5
5. Vậy là những bông lúa cuối cùng trên nương cũng vừa nằm gọn trong gùi. Ông mặt trời đỏ ối đã sắp gối đầu trên dãy núi xa xa. Cái bóng ngả dài xuống lưng đồi. Những bước chân vội vã nối tiếp nhau về làng. Bơ Rơi vẫn ngồi đó như một thói quen hằng ngày, dù nó biết chắc chắn là chẳng có ai đến. Suốt buổi sáng, Nết tuốt lúa cùng nó. Cả buổi trưa, Nết nằm nói chuyện cùng nó dưới gốc cây này. Mới đầu nó khóc, nó giận, nhưng rồi nó cũng ngờ ngợ hiểu ra. Nó đặt bàn tay vào đám lá cây còn in dấu nằm của Nết và mỉm cười: “Chỉ mấy mùa rẫy nữa thôi, là mình cũng đủ sức tự vệ bản thân để đi làm việc lớn như Nết!”. Buổi chiều muộn cuối năm 1959 ấy, Bơ Rơi đã gùi cả cái lời hứa vô tư như một niềm vui mới chạy về nhà.
Bơ Rơi dựng xong mớ củi vào đống ung rồi ra sân ngồi nhìn mấy đứa nhỏ đuổi bắt đom đóm và đợi dâu về. Nó chợt nhớ đến Nết rồi bất giác nhìn lên bầu trời. Trời hôm nay đẹp quá! Những ngôi sao thưa lấp lánh như đang dang tay nâng bổng cái vòm trời lên vừa cao, vừa rộng. Mảnh trăng non cong như lá lúa già vàng óng cứ lướt nhẹ qua mấy dải mây bông bềnh bồng, lơ lửng. Nó cố quan sát thật kỹ cái lá lúa đang chơi trò rượt đuổi cùng những đám mây rồi ngẫm nghĩ. Dệt nói nó như mảnh trăng non, nên cái đẹp còn ẩn giấu ở đâu đó mà chưa thể nhìn thấy được. Khi nào nó lớn đầy như trăng tròn, thì tất cả cái đẹp sẽ được khoe ra ngoài như vầng trăng tròn tỏa sáng giữa trời đêm. Nó chưa đủ lớn, nhưng bây giờ nó là đứa dẫn đầu trong đám trẻ. Tất cả đã lần lượt ra đi. Nó chỉ biết vi Xiêng, vi Lanh, vi Lết, vi Nhin, vi Rê và Nết đi làm liên lạc. Còn vi Uông, vi Lơ, Bơ Len làm gì nó không biết rõ. Điểu Lên hay đi sớm về khuya với vớp nên lúc có mặt, lúc không.
- Dâu về!
Mấy đứa nhỏ vừa mừng vừa chạy theo dâu. Bơ Rơi gỡ cái gùi trên vai dâu xuống, lấy mớ quả sung bỏ vào rổ rồi treo gùi lên vách bồ lúa. Nó thổi bếp lửa đống ung lên. Thị Srưc đem thịt nai nướng và canh thụt lên cho dâu, Điểu Sen cũng vừa đem ra bầu rượu. Thị Bách lấy nhúm muối hột và rổ sung để trên sạp cho bọn nhỏ. Bơ Rắc, Thị Mâu, Thị Dem cùng mấy đứa nhỏ ở ba bếp kế bên đã quây quần chờ sẵn. Dâu bắt đầu câu chuyện khi hơi men đã quyện vào hơi thuốc:
“Ngày xửa ngày xưa, thời mà các vị tiên vẫn thường hạ giới xuống trần gian. Một ngày đẹp trời nọ, các vị tiên đã cưỡi voi đáp xuống khu vực Thác Đắk Lung. Khung cảnh thiên nhiên nơi đây hài hòa, tĩnh lặng và có sức hấp dẫn diệu kỳ. Họ say sưa ngắm cảnh và tắm thác cho đến khi cái nắng ngả về chiều. Trên đường về, người con của một vị tiên không may bị bệnh rất nặng rồi chết. Người cha đau xót. Cả đoàn vô cùng buồn bã. Họ đáp voi xuống một vùng đất trống, lo chuẩn bị chôn cất cho người con xấu số. Lúc này, trời đất bỗng tối sầm lại. Sấm sét đùng đùng. Mưa to, gió lớn. Trời lạnh cóng. Trong phút chốc, tất cả các vị tiên, người hầu và các chú voi đều bị hóa thành đá. Những tượng đá của hơn năm mươi con voi lớn nhỏ cùng tất cả các vị tiên với hình dáng đa dạng, phong phú ấy đã tạo thành một bãi đá voi uy nghiêm và huyền bí tồn tại đến tận bây giờ. Đó là truyền thuyết về Bãi Đá Voi ngày nay”.
- Bãi Đá Voi ấy ở đâu vậy dâu?
- Ở gần đây thôi nhưng không phải ở Bom Bo…
Mấy đứa nhỏ còn chưa hết thắc mắc thì Điểu Lên về thầm thì gì đó vào tai dâu rồi cả hai vội chạy mất hút vào bóng đêm.
***
Bơ Rơi bị nóng sốt đến nỗi cái hơi thở của nó hắt ra cũng giống như bếp than đang hừng hực. Giấc ngủ cứ chập chờn trong những giấc mơ hỗn loạn cùng tiếng la hét thất thanh của nó. May ngồi bên cạnh nó cả đêm, hết đắp thuốc lại nhét vào miệng nó mấy lá thuốc và ép nó uống nước. Cái lành lạnh của gió rừng buổi sớm đã làm cho cơ thể nó dịu hơn và tâm thức của nó cứ thiếp dần đi.
- Không được ra ngoài. Có ma lai đó. Nó biết con bệnh, nó sẽ đến ăn thịt con.
Bơ Rơi choàng tỉnh thì trời đã sầm sập tối. Nó vừa ngồi bật dậy đã bị may ngăn cản. May ép nó ăn hết cái bầu6 cơm nhỏ rồi lại nhai lá thuốc. Nó cố nhớ và xâu chuỗi lại những giấc mơ nhưng không sao nhớ nổi. Nó chỉ nhớ mang máng đó là một mớ hỗn độn khủng khiếp cứ bám theo nó. Nó bình tĩnh nhớ lại những sự việc diễn ra đêm hôm qua. Đúng là một đêm kinh hoàng đối với nó. Sau khi dâu và Điểu Lên đi, nó phụ Srưc dọn dẹp rồi cũng ra về. Nó cứ mặc nhiên tháp tùng theo những bước chân gấp gáp dẫn đến sân làng. Nó lách người chui qua đám đông nhưng không được. Cuối cùng, nó đành nhón gót lên ở phía sau cái vòng vây đông nghịt đó. Không nhìn thấy gì cả, chỉ nghe tiếng la hét đan xen với những tiếng thét quằn quại trong đau đớn của một người nào đó. “Giết nó đi! Nó là ma lai. Giết nó đi!”… “Không! Tao không phải ma lai. Yang ơi… Cứu… cứu…c…o…n… con! Không phải… không phải… ma… l… a… i... lai…”. “Nó đúng là ma lai. Giết nó đi! Giết nó đi!”… Bơ Rơi phải cố hết sức mới chen vô được cái hướng mà nó vừa nghe tiếng hét quen quen đó. Là vi Lơ. Anh ta vung tay phóng mũi lao về phía người đàn ông đang bị trói. Phập! Mũi lao cắm vào ngực, khiến cái cơ thể bê bết máu kia giật bắn lên rồi gục xuống. Nó chỉ còn nhìn thấy những tia máu phụt ra bắn vào đống lửa nghe khét lẹt. Nó giật mạnh tay vi Lơ:
- Vi Lơ! Ai?
- Điểu Rê.
- Kh… ô… ng… Không! - Nó thét lên trong rối loạn rồi vùng bỏ chạy. Trước mắt nó xuất hiện hàng trăm, hàng nghìn mũi lao của vi Lơ phóng vùn vụt vào vi Rê. Máu của vi Rê cứ phụt ra, phụt ra chảy như dòng suối đang rượt đuổi theo nó.
Nó thấy Nết đang bay lơ lửng trên đầu nó. Nước mắt của Nết cũng tuôn thành dòng, hòa tan vào máu của vi Rê rồi lan dần, lan dần ra. Nó thấy mình sắp bị nhấn chìm trong dòng suối máu và nước mắt ấy. Nó cứ như thế, cứ cõng cái nỗi sợ hãi mà chạy, chạy mãi cho đến khi kiệt sức và ngất xỉu…
- Nết đâu rồi may?
- Hai mẹ con nó trốn thoát rồi.
- Nết có ma lai không may?
- Không biết.
Hai anh trai đã ngủ say bên cạnh vớp. May nằm im dường như mệt mỏi lắm. Nó nghe hơi thở đều đều phả vào tóc nó. Nó nép sát vào người may để được an tâm trong sự che chở, rồi cố nhắm mắt đi tìm giấc ngủ. Nhưng tâm trí nó thì lại đi tìm Nết. “Không biết giờ này Nết ở đâu? Chắc là Nết đang khóc. Nết thương vi Rê. Vớp của vi Rê bị giặc Pháp bắt đi làm phu rồi không thấy trở về. May buồn, bệnh nặng rồi cũng bị con ma bắt đi. Vi Rê mồ côi, ở với dâu ur7. Vi Rê ít nói nhưng rất hiền, giỏi giang và tốt bụng. Nết nói đợi cúng mừng lúa mới xong là họ cưới nhau. Vậy mà…”. Nếu Nết không trốn đi thì dân làng cũng sẽ bắt giết Nết, vì Nết là vợ sắp cưới của vi Rê. Nghĩ đến Nết và vi Rê, nó vừa thương lại vừa sợ.
Nỗi sợ hãi ấy đã dẫn đường cho ma lai đi vào giấc mơ của nó: … Nó cố chạy thoát cái dòng suối máu và nước mắt đang rượt đuổi nó. Nhưng nó càng chạy nhanh bao nhiêu thì tiếng bước chân thình thịch, thình thịch càng gần và càng to bấy nhiêu. Nó ngoảnh lại đằng sau không thấy bóng người nào cả, chỉ có cái đầu vi Rê bay lơ lửng kéo theo bộ đồ vẫn còn bê bết máu. Nó ngẩng đầu lên, Nết cũng giống như vi Rê đang lè lưỡi, trợn mắt nhìn nó. Nó cứ cố sức chạy. Nhưng hai cái bộ mặt gắn trên cổ và kéo theo cái đuôi ruột, gan, phèo, phổi ấy ngày càng áp sát rồi túm được nó. Mặc cho nó vùng vẫy, kêu khóc. Hai cái lưỡi cứ thi nhau lè ra cuộn lấy tim, gan, ruột của nó mà nhai, mà nuốt. Nó càng đau, càng khóc thì họ càng cười. Hai cái miệng tưa máu, hai cặp mắt đỏ ngầu như ác quỷ. Nó đau đớn, kinh hãi nhìn quanh cầu cứu rồi lịm dần, lịm dần…
Nó cảm nhận được có bàn tay ai đó đang lay gọi nó. Nó vùng dậy và ôm chầm lấy may vừa khóc vừa thở hổn hển. May vỗ vỗ vào lưng nó rồi kéo áo lau mồ hôi và nước mắt cho nó…
***
Điểu Lên và Điểu Sen đang loay hoay bên mớ vỏ bầu khô đã ngâm bùn vừa mới vớt về. Điểu Lên chọn mấy vỏ nho nhỏ đưa cho Điểu Sen cưa miệng rộng để làm chén, bát ăn cơm. Số còn lại, Điểu Lên tỉ mẩn cưa miệng nhỏ và đục lỗ cẩn thận để có thể đựng rượu, đựng nước hoặc hạt giống. Hí hoáy một hồi rồi cũng xong. Hai anh em treo tất cả sản phẩm vừa làm ra lên gác bếp. Mùi cơm chín đã thơm lừng. Thị Srưc đang ngồi bên khung dệt vải. May cũng vừa về tới. Bốn đứa nhỏ đi tắm suối rồi cùng về theo với dâu và vớp. Bữa cơm chiều hôm nay thiếu chỗ ngồi của dâu. Dâu chỉ nằm hút thuốc. Vớp nói dâu bị mệt.
Mới tờ mờ sáng mà may đã chuẩn bị sẵn sàng, gùi nào gùi nấy cũng có đầy đủ những bầu cơm, bầu nước. Thị Srưc được phân công ở nhà chăm sóc cho dâu. Nó bắc nồi cháo lên bếp rồi quét nhà. Nó xua mấy đứa nhỏ ra ngoài chơi cho dâu ngủ. Cháo chín rồi. Nó gọi mãi dâu mới chịu dậy. Dâu không ăn cháo, chỉ kêu nó nướng miếng thịt rừng rồi đem cái ghè rượu nhỏ lại cho dâu. Nó làm mọi thứ theo lời dâu rồi lại ngồi bên khung dệt vải. Hôm nay cái tay không chịu nghe lời nó. Nó toàn làm rối sợi rồi lại gỡ ra. Nó cứ len lén nhìn dâu. Nó thấy dâu sao sao ấy mà không tài nào hiểu được.
Ông già gượng ngồi dậy để đứa cháu gái yên tâm. Ông cảm thấy trong người không còn sức lực nữa. Ông không muốn ăn gì cả, chỉ muốn uống thôi. Ông bỏ miếng thịt nướng vào miệng nhai mà như đang nhai miếng vỏ cây thô ráp không mùi vị gì hết. Ông ngồi tựa cái lưng vào vách, chân co, chân duỗi. Hết hút một hơi rượu cần, ông lại rít một hơi thuốc lá. Ông hoang mang thật sự, nhưng không biết phải làm gì cả. Con ma lai rất đáng sợ. Ban ngày nó vẫn lên nương làm việc, ăn uống, sinh hoạt chung trong cộng đồng cùng dân sóc mà không ai biết được. Đêm đêm, nó lẻn vào nhà moi ruột gan người bệnh để ăn thịt. Vậy là hôm sau, trong sóc lại có người chết. Trong vòng chưa đầy một năm mà có quá nhiều người chết. Người già, trẻ nhỏ, người bệnh thì bị ma lai ăn thịt. Người nghi có ma lai thì bị dân làng giết chết. Ông cũng không ngờ thằng Điểu Lơ và Điểu Uông lại hung tợn như hổ dữ. Chúng nó đi đâu từ đầu năm ngoái mất biệt, gần đây mới thấy chúng quay về làng. Rồi chuyện ma lai bùng phát và những cái tên nghi có ma lai bị giết cũng bắt đầu từ miệng chúng. Điểu Rê, Điểu Nhin, và một số trai làng đều lần lượt bị giết vì nghi có ma lai. Thằng Điểu Lơ nó hung hăng từ nhỏ, luôn giành ăn và đánh nhau với đám trẻ chơi chung. Thằng Điểu Uông thì hay bênh vực, giúp đỡ bạn và đánh lại Điểu Lơ. Vậy mà giờ chúng cùng một duộc với nhau, hùa vào nhau để hại bạn. Ông có linh cảm rằng, Điểu Rê, Điểu Nhin và một số trai sóc bị giết đều không phải ma lai. Chỉ là ông không biết giải thích ra sao cho đúng. Ông luôn góp được một phần tiếng nói của những người già, nhưng quyết định cuối cùng vẫn là già làng.
Mấy hôm nay dâu cứ nằm im trên sạp, không dậy cũng không ăn. Lúc nãy vớp về nói gì đó với dâu. Vậy là dâu ngồi dậy hút thuốc và kêu mang rượu ra. Điểu Lên nướng con cá lóc. Thị Srưc xâu mấy xiên thịt rừng. Điểu Sen đem ra ghè rượu. Điểu Lên thấy dâu, vớp, war8 Đách, war Gia Rớ chuyện trò vui vẻ. Nó chỉ ngồi im lắng nghe và cũng đã hiểu được phần nào câu chuyện: “Cái kho lương thực mà đồng bào Bom Bo cất giữ cho bộ đội từ năm 1956 ấy, nay đã trao lại đầy đủ cho cán bộ của Đoàn 559. Dâu rất vui, vì ngày ấy dâu là một trong số những người đã từng che chở, đùm bọc và làm kho cất giữ lương thực cho bộ đội. Mấy năm nay, dâu cứ lo cái đói sẽ khiến cho kẻ xấu tìm cách lấy trộm và phá hoại kho lương thực. Giờ thì an tâm rồi…”.
***
Chôn cất dâu xong, tất cả mọi người đã đi theo một con đường khác để về sóc. Đám trẻ lững thững theo sau đoàn người. Điểu Lên cứ lầm lũi với những bước chân nặng trình trịch: “Đêm đó, dâu uống rượu và chuyện trò vui vẻ như người khỏe mạnh bình thường. Vậy mà sáng ra, dâu không còn thở nữa. Thằng Điểu Lơ và Điểu Uông lại oang oang nói dâu bị ma lai ăn thịt và hai đứa nó còn đòi tìm cho ra con ma lai đó để giết. Vì vậy mà Điểu Lên cứ nửa tin nửa ngờ, càng nghĩ càng thấy rối bời”… Thị Srưc thấy bước chân của mình cứ va vấp trong mớ của cải được chia cho dâu: “Cái nào được bỏ trong hòm, cái nào được đốt theo dâu, cái nào để lại cạnh nhà mồ, có còn thiếu gì nữa không? Rủi thiếu thì ở dưới đó dâu biết xin ai…”. Bơ Rơi thì cứ bước hụt hẫng trong khoảng giữa đường đi và lối về. Lời dâu kể về truyền thuyết Ngã Tư Tế cứ vang vang trong đầu nó: “Có một gã nhà giàu tên là Điểu Tế rất độc ác với dân làng. Ngày Điểu Tế chết, dân làng vui mừng vì đã thoát khỏi bàn tay độc ác của ông ta. Để cho hồn ma của Điểu Tế không về quấy nhiễu dân làng được, họ đi chôn một đường và về một đường khác. Khi về, họ lấy đá, gậy gộc xua đuổi để hồn Điểu Tế không về làng được nữa...” . Nó cũng hiểu đó chính là tập tục của đồng bào S’tiêng, khi đi chôn người chết thì đi đường này và phải về đường khác, để linh hồn người chết không thể theo về quấy nhiễu cuộc sống của dân làng. Nhưng dâu rất hiền lại tốt bụng, đâu có độc ác như Điểu Tế. Sao lại không cho linh hồn dâu trở về làng?...
6. Bầu: Cái bầu cắt miệng dùng đựng đồ ăn của đồng bào S’tiêng.
7. Dâu ur: Bà.
8. War: Bác hoặc chú.