Vào những năm 1936 - 1939 khi cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ đang lên thì Phan Văn Hòa cũng bước vào ngưỡng tuổi thiếu thời. Năm 16 tuổi, tại lễ tang của mẹ, ông tình cờ gặp được ông Hà Văn Út. Sau khi nghe ông tuyên truyền và giác ngộ, Phan Văn Hòa đã bắt đầu hành trình dấn thân vào con đường cách mạng. Từ đó, ban ngày ông phải làm việc cật lực để trả hết số nợ cho gia đình, còn ban đêm ông tham dự các buổi mít tinh, diễn thuyết và tuyên truyền các bằng hữu tham gia vào một số tổ chức cách mạng công khai lẫn bí mật.
Trong một lần đi biểu tình công khai, đồng chí Hòa đã bị địch tình nghi và bắt giam suốt hai tháng. Tuy nhiên, do không khai thác được bất kỳ thông tin gì từ ông nên chúng buộc phải trao trả tự do cho ông. Tháng 11/1939, ông đã được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Sự kiện này được ví như một cột mốc đỏ trong cuộc đời của ông, để từ đó ông càng hoạt động năng nổ và trở thành một trong những cán bộ chủ chốt của xã Trung Hiệp.
Ngày 22/11/1940, tại cuộc họp Huyện ủy Vũng Liêm mở rộng tại ấp Trà Khang (xã Trung Thành), ông được cử làm Huyện ủy viên, Bí thư Chi bộ xã Trung Hiệp để chỉ huy một lực lượng vũ trang ở Vũng Liêm. Tuy cuộc khởi nghĩa Vũng Liêm nói riêng, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nói chung đã thất bại nhưng đây sẽ là tiền đề vững chắc để ta nhận định, đánh giá và đúc kết những bài học kinh nghiệm quý báu về sau.
Sau thất bại tại cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, địa bàn của chúng ta phải chịu những tổn thất hết sức nặng nề. Trước tình hình này, ta đã đưa ra một quyết định thể hiện đầy đủ sự quyết tâm rằng: “cách mạng chưa thành, dứt khoát không về Xứ”. Từ đây, theo chỉ đạo của tổ chức Đảng, Phan Văn Hòa cùng đồng chí Nguyễn Thị Hồng bắt đầu chặng hành trình dài từ Vũng Liêm xuôi về cơ sở của ta ở U Minh.
Cùng lúc này, trong Hội nghị cán bộ các tỉnh, đồng chí Võ Văn Kiệt đã tham gia với tư cách là một cán bộ của Liên Tỉnh ủy. Nhằm ngày 21 và 22/1/1941, thực hiện tinh thần Nghị quyết Hội nghị Liên tỉnh ủy với sự chủ trì của đồng chí Phan Văn Khỏe. Tại Hội nghị này, Võ Văn Kiệt được phân công công tác ở U Minh.
Trong thời gian công tác tại đây, Võ Văn Kiệt có nhiệm vụ là lãnh đạo ba xã: Vĩnh Thuận, Vĩnh Phong và Vĩnh Bình nhằm dựng nên hành lang kiên cố bảo vệ quanh khu căn cứ và tổ chức nâng cao chất lượng quân sự. Về sau, đồng chí Võ Văn Kiệt tiếp tục nhận nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho khu căn cứ, huấn luyện cán bộ quân sự và chế tạo vũ khí dưới sự chỉ đạo của Ủy viên Thường vụ Liên Tỉnh ủy - Mỹ Hòa.
Sau Hội nghị Liên Tỉnh ủy, tại nhà xã Mai đã tổ chức Hội nghị kiện toàn bộ máy lãnh đạo Tỉnh ủy. Lúc này, Võ Văn Kiệt được phân công chỉ đạo huyện Chắc Băng và khu vực U Minh để phụ trách việc sản xuất vũ khí và thực hiện một số công tác chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa. Ngày 25/8/1945, Hội nghị Tỉnh ủy lâm thời Rạch Giá đã quyết định phát động khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh. Trước khí thế và hành động quyết liệt của ta, chủ tỉnh đã chấp nhận trao trả chính quyền. Tiếp tục khí thế đó, ta thành lập chính quyền cách mạng của tỉnh Rạch Giá, giải thoát các tù chính trị và bắt giam những đối tượng thân Nhật, thân Pháp.
Quả thực, với cương vị là một Tỉnh ủy viên lâm thời của Tỉnh ủy Rạch Giá, đồng chí Võ Văn Kiệt đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao và đóng góp một phần to lớn vào quá trình chuẩn bị, tiến lên khởi nghĩa và xây dựng lực lượng tại đây. Trên thực tế, những điều này chính là nền tảng vững chắc để tỉnh Rạch Giá tiến đến thắng lợi trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở một tương lai gần.