M
ột ngày nọ, anh bạn George của tôi cảm thấy kỳ lạ khi cậu con trai bốn tuổi ở trong phòng tắm quá lâu, và theo cách nói của mấy bộ phim cao bồi cũ thì mọi thứ đang “yên ắng… quá yên ắng”.
Thế là George gõ cửa phòng tắm và khi cửa mở, anh thấy con mình, George Jr, đang đứng trên chiếc ghế đẩu trước bồn rửa mặt. Sau này George vẫn thường kể về cảm giác thời gian ngừng trôi khi anh chứng kiến cảnh tượng trong phòng tắm ngày hôm đó. Đầu tiên, anh thấy những nhúm bọt trắng ở khắp nơi - trên nắp bồn cầu, dưới sàn, trên tấm gương và trên khắp khuôn mặt của con trai. Rồi anh nhìn thấy những vệt màu đỏ - ít thôi, nhưng cũng vương vãi khắp nơi - trên bồn rửa mặt, trên tấm gương và dưới cằm của cậu bé, nơi thứ chất lỏng màu đỏ đang rơm rớm chảy ra từ một vết cắt ngay dưới môi.
Hóa ra cậu bé George Jr muốn bắt chước cha nên đã cố cạo râu, và mặc dù đã dùng chiếc dao cạo cán nhựa có thiết kế khá an toàn, bé vẫn bị lưỡi dao cắt vào da. May mắn là vết cắt không sâu lắm (vết thương trên mặt thường chảy máu nhiều hơn mức độ nghiêm trọng của nó) và ảnh hưởng lâu dài duy nhất từ sự việc này là cậu bé đã học được một bài học giá trị, dù có phần đau đớn và đáng sợ.
Câu chuyện này là một lời nhắc nhở (không dễ chịu lắm) rằng con người là sinh vật có tính hiếu kỳ bẩm sinh, luôn khao khát học hỏi và phát triển. Giống như bé George Jr, tất cả chúng ta đều muốn trở thành người giỏi giang, và chúng ta bồi đắp năng lực của mình bằng cách thử những điều mới mẻ - đôi khi là trong tâm thế quá hấp tấp và thiếu suy xét. Nếu mọi chuyện diễn ra một cách lý tưởng thì những thử thách mà ta đương đầu và năng lực mà ta dụng công phát triển sẽ giúp ta đến gần hơn với cuộc sống mà mình ao ước.
Khi ở lứa tuổi mẫu giáo, chúng ta háo hức thử sức và cố gắng thành thạo kỹ năng buộc dây giày, và khi hoàn thành thì đây là một cột mốc quan trọng có thể khiến đứa trẻ lẫn bậc làm cha làm mẹ phấn khởi. Nhưng sau một thời gian - thật ra là rất nhanh sau đó - sự thành thạo dẫn tới cảm giác tự mãn. Một khi việc cột dây giày đã trở nên quá dễ dàng với bạn thì không còn gì đáng vui mừng khi buộc xong dây giày mỗi buổi sáng nữa cả.
Trong Chương 7, chúng ta đã biết khả năng làm nhuần nhuyễn những việc lặp đi lặp lại mỗi ngày cũng là chuyện tốt. Khi những nhiệm vụ từng là mới lạ trở thành thói quen, năng lượng trí não của chúng ta được giải phóng, nhờ đó chúng ta có thể bước ra thế giới rộng lớn ngoài kia và chinh phục những đỉnh núi cao hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng biết một phần quan trọng trong quá trình phát triển tính linh hoạt cảm xúc chính là biến những hành vi do chúng ta cố ý lựa chọn dựa vào các giá trị mà ta coi trọng thành các thói quen.
Tuy nhiên, trong cuộc sống có những lúc “thừa năng lực” hoàn thành một nhiệm vụ nào đó sẽ khiến chúng ta gặp bất lợi. Khi quá thành thạo một việc nào đó, chúng ta rất dễ quay lại với “chế độ vận hành tự động”, một tình trạng không chỉ củng cố kiểu hành vi rập khuôn cứng nhắc mà còn khiến chúng ta không chú tâm vào việc mình đang làm, từ đó cảm thấy chán nản và thiếu động lực phát triển.
Bằng cách này hay cách khác, tất cả chúng ta đều từng trải nghiệm tình trạng thừa năng lực này. Bạn thừa năng lực trong công việc khi có thể nhắm mắt làm cũng đúng, đoán được kết quả của một ngày làm việc sẽ như thế nào hoặc không còn cảm giác được nâng cao kỹ năng của mình nữa. Bạn thừa năng lực trong đời sống hôn nhân khi biết chính xác vợ mình sẽ có ý kiến như thế nào về bộ phim cô ấy sắp xem, hoặc khi bạn hoàn toàn có thể đặt đồ ăn thay cho chồng vì biết chắc anh ấy muốn chọn món gì. Chuyện thừa năng lực cũng xảy ra trong gia đình khi bạn có thể dự đoán chính xác cách câu chuyện sẽ tiến triển ra sao quanh bàn ăn vào ngày lễ Tạ ơn (“Đừng bao giờ gợi chuyện chính trị với bác Lou vì một khi đã bắt đầu nói về chủ đề đó thì bác ấy sẽ không dừng lại đâu!”). Trong vai trò phụ huynh, bạn thừa năng lực khi vừa xem điện thoại vừa hỏi đứa con tuổi teen của mình “Hôm nay đi học vui không?” và nó trả lời “Dạ vui” mà không rời mắt khỏi màn hình điện thoại của nó. Không có gì để gọi là thử thách, niềm vui hay khám phá khi mọi thứ đều trở nên quá quen thuộc, khi mọi khía cạnh của cuộc sống đều nhạt nhẽo và dễ đoán.
Tương tự, tình trạng thừa thử thách - ngược lại với thừa năng lực - cũng không phải là chuyện gì tốt đẹp. Khi các vấn đề phức tạp mà chúng ta phải đối mặt nhiều đến mức ngay cả Superman và Wonder Woman hợp lại cũng không thể giải quyết hết, hoặc khi chúng ta phải dò dẫm trong một mối quan hệ vô chừng, chúng ta có thể bị căng thẳng đến mức không còn khả năng sáng tạo, không thể đưa ra phản ứng thích hợp và không thể phát triển. Để xây dựng sự linh hoạt cảm xúc, chúng ta cần cân bằng tình trạng thừa năng lực và quá tải thử thách. Đây chính là Nguyên tắc chiếc bập bênh.
Trong trò chơi bập bênh, cân bằng là nguyên tắc quan trọng nhất. Khi ngồi ở một đầu của chiếc bập bênh, bạn cần có một đối trọng ở đầu còn lại để mình không bị rơi bịch xuống đất. Nhưng nếu trọng lượng ở đầu bên kia quá lớn thì bạn sẽ bị nhấc bổng lên cao.
Trong cuộc sống, Nguyên tắc chiếc bập bênh hướng đến việc tìm được sự cân bằng giữa cho và nhận, tìm được một nơi mà tại đó, sự thành thạo và cảm giác thoải mái do những điều quen thuộc mang đến có thể cùng tồn tại với sự háo hức và thậm chí là cảm giác căng thẳng mà bạn có khi phải đương đầu với những điều xa lạ - và chúng tạo thành hai đối trọng kích thích sự phát triển. Chúng ta có được vùng phát triển tối ưu trong một trạng thái rất đặc biệt, đó là khi ta đứng ở ngay mép năng lực của mình, một vị trí mà ở đó ta không thừa năng lực hay tự mãn, nhưng đồng thời cũng không quá thiếu năng lực đến mức cảm thấy không thể xử lý nổi vấn đề.
Chúng ta tiến đến mép năng lực bản thân khi từ từ nâng cấp chính mình và ra khỏi vòng tròn thoải mái. Nâng cấp lý tưởng nhất chính là những sự điều chỉnh nhỏ và tiến bộ từ từ mà chúng ta đã thảo luận trong Chương 7.
Trong các mối quan hệ, cuộc sống sáng tạo, quá trình phát triển cá nhân và công việc của mình, chúng ta có thể thúc đẩy sự tiến bộ này theo hai cách, đó là phát triển theo chiều rộng (việc chúng ta làm - những kỹ năng ta có được, chủ đề ta nói đến, con đường ta khám phá) và theo chiều sâu (chúng ta làm việc của mình tốt đến mức độ nào - mức độ chăm chú lắng nghe của chúng ta, mức độ hòa mình vào thế giới). Một người lái tàu muốn giữ những cánh buồm căng gió thì phải đón được chiều gió; còn người chơi quần vợt thì luôn cảm thấy vui vẻ hơn và hưng phấn hơn khi được chơi với đối thủ giỏi hơn mình một chút.
Thế nhưng chúng ta cũng cần chú ý cách mình phát triển và lý do tại sao ta cần phát triển như vậy. Điều đó có nghĩa là chúng ta chọn chiều rộng và chiều sâu phù hợp với những giá trị mà ta thật sự coi trọng, chứ không phải tùy tiện mở rộng chỉ vì ta có thể hoặc vì áp lực phải trở thành người giỏi nhất, thông minh nhất hay tuyệt vời nhất. Hãy nhớ bạn đang xây dựng cuộc đời mà bạn muốn sống chứ không phải cố làm cho mình thêm bận rộn hoặc tạo thêm những “việc phải làm” cho bản thân.
Lời nguyền của sự thoải mái
Ý tưởng đạt đến vùng tối ưu của bản thân nghe có vẻ hấp dẫn. Nó giống như bài phát biểu của tác giả có sách bán chạy Tony Robbins ngay trước khi bắt đầu các hoạt động truyền cảm hứng khai phá sức mạnh nội tại do ông hướng dẫn, hoặc trong bài hát Climb Every Mountain (tạm dịch: Vượt ngàn đồi núi) được hát ở các buổi lễ tốt nghiệp trung học ở Mỹ. Hiển nhiên là nó có thể tác động đến khát vọng học hỏi và phát triển của đứa trẻ bốn tuổi bên trong chúng ta. Vậy tại sao chúng ta lại thường rơi vào tình trạng ngồi bất động trên chiếc bập bênh có một đầu chới với trên cao và đầu còn lại thì mắc kẹt dưới đất?
Nguyên nhân lớn nhất chính là sự sợ hãi. Bên cạnh bản năng khám phá, chúng ta cũng có bản năng bảo vệ mình an toàn, và bộ não của ta lẫn lộn sự an toàn với sự thoải mái, kiểu thoải mái có thể làm chúng ta bị mắc câu. Nếu một thứ gì đó mang lại cho chúng ta cảm giác thoải mái - chẳng hạn như sự quen thuộc,dễ nắm bắt và phù hợp - não sẽ phát ra tín hiệu rằng chúng ta hài lòng với vị trí hiện tại và chúng ta không cần làm gì thêm. Còn nếu thứ gì đó khiến ta cảm thấy mới mẻ, khó khăn hoặc có chút không hài hòa thì sự sợ hãi liền xuất hiện. Mặc dù có muôn hình vạn trạng và đôi khi xuất hiện dưới lớp ngụy trang (như sự trì hoãn, sự cầu toàn, ngắt kết nối, không tự tin hoặc những cái cớ), nỗi sợ chỉ biết nói một từ: “không”, như trong “Không, tôi sẽ chỉ làm hỏng việc mà thôi”, “Không, tôi không quen biết người nào ở đó”, “Không, tôi mặc bộ đồ này nhìn ghê lắm”, “Không, cảm ơn, tôi sẽ không tham gia chuyện này”.
Cách nói “không” này có nguồn gốc từ quá trình tiến hóa của loài người. Ở mức độ cơ bản nhất - và ngoại trừ trường hợp “chết cứng” vì sợ hãi - hành vi của động vật bao gồm hai lựa chọn là “tiếp cận” hoặc “tránh đi”. Hàng triệu năm trước, nếu một trong những tổ tiên người tiền sử của chúng ta thấy một cái gì đó trông giống như thức ăn hoặc cơ hội ghép đôi, họ sẽ tiếp cận nó. Nếu nó trông giống như rắc rối, họ sẽ tránh xa. Chạy thật nhanh và trốn thật kỹ!
Theo thời gian, sự tiến hóa bắt đầu có lợi cho chủng tiền Homo sapiens, giống loài mà trong quá trình phát triển bình thường và khỏe mạnh thì bộ não lớn của họ sẽ dẫn dắt họ “tiếp cận” đủ loại trải nghiệm mới chỉ để thỏa mãn mong muốn được trải nghiệm. Giống như cậu bé George Jr với chiếc dao cạo râu an toàn, những đứa trẻ của chủng tiền Homo sapiens có thể không sợ gì cả, trừ những lúc căng thẳng - khi sự tiến hóa đảm bảo rằng một nửa bản năng còn lại của chủng loài cổ đại sắp phát huy tác dụng và khiến sinh vật vốn tò mò trở nên né tránh những gì xa lạ, ngay cả khi đó là bà ngoại, cho tới khi bà ở bên cạnh một thời gian và bày ra những chiếc bánh táo thơm ngon.
Đến tận ngày nay, những đứa trẻ vẫn chạy về bên những con thú bông sờn rách quen thuộc của mình mỗi khi thấy khó chịu hoặc sợ hãi. Hành vi của người lớn chúng ta cũng không khác gì mấy. Gần như ai cũng có một chiếc áo “vía” cũ mèm mà họ rất thích mặc hoặc một nơi yêu thích (có thể đó là nơi “ai cũng biết tên bạn”) mà họ lui tới mỗi khi buồn bã, mệt mỏi hoặc gặp quá nhiều áp lực.
Các nghiên cứu cho thấy khi phải đánh giá rủi ro, chúng ta có khuynh hướng thiên vị những điều quen thuộc. Ví dụ, người ta cho rằng công nghệ, các khoản đầu tư và các hoạt động giải trí càng quen thuộc thì càng ít rủi ro hoặc ít khó khăn hơn, ngay cả khi thực tế cho thấy điều ngược lại. Khuynh hướng này lý giải tại sao có nhiều người rất sợ đi máy bay, dù theo số liệu thống kê thì nguy cơ tử vong vì tai nạn xe hơi cao hơn nguy cơ chết do sự cố máy bay rất nhiều. Đơn giản là vì đối với hầu hết mọi người, lái xe là một hoạt động quen thuộc hằng ngày, còn đi máy bay thì bất thường và ít quen thuộc hơn.
Khả năng tiếp cận - mức độ dễ hiểu của một vấn đề hay sự việc nào đó - là một yếu tố khác khiến não phát đi tín hiệu an toàn và thoải mái. Trong một nghiên cứu, những người tham gia được phát hai bản hướng dẫn có nội dung như nhau cho cùng một hoạt động. Một bản được in bằng kiểu chữ dễ đọc, trong khi bản còn lại thì hơi khó đọc một chút. Những người tham gia được yêu cầu ước tính khoảng thời gian họ cần để hoàn thành hoạt động như mô tả trong bản hướng dẫn. Khi xem các bản hướng dẫn được trình bày dễ hiểu hơn (nhờ kiểu chữ dễ đọc), họ dự kiến thời gian hoàn thành là khoảng tám phút, nhưng khi xem cùng một nội dung đó trong bản hướng dẫn có kiểu chữ khó đọc hơn, họ ước tính mình cần khoảng mười lăm phút để hoàn thành công việc được mô tả trong đó.
Sự thiên vị của chúng ta đối với sự quen thuộc và khả năng tiếp cận có thể ảnh hưởng đến cả những gì chúng ta xem là sự thật: chúng ta tin tưởng nhiều hơn vào các ý kiến có vẻ được đón nhận rộng rãi. Vấn đề là chúng ta không giỏi theo dõi tần suất mình nghe nói về một chuyện nào đó hoặc chuyện đó được truyền đạt bởi ai. Điều này có nghĩa là nếu một ý tưởng đơn giản (dễ tiếp cận) được lặp lại thường xuyên và chúng ta không lắng nghe nó với một tư duy phản biện thì rất có thể chúng ta sẽ chấp nhận nó như là sự thật, ngay cả khi nguồn tin chỉ đến từ một người quá khích (hoặc từ người cha, người mẹ ưa chỉ trích) cứ lặp đi lặp lại một ý.
Lời nguyền của sự thoải mái - sự thiên vị mặc định đối với những gì quen thuộc và dễ tiếp cận - sẽ không phải là một vấn đề nghiêm trọng nếu việc duy nhất mà nó làm là dẫn bạn đi dọc theo lối đi trong siêu thị, bỏ qua những món đồ không quen thuộc, các loại thực phẩm có cái tên kỳ lạ và thẳng tiến đến kệ bơ đậu phộng yêu thích của bạn. Thế nhưng tác động của lời nguyền này lại diễn ra âm thầm và lan rộng hơn nhiều. Nó có thể gây ra những sai lầm khiến chúng ta lãng phí thời gian và không đến được nơi mình muốn, đôi khi đúng theo nghĩa đen.
Hãy tưởng tượng bạn sắp trễ một cuộc hẹn quan trọng và tuyến đường bạn thường đi thì đang kẹt xe. Bạn biết có một lối tắt nhanh hơn nhưng cần phải băng qua vài con đường nhỏ xa lạ mà bạn chỉ mới lái xe qua một hoặc hai lần. Khi đang gặp áp lực và bắt buộc phải đến điểm hẹn đúng giờ, nghiên cứu cho thấy bạn thường có khuynh hướng bám lấy những gì mình biết rõ - tức là tuyến đường chính mà bạn quen thuộc, mặc dù nó đang bị kẹt cứng - hơn là thử con đường tắt xa lạ, và do đó, khả năng cao là bạn sẽ bị trễ giờ. Tương tự, áp lực mà bạn cảm nhận khi nghe bác sĩ yêu cầu bạn phải giảm cân, giảm cholesterol và tập thể dục nhiều hơn có thể khiến món bánh kem quen thuộc càng thêm hấp dẫn.
Kỹ thuật chụp hình ảnh thần kinh cho thấy cách bộ não phản ứng với sự không thoải mái đến từ những điều không chắc chắn. Khi chúng ta đối mặt với những rủi ro được biết trước - hay có thể gọi là một màn cá cược với tỷ lệ may rủi có thể tính toán được - các hoạt động tại vùng tưởng thưởng của não tăng lên, đặc biệt là ở thể vân (striatum). Nhưng khi chúng ta phải đặt cược mà không có bất kỳ cơ sở nào để xác định mức độ may rủi hoặc không có yếu tố quen thuộc nào thì bộ não có sự tăng cường hoạt động ở hạch hạnh nhân (amygdala), vùng não liên quan đến nỗi sợ.
Có một nghiên cứu đã cho thấy chỉ cần một chút cảm giác không chắc chắn cũng có thể làm cho những người tham gia nghiên cứu này giảm hẳn tinh thần đón nhận một trò may rủi thông thường. Bất ngờ hơn là tính rủi ro của trò này không phải là họ sẽ thắng hay thua, mà là tỷ lệ thắng của họ là bao nhiêu. Ngay cả khi tỷ lệ thắng cao, một chút cảm giác không chắc chắn cũng đủ khiến gần 40% số người tham gia quyết định không đặt cược. Bất kỳ lúc nào chúng ta không hoàn toàn hiểu rõ một điều gì đó, nỗi sợ sẽ lấp vào những khoảng trống mơ hồ đó và lấn át cả khả năng giành chiến thắng của ta.
Tính chặt chẽ của những quyết định tồi
Trên thực tế, mức độ phức tạp và sự tinh vi của nỗi sợ gia tăng khi người ta có cảm giác bất an và cô đơn. Đó là bởi vì con người đã tiến hóa như một loài sinh vật mang tính xã hội, luôn cần được là một phần của gia đình hoặc cộng đồng để tồn tại. Điều này có nghĩa là đến tận ngày nay, cảm giác bị tách khỏi cộng đồng vẫn khiến chúng ta sợ hãi hệt như đang đứng giữa lằn ranh sống chết.
Bộ não lớn hơn và tinh vi hơn của con người - bộ não khiến sự khám phá trở thành một phần bản năng của chúng ta - đã tiến hóa để ta không chỉ là loài linh trưởng tầm thường mà trở thành loài người có khả năng nắm bắt một cấu trúc xã hội rộng lớn hơn và phức tạp hơn. Một bộ não có năng lực vượt trội hơn giúp chúng ta có thể đánh giá chính xác hơn về mức độ đáng tin cậy dựa vào nhiều yếu tố khác nhau chứ không chỉ dựa vào mối quan hệ máu mủ, nhờ đó chúng ta giỏi hơn trong việc tạo dựng và duy trì các liên minh mang lại lợi ích chung. Đây chính là một khả năng giúp giống loài có hình thể nhỏ bé hơn nhưng thông minh hơn (giống loài tiến hóa thành con người chúng ta) chiến thắng giống loài to khỏe hơn nhưng có bộ não kém phát triển hơn (nhánh tiến hóa thành tinh tinh và khỉ đột).
Cuối cùng, cơ quan được dùng để “hiểu được ý nghĩa” của môi trường xã hội này đã trở nên tinh vi đến mức nó bắt đầu cố gắng nắm bắt ý nghĩa mọi thứ xung quanh. Loài vượn người với bộ não thông minh đã phát triển nhận thức về dòng chảy thời gian, về quỹ đạo của cuộc đời mình và bắt đầu cố gắng xem xét vị trí của mình không chỉ trong xã hội mà còn trong cả vũ trụ này. Họ có được sự tự nhận thức, sở hữu thứ gọi là ý thức và kèm theo đó là sự tự do về ý chí, sự cảm thông, cũng như ý thức về đạo đức và thậm chí cả đức tin tôn giáo thiêng liêng.
Nhưng để có được tất cả những nhận thức nói trên, bộ não cao cấp phải thực hiện thêm một nhiệm vụ rất quan trọng nữa, đó là cung cấp một bức tranh tổng thể có bố cục chặt chẽ và rõ ràng từ làn sóng thông tin hỗn độn đang ùa vào thông qua các giác quan của chúng ta, cũng như qua các nhận thức tinh tế mà chúng ta mới phát triển được.
Quản lý mối quan hệ xã hội là điều thiết yếu đối với sự sống còn của con người bởi vì sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta vẫn phụ thuộc vào gia đình và cộng đồng, bạn bè và những người chúng ta yêu thương. Nhưng thật đáng ngạc nhiên là trong tình huống bắt buộc phải hành động hoặc ra quyết định thì tính logic chặt chẽ lại có vẻ là mối ưu tiên hàng đầu cả trên phương diện tinh thần lẫn cảm xúc của chúng ta.
Tôi cần tính logic chặt chẽ mà bộ não có ý thức của mình mang lại để nhắc nhở tôi rằng tôi hôm nay cũng là tôi của ngày hôm qua, rằng một ngày nào đó tôi sẽ chết và từ bây giờ cho đến lúc đó tôi sẽ già đi (nếu tôi có thể sống lâu như vậy), vậy nên tốt nhất là tôi cần lên kế hoạch cho quãng đời còn lại của mình và tận dụng tốt nhất khoảng thời gian mình có. Một tâm trí có logic rõ ràng giúp tôi hiểu tiếng khóc của con mình trong gian phòng bên cạnh là quan trọng và đáng được lưu tâm, còn tiếng kêu ồ ồ của chiếc tủ lạnh thì có thể được bỏ qua. Nếu không có nhận thức mạch lạc và rõ ràng, chúng ta sẽ giống như người mắc chứng tâm thần phân liệt, không có khả năng sàng lọc những kích thích đến từ môi trường xung quanh và phản ứng với những nhận thức không quan trọng hoặc thậm chí là không thể có hành động phù hợp với thực tế khách quan.
Tương tự với sự quen thuộc và khả năng dễ tiếp cận, tính logic rõ ràng cũng là một đại diện thô sơ cho “sự an toàn” trong não của chúng ta, ngay cả khi mong muốn có được sự mạch lạc này khiến chúng ta đi ngược lại lợi ích cao nhất của bản thân. Ví dụ, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người đánh giá thấp bản thân thường thích tương tác với những người cũng có cái nhìn tiêu cực về chính họ. Và có thể bạn sẽ rất ngạc nhiên khi biết những người có lòng tự trọng thấp có khuynh hướng nghỉ việc thường xuyên hơn khi thu nhập của họ tăng lên theo thời gian. Trong suy nghĩ của họ, được đánh giá cao và được khen thưởng (thể hiện qua việc được tăng lương) có vẻ không phù hợp với nhận thức mà họ có về bản thân. Hành động một cách logic hơn, những người lao động có lòng tự tôn cao hơn thường nghỉ việc sớm hơn khi họ không có được sự tưởng thưởng phù hợp. Đối với những người này, sẽ rất không hợp lý nếu họ không có sự ủng hộ mà họ cảm thấy mình xứng đáng nhận được.
Chính sự thoải mái mà cảm giác quen thuộc và rõ ràng mang lại khiến chúng ta tiếp tục nhìn nhận bản thân dựa vào cách chúng ta từng nhìn nhận mình khi còn là một đứa trẻ. Cách chúng ta được đối xử khi còn nhỏ sẽ được chính chúng ta dùng khi trưởng thành để dự đoán mình sẽ được nhìn nhận, đón nhận như thế nào vào ngày hôm nay và xứng đáng được đối xử ra sao, ngay cả khi nhận thức đó khiến ta đánh giá thấp và tự giới hạn bản thân. Tương tự như vậy, những thông tin trái chiều với các quan điểm quen thuộc và do đó “hợp lý” này có thể khiến chúng ta cảm thấy mình đang gặp nguy hiểm và mất phương hướng, ngay cả khi những thông tin đó thật sự có thể mang lại cho ta một góc nhìn tích cực.
Nỗi sợ thành công, hoặc sợ trạng thái “bình ổn”, có thể gây ra hành vi tự hủy hoại bản thân, chẳng hạn như tự đánh giá thấp học lực của mình, trở thành “kẻ chểnh mảng” hoặc hủy hoại một mối quan hệ vốn dĩ đang tốt đẹp vì cảm thấy mình không “xứng đáng”. Việc chúng ta tự đánh giá thấp bản thân vì cảm thấy như vậy mới hợp lý được thể hiện qua những lúc chúng ta cứ mãi loay hoay trong một công việc không có tương lai, khiến bản thân lại bị lôi kéo vào một tấn bi kịch gia đình, hoặc cực đoan hơn là khi chúng ta quay lại với người vợ hoặc người chồng từng ngược đãi mình.
Như thể việc tìm kiếm sự thoải mái do tính hợp lý mang lại vẫn chưa đủ tai hại, đôi khi sự tìm kiếm này còn kết hợp với một móc câu còn đơn giản hơn, đó là sự hài lòng tức thời, hay còn được biết đến như sự thoải mái trước mắt.
Hãy tưởng tượng Scott, một sinh viên đại học mới tốt nghiệp có khiếu hài hước, luôn có khả năng ăn nói mạch lạc và được chú ý vì thường đưa ra những nhận định sắc bén. Scott vừa bắt đầu một công việc mới ở một thành phố xa lạ, nơi anh không quen biết bất kỳ ai. Làm quen với cuộc sống mới là một quá trình chuyển đổi có nhiều thử thách. Vì vậy, Scott đã sử dụng phong cách hài hước và sắc bén quen thuộc của mình để phá vỡ rào cản và làm quen với các đồng nghiệp mới mỗi khi có cơ hội. Một số đồng nghiệp thấy Scott vui tính, nhưng nhiều người khác không thể chịu được kiểu nói chuyện châm chọc của anh. Mặc dù đang cố gắng thích ứng với hoàn cảnh, Scott lại tự đẩy mình ra xa các đồng nghiệp mới. Anh hiểu chuyện gì đang diễn ra và anh cũng biết mình nên có một cách tiếp cận khác, nhưng trong hoàn cảnh cô đơn và xa lạ, thật khó để cưỡng lại cảm giác thích thú khi được thừa nhận hay chú ý mỗi khi anh có thể làm cho đồng nghiệp bật cười. Dẫu cho phần lớn những tiếng cười đó có thể khá gượng gạo, nhưng chúng vẫn là tiếng cười, liều thuốc xoa dịu tinh thần mà anh lựa chọn.
Về cơ bản, sự hài lòng nhất thời làm cho chúng ta cảm thấy vui vẻ nhanh hơn rất nhiều so với những điều chỉnh nhỏ, những nỗ lực được thực hiện một cách kiên trì, có ý thức và có thể đưa chúng ta đến với những kết quả tốt đẹp hơn. Có thể bạn từng nghe nói về các nghiên cứu mà trong đó những chú chuột thí nghiệm được tiếp cận hai đòn bẩy - một đòn bẩy sẽ cho ra viên thức ăn và cái còn lại sẽ cho ra một lượng cocaine. Bất chấp cơn đói, những chú chuột vẫn tiếp tục đẩy đòn bẩy cocaine cho đến khi chết đói. Bài học rút ra cho những chú chuột và cả con người chúng ta chính là cái giá của niềm vui (và cả sự thoải mái) nhất thời có thể rất đắt.
Một ly kem ngon lành có thể làm bạn cảm thấy sảng khoái ngay lúc này. Hiển nhiên, ly kem đó cũng có thể khiến bạn cảm thấy hối hận khoảng hai mươi phút sau khi chén sạch nó. Hành động cho phù hợp với các giá trị của bản thân và trở nên khỏe mạnh nhờ giảm bớt năm ký cân nặng không làm bạn phấn khích bằng cảm giác được thỏa mãn cơn thèm ngọt mà ly kem mát lạnh đem lại, nhưng có thể dẫn bạn đến với sự hài lòng dài hạn hơn.
Những phản ứng tự hủy hoại bản thân như thế này không phải là lựa chọn của chúng ta - chúng là những thói quen có điều kiện, và ta sẽ tiếp tục thực hiện những thói quen này cho đến khi thoát khỏi chiếc móc câu “những điều quen thuộc” và tìm được sự linh hoạt cảm xúc để có thể tắt chế độ “lái tự động”, đương đầu với khó khăn, bước ra khỏi vòng tròn thoải mái và làm chủ cuộc đời mình. Bằng cách đó chúng ta mới có thể tiếp tục đón nhận và vượt qua những thử thách giúp đưa bản thân lên tầm cao mới.
Đối với nhiều người, bản sắc quen thuộc và mang lại cảm giác dễ chịu mà họ không dứt ra được, đặc biệt là trong những giai đoạn căng thẳng, là những hình ảnh mà họ níu kéo từ trong quá khứ xa xưa. Như hình ảnh siêu sao bóng chày thời trung học và hoa khôi giảng đường chẳng hạn. Thế nhưng, trên con đường xây dựng tính linh hoạt trong cảm xúc, bạn phải buông bỏ những khát vọng “cũ mốc cũ meo”, hạn hẹp và có lẽ là quá ngây thơ về bản thân, đồng thời nỗ lực củng cố những ý nghĩa mà bạn cảm nhận được khi thực hiện các hành động phù hợp với các giá trị mà bạn coi trọng lúc này, khi bạn đã trưởng thành hơn. Khi có ba đứa con cần được nuôi dạy cho đến khi tốt nghiệp đại học, bạn chắc chắn phải đóng thùng “những ngày hoàng kim” và khám phá cái gì đó mới mẻ hơn.
Lựa chọn thử thách
Trong quyển sách bán chạy Good to Great (tựa tiếng Việt: Từ tốt đến vĩ đại), tác giả Jim Collins đã viết “Tốt là kẻ thù của Vĩ đại”. Tôi thì lại nghĩ khác. Theo tôi, tránh né mới là kẻ thù của sự vĩ đại. Tránh né - đặc biệt là tránh né sự khó chịu - thậm chí còn là kẻ thù của “tốt”. Hiển nhiên, sự tránh né là kẻ thù của sự thay đổi và sự phát triển thịnh vượng.
Khi nói “Tôi không muốn thất bại”, “Tôi không muốn tự làm mình xấu hổ”, “Tôi không muốn bị tổn thương”, chúng ta đang biểu đạt cái mà tôi gọi là mục tiêu của người chết. Đó là vì chỉ có người chết mới không bao giờ gặp cảnh xấu hổ và do đó không bao giờ cảm thấy khó chịu. Cũng chỉ có người chết mới không thay đổi khi trưởng thành. Theo tôi biết, những người không bao giờ cảm thấy đau đớn, tổn thương, nổi điên, lo lắng, chán nản, căng thẳng hoặc bất cứ cảm xúc khó chịu nào khác đi kèm với việc đương đầu thử thách là những người không còn trên dương thế. Đúng là người chết không còn khiến gia đình hay đồng nghiệp của họ phiền lòng nữa, cũng không gây rắc rối hoặc nói chuyện không đúng lúc, nhưng bạn thật sự muốn lấy người chết làm gương cho bản thân mình sao?
Có một câu châm ngôn xưa với đại ý là nếu chỉ làm những việc bạn luôn làm từ trước đến giờ thì bạn sẽ chỉ nhận được những gì bạn đã luôn được nhận. Nhưng nói như vậy vẫn còn lạc quan lắm. Hãy nghĩ về một nhân viên làm việc tám mươi giờ một tuần suốt hai mươi năm tại cùng một vị trí bậc trung của cùng một công ty, để rồi phải cạnh tranh tìm việc mới với những người có số tuổi chỉ bằng một nửa của mình sau khi bị sa thải với lý do “cắt giảm nhân sự”. Hoặc hãy tưởng tượng tình huống của một người chồng hoặc người vợ tận tụy và chung thủy với một cuộc hôn nhân buồn tẻ để rồi một buổi tối nào đó về nhà và thấy tủ quần áo đã trống một nửa, còn trên gối là một bức thư chào tạm biệt.
Nếu muốn sống một cuộc đời trọn vẹn, chúng ta cần ưu tiên chọn lòng can đảm hơn là sự thoải mái để có thể tiếp tục phát triển, vươn lên và thách thức chính mình. Điều này có nghĩa là đừng để bản thân mắc kẹt với ý nghĩ mình đã tìm thấy thiên đường khi chỉ mới chạm ngõ thành công. Tuy nhiên, theo Nguyên tắc chiếc bập bênh, chúng ta cũng không muốn bị đuối sức vì mải theo đuổi những mục tiêu phi thực tế hoặc vì ý nghĩ mình có thể trèo lên đỉnh núi nhờ một nỗ lực bất chợt nào đó.
Có lẽ từ hay nhất để mô tả trạng thái ở mép năng lực của mình, trạng thái phát triển sung mãn và đương đầu với thử thách nhưng không bị quá tải, chỉ đơn giản là “nỗ lực hết sức”. Và một phần quan trọng của việc nỗ lực hết sức là biết chọn lọc những mục tiêu mà mình cam kết thực hiện tới cùng, nghĩa là bạn chỉ chọn những thử thách thật sự có ý nghĩa với bản thân và phù hợp với nhận thức của bạn về các giá trị sâu sắc nhất.
*
Vào đầu những năm 1600, Pierre de Fermat là một thẩm phán lỗi lạc của thị trấn Toulouse ở miền nam nước Pháp. Tuy chọn pháp luật làm sự nghiệp nhưng toán học mới là niềm đam mê của ông.
Vào một ngày mùa đông năm 1637, khi đang đọc một quyển sách được viết bằng tiếng Hy Lạp cổ có tựa đề Arithmetica (tạm dịch: Số học), Fermat đã ghi chú bên lề sách: “Tôi đã phát hiện xn + yn không bằng với zn nếu n lớn hơn 2. Tôi sẽ giải thích cách chứng minh nhưng lề sách này không đủ chỗ để tôi ghi lại”.
Cảm ơn ngài Pierre de Fermat rất nhiều. Ngài thật hóm hỉnh.
Đã có rất nhiều nhà toán học tìm cách chứng minh định lý kỳ lạ này của Fermat, và đến thế kỷ 19 thì nhiều học viện lẫn những nhân vật giàu có bắt đầu tuyên bố trao giải thưởng lớn cho bất cứ ai có thể chứng minh được định lý này. Những người say mê toán học ở khắp nơi trên thế giới đã cố gắng tìm cách chứng minh nhưng không ai thành công. “Định lý cuối cùng của Fermat” vẫn là một bí ẩn không thể lý giải cho đến năm 1963, khi cậu học sinh mười tuổi người Anh Andrew Wiles đã đọc được vấn đề này trong một quyển sách tại thư viện gần nhà. Ngay lập tức, cậu đã quyết tâm phải tìm ra đáp án.
Ba mươi năm sau, tức là vào năm 1993, Wiles tuyên bố ông đã chứng minh được định lý của Fermat. Thật không may, có người đã phát hiện một lỗi nhỏ trong phép tính của ông nên ông đã phải mất thêm một năm nữa để hoàn thiện phép chứng minh của mình. Cuối cùng, gần bốn thế kỷ kể từ khi Fermat để lại “lời khiêu khích” trên lề quyển sách Arithmetica, câu đố lớn nhất trong lĩnh vực toán học đã được giải.
Khi được hỏi lý do tại sao rất nhiều người, bao gồm chính ông, đã nỗ lực nhiều đến vậy để giải một đề toán được cho là quá trừu tượng, Wiles trả lời: “Các nhà toán học chỉ đơn giản là thích giải quyết vấn đề - họ yêu thử thách”. Nói cách khác, động lực của Wiles không phải là hy vọng thành công hay vinh quang, mà chỉ đơn giản là sự ham học hỏi về vẻ đẹp trí tuệ của toán học.
Cũng chính sự hiếu kỳ tương tự đã dẫn tổ tiên thời tiền sử của chúng ta rời khỏi những cánh rừng mưa để khám phá các thảo nguyên, tìm hiểu nông nghiệp, xây dựng các thành phố và từ từ di cư khắp thế giới. Đó là lý do tại sao giống loài của chúng ta có thể lên Sao Hỏa trong khi loài tinh tinh, họ hàng về mặt di truyền học của chúng ta, vẫn đang kiếm bữa trưa bằng cách chọc ụ mối.
Tất nhiên, mỗi người sẽ có một kiểu hiếu kỳ khác nhau để đưa họ đến các thử thách phù hợp, có được tính kiên trì và đạt được thành công. Một việc khiến tôi phải vò đầu bứt tóc tìm hiểu có thể chỉ là một cơn gió thoảng đối với bạn. Một vấn đề hấp dẫn được người như Wiles lại có thể khiến bạn và tôi phát chán. Và trong khi đồng nghiệp của bạn thỏa mãn với vị trí quản lý cấp trung thì bạn lại không cho rằng mình thành công nếu chưa sở hữu được vài tòa nhà ở Manhattan. Một số người phải tham gia giải chạy ba môn phối hợp mới bắt đầu đổ mồ hôi, trong khi những người khác cảm thấy chỉ cần có thể đi bộ một vòng quanh khu nhà mình mà không kiệt sức đã là tốt lắm rồi.
Bất kể chúng ta lựa chọn đối mặt với thử thách nào, bí quyết là hãy giữ cho mình nỗ lực hết sức, duy trì được sự cân bằng giữa thử thách và năng lực bản thân.
Luôn nỗ lực hết mình
Trong những năm 1880, vào thời hoàng kim của mã Morse, hai nhà nghiên cứu William Lowe Bryan và Noble Harter đến từ Đại học Indiana muốn tìm hiểu điều gì làm cho một điện tín viên bình thường trở nên phi thường.
Họ theo dõi tốc độ làm việc của những điện tín viên trong suốt một năm và dùng dữ liệu này để vẽ đồ thị. Kết luận mà hai nhà nghiên cứu rút ra là điện tín viên càng thực hành nhiều thì càng có tốc độ làm việc nhanh hơn.
Không có gì bất ngờ cả.
Trên thực tế, trong các khóa học của mình, thỉnh thoảng tôi có yêu cầu người tham gia vẽ một biểu đồ thể hiện tác động của việc luyện tập lên kỹ năng của bản thân. Họ thường phác thảo một mô hình tương tự với biểu đồ của Bryan và Harter, và nó trông như sau:
Đa số người tham gia đều tin rằng sau một thời gian, tác động của việc luyện tập sẽ giảm đi và mức độ thành thạo kỹ năng của họ sẽ bắt đầu ổn định. Tuy điều này là đúng với hầu hết mọi người, nhưng Bryan và Harter đã phát hiện ra rằng đồ thị của những điện tín viên giỏi nhất trông giống như sau:
Phần lớn (75%) điện tín viên đã thôi thực hành nghiêm túc sau khi đạt được trình độ mà họ cho là cao nhất của mình. Từ đó, họ duy trì trạng thái ổn định. Tuy nhiên, 25% điện tín viên còn lại đã có thể đột phá khỏi sự ổn định và lại bắt đầu tiến bộ hơn. Điểm khác biệt giữa những điện tín viên tiếp tục nâng cao kỹ năng và những người giậm chân tại chỗ là gì?
Những người vượt qua được giai đoạn ổn định đã dám chấp nhận thử thách. Họ nhắm tới mục tiêu mới và cố gắng đạt được chúng với động lực duy nhất là niềm hân hoan khi thấy bản thân có sự phát triển - đây cũng chính là động lực thúc đẩy chúng ta học cách buộc giày hay tìm cách chứng minh cho định lý cuối cùng của Fermat.
*
Trong quyển Outliers (tựa tiếng Việt: Những kẻ xuất chúng), Malcolm Gladwell cho rằng chúng ta cần 10.000 giờ để vượt qua giai đoạn bình ổn và thật sự làm chủ một kỹ năng. Tuy nhiên, các nhà tâm lý học và chuyên gia về học tập lại nhất trí rằng sự làm chủ này không phải là vấn đề về thời lượng, mà là chất lượng của quá trình luyện tập. Một sự đầu tư có chất lượng đòi hỏi chúng ta phải “nỗ lực học tập”, một hình thức luyện tập có chủ ý buộc bạn liên tục giải quyết những thử thách vượt quá năng lực hiện tại của bản thân.
Bằng chứng cho nhận định này nằm trong chất xám của chúng ta. Trong vài thập niên qua, các nhà nghiên cứu đã phổ biến rộng rãi luận điểm về tính khả biến thần kinh, một luận điểm cho rằng bộ não của chúng ta không trở nên cố định tại một thời điểm nào đó trong thời thơ ấu, mà thay vào đó, nó tiếp tục sản sinh ra các tế bào thần kinh mới. Tuy nhiên, khám phá đáng ngạc nhiên hơn chính là hầu hết những tế bào được bổ sung đó đều chết đi. Để ngăn các tế bào chết đi - và thay vào đó là kết nối các tế bào thần kinh mới vào các khớp thần kinh, cũng như tích hợp chúng vào cấu trúc cũng như năng lực của bộ não - chúng ta cần có quá trình nỗ lực học tập. Não không phát triển nếu bạn chỉ đơn giản dành 10.000 giờ để chơi đi chơi lại một bài nhạc trên đàn ghi-ta của mình hoặc làm đi làm lại những thao tác mà mình đã quá thành thạo trong một ca phẫu thuật túi mật (giả định bạn đã có chứng chỉ hành nghề và có bệnh nhân). Quá trình nỗ lực học tập nghĩa là phải toàn tâm toàn ý liên tục mở rộng giới hạn và củng cố vốn kiến thức cũng như kinh nghiệm của bản thân.
Đa số mọi người đều nỗ lực học tập khi mới tiếp cận một điều gì đó mới mẻ. Nhưng một khi đạt được trình độ nhất định - khi có thể theo kịp đồng đội trên đường đua hoặc chơi thành thạo bản nhạc hiệu của trường - hầu hết chúng ta sẽ thư giãn và rơi vào trạng thái vận hành tự động trong sự thoải mái mà giai đoạn bình ổn mang lại.
Bạn còn nhớ hồi mới học lái xe không? Trước khi được ngồi sau tay lái lần đầu tiên, bạn không có kỹ năng lái xe nhưng không ý thức được mình không có “kỹ năng lái xe” cụ thể nào. Sau đó, khi đăng ký học lái xe, bạn bắt đầu ý thức được những kỹ năng mà mình không có và nhận ra mình cần học rất nhiều thứ, ví dụ như kỹ năng đỗ xe song song với những chiếc xe khác trong bãi chẳng hạn.
Chính trong quá trình đón nhận trải nghiệm mới đó, sự nỗ lực học tập được hình thành. Một khi chuyện này xảy ra, bạn sẽ có thể trở nên thành thạo kỹ năng lái xe và ý thức được các kỹ năng đó khi lần lượt học xong các mục trong sổ tay hướng dẫn lái xe: thắt dây an toàn, cẩn thận điều chỉnh ghế ngồi, kiểm tra gương chiếu hậu và cài số trước khi lái xe vi vu trên đường. Và mặc dù hơi dè dặt khi lần đầu tiên lái xe ra đường lớn, bạn sẽ bắt đầu làm chủ tay lái sau vài lần luyện tập.
Nhưng không lâu sau khi nhận được giấy phép lái xe, bạn rơi vào trạng thái thành thạo trong vô thức. Bạn chỉ ngồi vào xe và lái, thường về đến nhà mà không nhớ đã lái xe như thế nào trong suốt quãng đường đó. Khi bạn vận hành theo chế độ tự động như vậy, về cơ bản bạn đã chạm tới ngưỡng bình ổn.
Khi ý thức được việc mình không có kỹ năng hoặc khi thực hiện kỹ năng một cách có ý thức, bạn vẫn nằm trong vùng phát triển tối ưu vì bạn sẵn sàng mở mang kiến thức. Bạn có thể là người mới, một tay mơ, và do đó bạn thấy hơi hồi hộp, nhưng ít ra thì bạn có tâm thế của người mới bắt đầu với mong muốn phát triển và tinh thần sẵn sàng học hỏi.
Bạn cũng có thể hơi căng thẳng và chuyện này không có gì xấu. Từ nhiều thập niên trước cho đến nay, chúng ta đã được dạy rằng căng thẳng là kẻ thù tâm lý hàng đầu, là yếu tố hủy hoại hạnh phúc mà chúng ta phải tránh bằng mọi giá. Chắc chắn cảm giác căng thẳng có đi kèm với nhiều bất lợi. Về mặt sinh lý, tình trạng căng thẳng mãn tính có thể tàn phá cơ thể của chúng ta, khiến các chứng viêm trở nên nghiêm trọng hơn và góp phần gây ra bệnh tim, ung thư, đồng thời làm suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể.
Tuy nhiên, một lượng căng thẳng vừa đủ - chứ không quá sức chịu đựng - có thể là một động lực tuyệt vời cho chúng ta. Tuy khiến bạn cảm thấy không thoải mái nhưng mức độ căng thẳng vừa phải giúp bạn tiếp tục hành trình của mình. Đó là khi điểm số bị dẫn trước nhưng không quá cách biệt có thể thúc đẩy một đội bóng đang kiệt sức lội ngược dòng để giành chiến thắng trong hai phút cuối của trận đấu. Đó là khi áp lực của một kỳ hạn ngắn nhưng không quá ngắn có thể giúp bạn có động lực sáng tạo đủ để hoàn thành dự án đúng hạn.
Cảm giác căng thẳng cũng rất có ích nếu bạn muốn làm được nhiều điều tuyệt vời trong đời hơn chứ không chỉ ngồi xem ti-vi và mở từ kênh này sang kênh khác. Căng thẳng là yếu tố đi kèm một cách tự nhiên và có thể đoán được cùng với thử thách, cũng như với sự học hỏi và phát triển vượt bậc sau đó. Bạn không thể leo lên Đỉnh Everest mà không nỗ lực hết sức và chấp nhận nhiều rủi ro. Chuyện tương tự cũng diễn ra khi bạn muốn nuôi dạy một đứa trẻ nên người tử tế hoặc sống an vui trong cuộc hôn nhân năm mươi năm, điều hành doanh nghiệp hoặc chạy marathon... Không có ai gặt hái được những thành tựu ý nghĩa mà không trải qua cảm giác căng thẳng và khó chịu.
Ra khỏi vùng bình ổn
Vậy làm sao chúng ta có thể áp dụng những điều vừa đọc để nỗ lực thoát ra khỏi trạng thái bình ổn và tiếp tục phát triển?
Chọn lòng can đảm thay cho sự dễ chịu
Việc lẫn lộn sự an toàn với sự quen thuộc, tính dễ tiếp cận và tính hợp lý khiến chúng ta tự giới hạn các lựa chọn của mình. Lối đi mà bạn biết rõ vì bạn đã đi qua đó nhiều lần không chắc chắn là lối thoát an toàn nhất trong tình huống khẩn cấp. Để tiếp tục phát triển, bạn cần cởi mở đón nhận những điều không quen thuộc, thậm chí là những điều khiến bạn khó chịu. Việc nhìn nhận những cảm xúc khó chịu có thể giúp bạn rút ra bài học từ chính những cảm xúc đó.
Ưu tiên những việc khả thi
Rời khỏi vùng bình ổn có nghĩa là phát huy tối đa năng lực để có thể sống một cuộc đời trọn vẹn nhất. Phép thử cuối cùng cho mọi hành động của chúng ta nên là câu hỏi “Hành động này có đưa tôi đến gần hơn với con người mà tôi muốn trở thành không?”. Nhưng đồng thời, bạn vẫn cần thực hiện những việc thông thường và vượt qua từng ngày, từng tuần trong cuộc đời mình.
Sự lựa chọn khả thi là sự lựa chọn phù hợp với bất cứ điều gì đang gò bó bạn trong ngắn hạn, nhưng đồng thời cũng là sự lựa chọn đưa bạn đến gần hơn với cuộc sống mà bạn luôn mong muốn. Ly hôn không phải lúc nào cũng là chuyện có ý nghĩa. Nhưng cắn răng cam chịu và tránh né những vấn đề khó nói trong hôn nhân cũng không có ý nghĩa gì mà chỉ khiến cho nỗi thống khổ và sự hiểu lầm càng thêm sâu sắc. Trong trường hợp này, giải pháp can đảm nhất cũng là lựa chọn khả thi nhất, đó là hãy nói rõ vấn đề và giải quyết triệt để.
Tiếp tục tiến lên, không ngừng phát triển
Sự phát triển vượt bậc có nghĩa là vừa mở rộng phạm vi những việc bạn làm, vừa đào sâu hoặc nâng tầm kỹ năng mà bạn dùng để thực hiện những việc đó. Để mở rộng phạm vi những việc bạn làm, hãy tự hỏi “Gần đây tôi đã làm việc gì khiến mình sợ hãi? Lần cuối cùng tôi cố gắng làm một việc gì đó và thất bại là khi nào?”. Nếu bạn không có câu trả lời cho cả hai câu hỏi này, hẳn là bạn đang chọn phương án quá an toàn.
Lần cuối cùng bạn cảm thấy bất an vì đã dốc toàn bộ đam mê và quyết tâm vào một việc gì đó, có thể là sáng tạo trong công việc hay trong một mối quan hệ, là khi nào? Bạn có thật sự hiểu những người xung quanh mình, hay bạn chỉ nói chuyện xã giao và tránh xây dựng những mối quan hệ chân thành, sâu sắc? Nếu chỉ được sống đến hết ngày hôm nay, bạn sẽ hối tiếc nhất vì đã không nói điều gì?
Kiên gan bền chí hay bỏ cuộc?
Ngay cả khi chúng ta chọn sự can đảm thay vì thoải mái và chọn dấn thân đến mép khả năng của mình, sự linh hoạt trong cảm xúc không có nghĩa là luôn lao lên phía trước, đâm sầm vào khó khăn và cố đạt được mục tiêu bằng mọi giá. Nếu bạn đang hành động đúng với các giá trị của mình, có thể sẽ có lúc quyết định khôn ngoan nhất chính là biết khi nào là đủ.
Người Anh nổi tiếng vì hay cố tỏ ra can trường và vì khẩu hiệu “Keep Calm and Carry On” (Hãy bình tĩnh và tiếp tục) được in phổ biến trên những chiếc áo thun du lịch. Người Mỹ có khuynh hướng thể hiện thái độ tương tự qua cách họ đề cao “sự can trường”. Ngay cả cụm từ “American Dream” (Giấc mơ Mỹ) mà họ thường thích in trên áo cũng ngụ ý rằng họ có thể hoàn thành mọi mục tiêu nếu cứ giữ đầu óc thực tế, vừa nhắm đến mục tiêu vừa không quên cuộc sống thường nhật và chăm chỉ nỗ lực ngày qua ngày.
Dù không giống với sức bật tinh thần, tham vọng và sự tự chủ, nhưng sự can trường bao gồm các khái niệm này. Nhà nghiên cứu và tâm lý học Angela Lee Duckworth đến từ Đại học Pennsylvania định nghĩa sự can trường là lòng đam mê và sự kiên trì bền bỉ trong việc cố gắng vượt qua một chặng đường rất dài để đạt được mục tiêu cuối cùng mà không đặc biệt quan tâm đến phần thưởng hoặc sự công nhận trong suốt hành trình đó. Sức bật tinh thần là khả năng vượt qua nghịch cảnh; tham vọng, ở một mức độ nào đó, cho thấy khao khát có được sự giàu có, danh vọng, và/hoặc quyền lực; sự tự chủ có thể giúp bạn chống lại các cám dỗ, nhưng không đảm bảo là bạn đang kiên trì theo đuổi một mục tiêu dài hạn.
Theo nghiên cứu của Duckworth, sự can trường là một yếu tố đặc biệt giúp dự đoán thành công về lâu dài của một người. Những giáo viên can trường thường trụ lại với nghề lâu hơn và giảng dạy hiệu quả hơn những đồng nghiệp khác. Những sinh viên bền chí có khả năng tốt nghiệp cao hơn. Đàn ông can trường có hôn nhân bền vững hơn (điều này dường như không đúng đối với phụ nữ).
Phản ứng linh hoạt với cảm xúc có thể giúp con người phát triển tinh thần can đảm và kiên trì đối mặt với khó khăn vì nó giúp chúng ta thoát khỏi những cảm xúc và suy nghĩ khó chịu, biết cách xoay xở khi thất bại và xác định các giá trị của bản thân để theo đuổi một mục tiêu dài hạn mà chúng ta thấy đáng theo đuổi. Đồng thời, sự linh hoạt cảm xúc cũng giúp chúng ta buông bỏ những mục tiêu không còn mang lại lợi ích cho mình.
Trong phần đầu của quyển sách này, chúng ta đã xác định dấu hiệu cho thấy bạn đang bị “mắc câu” là khi cảm xúc khiến bạn đưa ra những hành động không phù hợp với giá trị của bản thân. Mặc dù đam mê là một phần rất quan trọng của sự can trường, bạn cần khống chế được đam mê của mình chứ không phải để đam mê kiểm soát bạn. Khi đam mê trở nên ám ảnh đến mức lấn át các hoạt động quan trọng khác trong cuộc sống thì nó sẽ không thể nào giúp bạn phát triển vượt bậc.
Bạn có thể kiên trì làm việc đầu tắt mặt tối và thậm chí cảm thấy thỏa mãn vì chuyện đó, nhưng nếu tất cả nỗ lực và quyết tâm đó không phục vụ cho các mục tiêu của cuộc đời bạn thì chúng cũng chẳng ích lợi gì cho bạn.
Mặc dù các nghiên cứu của Duckworth đã giải thích tầm quan trọng của việc hành động phù hợp với các giá trị của bản thân, người ta vẫn thường đánh đồng sự can trường với thái độ “không bao giờ từ bỏ” và cho rằng những người không thể dấn thân tới cùng là những kẻ yếu đuối, lười biếng hoặc hèn nhát. Nhưng khả năng ứng phó linh hoạt với cảm xúc cho bạn cơ hội đưa ra những quyết định được cân nhắc cẩn thận để từ bỏ những lựa chọn không còn có ích cho bạn. Đây thật sự là một chuyện vô cùng tốt. Có bao nhiêu cuộc đời đã bị phí hoài khi những đứa con trai ngoan ngoãn đi theo con đường được gia đình sắp đặt sẵn và theo đuổi ước mơ của cha mình, mặc dù những bước đi và ước mơ đó không hề có sức hấp dẫn đối với đứa con trai ngoan ngoãn đó? Và hẳn là tôi không cần nói tới tất cả những cô con gái đã phải gạt bỏ khát vọng của bản thân để lo việc nội trợ và làm hài lòng người lớn trong nhà chỉ đơn giản vì đó chính là sự “can đảm” mà họ được dạy. Bao nhiêu quyết định chính trị được đưa ra dựa trên sự can trường lệch lạc? Trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam, sự “can trường” ngang ngạnh mang tính cao bồi của Tổng thống Mỹ Johnson, vị tổng thống nhất quyết không chịu “là tổng thống Mỹ đầu tiên bại trận”, đã khiến ông cứ tiếp tục dấn sâu vào một cuộc chiến mà ông đã thừa nhận vào năm 1965 là “không thể thắng nổi”. Dylann Roof, tay súng chịu trách nhiệm cho vụ xả súng thảm sát chín người vào năm 2015 tại nhà thờ của Hội thánh Giám lý dành cho người da đen Emanuel ở Nam Carolina, đã nói rằng hắn suýt bỏ ngang kế hoạch thảm sát của mình vì giáo dân ở đó quá tử tế. Nhưng cuối cùng hắn đã hành động vì “phải hoàn thành sứ mệnh”. Đó là một ví dụ khủng khiếp và đáng buồn cho trường hợp “sự can trường” bị hiểu sai.
Đối với đa số chúng ta, cố theo đuổi những mục tiêu không thực tế hoặc có hại - một hành động thường bắt nguồn từ những cảm xúc không được xem xét kỹ càng - chính là kiểu can trường tồi tệ nhất và gây ra đủ kiểu đau khổ cùng vô số những cơ hội bị bỏ lỡ. Nhiều người dành nhiều năm theo đuổi những lựa chọn không thực tế hoặc không đem lại cảm giác mãn nguyện vì họ sợ thừa nhận sai lầm của mình, hoặc sợ thừa nhận các giá trị của họ đã thay đổi, và đến khi thực tế buộc họ thay đổi hành trình thì những con tàu khác đều đã ra khơi. Có thể quyển tiểu thuyết mà bạn đang dày công hoàn thành không còn hữu ích nữa và cần được gạt sang một bên để dọn đường cho những mục tiêu khác. Có thể bạn từng được diễn ở vị trí trung tâm trong tất cả các tiết mục văn nghệ ở trường, nhưng năng khiếu của bạn vẫn chưa đủ để bạn có thể biểu diễn trên sân khấu lớn Broadway. Hoặc có lẽ bạn đã nhận ra mình đang ở trong một mối quan hệ sai lầm, nhưng bạn ngại dứt ra vì bạn đã dành cả thanh xuân cho mối quan hệ đó.
Có thể tham vọng của bạn không phải là phi thực tế - có thể bạn chỉ đơn giản là chọn phải một mảnh đất quá cằn cỗi. Có thể bạn thật sự đã được chọn vào một vũ đoàn ballet hoặc có được công việc hấp dẫn trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư mà bạn hằng khao khát. Nhưng sau một thời gian, niềm hân hoan dần phai nhạt và cuộc sống của bạn chỉ còn lại sự khắc nghiệt. Trong khi đó, việc bạn lãng phí quá nhiều thời gian trước khi chấp nhận sự thật tàn khốc có thể khiến bạn phải trả cái giá rất đắt, vì những cánh cửa dẫn tới các cơ hội khác sẽ không ngừng đóng lại. Đôi khi những lời can đảm nhất mà bạn có thể nói chính là “Tôi không thể tiếp tục bắt bản thân phải chịu đựng chuyện này nữa”.
Đúng vậy, chúng ta cần sự can trường chứ không phải sự ương bướng ngu ngốc. Phản ứng nhanh nhạy và thích hợp nhất đối với một mục tiêu bất khả thi là điều chỉnh mục tiêu, tức là vừa buông bỏ mục tiêu mà mình không thể đạt được, vừa chuyển sang theo đuổi một mục tiêu khác.
Đây là những quyết định khó khăn và thường rất đáng sợ. Hơn nữa, nếu cứ khăng khăng cho rằng “sự can trường” là một phẩm chất có giá trị hơn mọi phẩm chất khác, bạn sẽ dễ cảm thấy mình là một kẻ hèn nhát khi quyết định điều chỉnh mục tiêu. Nhưng không có gì đáng xấu hổ khi bạn quyết định đưa ra một sự lựa chọn hợp tình hợp lý, mà ngược lại, đó thật sự là một hành động rất đáng tuyên dương. Thay vì nhìn nhận sự thay đổi này là hành vi bỏ cuộc, hãy xem chúng như một sự dịch chuyển. Bạn đang cho bản thân cơ hội được phát triển và trưởng thành cùng với hoàn cảnh thực tế, bằng cách lựa chọn cho mình một con đường mới giàu tiềm năng hơn. Đó là một quyết định được xây dựng trên tinh thần cảm thông và lòng tự trọng.
Vậy làm sao để biết khi nào nên giữ vững lòng can trường và khi nào nên từ bỏ? Làm thế nào để hành xử với tinh thần cảm thông và lòng tự trọng?
Đối với một số nghề nghiệp, chẳng hạn như vận động viên thể thao hoặc người mẫu, câu trả lời khá rõ ràng vì bạn chỉ có thể thành công trong những lĩnh vực này khi còn trẻ. Nhưng nếu bạn là một nhạc công được công nhận nhưng không thể kiếm sống bằng nghề thì sao? Hoặc một học giả phải cam chịu đảm nhận vị trí trợ giảng để trang trải cuộc sống? Hoặc có thể bạn đang được làm công việc mà mình mơ ước, nhưng con đường sự nghiệp tương lai của bạn lại khá mờ mịt vì nhu cầu của thị trường đối với ngành nghề của bạn đang bị suy giảm nghiêm trọng? Nếu bạn là một doanh nhân vừa phải đóng cửa công ty khởi nghiệp thứ ba của mình thì sao? Hoặc giả chúng ta không nói về công việc nữa mà chuyển sang các mối quan hệ, nếu quyết định “nắm hay buông” của bạn liên quan đến một tình bạn liên tục khiến bạn thất vọng thì sẽ thế nào?
Có rất nhiều câu chuyện về những người bị mắc kẹt trong một hoàn cảnh nào đó nhưng cuối cùng họ cũng nỗ lực vượt qua được, bất kể hoàn cảnh đó là gì, nhưng càng có nhiều câu chuyện hơn về những người “kiên trì” đi đến tận cùng của ngõ cụt. Vậy chúng ta làm thế nào để biết mình nên điều chỉnh mục tiêu và chọn hướng đi mới, hay nỗ lực thêm một lần nữa?
Trong nỗ lực cân bằng phương trình “nắm hay buông”, nhà kinh tế học Stephen J. Dubner đã so sánh hai yếu tố: chi phí chìm và chi phí cơ hội. Chi phí chìm là tất cả những khoản đầu tư mà bạn đã bỏ ra cho mục tiêu của mình - chẳng hạn như tiền bạc, thời gian và công sức - mà bởi vì chúng nên bạn mới e dè trong việc bỏ cuộc. Chi phí cơ hội là những gì bạn chấp nhận từ bỏ để theo đuổi lựa chọn của mình. Suy cho cùng, từng phút, từng đồng bạn tiếp tục đầu tư cho một dự án, công việc hoặc mối quan hệ nào đó chính là những thứ bạn không thể dành cho các dự án, công việc hay một mối quan hệ khác, cho dù đó thường là những mục tiêu có thể khiến bạn hài lòng hơn. Nếu có thể nhìn bức tranh tổng thể và ngừng tiếc nuối các khoản chi phí chìm, bạn sẽ có thể đưa ra đánh giá chính xác hơn về việc có nên đầu tư thêm thời gian và tiền bạc cho lựa chọn hiện tại của mình hay không.
Vậy thì làm sao chúng ta biết được khi nào thì nên tiếp tục, khi nào thì nên giơ cờ trắng đầu hàng? Câu trả lời chỉ xuất hiện khi bạn có được sự tự nhận thức bản thân mà thông qua đó, bạn xây dựng được khả năng linh hoạt cảm xúc cho mình. Bạn chỉ cần đương đầu với nghịch cảnh, bước ra khỏi vòng tròn thoải mái và tiến lên phía trước, khám phá và theo đuổi các giá trị và mục tiêu mà bạn coi trọng nhất từ trong thâm tâm.
Sau đây là một số câu hỏi mà bạn có thể tự đặt ra cho bản thân khi phải đối mặt với quyết định “nắm hay buông”:
• Nhìn chung, tôi có cảm thấy vui vẻ hay hài lòng với những việc mình đang làm không?
• Việc này có phản ánh những giá trị mà tôi coi trọng không?
• Việc này có phù hợp với thế mạnh của tôi không?
• Thành thật mà nói, tôi có tin rằng tôi (hoặc tình huống này) thật sự có thể thành công hay không?
• Nếu kiên trì với sự lựa chọn này, tôi sẽ phải từ bỏ những cơ hội nào?
• Tôi đang vững chí bền gan hay đang hành xử ngu ngốc?
Trong phần nói về Nguyên tắc chiếc bập bênh, tôi đã sử dụng hình ảnh chiếc bập bênh để minh họa cho ý tưởng về sự cân bằng, một trạng thái mà trong đó sự thử thách đối trọng với năng lực và tạo ra môi trường hoàn hảo cho sự sáng tạo. Chắc chắn tôi không dùng ẩn dụ này với ý cho rằng mục tiêu cả đời của chúng ta chỉ đơn giản là bật lên rồi nhún xuống tại chỗ.
Sự linh hoạt trong cảm xúc giúp bạn hướng tới cuộc sống mà bạn mong muốn. Hành trình này bao gồm việc đạt được các mục tiêu rõ ràng, đầy thách thức nhưng vẫn khả thi - những mục tiêu mà bạn theo đuổi không phải vì bạn cho rằng bạn phải làm vậy, hoặc vì bạn được dạy phải làm vậy, mà vì bạn thật sự muốn hoàn thành chúng, vì chúng quan trọng đối với bạn.
Khi tiếp tục theo đuổi kiến thức mới và những trải nghiệm phong phú hơn, hay khi làm theo lời mách bảo của trái tim và theo những câu trả lời trung thực mà bạn đã đưa ra cho những câu hỏi có ý nghĩa đối với mình, bạn sẽ phát hiện mình không hề mắc kẹt trên chiếc bập bênh. Thay vào đó, bạn sẽ bay vút lên cao, mở mang cả tâm trí lẫn thế giới của mình.