T
ôi gặp Erin lần đầu tiên trong một chương trình đào tạo do tôi tổ chức dành cho các nữ nhân viên cấp cao. Khi đó, cô ấy mặc một bộ áo váy len, đeo hoa tai ngọc trai và có mái tóc được chải chuốt gọn gàng. Tôi đã nhìn cô ấy và nghĩ “Đây chính là một người phụ nữ tự tin”.
Khóa học đó diễn ra suôn sẻ và chẳng mấy chốc đã đến phần các học viên chia sẻ về những áp lực mà họ gặp phải trong công việc, cũng như về cuộc đấu tranh để cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và sự nghiệp. Trước sự ngỡ ngàng của tôi, Erin - người phụ nữ có vẻ rất tự tin trước đó - đã bật khóc. “Tôi đang trong tình cảnh như vậy và tôi không thể đương đầu nổi!”, cô nói và bắt đầu kể câu chuyện của mình.
Erin có ba đứa con và cả ba đều chưa tới năm tuổi. Cô chỉ làm việc bốn ngày một tuần để có thể dành nhiều thời gian cho các con. Cô đã thỏa thuận với nhà tuyển dụng về sự sắp xếp này, nhưng không phải lúc nào mọi chuyện cũng suôn sẻ như mong đợi. Mới cách nay một tuần, sếp của cô đã lên lịch một cuộc điện thoại quan trọng vào ngày nghỉ của cô và Erin cảm thấy mình không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận. Tuy nhiên, vì không muốn sếp nghe thấy tiếng lao nhao của bọn trẻ nên cô đành thực hiện cuộc bàn thảo kinh doanh dài chín mươi phút vô cùng quan trọng này trên sàn của phòng chứa quần áo nhà mình.
Khi cô kể câu chuyện này, những người phụ nữ khác trong nhóm đã gật gù đồng cảm. Họ đều công nhận rằng hành động đó của cô vừa đáng thương vừa buồn cười. Tất cả những nữ lao động này đều đã từng trải qua tình cảnh tương tự như Erin - mắc kẹt trong phòng chứa quần áo tối tăm vì phải cố gắng làm hài lòng mọi người và tự làm khổ chính mình.
Erin không chỉ mắc kẹt trong phòng chứa quần áo nhà mình, mà cô còn bị mắc kẹt với ý nghĩ mình phải là một nhân viên hoàn hảo, luôn sẵn sàng làm việc bất kể giờ giấc và bất kể có chuyện gì khác đang diễn ra trong cuộc sống của mình. Vì lo rằng mình sẽ không được trọng dụng nếu dành quá nhiều thời gian cho cuộc sống gia đình, cô phải che giấu một vai trò cực kỳ quan trọng và một giá trị to lớn của mình: vai trò của một người mẹ tận tâm.
Thật tình cờ là tôi biết sếp của Erin khá rõ. Đó là một người đàn ông đáng mến nhưng hơi thiếu tổ chức và phải rất vất vả mới nắm được “hành tung” của hơn ba mươi nhân viên dưới trướng. Tôi nghĩ anh ấy sẽ rất áy náy nếu biết rằng người mẹ trẻ này cảm thấy cô ấy phải nhận một cuộc gọi bàn chuyện làm ăn trong phòng chứa quần áo - đặc biệt là khi chuyện này diễn ra vào ngày cô ấy không phải làm việc!
Sau khi chia sẻ cảm xúc với chúng tôi, Erin đã quyết định tôn trọng các giá trị của mình và đương đầu với cảm giác khó chịu để nói chuyện thẳng thắn với sếp. Cô đã kể cho sếp biết chuyện xảy ra vào ngày hôm đó và áp lực mà cô đã phải gánh chịu khi anh ấy gọi đến (nhưng tôi không nghĩ cô đã tiết lộ vị trí chính xác “phòng làm việc tại nhà” của mình).
Đối diện với những cảm xúc chân thật của mình - chán nản và oán giận khi phải loay hoay để vừa đáp ứng các nhu cầu trong đời sống cá nhân vừa thỏa mãn cảm giác mình là “nhân viên hoàn hảo” - đã giúp Erin có được khoảng đệm cần thiết để thoát ra và nhìn nhận đúng bản chất của những chiếc móc câu này: chúng là cảm xúc chứ không phải số phận của cô. Điều này cũng giúp cô thể hiện được lý tưởng của mình trong một cuộc trò chuyện cởi mở và chân thành về những kỳ vọng của sếp và khát vọng của bản thân, cuộc trò chuyện mà qua đó cô đã bày tỏ rõ rằng cô rất trân trọng những bước phát triển mà mình có được nhờ công việc nhưng đồng thời cũng rất coi trọng khoảng thời gian quý báu bên các con. Erin nói với sếp rằng vào các ngày thứ năm trong tuần, đương nhiên cô vẫn sẵn sàng làm việc nếu có tình huống thật sự khẩn cấp, còn trong tình huống bình thường thì cô sẽ về nhà để đảm đương vai trò người mẹ - và cô không cảm thấy xấu hổ vì lựa chọn này.
Bằng cách bày tỏ những cảm xúc thật của mình với sếp, Erin đã có thể loại bỏ một mầm mống lớn của sự xung đột và bất an. Công việc của cô trở nên thuận lợi và hiệu quả hơn vì cô đã làm rõ mối quan hệ giữa bản thân và nơi làm việc; các con của cô thì vui vẻ hơn khi mẹ của chúng có thể dành thời gian chất lượng cho chúng; còn bản thân Erin đã có thể ngủ ngon giấc lần đầu tiên sau nhiều tháng.
Giờ đây, chúng ta biết rằng cảm giác thỏa mãn và sự phát triển vượt bậc trong cuộc sống cá nhân của bạn không đến từ việc làm theo những gì người khác cho là phù hợp với bạn, mà đến từ việc điều chỉnh hành động của bản thân - theo từng phút, từng ngày - sao cho phù hợp hơn với các giá trị mà bạn thật sự coi trọng. Điều này cũng đúng trong công việc. Tuy theo lẽ thường thì chúng ta phải chấp nhận một số ràng buộc nhất định để đổi lấy tiền lương, nhưng chúng ta ký hợp đồng lao động chứ không phải hợp đồng nô lệ. Bằng cách thường xuyên thực hành, bạn sẽ có thể áp dụng các kỹ thuật ứng phó linh hoạt với cảm xúc để định hình công việc của mình chứ không phải để công việc định hình cuộc sống của bạn.
Những chiếc móc câu nơi công sở
Trong môi trường làm việc ngày nay, đa số mọi người đều cho rằng công sở không có chỗ cho những suy nghĩ và cảm xúc không thoải mái, và rằng người lao động, đặc biệt là các cấp lãnh đạo, cần có thái độ khắc kỷ hoặc phải luôn lạc quan. Họ phải thể hiện sự tự tin và dập tắt mọi cảm xúc mãnh liệt mà mình có, đặc biệt là những cảm xúc “tiêu cực”. Nhưng như chúng ta đã thấy, chuyện này đi ngược lại bản chất sinh học của con người. Cho dù tài giỏi đến thế nào trong công việc, tất cả những con người khỏe mạnh đều có nhiều suy nghĩ và luồng cảm xúc trong nội tâm của mình, bao gồm những lời chỉ trích, sự hoài nghi và nỗi sợ. Đây đơn giản chỉ là quá trình hoạt động bình thường của bộ não con người khi cố gắng tìm hiểu thế giới xung quanh, dự đoán và giải quyết vấn đề, cũng như tránh các cạm bẫy tiềm ẩn.
Đó cũng là lý do tại sao có rất nhiều “móc câu” tiềm ẩn trong môi trường làm việc. Công việc gắn liền với những niềm tin được ẩn giấu bên trong chúng ta, với nhận thức về bản thân, cảm nhận của chúng ta về sự cạnh tranh và hợp tác, cũng như với tất cả những trải nghiệm sống mà chúng ta có từ trước ngày đầu tiên đi làm. Hồi nhỏ chúng ta có hòa đồng với bạn bè không, hay chúng ta cảm thấy lạc lõng? Cha mẹ có từng đặt ra những kỳ vọng không thực tế cho chúng ta không? Chúng ta có đang đánh giá quá cao hoặc quá thấp bản thân không? Chúng ta có tự tin vào giá trị bản thân và tự hào với năng lực của mình không, hay chúng ta đang cố hạ thấp chúng?
Mặc dù khi nhìn từ bên ngoài thì môi trường làm việc chú trọng số liệu, các phân tích, bảng tính và những quyết định lý trí đến lạnh lùng, nhưng công sở thực chất là một sân khấu phơi bày tất cả những vấn đề về mặt cảm xúc và tinh thần nói trên - bất kể chúng ta có ý thức được các vấn đề đó hay không. Trong công việc, đặc biệt là khi mọi thứ trở nên căng thẳng, chúng ta rất dễ quay lại với những niềm tin xưa cũ mà chúng ta có về bản thân mình. Những cuộc độc thoại nội tâm cũ rích này rất dễ được khơi lên vào những thời điểm quan trọng, chẳng hạn như khi chúng ta nhận (hoặc cần đưa ra) những lời phê bình, khi chúng ta cảm thấy bị áp lực phải làm việc nhiều hơn hoặc nhanh hơn, khi phải đối phó với cấp trên hoặc đồng nghiệp có cá tính mạnh, khi cảm thấy mình không được đánh giá cao, hoặc khi chúng ta sắp mất sự cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và công việc…
Để thăng tiến trong sự nghiệp, chúng ta cần cập nhật những cuộc trò chuyện nội tâm này giống như cách chúng ta cập nhật bản lý lịch của mình. Và cũng như chúng ta không còn liệt kê các công việc làm thêm của mình vào hồ sơ xin việc sau khi đã tốt nghiệp đại học, một số thông tin quá cũ khác cũng cần được bỏ đi.
Trong Chương 1, tôi đã nói rằng nhịp độ ngày càng nhanh và mức độ phức tạp ngày càng cao của cuộc sống đã khiến sự linh hoạt cảm xúc trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Thương trường là nơi hội tụ cao nhất của tất cả những thay đổi này: sự toàn cầu hóa, đổi mới công nghệ, sự bất ổn địa chính trị, các điều chỉnh pháp luật và sự thay đổi nhân khẩu học. Những yếu tố này khiến môi trường làm việc trở nên khó lường. Các bản mô tả công việc có thể thay đổi sau mỗi vài tháng; mục tiêu mới được đặt ra ở quý trước giờ đây đã không còn phù hợp với tình hình thực tế; tình trạng cắt giảm nhân sự, củng cố và chuyển đổi mô hình tổ chức diễn ra thường xuyên. Ngay cả khi không có những cảm xúc và suy nghĩ hỗn loạn của chúng ta xen vào, môi trường làm việc cũng là một nơi có nhiều khó khăn thử thách.
Hơn bao giờ hết, để làm việc hiệu quả nơi công sở, chúng ta phải có khả năng theo dõi sát sao các kế hoạch của mình, bao gồm dự đoán xem các quyết định của chúng ta sẽ ảnh hưởng đến các khía cạnh khác của công ty hoặc dự án như thế nào và thực hiện các điều chỉnh cần thiết. Chúng ta cần sức bật tinh thần để ứng phó với sự mơ hồ và các thay đổi luôn diễn ra hằng ngày. Chúng ta cũng cần kỹ năng giao tiếp để phát huy sức mạnh tập thể, nhờ đó có được các ý tưởng, góc nhìn mới và hoàn thành công việc.
Thật không may, chính nhịp độ và sự thay đổi đòi hỏi chúng ta phải trở nên linh hoạt cũng là thứ khiến chúng ta hành xử cứng nhắc. Chúng ta tiếp nhận quá nhiều thông tin và phải đưa ra quá nhiều quyết định đến mức ta nhanh chóng tạo cho mình thói quen chọn những phương án xuất hiện đầu tiên và tiện lợi nhất - những phương án được đưa ra bởi lối tư duy cứng nhắc. Và vì không có nhiều thời gian tương tác, chúng ta thường hạ thấp các mối quan hệ thành các cuộc giao dịch. Với ba trăm email đang chờ được giải quyết, chúng ta dễ dàng chọn cách trả lời ngắn gọn với đồng nghiệp mà không mảy may nghĩ đến việc hỏi thăm đứa con vừa phải nhập viện của họ.
Tất cả những điều này dẫn đến hậu quả là chúng ta bị phân tâm, đưa ra những quyết định vội vàng và chọn các giải pháp đơn giản thái quá - mà chúng ta hay gọi là các quyết định ngớ ngẩn của người thông minh. Đó là chưa kể đến những hậu quả như áp lực, cảm xúc căng thẳng, sự hoảng loạn, cảm giác tội lỗi cùng với niềm tin sai lầm rằng bằng một cách nào đó, công nghệ và lối làm việc đa nhiệm sẽ giúp chúng ta tìm ra giải pháp - trong khi thực tế không phải như vậy.
Những chiếc móc câu do chúng ta tự tạo ra
Vài năm trước, tôi gặp một phụ nữ tên Livia. Cô làm việc cho một trong số những khách hàng doanh nghiệp của tôi. Livia là một người thông minh và xông xáo, có năng lực và rất được lòng đồng nghiệp cũng như cấp trên. Không những vậy, trong các cuộc họp với đội ngũ điều hành của công ty, tôi được biết rằng ban lãnh đạo đã chuẩn bị trao cho cô ấy một cơ hội thăng tiến mang tính đổi đời. Nhưng vì vai trò mới của cô có liên quan đến kế hoạch chưa-được-công-khai về việc tái cơ cấu công ty, nên cô vẫn chưa được biết về chuyện tốt đẹp này. (Tôi đã ký cam kết bảo mật thông tin nên không thể nói với cô ấy được.)
Livia chỉ biết là có chuyện gì đó đang diễn ra, và theo bản năng, cô không thích những chuyện không rõ ràng. Các quản lý cấp cao dường như đang đối xử với cô khác với bình thường. Có đôi lần cô cảm nhận được rằng họ ngưng nói chuyện khi cô bước vào văn phòng. Vài tháng sau đó, tin đồn về một cuộc cải tổ lớn đã lan khắp công ty và Livia tin rằng những dấu hiệu mà cô cảm nhận được về “chuyện gì đó đang diễn ra” cho thấy cô sắp bị sa thải. Sự hiểu nhầm này đã khiến cô suy sụp tinh thần. Cô bắt đầu có những nhận xét tiêu cực về mọi đề xuất thay đổi và không còn mặn mà với việc đóng góp ý kiến nữa. Thời điểm này lại là lúc tôi nghỉ thai sản, và khi tôi quay lại làm việc thì vị trí của Livia đã bỏ trống. Cô ấy đã bị sa thải.
Livia đã tự sa lầy khi để chiếc móc câu mang tên nỗi bất an cản trở cô theo đuổi giá trị sâu sắc nhất mà cô đặt ra trong công việc, đó là mong muốn được đóng góp cho thành công của công ty. Ngay cả nếu nhận định có phần suy diễn thái quá của cô về tình huống khi đó là đúng đi nữa, giải pháp mang tính linh hoạt cảm xúc hơn chính là tự nhủ “Được rồi, có thể tôi sắp bị sa thải. Nhưng dù sao đi nữa thì tôi cũng sẽ ra đi trong tư thế ngẩng cao đầu vì những đóng góp đáng tự hào của mình trong công việc”. Hoặc tốt hơn nữa là ngay khi có những cảm xúc khó chịu đầu tiên, lẽ ra cô nên bày tỏ thẳng thắn với cấp trên của mình rằng “Tôi cảm thấy có chuyện gì đó rất kỳ lạ. Anh có thể giúp tôi hiểu chuyện gì đang xảy ra không?”.
Một khách hàng khác của tôi, Al, đang bị giày vò bởi những chiếc móc câu khác. Al tốt nghiệp hạng ưu tại một trường kinh doanh hàng đầu, anh cũng là người cha mà hai đứa con anh rất tự hào. Al tìm đến tôi khi anh lỡ mất một cơ hội thăng tiến mà anh xứng đáng có được nhờ tài năng và sự mẫn cán của mình.
Al chia sẻ với tôi về quyết tâm trở thành một người cha tốt chứ không phải một người cha thường xuyên vắng nhà như cha của anh ngày xưa. Quyết tâm này càng trở nên lớn hơn sau khi đứa con thứ hai của anh chào đời và cần được chăm sóc đặc biệt. Gia cảnh phức tạp đã khiến Al đi đến một quyết định mà theo anh là khá cực đoan nhưng phù hợp với những giá trị mà anh coi trọng nhất, đó là dành trọn sự quan tâm và cảm xúc cho gia đình. Khi đến công ty, anh chỉ tập trung hoàn thành công việc để có thể về nhà sau giờ làm và ở bên cạnh những người anh yêu thương nhất, đồng thời cũng là những người cần anh nhất. Kết quả là anh không có thời gian xã giao hoặc xây dựng các mối quan hệ với đồng nghiệp. Bản thân anh thấy mình làm việc tập trung và hiệu quả. Nhưng các đồng nghiệp lại thấy anh giống như người máy, cứng nhắc và thiếu sự cảm thông. Đó là lý do Al đã vuột mất cơ hội thăng tiến.
Al đã để cho chiếc móc câu cũ - nỗi đau của việc có một người cha thường xuyên vắng nhà - cản trở anh theo đuổi mục tiêu mà anh coi trọng nhất, đó là trở thành điểm tựa vững vàng cho các con của mình. Al đã quên rằng để làm một người cha tốt, anh không chỉ cần dành nhiều thời gian bên các con mà còn cần nỗ lực thành công trong sự nghiệp để có thể trở thành chỗ dựa tài chính cho gia đình.
Cả Livia và Al đều hội tụ đủ các yếu tố để thành công, trừ sự linh hoạt cảm xúc mà tất cả chúng ta đều cần để vượt qua sóng gió cuộc đời. Sự linh hoạt đó bắt đầu với việc tháo gỡ những suy nghĩ, cảm xúc và khuôn mẫu vô ích, cũng như phải điều chỉnh các hành động hằng ngày sao cho khớp với những khát vọng và giá trị lâu dài của bản thân.
Số lượng những cái bẫy nơi công sở cũng nhiều như số người đi làm mỗi ngày vậy. Trong các chương trình đào tạo của mình, tôi thấy các quản lý thường bị vướng vào chiếc móc câu mang tên “nhiệm vụ”. Họ bước vào các cuộc họp với danh sách các công việc cần hoàn thành, tương tác với các thành viên trong nhóm, chủ yếu để bàn về một nhiệm vụ cụ thể nào đó (“Raphael, tôi cần bản báo cáo hoạt động marketing trước trưa nay”), chứ không phải như những con người cùng hướng về một mục tiêu chung (“Có ai có ý tưởng gì để làm cho dự án này hiệu quả hơn không?”) hoặc chia sẻ cùng một lý tưởng (“Làm thế nào chúng ta có thể cung cấp cho khách hàng một sản phẩm cực kỳ xuất sắc - một sản phẩm mà chúng ta thật sự tự hào?”). Nếu một nhân viên không hoàn thành nhiệm vụ được giao, người quản lý sẽ cảm thấy tức giận hoặc có khuynh hướng chú trọng những tiểu tiết trong nhiệm vụ đó (“Chúng ta chốt bản dự thảo này vào đúng 2:45 chiều hôm nay, miễn lý do!”) và sẽ không kết nối với các nhu cầu, ý tưởng hay mong muốn của cả nhóm - chẳng hạn như không nhận ra là họ nên chúc mừng nhân viên vì kết quả tốt đạt được. Hoặc họ sẽ chỉ đưa ra những nhận xét mang tính công việc thuần túy như “Doanh số của anh bị giảm trong quý này”, thay vì “Tôi thấy doanh số của anh đang giảm. Anh đang gặp khó khăn gì sao? Chúng ta có thể làm gì để cải thiện tình hình không?”.
Ngược lại, các nhà quản lý biết cách ứng phó linh hoạt với cảm xúc có thể tránh được tình trạng tập trung vào tiểu tiết. Họ hiểu tầm quan trọng của các chi tiết nhỏ, nhưng đồng thời họ cũng biết cách nâng tầm suy nghĩ và các kế hoạch của mình từ mức độ nhiệm vụ lên mục tiêu. Trước khi bắt đầu cuộc họp, một nhà lãnh đạo có kỹ năng linh hoạt cảm xúc có thể sẽ tự hỏi “Mục tiêu (chung) mà cuộc họp này hướng tới là gì?”, “Tôi muốn các thành viên trong nhóm có cảm nhận như thế nào sau khi họp xong?”, “Làm sao để các nhận xét của tôi có thể giúp họ đạt được mục tiêu riêng của họ?”.
Một cái bẫy bất ngờ khác nơi công sở chính là quan tâm công việc quá mức. Vài thập niên trước, công việc thường được xem như một phương tiện để kiếm tiền nuôi sống bản thân và chỉ là một trong nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống, bên cạnh các câu lạc bộ xã hội, sở thích và tín ngưỡng. Tuy nhiên, đối với nhiều người ngày nay, thời gian làm việc kéo dài hơn trước, nơi làm việc trở thành môi trường giao tiếp xã hội chính và sự nghiệp trở thành một phần không thể tách rời với nhận thức của chúng ta về bản thân. Bên cạnh đó, chúng ta cũng liên tục nhận được thông điệp rằng con người có thể và cần tìm thấy “mục đích” trong công việc của mình. Đúng là công việc có thể nâng cao sức khỏe tâm lý của chúng ta, nhưng chúng ta rất dễ chú trọng công việc đến mức khiến cuộc sống của mình bị mất cân bằng.
Sự quan tâm quá mức đối với công việc có thể khiến chúng ta quyết liệt bảo vệ “trình độ chuyên môn” của mình bằng cách luôn phải có câu trả lời cho mọi vấn đề, hoặc không thừa nhận sai lầm của mình. Trên phương diện các mối quan hệ, sự quan tâm quá mức này được thể hiện qua cách chúng ta “giẫm lên chân đồng nghiệp”, nhúng tay quá sâu vào những chuyện không phải của mình, nghĩ quá nhiều hoặc nói quá nhiều về những lời khiêu khích, nhạo báng của người khác.
Đối với những người bị vướng vào chiếc móc câu này, việc “bớt quan tâm công việc” có thể khiến họ cảm thấy như thể mình đang biếng nhác. Nhưng sự thật không phải vậy. “Bớt quan tâm công việc” thật ra là một cách để bạn nhìn thấy bức tranh tổng thể và buông bỏ những gì không cần thiết, để từ đó mở ra những cánh cửa dẫn tới nhiều phương diện khác trong cuộc sống, đồng thời có thể làm việc hiệu quả hơn nhằm phục vụ cho những giá trị mà bạn thật sự trân trọng.
Bẫy tập thể
Đa số chúng ta đều làm việc theo nhóm, nghĩa là các móc câu không giới hạn trong những câu chuyện hoặc trải nghiệm của cá nhân ta nữa, mà chúng có thể bao gồm cả những câu chuyện về đồng nghiệp. Chúng ta vẫn vô thức đưa ra những đánh giá về điểm yếu và điểm mạnh của đồng nghiệp, về việc họ có tận tụy và có tài năng hay không.
Có một sự thật đơn giản là chúng ta rất dễ đánh giá sai hoàn toàn về một người nào đó. Thường thì đây là hậu quả của những thành kiến mà chúng ta không bao giờ thừa nhận. Tệ hơn, con người luôn có nhận định không chính xác về khả năng đánh giá khách quan của mình, do đó chúng ta thường không nhận ra là mình đang có thành kiến về người khác.
Trong một nghiên cứu, người tham gia được yêu cầu xem xét một ứng cử viên nam và một ứng cử viên nữ cho vị trí cảnh sát trưởng. Sau khi nghe tiểu sử của hai ứng cử viên, những người tham gia được hỏi rằng một ứng viên thành công nên có khả năng ứng biến với hoàn cảnh hay là có trình độ học vấn chính quy. Các nhà nghiên cứu đã thực hiện thí nghiệm này nhiều lần, và lần nào những người tham gia cũng đều chọn yếu tố gắn liền với ứng viên nam. Nếu ứng viên nam được mô tả là giỏi ứng biến thì những người tham gia nghiên cứu trả lời rằng một cảnh sát trưởng nên có khả năng ứng biến. Nếu ứng viên nam là người được đào tạo bài bản thì những người tham gia chọn ưu tiên yếu tố trình độ học vấn chính quy. Họ không chỉ thể hiện thành kiến về giới tính này một cách nhất quán, mà còn hoàn toàn không ý thức được là mình có thành kiến này.
Trong một khảo sát khác, người tham gia được chọn một trong hai đối thủ để cùng tham gia trò chơi - một người ăn mặc tươm tất và tự tin, người còn lại ăn mặc luộm thuộm và có vẻ lúng túng. (Các nhà nghiên cứu còn vui tính đặt tên cho hai nhân vật này là “chàng bảnh tỏn” và “anh ngốc”. Ai nói các nhà khoa học không có khiếu hài hước?) Kết quả là số lượng người chọn “anh ngốc” làm đối thủ cao hơn rất nhiều số người chọn “chàng bảnh tỏn”, mặc dù trò chơi mà họ tham gia chỉ đơn giản là rút một lá bài ngẫu nhiên - một trò hoàn toàn dựa vào may rủi. Khi những người tham gia khảo sát nhìn vào anh chàng ăn mặc lôi thôi kỳ cục hệt như kẻ bại trận, thành kiến của họ lập tức lên tiếng nói với họ rằng họ giỏi hơn “anh ngốc” đó và bất chấp mọi logic, ưu thế này bằng một cách nào đó có thể giúp họ giành chiến thắng ngay cả trong một trò chơi thuần may rủi.
Trong một bài viết cho tạp chí Harvard Business Review, tôi đã viết về “Jack”, quản lý cấp cao của một trong những công ty mà tôi tư vấn. Các đồng nghiệp của Jack luôn coi anh như một người quản lý tử tế. Một ngày nọ, Jack tuyên bố hủy một dự án lớn, và những nhân viên thất vọng về quyết định này bỗng thay đổi thái độ của họ đối với anh. Trong tâm trí của những nhân viên này, Jack không còn tốt đẹp như cách mọi người hay kể với nhau trong các bữa tiệc nữa. Giờ đây anh chỉ là một kẻ giả tạo, ích kỷ và sợ rủi ro giống như tất cả các sếp lớn khác.
Chúng ta rất dễ tin vào thứ mà các nhà tâm lý học gọi là thành kiến tương ứng (correspondence bias), tức là khuynh hướng cho rằng hành vi của một người - chẳng hạn như huênh hoang hoặc sợ rủi ro - luôn gắn liền với những đặc điểm tính cách của họ chứ không thay đổi theo hoàn cảnh. Mặt khác, chúng ta lại thường lý giải hành vi xấu của mình như một phản ứng trước tình huống cụ thể nào đó (“Tôi có thể làm gì chứ? Tôi bị áp lực quá mà!”). Nhà tâm lý học Daniel Gilbert đến từ Đại học Harvard đã chỉ ra bốn nguyên nhân gây ra thành kiến tương ứng:
1. Chưa nhận thức đầy đủ về tình huống
Trong ví dụ về Jack - Kẻ Hủy Dự Án, nhân viên của anh chỉ đơn giản là không biết toàn bộ câu chuyện đằng sau quyết định của sếp mình, bao gồm việc anh đã phản đối thế nào hoặc anh bị cấp trên thúc ép ra sao để phải đi đến quyết định đó.
2. Có những kỳ vọng không thực tế
Ngay cả khi các đồng nghiệp của Jack hiểu rằng anh bị mắc kẹt trong một tình thế tiến thoái lưỡng nan, có thể họ vẫn nghĩ “Thật hèn nhát. Nếu là tôi thì tôi đã phản đối tới cùng”.
3. Săm soi và cường điệu ý nghĩa của các hành vi
Các thành viên trong nhóm của Jack có khuynh hướng diễn giải nụ cười mỉm của anh như một biểu hiện của sự thỏa mãn khi phá hủy được ước mơ và tham vọng của đồng nghiệp, thay vì xem nụ cười đó chỉ đơn giản là một nụ cười.
4. Không thể điều chỉnh những mặc định ban đầu của mình
Ngay cả khi các thành viên đang thất vọng trong nhóm của Jack hiểu thêm về câu chuyện đằng sau quyết định của anh, có thể họ cũng không dành thời gian và công sức để điều chỉnh nhận định của họ về anh.
Trên thực tế, những mặc định tích cực mà các đồng nghiệp của Jack đưa ra khi họ còn thích anh và những kết luận tiêu cực họ áp đặt lên anh sau khi anh làm phật lòng họ đều không phải là những nhận định hoàn chỉnh hoặc đặc biệt chính xác. Sự thật là họ không biết rõ về Jack. Chỉ khi thực hành kỹ năng linh hoạt cảm xúc thì chúng ta mới có thể thay đổi quan điểm, tiếp tục tìm hiểu, khám phá và ngày càng hiểu thêm về con người cũng như những tình huống mà chúng ta gặp phải.
Cả tập thể cùng sập bẫy
Trong môi trường làm việc, đôi khi không chỉ một người bị mắc câu mà cả nhóm cũng có thể cùng sập bẫy.
Vào tháng Ba năm 2005, Elaine Bromiley đến bệnh viện để làm một tiểu phẫu. Cô ấy có vấn đề về xoang và các bác sĩ dự định làm thủ thuật thông xoang mũi cho cô. Chồng cô, Martin, đã vẫy tay chào vợ và dẫn hai con đi mua sắm cuối tuần.
Nhưng chỉ vài giờ sau, Martin nhận được một cuộc điện thoại báo tin dữ: các bác sĩ gặp khó khăn trong việc giữ cho đường hô hấp của Elaine được khai thông sau khi gây mê và giờ đây cô ấy không thể tỉnh dậy một cách bình thường sau khi phẫu thuật. Mức oxy của cô giảm mạnh và cô đã được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt. Khi Martin đến bệnh viện, vợ anh đã rơi vào trạng thái hôn mê. Vài ngày sau, anh đồng ý cho bác sĩ tắt các thiết bị hỗ trợ sự sống cho Elaine.
Một cuộc điều tra cho thấy đường hô hấp của Elaine đã đóng lại gần như ngay sau khi ca tiểu phẫu bắt đầu. Theo đúng quy trình y tế, bác sĩ gây mê đã cố gắng dùng máy trợ thở để cung cấp oxy cho cô. Ông đã yêu cầu được chi viện nên một bác sĩ gây mê khác cùng với một bác sĩ phẫu thuật đã lập tức đến hỗ trợ. Sau đó, họ cố gắng đặt ống thở nội khí quản cho Elaine nhưng không thành công.
Bệnh nhân chỉ có thể sống sót mà không có oxy trong khoảng mười phút, sau mười phút đó, não của họ có thể bị tổn thương không thể hồi phục. Vì vậy, trong tình huống nguy cấp “không thể trợ thở, không thể đặt nội khí quản”, nguyên tắc sống còn là dừng ngay việc cố gắng đặt ống thở, và thay vào đó là tìm cách đưa trực tiếp oxy vào đường hô hấp của bệnh nhân. Các bác sĩ có thể làm điều này bằng cách rạch khí quản của bệnh nhân. Cả ba bác sĩ trong phòng phẫu thuật của Elaine hôm đó có tổng cộng sáu mươi năm kinh nghiệm. Họ nắm rõ các hướng dẫn y khoa nhưng lại không nghĩ đến chuyện thay đổi phương pháp mà cứ cố gắng đặt ống hết lần này đến lần khác. Đến lúc các bác sĩ đặt được ống nội khí quản cho Elaine thì hơn hai mươi lăm phút đã trôi qua và mọi thứ đã quá trễ.
Trong khi các bác sĩ cố gắng đặt ống nội khí quản, một trong các y tá ở đó đã nhìn ra tình huống và chủ động đưa cho các bác sĩ bộ dụng cụ để rạch khí quản, nhưng cô nhanh chóng bị họ phớt lờ. Một y tá khác đã đi đặt sẵn giường cho Elaine trong phòng chăm sóc đặc biệt, nhưng khi thấy các bác sĩ có ý cho rằng cô đang phản ứng thái quá thì cô lại hủy yêu cầu đặt giường.
Làm thế nào mà một ca phẫu thuật thông thường lại trở nên tồi tệ đến vậy? Tại sao một phụ nữ khỏe mạnh ba mươi bảy tuổi đến một bệnh viện hiện đại với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm để làm một cuộc tiểu phẫu lại đi đến kết cục tử vong? Câu trả lời ngắn gọn là vì sự cứng nhắc. Các bác sĩ rơi vào trạng thái nhận định phiến diện, tức là họ không nhận thức được tình huống và có góc nhìn rất hạn hẹp. Chuyện này xảy ra vì họ đã không chịu lùi lại, xem xét thực tế đang diễn ra và chuyển từ Kế hoạch A sang Kế hoạch B.
Sau này, các y tá trong phòng mổ khi đó kể lại rằng họ rất ngạc nhiên vì không có một bác sĩ nào thực hiện mở khí quản, nhưng họ cảm thấy mình không thể lên tiếng. Họ cho rằng các bác sĩ không thích nghe lời y tá trong những thời điểm quyết định như vậy. Nhưng vậy thì chính các y tá cũng cho thấy họ có định kiến với bác sĩ.
Tuy không phải lúc nào cũng gây ra hậu quả nghiêm trọng, nhưng tình huống cả tập thể cùng sụp hố này rất thường xảy ra ở nơi công sở. Nó khá giống với sự cứng nhắc của Erin, cô nhân viên cấp cao tài năng mà chúng ta đã nhắc tới ở đầu chương này, khi nhận cuộc gọi trong phòng chứa quần áo nhà mình. Sự cứng nhắc cũng là thứ khiến cả đội ngũ thiết kế cứ lao vào phát triển một sản phẩm tuyệt đẹp bất chấp các dữ liệu khảo sát thị trường đã dự đoán rõ ràng rằng nó sẽ không được đón nhận. Sự khác biệt trong trường hợp của Elaine Bromiley là quá trình ra quyết định cứng nhắc đó đã cướp đi sinh mạng của một con người.
Có lẽ bạn từng tham gia một cuộc họp mà trong đó bạn phải đè nén nỗi nghi ngờ hoặc các ý kiến phản bác của mình vì bạn không sẵn sàng để đưa ra một quan điểm khác, hoặc vì bạn không cảm thấy mình có thể làm thế. Thật đáng sợ khi là người duy nhất nói ra ý kiến trái chiều hoặc trình bày một ý tưởng khác thường. Nhưng nếu không dám đương đầu với cảm giác khó chịu khi là người phát biểu những ý kiến không được đa số ủng hộ, bạn sẽ không bao giờ thật sự được lắng nghe. Im lặng có thể là vàng khi bạn quyết định không tham gia vào một cuộc tranh cãi vô bổ, hoặc khi bạn tránh nói với đồng nghiệp rằng ý tưởng mới của anh ấy thật vớ vẩn. Tuy nhiên, dù việc cả nhóm cùng đứng trên một chiến tuyến nghe có vẻ rất tuyệt vời nhưng nó rất thường khiến cả nhóm rơi vào lối tư duy thất bại thay vì trở thành một đội ngũ nhạy bén.
Những dấu hiệu cho thấy bạn đang sập bẫy nơi công sở
• Bạn không thể buông bỏ một ý tưởng hoặc cứ cố chấp với việc “mình đúng” ngay cả khi rõ ràng là có một phương án khác tốt hơn.
• Bạn giữ im lặng khi biết có chuyện gì đó không đúng đang diễn ra.
• Bạn bận rộn với những nhiệm vụ nhỏ mà không quan tâm đến bức tranh toàn cảnh.
• Bạn trở nên thờ ơ.
• Bạn chỉ tình nguyện nhận những nhiệm vụ hoặc công việc ít khó khăn nhất.
• Bạn nói xấu sau lưng các đồng nghiệp hoặc gièm pha các dự án.
• Bạn đánh giá các đồng nghiệp dựa vào những mặc định chủ quan và các khuôn mẫu có sẵn.
• Bạn không làm chủ quá trình phát triển sự nghiệp của chính mình.
Đương đầu nghịch cảnh để hoàn thành công việc
Thật sự “đương đầu nghịch cảnh” nơi công sở có nghĩa là bạn chấp nhận và hiểu rõ những suy nghĩ cũng như cảm xúc của mình, đồng thời nhìn nhận chúng đúng với bản chất của chúng: các suy nghĩ và cảm xúc này là thông tin chứ không phải các sự thật hiển nhiên hoặc mệnh lệnh. Nhận thức này giúp chúng ta có thể vừa giữ khoảng cách vừa có được cái nhìn toàn cảnh đối với quá trình tư duy của mình, nhờ đó làm giảm sức chi phối của quá trình này lên hành động của chúng ta.
Có khá ít người trong số chúng ta phải làm những công việc thường xuyên trải nghiệm nỗi sợ - ý tôi là kiểu nỗi sợ liên quan đến tính mạng, chẳng hạn như nỗi sợ khi phải ở trên một con tàu đang chìm, ở trong một hầm mỏ đang sập hoặc bị bao vây bởi sáu tay giang hồ. Nhưng gần như mọi người lao động đều quen thuộc với người anh em của nỗi sợ, đó là sự căng thẳng - cảm giác bụng dạ nôn nao khi bản năng đánh-hay-chạy xa xưa trỗi dậy, chỉ khác là ngày nay nó xuất hiện khi chúng ta đọc bản báo cáo tài chính cuối năm, gặp phải một khách hàng khó ưa, có cuộc trò chuyện đáng sợ hoặc phải đối mặt với nguy cơ bị sa thải. Trong Chương 1, chúng ta đã bàn về loại sợ hãi được thể hiện dưới dạng các hormone gây lo lắng tích tụ lâu ngày (trái ngược với nỗi sợ bùng phát do sự gia tăng đột ngột của adrenaline khi chúng ta thấy một con rắn chẳng hạn). Các nhà tâm lý học gọi đây là “sự căng thẳng bào mòn cơ thể”, và càng trải nghiệm kiểu căng thẳng này thì chúng ta càng kiệt quệ cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.
Khi bạn ở trong môi trường làm việc tập thể (đa số thời gian làm việc của chúng ta đều được trải qua trong môi trường như vậy), nơi mà ai cũng đang cảm thấy căng thẳng (đa số môi trường làm việc đều như vậy), sự căng thẳng bào mòn cơ thể của người này sẽ cộng hưởng với sự căng thẳng của người kia thông qua một quá trình mà trước đó chúng ta đã gọi là quá trình lây nhiễm. Trong một môi trường làm việc bình thường, cảm giác căng thẳng luôn hiện diện trên bàn làm việc của mọi người. Và giống như hút thuốc thụ động, sự căng thẳng thụ động cũng có thể ảnh hưởng sâu sắc đến tất cả những người ở trong vùng lan tỏa của nó.
Trong một nghiên cứu, một nhóm y tá được yêu cầu ghi lại nhật ký tâm trạng của bản thân, những rắc rối trong công việc và bầu không khí chung của cả nhóm. Các bản ghi chép trong suốt ba tuần đã cho thấy tâm trạng của một y tá bất kỳ trong một ngày nào đó, dù là vui vẻ hay buồn bã, cũng đều có thể được dự đoán khá chính xác dựa vào tâm trạng của các y tá khác trong nhóm. Điều đáng ngạc nhiên là sự lây nhiễm cảm xúc này xảy ra ngay cả khi tâm trạng gây ảnh hưởng đó không hề liên quan đến công việc và các y tá chỉ gặp nhau một vài giờ trong ngày làm việc. Theo thời gian, những cảm xúc lây nhiễm này có thể lan rộng trong cả tổ chức và góp phần hình thành văn hóa chung của nơi làm việc.
Một nghiên cứu khác cho thấy chỉ cần nhìn thấy một người đang căng thẳng cũng có thể làm tăng cảm giác căng thẳng của người quan sát. Những người tham gia nghiên cứu này đã được nhìn vào những tấm gương một chiều và thấy một người lạ đang giải những bài toán khó hoặc đang trải qua một cuộc phỏng vấn cam go. Các nhà nghiên cứu đã đo được một lượng lớn cortisol - loại hormone được giải phóng khi chúng ta gặp áp lực - ở gần một phần ba số người tham gia. Khoảng một phần tư số người tham gia có phản ứng tương tự khi xem video về một tình huống căng thẳng.
Không những vậy, đúng là sự căng thẳng có nhiều tác hại, nhưng hóa ra cảm giác căng thẳng vì bị căng thẳng (xem lại những ý nghĩ loại 2 trong Chương 3) mới chính là sát thủ thật sự. Trong một khảo sát có gần 30.000 người tham gia trả lời, những người từng trải qua nhiều tình huống căng thẳng nhưng không lo lắng rằng sự căng thẳng đó có thể tổn hại tới bản thân có xác suất tử vong trong tám năm tiếp theo thấp hơn so với những người khác. Trong khi những người gặp phải rất nhiều áp lực và tin rằng mình bị tổn thương bởi những áp lực đó thì có nhiều hơn 40% khả năng qua đời trong tám năm sau đó.
Bên cạnh đó, có một sự thật cơ bản hơn mà chúng ta cần nhớ, đó là sự căng thẳng không hoàn toàn tồi tệ. Các kỳ hạn và kỳ vọng giúp chúng ta có động lực để cố gắng nhiều hơn. Nhìn ở phương diện sinh tồn, cảm giác căng thẳng là một phần của cuộc sống, và chính vì vậy nên mong muốn “vứt bỏ hết mọi áp lực” là một trong những “mục tiêu của người chết” mà chúng ta đã bàn tới trong phần trước.
Tóm lại, đây là thông điệp quan trọng mà sự linh hoạt cảm xúc đem đến cho bạn: phủ nhận cảm giác căng thẳng, “đóng chai” hoặc “ấp ủ” nó đều là những phản ứng phản tác dụng. Chúng ta không thể né tránh áp lực, nhưng chúng ta có thể điều chỉnh mối quan hệ của mình với cảm giác căng thẳng. Sự căng thẳng không kiểm soát chúng ta. Chúng ta kiểm soát sự căng thẳng của mình.
Bước đầu tiên chỉ đơn giản là hãy chấp nhận sự tồn tại của cảm giác căng thẳng, đương đầu với nó bằng cách thừa nhận rằng nó sẽ không tự biến mất. Bước thứ hai cực kỳ quan trọng, đó là hãy hiểu rằng “bị căng thẳng” không phải là bản chất con người của bạn.
Khi nói “Tôi bị căng thẳng”, bạn kết hợp toàn bộ bản thân mình (“Tôi” = Toàn bộ con người tôi) với cảm giác căng thẳng. Nghe có vẻ khó tin, nhưng cách diễn đạt này khiến bạn kết hợp trọn vẹn bản sắc của mình với cảm giác này. Đây chính là một phần lý do khiến chúng ta cảm thấy vô cùng ngột ngạt khi gặp áp lực. Trong Chương 5, tôi đã gợi ý rằng việc định danh cảm xúc đúng với bản chất của nó (một cảm nhận) và định danh suy nghĩ đúng với bản chất của nó (một ý nghĩ) là một giải pháp đơn giản và vô cùng hiệu quả để thoát ra khỏi những chiếc móc câu. Cách diễn đạt “Tôi nhận thấy… rằng tôi đang cảm thấy căng thẳng” lập tức tạo ra khoảng cách cần thiết giữa bạn và cảm giác căng thẳng đó.
Nhưng để giải pháp này có hiệu quả, bạn phải định danh cảm xúc cho đúng. Có thể thứ mà bạn gọi là “sự căng thẳng” thực chất lại là “tình trạng kiệt sức” vì bạn ôm đồm quá nhiều việc, hoặc là “sự thất vọng” đối với một đội nhóm không nỗ lực hết mình.
Khi xem xét tác dụng của một cảm xúc nào đó - xác định xem nó đang cố gắng truyền đạt thông điệp gì - bạn có thể nhận ra rằng mình cần nói chuyện với các thành viên trong nhóm hoặc đề nghị cấp trên phân công lại nhiệm vụ cho công bằng hơn. Hoặc có thể cảm giác khó chịu đó chỉ là cái giá mà bạn phải trả để được làm công việc mà mình yêu thích và có được cơ hội phát triển tối ưu. Mặt khác, thông điệp mà bạn nhận được có thể là bạn đã chịu đựng đủ rồi và đã đến lúc để khăn gói về quê trồng rau nuôi cá. (Miễn là bạn đừng tự lừa dối bản thân rằng “trồng rau nuôi cá” là một công việc vui vẻ và hoàn toàn không có áp lực. Nhưng dù sao đi nữa, có lẽ một chuyến đi về quê có thể mang lại cho bạn những lợi ích xứng đáng.)
Động lực làm việc
Từ thành phố Vienna, nước Áo, bạn chỉ cần bắt một chuyến tàu ngắn đi về phía nam là đến Marienthal, một thị trấn vô cùng thu hút với những con đường thẳng tắp được bao bọc bởi những ngọn đồi xanh rờn. Năm 1830, một nhà máy kéo sợi bông đã được xây dựng tại đây và trở thành nơi tuyển dụng lao động chính của cả vùng cho đến tận một thế kỷ sau. Trong cuộc Đại suy thoái diễn ra vào những năm 1930, hoạt động kinh doanh của nhà máy bị thua lỗ và khoảng ba phần tư số công nhân ở thị trấn đã bị mất việc làm.
Tuy nhiên, không lâu trước khi nhà máy đóng cửa, chính phủ Áo đã áp dụng bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc đối với mọi công dân. Khoản bảo hiểm này bù đắp được một phần đáng kể cho số tiền lương bị mất của những cư dân ở thị trấn Marienthal, nhưng có kèm theo một điều kiện. Để đạt tiêu chuẩn nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp, những người lao động bị sa thải không được làm bất kỳ công việc được trả lương nào, bao gồm cả những công việc không chính thức. Các báo cáo trong thời kỳ này đã ghi chép lại trường hợp một người dân ở đây bị mất trợ cấp thất nghiệp chỉ vì nhận vài đồng bạc lẻ từ người qua đường khi ông chơi harmonica trên vỉa hè.
Từ năm 1930 đến 1933, các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Graz đã nhận thấy một sự thay đổi đáng chú ý ở người dân địa phương. Theo thời gian, toàn bộ cư dân của thị trấn Marienthal đã trở nên mất sức sống. Người ta chẳng buồn đi dạo hay vận động gì nữa, mà thay vào đó, hoạt động chính của họ là ngủ gà ngủ gật. Đàn ông không còn đeo đồng hồ bởi vì thời gian không còn quan trọng nữa, và các bà vợ thì thường xuyên than phiền rằng chồng mình luôn trễ bữa tối dù chẳng đi đâu ra ngoài.
Các cư dân Marienthal thậm chí cũng không tận dụng khoảng thời gian rảnh rỗi mới có được này để đọc sách, vẽ tranh hoặc chơi các môn nghệ thuật hay trí tuệ khác. Trên thực tế, trong suốt ba năm của cuộc nghiên cứu, số lượng sách được mượn từ thư viện địa phương đã giảm 50%. Quy định không được làm việc mới được hưởng bảo hiểm thất nghiệp dường như khiến cư dân của Marienthal mất hết động lực đến mức không còn thiết tha bất cứ điều gì nữa.
Như chúng ta đã biết, công việc không chỉ đem lại cho con người những bữa ăn. Công việc có thể cho chúng ta cảm giác về bản sắc cá nhân và mục đích sống, cũng như một cơ sở để chúng ta dựa vào đó thu xếp các hoạt động và mối quan tâm khác của mình. Công việc cũng có thể mang lại nhiều lợi ích đáng kể về sức khỏe tâm thần. Nếu không thay thế công việc cũ của mình bằng các hoạt động hấp dẫn khác, những người lao động về hưu sẽ có nguy cơ bị suy giảm nhận thức nhanh hơn.
Hiển nhiên, tiền lương là một phần của những kỳ vọng mà mọi người muốn nhận được từ công việc, nhưng theo nghiên cứu của tôi, lương bổng không phải là khía cạnh duy nhất mang lại cho người ta cảm giác thỏa mãn trong công việc. Trong một khảo sát mới được thực hiện gần đây cho tập đoàn dịch vụ quốc tế Ernst & Young, tôi đã xem xét những nơi mà tôi gọi là “điểm nóng” - những đơn vị kinh doanh có đội ngũ nhân viên đặc biệt nhiệt tình với công việc, nghĩa là họ cảm thấy có thể thể hiện hết sức mình trong môi trường làm việc. Những điểm nóng này có doanh thu và danh tiếng nổi trội, nhưng những thành tích này không phải là lý do nhân viên ở đây cống hiến hết mình. Ngược lại, chính sự nhiệt tình cống hiến của nhân viên mới là thang dự báo những kết quả nổi bật này. Chúng tôi đã rất tò mò về chuyện này. Động lực nào đã khiến nhân viên nhiệt tình làm việc ở các “điểm nóng”? Nghiên cứu của tôi cho thấy chỉ có 4% số người được hỏi trả lời rằng lương bổng là động lực làm việc của họ. Phần lớn những người tham gia cho rằng những yếu tố khiến họ tận tâm với công việc chính là cảm giác gắn bó với đội ngũ đồng nghiệp, có được những thử thách vừa sức trong công việc và cảm nhận được sức mạnh của vị trí mà mình đảm nhiệm.
Lao động có cảm xúc
Tôi bắt đầu làm việc từ năm mười bốn tuổi, nhưng công việc “thật sự” đầu tiên của tôi sau khi tốt nghiệp đại học là viết tài liệu nội bộ cho một tổ chức đào tạo ở New Zealand. Cho đến thời điểm đó, tôi vẫn chưa nghĩ gì nhiều về việc mình muốn làm gì trong đời, nhưng sau đó, tôi nhanh chóng nhận ra tôi không muốn dành cả đời để ngồi viết tài liệu cho công ty. Tôi rất ghét công việc đó. Vào giờ ăn trưa mỗi ngày, tôi thường ra ngoài cùng một cô bạn đồng nghiệp và chúng tôi than thở về công việc, về các đồng nghiệp khác, về các sếp và khá nhiều thứ khác. Sau đó, chúng tôi trở lại văn phòng và cư xử như thể mọi chuyện đều tốt đẹp.
Dành giờ ăn trưa để than thở cùng đồng nghiệp và sau đó trở lại văn phòng để vào vai một nhân viên gương mẫu đã không giúp tôi cảm thấy dễ chịu hơn, cũng không giúp ích gì nhiều cho hiệu quả làm việc của tôi. Trên thực tế, việc tôi cần làm khi đó là đối mặt với sự bất mãn của mình và nhận ra nguyên nhân gây ra nó chính là một công việc có độ thử thách quá thấp. Sau đó, tôi cần bước ra khỏi những cảm xúc này để có cái nhìn toàn cảnh mà nhờ đó tôi có thể hướng bản thân tới những giải pháp hiệu quả nhất. Tôi cần làm tốt nhất có thể công việc của mình, phát triển tất cả các kỹ năng cũng như các mối quan hệ mà tôi có thể tìm được, và dùng công việc nhàm chán này để tìm hiểu thêm về những gì tôi thật sự muốn làm. Cuối cùng, thay vì tốn sức than thở, tôi cần sử dụng năng lượng của mình để tìm một công việc mới!
Hiển nhiên, mọi công việc, dù là trồng cây cảnh hay bán hàng, đều liên quan đến lao động chân tay hoặc lao động trí óc, hoặc cả hai. Nhưng bên cạnh đó, công việc nào cũng có những hoạt động liên quan đến cảm xúc - tâm lý học gọi đây là lao động cảm xúc, nguồn năng lượng dùng để duy trì bộ mặt xã hội mà bất kỳ công việc hay sự tương tác nào của con người cũng cần có. Nếu đang đi làm, chắc chắn bạn từng có lần phải cười đáp lại một câu nói đùa mà bạn cảm thấy vô cùng nhạt nhẽo, chỉ vì sếp của bạn là người nói ra câu đó. Có thể bạn từng phải ra vẻ hạnh phúc vì được giao nhiệm vụ trong khi thực tế là bạn chỉ muốn được về nhà đọc sách. Ở một mức độ nào đó, lao động cảm xúc là những gì chúng ta gọi là “giữ thái độ lịch sự” hoặc “xã giao cho qua chuyện”. Tất cả chúng ta đều từng làm kiểu lao động cảm xúc này. Nhìn chung thì nó thường vô hại, và nếu xét về mặt giao tiếp thì có lẽ sẽ tốt hơn khi chúng ta mỉm cười với cô chủ quán và khen món gà hầm rượu vang (dở tệ) của cô ấy hơn là nhè nó ra đĩa của mình.
Tuy vậy, trong công việc, bạn càng ngụy tạo cảm xúc hoặc cư xử không thật lòng thì tình trạng của bạn càng tồi tệ hơn. Sự khác biệt quá lớn giữa những cảm xúc mà bạn thật sự cảm thấy với những cảm xúc mà bạn giả vờ tỏ ra cho người khác thấy trở thành một gánh nặng khiến bạn tiêu hao năng lượng tinh thần và kiệt sức, một phần vì bạn quá mệt mỏi khi phải gánh vác nó. Điều này cũng gây ra đủ loại hậu quả cho công ty của bạn.
Bất kỳ ai từng có một ngày tồi tệ tại nơi làm việc đều biết những phiền muộn trong công việc cũng có thể xâm nhập vào cuộc sống cá nhân. Nếu bạn trải qua một ngày dài giả vờ vui vẻ chúc mừng đồng nghiệp vì anh ấy vừa nhận được một dự án mà bạn nghĩ đáng lẽ là của bạn, hoặc nếu bạn phải cố tỏ ra tỉnh táo trong một cuộc họp vô nghĩa kéo dài ba giờ đồng hồ và không còn đủ thời gian để hoàn thành công việc của mình, rất có thể bạn sẽ tự gặm nhấm nỗi buồn bực của mình khi về tới nhà. Trong trường hợp khả quan nhất, bạn sẽ không còn bao nhiêu năng lượng cho cuộc sống cá nhân của mình. Có thể bạn muốn đi tập gym hoặc thưởng thức một bữa tối ngon lành, nhưng bạn đã quá rã rời sau màn trình diễn xứng đáng đạt giải Oscar trong ngày của mình và bị mất kết nối với bản thân đến mức không thể lấy đâu ra sức lực để làm những việc mình muốn làm.
Có thể bạn cho rằng những người làm trong ngành dịch vụ khách sạn rất thường cư xử theo kiểu lịch thiệp giả tạo. (“Thưa ông, chúng tôi xin lỗi vì bữa tối của ông bị chậm ba phút”, hay “Chắc chắn rồi, thưa bà. Chúng tôi rất hân hạnh được lấy áo choàng lông cho bà”.) Trên thực tế, một nghiên cứu đã được tiến hành với các nhân viên khách sạn để đánh giá ảnh hưởng của việc đè nén cảm xúc chân thật đối với hiệu quả công việc và xung đột hôn nhân trong gia đình. Không có gì đáng ngạc nhiên, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng mức độ cư xử giả tạo của nhân viên khách sạn càng cao thì người bạn đời của họ càng hy vọng họ sẽ đổi việc để cuộc sống gia đình bớt căng thẳng.
Nhưng thật ra, sự thoải mái - và chân thành - mà các nhân viên khách sạn dùng để biểu đạt sự hiếu khách phụ thuộc phần lớn vào các giá trị mà họ gắn với công việc của mình. Nếu làm trong ngành khách sạn chỉ vì “bị dòng đời đưa đẩy” hoặc vì muốn được sống ở Madrid hay Maldives, có thể bạn sẽ phải gánh chịu sự căng thẳng bào mòn cơ thể quá lớn vì cứ phải cư xử khác với cảm xúc thật của mình. Tuy nhiên, nếu bạn làm trong ngành khách sạn vì thật sự thích mang lại niềm vui cho khách hàng và thích thấy khách hàng tận hưởng quãng thời gian lưu trú tại khách sạn, vậy thì sự lịch thiệp và thái độ niềm nở của bạn không hề giả tạo chút nào.
Để đưa ra những quyết định phù hợp với lối sống của bạn, cũng như để có được công việc cùng sự nghiệp mà bạn muốn theo đuổi, bạn phải giữ kết nối với những điều quan trọng đối với mình và sử dụng chúng như những bảng chỉ dẫn. Đôi khi chúng ta quá “bận rộn” đến mức quên lắng nghe lý tưởng của mình. Nếu không biết điều gì thật sự quan trọng với bản thân, chúng ta rất dễ lãng phí hàng giờ, thậm chí hàng năm trời để lật giở các trang giấy, lướt web, đọc các email vô nghĩa, tán gẫu trong phòng cà phê và cảm thấy bất mãn một cách kỳ lạ. Khi làm công việc đúng với lý tưởng của mình, nghĩa là hành động phù hợp với những giá trị mà bạn coi trọng, bạn sẽ có thể tận tâm với công việc hơn và phát huy tối đa năng lực của bản thân.
Đối với nhiều người, chẳng hạn như những nhân viên khách sạn không phải ngụy tạo cảm xúc, sự kết nối với mọi người là một phần quan trọng trong động lực làm việc. Trong một nghiên cứu ở Israel, khi các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh X-quang được xem ảnh của bệnh nhân thì họ không chỉ cảm thông hơn với người bệnh đó mà còn dành thời gian để viết báo cáo chẩn đoán kỹ lưỡng hơn. Nhờ vậy, tỷ lệ chẩn đoán chính xác của các bác sĩ này cũng tăng thêm 46%. Không chỉ vậy, sau khi kết thúc thí nghiệm thì tất cả các bác sĩ này đều nhất trí rằng họ thích làm việc với những hồ sơ bệnh án có đính kèm ảnh bệnh nhân hơn là hồ sơ không có ảnh.
Điều chỉnh công việc cho phù hợp với mình
Trong một thế giới hoàn hảo, tất cả chúng ta đều có một công việc thuận lợi, với sức nặng công việc luôn được phân bố đều trên hai đầu “thử thách” và “năng lực” của chiếc bập bênh trong khi chúng ta giải cứu thế giới, ăn trưa với người nổi tiếng và kiếm được hàng tỷ đô-la.
Trong đời thực, chúng ta khó mà tìm được một công việc lý tưởng như vậy, và ngay cả nếu công việc đó có tồn tại và chúng ta tập trung hết sức mình vào nó thì chúng ta vẫn phải bắt đầu từ những nấc thang đầu tiên. Nếu bạn vẫn đang trong giai đoạn đi tìm câu trả lời cho mình - giống như tôi vào thời còn làm nhân viên viết tài liệu nội bộ - có lẽ bạn nên trải nghiệm nhiều con đường khác nhau trước khi quyết định bắc thang ở đâu.
Vậy bạn phải làm gì nếu biết công việc mơ ước của mình đang ở đâu đó trên nấc thang cao nhất hoặc ở phía chân trời xa xa ngoài kia, nhưng vì những lý do dễ đoán như tiền bạc, thời gian, địa điểm, kinh tế… nên bạn vẫn cần duy trì công việc đang làm? Bạn cần đương đầu với những cảm xúc của mình (“Tôi đang cảm thấy chán”); bạn bước ra và tạo khoảng cách với những chiếc móc câu (“Tôi không thể làm tốt hơn thế”); bạn kiểm tra xem điều gì là quan trọng đối với bản thân và động lực “muốn-làm” của mình là gì (“Các đồng nghiệp của tôi rất tuyệt vời”); sau đó, bạn bắt đầu điều chỉnh hoàn cảnh của mình bằng cách thực hiện những việc bạn có thể làm được, những việc có ích cho bạn về lâu về dài và đưa bạn đến gần với cuộc sống trọn vẹn mà bạn hằng mong muốn.
Để điều chỉnh công việc cho phù hợp với bản thân, hay còn gọi là tạo tác công việc, bạn cần xem xét hoàn cảnh công việc của mình dưới lăng kính sáng tạo và tìm cách tái cấu trúc hoàn cảnh đó để nó trở nên hấp dẫn và đáng thỏa mãn hơn. Những nhân viên cố gắng điều chỉnh công việc thường hài lòng với đời sống công việc của mình hơn, đạt được nhiều thành tích cao hơn và có sức bật tinh thần vững vàng hơn.
Bước đầu tiên để tạo tác công việc là chú ý đến những hoạt động thu hút bạn nhiều nhất, bất kể đó là hoạt động liên quan hay không liên quan đến công việc. Có thể bạn không phải làm công việc quản lý trong công ty, nhưng bạn rất thích hướng dẫn con trai mình đá bóng vào cuối tuần. Vậy bạn có thể bắt đầu một chương trình tư vấn tại văn phòng để đưa ra lời khuyên cho những đồng nghiệp trẻ tuổi, hoặc tổ chức Ngày dẫn con cùng đi làm trong công ty của bạn hay không? Một ví dụ khác, mặc dù làm ở bộ phận kinh doanh nhưng bạn thường nảy ra những ý tưởng marketing và một vài ý tưởng trong số đó đã thật sự được đón nhận và thực hiện bởi các bộ phận khác của công ty. Nếu vậy, bạn có thể xin tham gia các cuộc họp chiến lược hàng tuần của bộ phận marketing không? Bạn có thể đóng góp những ý kiến từ góc độ kinh doanh để hỗ trợ hoạt động marketing không? Có một nguyên tắc cơ bản và lâu đời trong huấn luyện quân sự, đó là “Không bao giờ tình nguyện”. Lý do là vì nếu ai giơ tay lên khi thượng cấp nói “Tôi cần một người tình nguyện” thì người đó sẽ luôn phải làm những công việc không mấy dễ chịu, như dọn nhà vệ sinh chẳng hạn. (Dĩ nhiên nếu không tình nguyện thì có thể bạn sẽ phải nhận lệnh). Tuy nhiên, trong sự nghiệp dân sự bình thường, tình nguyện là một cách tuyệt vời để thay đổi giới hạn công việc của bạn.
Bạn cũng có thể điều chỉnh công việc bằng cách thay đổi bản chất hoặc mức độ tương tác của bạn với người khác. Nếu những nhân viên mới trong công ty là người nhập cư thì bạn hãy thử nói chuyện với họ. Bạn có thể tổ chức một chương trình dạy tiếng Anh cho những nhân viên chưa rành tiếng Anh, hoặc tiếp thu quan điểm văn hóa của họ về dòng sản phẩm hiện tại để đa dạng hóa các dịch vụ của công ty.
Không những vậy, quá trình tạo tác công việc còn giúp bạn thay đổi cách nhìn nhận những việc mình đang làm. Ví dụ, bạn vừa đạt một bước thăng tiến lớn, nhưng giờ đây, thay vì làm công việc mình yêu thích thì bạn lại mắc kẹt với chức vụ quản lý. Vậy là bạn không khác gì những vị sếp chuyên ngồi bàn giấy khác rồi sao? Chuyện đó còn phụ thuộc vào việc bạn coi trọng điều gì. Nếu coi trọng việc trở thành một người hướng dẫn, cố vấn hay một lãnh đạo giúp đỡ mọi người phát huy tiềm năng và cải thiện cuộc sống, bạn có thể tìm thấy rất nhiều cơ hội sáng tạo trong việc quản lý con người.
Jean có một công việc chán ngắt mà không đứa trẻ nào muốn được làm khi lớn lên. Bà làm việc trong một dây chuyền lắp ráp thiết bị y tế. Công việc của bà là bấm một lỗ nhỏ xíu trên các ống dẫn rất mảnh mà bác sĩ điều trị ung thư sẽ dùng để truyền thuốc trực tiếp vào khối u của bệnh nhân. Nếu lỗ này chỉ được bấm một phần thì mảnh nhựa còn sót lại có thể khiến thuốc không được dẫn vào khối u đúng cách, hoặc tệ hơn, mảnh nhựa sót lại đó có thể rơi ra bên trong cơ thể bệnh nhân và gây hại cho họ.
Jean đã dành tám giờ đồng hồ mỗi ngày trong suốt hai mươi tám năm để bấm hết lỗ này đến lỗ khác trên những ống nhựa bé xíu. Và cũng trong hai mươi tám năm đó, bà luôn đặt một chiếc lọ nhỏ bên cạnh khi làm việc để chứa những mảnh nhựa được bấm ra. Bà biết mỗi một mảnh nhựa nhỏ được bấm ra đúng cách này không chỉ đơn giản là một miếng nhựa, mà còn đại diện cho một cơ hội sống của bệnh nhân ung thư. Chiếc lọ này đã giúp bà tìm được ý nghĩa trong một công việc nhàm chán nhất thế giới. Bà chỉ cần nhìn vào cái lọ để hiểu tầm quan trọng của những gì bà làm. Chiếc lọ nhỏ là một phiên bản khác của những tấm ảnh bệnh nhân được kẹp trong hồ sơ của các bác sĩ X-quang mà tôi đã đề cập ở phần trên.
Hiển nhiên, điều chỉnh công việc cũng có giới hạn của nó. Bạn không thể chỉ đơn giản là dừng công việc bạn được trả lương để hoàn thành trong khi trải nghiệm những lựa chọn nghề nghiệp khác. Có thể công ty không có đủ nguồn lực để giúp bạn thực hiện những ý tưởng xuất sắc mà bạn đưa ra. Đó là lý do bạn cần cởi mở trong quá trình điều chỉnh công việc. Để những ý tưởng của bạn được đón nhận, bạn cần tập trung tìm cách có được những điều mình muốn, đồng thời tạo ra giá trị cho công ty. Bạn cũng cần xây dựng lòng tin với những người khác, đặc biệt là sếp trực tiếp của bạn, và sau đó, hãy hướng nỗ lực của mình tới những người có nhiều khả năng tiếp nhận ý tưởng của bạn nhất. Cấp trên của bạn thậm chí có thể giúp bạn tìm ra cơ hội phân bổ lại công việc sao cho phù hợp nhất. Suy cho cùng, có khi công việc mà bạn phát ngán lại là ước mơ của một đồng nghiệp nào đó trong công ty và ngược lại.
Không có sự điều chỉnh nào có thể giúp bạn tạo ra một công việc hoàn hảo (nếu “công việc hoàn hảo” có tồn tại trên đời) khi bạn bắt đầu từ một vị trí hoàn toàn không phù hợp với mình. Ví dụ, cho dù điều chỉnh thế nào đi nữa thì công việc viết tài liệu nội bộ cũng không thể làm tôi hạnh phúc được. Đó là lý do tôi phải nhắc lại rằng bạn cần đối diện với tất cả những cảm xúc của mình và học hỏi từ những điều tiêu cực cũng như tích cực. Khi có sự linh hoạt trong cảm xúc, chúng ta có thể sử dụng một công việc không phù hợp với mình để có được góc nhìn mới, các kỹ năng và mối quan hệ cần thiết để tìm được công việc phù hợp hơn. Trong thời gian chờ đợi, chúng ta có thể sử dụng sự linh hoạt cảm xúc để làm công việc mà chúng ta đang có một cách hiệu quả nhất có thể. Đó là cách chúng ta đảm bảo mình không chỉ đang kiếm sống mà còn đang sống một cách trọn vẹn.