng quyết định tối hậu thì chỉ có một người quyết.
Thông qua đối thoại, cả nhóm sẽ hiểu được tại sao tôi ra những quyết định như thế. Ra quyết định một cách tách biệt – không có đối thoại hay thông tin từ nhóm – có nghĩa là nhóm sẽ khó mà hiểu rõ lý do của quyết định và sẽ cảm thấy không nhận được lợi ích từ quyết định đó.
Tôi nỗ lực giúp nhóm trở thành một phần trong quy trình đó. Tôi kích thích họ đưa kiến thức và kinh nghiệm của mình vào quy trình bằng cách tăng cường giao tiếp. Nếu tôi thành công, tổ chức sẽ hiểu được phương hướng của chúng tôi một cách đầy đủ, họ sẽ cảm thấy mình là một phần trong đó, họ sẽ suy nghĩ và làm việc như một nhóm thống nhất và chúng tôi sẽ thành công hơn. Đó là một quy trình đúng đắn.
Nếu có người nào đó trong tổ chức của tôi có kiến thức sâu và tầm nhìn mà tôi không có do vị trí tương đối của mình, tôi muốn người đó cảm thấy tự do, thoải mái chia sẻ kiến thức ấy với tổ chức. Xét cho cùng, tôi muốn kiến thức này có cơ hội tác động đến quá trình ra quyết định của chúng tôi nếu thích hợp. Sau đó, khi quyết định đã thực hiện nhờ kiến thức ấy thì tôi muốn người đó biết rằng họ đã tạo nên điều khác biệt.
Nếu kiến thức ấy không có tác dụng, tôi muốn người đó biết tại sao để họ hiểu được quyết định đã thực hiện. Cách duy nhất để quy trình này có hiệu quả là bạn phải có một tổ chức được cơ cấu tốt với việc giao tiếp mạnh mẽ, hữu hiệu và sự thấu hiểu rằng tổ chức là một phần quan trọng trong quy trình.
Hãy lắng nghe các thông tin phản hồi từ cả nhóm để hiểu những nhu cầu của tổchức và những nơi cần có sự lãnh đạo của bạn. Hãy điền vào những chỗ khuyết, bất kể đó là gì. Bảo đảm phải có phương hướng và sự minh bạch để cả nhóm hiểu được phương hướng đó và mọi người trong tổ chức hiểu được vai trò của họ trong đó. Lắng nghe đủ, hành động đúng. Bạn hãy luôn nhớ điều đó.
Lãnh đạo là một quy trình không hoàn chỉnh và không bao giờ hoàn tất, nó có thể tạo ra sự thất vọng tiềm tàng. Các tổ chức không ngừng tiến hóa và thay đổi, luôn phải đối mặt với những thách thức mới; việc giao tiếp trở nên phức tạp và cần nhiều thời gian hơn. Sự thấu hiểu rằng lãnh đạo là công việc không bao giờ có điểm dừng chính là chìa khóa để duy trì sự tập trung và tránh sự thất vọng cũng như xao nhãng.
Nói theo cách này cách khác, lãnh đạo mang dấu ấn cá nhân rất lớn. Phương pháp tốt nhất để bất kỳ ai cũng có thể đảm nhận vai trò lãnh đạo là nên đạt được những kết quả bền vững cho mình. Việc tìm kiếm phương pháp hữu hiệu có thể cần nhiều nỗ lực và thời gian. Tôi tin rằng mọi người đều có khả năng lãnh đạo, một khả năng vốn được hình thành bởi cá tính và kinh nghiệm. Tôi cũng tin rằng năng lực lãnh đạo có thể phát triển được. Dù mọi người có sẵn mức độ kỹ năng lãnh đạo cao hay thấp, họ sẽ luôn phát huy khả năng lãnh đạo tốt hơn thông qua kinh nghiệm, sự chín chắn và những nỗ lực vươn lên phía trước.”