Cứ mỗi lần trở về quê nhà là lại thấy ấm tình thân dạt dào về những xúc cảm bồi hồi.
Chỉ cần tới khi chiếc xe khách đỗ xịch lại tại cổng làng, quê nhà đã hiện lên trước mắt con trìu mến và thân thuộc. Con tự đi bộ trên quãng đường về nhà mình, cũng không xa lắm!
* * *
Trên con đường mở lối đi về, con tình cờ gặp những người thân quen, không quên miệng cười tươi chào hỏi. Có mất gì đâu câu chào, lời hỏi thăm, tự nhiên người ta cũng thấy mình là người có ăn, có học, được giáo dục tử tế và lễ phép.
Đã hơn một lần, con từng nghe thấy vài ba lời xì xèo của bậc người lớn hơn phản ánh về vài đứa nhỏ trong xóm về cái thói khinh khỉnh không thèm chào hỏi ai, ra chuyện vừa mới xa quê được mấy bận như đã mất hết gốc rễ cội nguồn! Có đáng buồn không? Con không muốn mình cũng trở thành nhân vật bị bàn tán bởi dư luận không mấy hay như thế!
Ba mẹ đã dặn con, dù mình có là ai, có được cất bước đi tới đâu, làm những gì đi chăng nữa, thì khi về tới quê nhà vẫn nên “ngả phép” mà cư xử cho phải lẽ, đúng mực với tất cả mọi người. Cội nguồn của mình còn nằm ở đây, chốn nương tựa dài lâu của con cũng sẽ chung chia ở đây cả. Nên con phải biết điều mà hành lễ nghe chưa? Lời ba mẹ dặn, con biết, mình không được để ngoài tai hay nghe xong bốc hơi mất. Bởi thế, ngay khi đặt những bước chân đầu tiên trong mỗi lần trở lại quê nhà, tự trong con đã cảm nhận được những điều gần gũi và thân thuộc, riết rồi cũng không quên nổi.
Con dạo bước trên cung đường làng quen thuộc. Ngang qua những nơi cất chứa từng giai đoạn in dấu trong con suốt những năm tháng đã qua. Là trường mẫu giáo, trường cấp một, cấp hai, nhà văn hóa, giáo đường, tiếng chuông ngân vang… đâu đâu nhìn cũng thấy ùa về biết bao kỉ niệm gắn bó, sực nhớ lại rồi mỉm cười hay rưng rưng lên được. Chợt buông một câu nói nghe đến rõ già cả: “Chao ôi! Ngày ấy…” ừ, thì ngày đó đẹp bình yên và trong trẻo nhường nào.
* * *
Về tới mái nhà ấm êm, với cây xanh hiền hòa, ngôi nhà mái ngói ba mẹ xây, ngăn nắp và gọn ghẽ. Nơi cất chứa nhiều kỉ niệm của con, từ ấu thơ, niên thiếu, trưởng thành… và rất nhiều điều nhỏ xinh dễ thương khác nữa. Mọi thứ có chăng cũng thay đổi nhưng không tới mức đổi thay tới ngỡ ngàng để con có thể quên bẫng đi những điều đã làm nên trong con của ngày xưa ấy và cả của hôm nay, ngày mai.
Xa nhà, ba mẹ vẫn hay ngóng trông con về từng dịp. Dù không réo giục, nhưng con biết, mỗi bận con về thăm gia đình được là ba mẹ mừng siết bao, qua ánh mắt, qua từng cử chỉ, hành động ân cần và nhiều quan tâm… những món ngon mẹ nấu, ngọt ngào. Quan tâm tới con từ những điều nhỏ nhặt nhất, như đưa cho con cái bàn chải đánh răng, kem đánh răng, khăn tắm…
Con xắn tay áo, ống quần ra vườn phụ ba cuốc đất, trồng những mầm cây mới, cắt tỉa cành sâu… cùng ba kéo mẻ lưới cá ở ao nhà tươi ngon để mẹ có nguyên liệu nấu bát canh chua ngon tuyệt hảo.
Dù có quẩn quanh không gian quê nhà mình ngần ấy năm tháng nhưng chưa khi nào con thấy ngán ngẩm hay chán chường, lúc nào cũng có những điều hay ho, thú vị cho con khám phá và tìm tòi, mày mò…
Có đi xa xôi cỡ nào cũng mong có ngày nào đó trở về để xà vào lòng quê hương, với đồng ruộng, vườn cây, ao cá… hay bên mâm cơm gia đình ít khi có đủ thành viên thì nay bỗng có thêm con về đoàn viên, rộn ràng và vui tươi trở lại, hơn hẳn.
Bao câu chuyện được sẻ chia, chuyện con đi học xa, chuyện ở nhà, con được ba mẹ cập nhập lại qua lời kể nhẩn nha, những đổi thay, sự ra đi của vài ba người, vài niềm vui mới, con đi không đủ lâu nhưng cũng luôn có những đổi khác bằng cách này hay cách khác. Con được lắng nghe, cảm nhận, như một cách để quan tâm, để cùng thấu hiểu, sẻ chia cùng. Cuộc đời này, ừ thì, có bao lâu đâu mà hững hờ được chứ?
Những buổi tối ấm cúng trong gian phòng khách mọi người cùng ngồi xem thời sự điểm tin trong ngày, bàn về đủ thứ chuyện với nhau, lại được dịp để sẻ chia, thêm nhiều điều hơn nữa, lắng nghe nhiều hơn nữa.
Và như đã thành thông lệ đẹp đẽ, theo một tín ngưỡng tâm linh. Trước khi đi ngủ, cả gia đình sẽ quây quần hướng về bàn thờ Chúa ở chính diện trên cao trong gian nhà thờ phượng để dâng lời kinh cầu nguyện, đọc Kinh Thánh. Những nhịp đọc đều đều và sốt sắng, thư thả với nhiều thành tâm trong không khí linh thiêng. Lời cầu nguyện đơn sơ xin được dâng lên Thiên Chúa, cầu mong những điều an lành và như ý. Hết giờ kinh nguyện, màn đêm cũng đã buông xuống, mọi người chúc nhau an giấc và ngủ ngon. Thế là hết một ngày tròn vẹn và ý nghĩa, kiểu theo như quảng cáo “sống trọn từng phút giây” vậy, tựa như thế đó!
* * *
Con may mắn đã có những ngày như thế trong chuỗi ngày của cuộc đời mình. Để có dịp lắng nghe, cảm nhận, những điều rất khác, rất ý nghĩa mà không một nơi nào đó khác có thể đem lại cho con, trừ gia đình, và ở ngay chính nơi con được sinh ra và lớn lên - quê nhà, nơi ghi bao dấu ấn!
Biết rằng, ai cũng phải bước đi riêng trên con đường mình chọn lựa, chứ không thể mãi mãi dậm chân tại một điểm nào đó hoài được. Nhưng ta có đi là để trở về, phải không? Về cái nơi cội nguồn dưỡng sinh ra ta, nơi nuôi nấng tâm hồn ta được tròn vẹn, đủ đầy tới ngày trưởng thành, vươn xa và rồi trở về, yêu thương.
Dù có ở nơi chân trời góc bể nào, trong mỗi người chúng ta vẫn luôn có một hình bóng quê nhà thân thuộc, để nhắc nhớ, suy tưởng. Và điều tuyệt vời nhất ta có thể làm đó là tìm về, để được hồi sinh, sống dậy, nhiều điều lắm đấy!
Hãy tìm về...
Phát Diệm, thật quý vì có được những mẩu bình yên cỏn con và hạnh phúc thật dễ đong đầy.
-Trần Duy Thành-