Đ
ạo diễn Tom Shadyac là người đã cho Jim Carrey cơ hội nhận vai diễn lớn đầu tiên trong Ace Ventura: Pet Detective (tựa tiếng Việt: Thám tử thú cưng) và sau đó tiếp tục làm đạo diễn cho anh trong các bộ phim ăn khách khác như Liar, Liar (tựa tiếng Việt: Đừng nói dối, bố ơi) và Bruce Almighty (tựa tiếng Việt: Một ngày làm thượng đế). Tom Shadyac cũng từng làm việc với các diễn viên tên tuổi như Eddie Murphy, Robin Williams, Morgan Freeman và Steve Carell.
Đến đầu những năm 2000, các bộ phim của Shadyac đã thu về tổng cộng hơn hai tỷ đô-la, còn bản thân Shadyac có trong tay hơn năm mươi triệu đô-la. Ông sở hữu một biệt thự rộng một ngàn sáu trăm mét vuông ở Los Angeles, cùng một dàn siêu xe sang trọng và máy bay riêng để phục vụ việc đi lại. Theo tiêu chuẩn của đa số mọi người, ông đã thành công trong ngành phim ảnh siêu cạnh tranh, nhưng theo tiêu chuẩn của riêng ông thì bấy nhiêu vẫn chưa đủ.
Shadyac từng viết: “Lối sống của tôi cũng ổn, nhưng chắc chắn lối sống đó đã không giúp tôi đạt được hạnh phúc ở mức độ cao hơn. Tôi chỉ thấy nó thật bình thường, và ở một góc độ nào đó, khá tiêu cực. Khi nghĩ tới nhu cầu của người khác - những người không thể đáp ứng nổi các nhu cầu cá nhân cơ bản về đồ ăn thức uống, thuốc men… - tôi cảm thấy có điều gì đó không đúng. Không ai chạy tới và dâng lên cho bạn tất cả những khoản tiền để bạn trang trải cuộc sống. Bạn phải nỗ lực để có được số tiền đó. Và khi tôi yêu cầu khoản tiền mình đáng nhận được, ngụ ý đằng sau hành động đó chính là tôi có giá trị cao hơn những người khác; có giá trị hơn các đầu bếp, thợ bảo trì, nhân viên tạp vụ… Nhưng tôi không tin như vậy. Tôi biết giáo trình kinh tế dạy chúng ta về những giá trị khác nhau của các vai trò khác nhau, nhưng trái tim tôi lại không đồng tình với điều đó”.
Shadyac biết nếu xét theo chuẩn mực chung của xã hội thì “giá trị” của ông đã được công nhận, nhưng bản thân ông vẫn cần một cái gì đó khác. Thế là ông quyết định bán biệt thự của mình và chuyển đến sống trong một ngôi nhà nhỏ hơn, nơi vẫn đầy đủ tiện nghi và phù hợp hơn với mong muốn của ông chứ không hề mang đến cảm giác “khổ hạnh”. Không những vậy, ông còn bắt đầu đi lại bằng vé hạng tiết kiệm của các hãng hàng không thương mại thông thường và di chuyển trong thành phố bằng xe đạp. Ông khắt khe hơn trong việc lựa chọn các dự án phim ảnh và quyên góp tiền cho các tổ chức mà ông tin tưởng. Shadyac không từ bỏ toàn bộ của cải vật chất mà ông sở hữu; ông chỉ hạ bậc ưu tiên của chúng xuống vị trí phù hợp hơn trong cuộc sống để có thể cống hiến nhiều thời gian và năng lượng hơn cho những mối ưu tiên thật sự của mình.
Bên cạnh đó, Shadyac cũng đảm bảo những lựa chọn của ông là để phục vụ cho chính bản thân ông. Trong một cuộc phỏng vấn, ông chia sẻ: “Tôi không thể phán xét ai vì con đường của tôi không giống con đường của người khác. Không phải là tôi từ bỏ mọi thứ. Tôi chỉ đơn giản là đáp ứng các nhu cầu của mình mà thôi”.
Bởi vì Shadyac đã áp dụng những nguyên tắc mà ông hết sức tin tưởng để điều chỉnh lối sống của mình, nên rất có thể các nguyên tắc đó sẽ tiếp tục là kim chỉ nam hướng ông tới cuộc sống mà ông mong muốn, cho dù hoàn cảnh xung quanh có biến động ra sao đi nữa. Ông lý giải: “Chúng ta có một hình mẫu thành công rất coi trọng bề nổi. Bạn phải có một địa vị nhất định trong công việc, cũng như giàu có ở một mức độ nhất định nào đó. Tôi cho rằng thành công đích thực nằm ở các giá trị nội tại... Đó là tình yêu, sự tử tế và tính cộng đồng”.
Một số đồng nghiệp ở Hollywood cho rằng ông không còn minh mẫn và đã không ngần ngại nói thẳng với ông như vậy. Những người khác thì khen ngợi Shadyac vì những quyết định của ông. Nhưng cả hai kiểu phản ứng đó đều không quan trọng đối với Shadyac. Trong một cuộc phỏng vấn khác, khi được hỏi có hạnh phúc hơn với lối sống mới không, ông lập tức khẳng định: “Chắc chắn là có”. Ông biết mình đang làm những việc đúng đắn cho bản thân và nhận thức này giúp ông thêm can đảm để đi theo con đường riêng, bất kể những lời chỉ trích hay tung hô.
Tóm lại, Shadyac sống theo lý tưởng của mình.
“Sống theo lý tưởng của mình” là nghệ thuật sống theo các giá trị của riêng cá nhân bạn - những niềm tin và hành vi mà bạn coi trọng cũng như có thể mang lại cho bạn sự thỏa mãn và cảm giác sống có ý nghĩa. Bước quan trọng tiếp theo để đạt được khả năng linh hoạt cảm xúc chính là xác định và hành động dựa trên các giá trị thật sự thuộc về bạn, chứ không phải những giá trị mà người khác áp đặt lên bạn, cũng không phải những gì bạn nghĩ là mình “nên” quan tâm, mà là những gì bạn thật lòng quan tâm.
Quyết định theo ý muốn của người khác
Xác định những giá trị mà bạn coi trọng và đưa ra hành động phù hợp với những giá trị đó không phải lúc nào cũng dễ dàng. Chúng ta liên tục bị “dội bom” đủ loại thông tin - từ xã hội, các chương trình quảng cáo, từ những lời dạy của cha mẹ và thầy cô, từ các buổi thuyết giảng, cũng như từ gia đình, bạn bè và đồng nghiệp - về những giá trị nào là quan trọng và điều gì làm nên giá trị của bản thân ta. Hầu hết chúng ta đều không có máy bay riêng và những dinh thự xa hoa, nhưng tất cả chúng ta đều từng nếm trải cùng một loại áp lực xã hội như Shadyac đã gặp. Đó có thể là áp lực khi cô nàng hàng xóm lái chiếc ô-tô láng lẩy hơn chiếc Toyota nhà bạn hoặc mỗi ngày đều mua một ly cà phê giá năm đô-la của Starbucks thay vì tự pha tại nhà. Cô ấy có thể đi nghỉ dưỡng ở những nơi sang trọng hơn bạn, có được nhiều sự hỗ trợ tốt hơn trong công việc nội trợ; hoặc có vẻ sự nghiệp của cô ấy thành công hơn, hôn nhân hạnh phúc hơn hoặc cô ấy là một người mẹ thông thái hơn bạn.
Cho dù trong hoàn cảnh nào, hành vi so sánh đều như nhau. Tương tự cách Shadyac tiếp tục theo đuổi con đường mà ông nghĩ là dành cho mình ở Hollywood cho đến khi nhận ra đó hoàn toàn không phải là sự lựa chọn của bản thân ông, tất cả chúng ta đều có khuynh hướng nhắm mắt lao lên phía trước, cố gắng cày cuốc qua ngày. Nếu cần chỉ dẫn, chúng ta sẽ nhìn quanh xem người khác đang làm gì và vô thức chọn lựa những gì mà chúng ta đã được dạy là bí quyết chung để đạt được một cuộc sống đáng thỏa mãn, chẳng hạn như có tấm bằng đại học, sở hữu nhà cửa hoặc sinh con. Trên thực tế, những bí quyết đó không dành cho tất cả mọi người. Chỉ là mọi chuyện sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn nhiều nếu chúng ta làm theo số đông thay vì nỗ lực tìm hiểu xem điều gì mới thật sự mang lại hạnh phúc cho bản thân mình.
Hành động và sự lựa chọn của người khác ảnh hưởng đến chúng ta nhiều hơn chúng ta nghĩ. Sự ảnh hưởng này diễn ra ở mọi mức độ và thông qua một hiện tượng thú vị gọi là sự lây lan xã hội. Nếu thuật ngữ này khiến bạn liên tưởng đến một loại virus lây lan trong cộng đồng thông qua những tiếp xúc có vẻ bình thường thì đúng rồi đấy. Các nghiên cứu cho thấy một số hành vi có tính lây lan không khác gì virus cảm cúm, nghĩa là bạn có thể bị nhiễm chúng từ người khác. Nguy cơ béo phì của bạn tăng lên theo số lượng người béo phì mà bạn tiếp xúc. Xác suất ly hôn của bạn cũng cao hơn nếu các đôi vợ chồng khác trong vòng tròn xã hội của bạn đã chia tay nhau, dù bạn cho rằng ly hôn là một quyết định rất riêng tư và cá nhân.
Không những vậy, mọi chuyện còn có thể trở nên vô cùng kỳ lạ. Không giống như các bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường tiếp xúc giữa người với người, bạn có thể “nhiễm” một số hành vi từ những người mà bạn thậm chí chưa bao giờ tiếp xúc. Một nghiên cứu đã phát hiện rằng các cặp vợ chồng có nhiều khả năng ly hôn hơn không chỉ khi bạn bè của họ ly hôn, mà còn khi bạn bè của bạn bè họ ly hôn. Đúng vậy đấy, cuộc sống cá nhân của bạn có thể bị ảnh hưởng bởi những người mà bạn không hề quen biết.
Điều này vẫn đúng đối với các quyết định ít quan trọng hơn trong cuộc sống. Một giáo sư chuyên ngành marketing của Đại học Stanford đã theo dõi hơn 250.000 hành khách trên các chuyến bay và chứng minh được rằng khả năng mua hàng trong chuyến bay của bạn sẽ tăng thêm 30% nếu hành khách ngồi kế bên bạn làm điều này. Nếu bạn thường xuyên di chuyển bằng máy bay, con số 30% có thể đồng nghĩa với rất nhiều bộ phim dở tệ và hàng đống đồ ăn vặt mà lẽ ra bạn có thể dễ dàng lựa chọn không mua.
Những kiểu lựa chọn này được đưa ra dựa trên quá trình quyết định thiếu suy xét, khi không có khoảng không gian đệm giữa sự thôi thúc và hành động, giữa người suy nghĩ và suy nghĩ, cũng như khi bản năng hành động theo bầy đàn trỗi dậy mạnh mẽ. Đôi khi, kiểu lựa chọn này là chấp nhận được (xem thêm một bộ phim có trả phí trên máy bay không khiến bạn thiệt hại thêm bao nhiêu); đôi khi nó còn có lợi cho bạn. Ví dụ, nếu bạn bè của bạn tập thể dục đều đặn thì rất có thể bạn cũng siêng vận động hơn.
Tuy nhiên, nếu đưa ra quá nhiều quyết định một cách tự động và thiếu suy xét như vậy trong một thời gian dài, cuối cùng bạn sẽ cảm thấy như mình đang sống cuộc đời của ai đó khác - một cuộc đời tuân theo những giá trị mà bạn không thật sự tán thành. Đó là chưa kể bạn sẽ tăng thêm vài ký vì mấy món ăn vặt mà bạn không thật sự thích trên máy bay, hoặc vì lý do nào đó bạn đã không có thời gian để đọc quyển sách mà bạn dự định đọc mà thay vào đó là lãng phí hàng giờ đồng hồ để làm những việc mà vốn dĩ bạn không có ý định làm. Và có thể bạn sẽ tự hỏi: “Tại sao mình lại thành ra như thế này?”.
Chính thái độ “mặc dòng đời xô đẩy” này sẽ rút cạn mục đích sống và làm việc của bạn, khiến các mối quan hệ cá nhân và đồng nghiệp có vẻ nhạt nhòa và gần như đảm bảo rằng bạn sẽ không thể sống một cuộc đời tự chủ với một mục đích sống rõ ràng. Tất cả những điều này có nghĩa là bạn có thể sẽ không đạt được những gì bạn thật sự muốn gặt hái trong đời.
Để đưa ra những quyết định phù hợp với lối sống mà bạn muốn, bạn phải kết nối được với những giá trị mà bạn coi trọng và dùng chúng như những biển báo chỉ đường. Nếu chưa bao giờ dành thời gian để xác định các giá trị của bản thân, bạn sẽ luôn hành động mà không có dự tính hay chuẩn bị chu đáo trước, hệt như cách chúng ta lãng phí thời gian để lang thang trên Internet, gửi chuyển tiếp những email vô nghĩa, xem hết chương trình truyền hình này đến chương trình truyền hình khác và vẫn cảm thấy không mãn nguyện. Bạn có thể thấy tình trạng thiếu chủ ý rõ ràng này được thể hiện trong các lựa chọn của người khác (hoặc qua việc họ không đưa ra lựa chọn) ở mọi khía cạnh của cuộc sống, từ chọn người yêu cho đến chọn nơi nghỉ mát.
Tuy nhiên, không phải lúc nào việc không nắm rõ giá trị của mình cũng dẫn đến những quyết định thiếu suy xét. Một nguy cơ khác là bạn có thể đưa ra những lựa chọn có vẻ thấu đáo và tự chủ nhưng lại không phục vụ cho lợi ích của bạn. Ví dụ, bạn có thể quyết định mua một căn nhà cách chỗ làm hai giờ đồng hồ đi đường vì thích viễn cảnh các con của mình được lớn lên trong một ngôi nhà lớn có sân vườn rộng rãi, mà không nhận thức được rằng quãng thời gian đi đường lâu như vậy sẽ làm bạn mất đi những giờ phút quý báu mà bạn thật sự muốn dành cho gia đình.
Chúng ta tiêu tốn rất nhiều năng lượng cho những quyết định tai hại này, trong khi năng lượng đó nên được dùng để hoàn thành những mục tiêu mà chúng ta đề ra cho cuộc đời mình.
Bạn sẽ rất nhanh kiệt sức nếu cứ đưa ra các lựa chọn và điều chỉnh các mối quan hệ mà không có sẵn trong tâm trí một bộ giá trị chủ đạo rõ ràng. Khi làm vậy, bạn không chỉ trải nghiệm sự bối rối khi mỗi ngày phải đối mặt với một thế giới có quá nhiều lựa chọn được bày sẵn trước mắt, mà đôi khi còn phải “tái hiện cảm xúc” sao cho phù hợp với những gì người khác kỳ vọng bạn sẽ thể hiện - tức là bạn phải tỏ ra vô cùng hào hứng với một kỳ nghỉ nữa tại khu nghỉ dưỡng mà năm nào bạn cũng ghé trong suốt sáu năm qua, ngay cả khi bạn thật sự muốn chọn một nơi khác.
Bạn muốn cuộc đời mình trông như thế nào?
Trong một nghiên cứu, các nhà tâm lý học đã yêu cầu một nhóm thanh niên ở độ tuổi đôi mươi viết một lá thư về bản thân ở hiện tại để gửi cho chính họ trong tương lai. Khung thời gian “trong tương lai” này là khác nhau. Cụ thể, một số người được yêu cầu viết cho “phiên bản tương lai gần của bản thân” ở thời điểm ba tháng sau, trong khi những người còn lại viết cho “phiên bản tương lai xa” ở hai mươi năm sau. Tất cả các thanh niên này đều được hướng dẫn “Hãy nghĩ về người mà bạn sẽ trở thành [trong tương lai]… và viết về con người bạn ở hiện tại, những chủ đề mà bạn quan tâm và coi trọng, cũng như cách bạn nhìn nhận cuộc đời mình”. Nói cách khác, họ đã được yêu cầu suy ngẫm và diễn đạt thành lời những giá trị quan trọng đối với họ.
Sau khi viết những bức thư này, cả hai nhóm được đọc một bảng câu hỏi về ba tình huống có liên quan tới hành vi phạm pháp - đó là mua một chiếc máy vi tính mà họ biết là hàng ăn cắp, lừa đảo để chiếm đoạt tiền bảo hiểm hoặc tải phim lậu - và được hỏi về khả năng họ sẽ tiếp tay cho các hoạt động này. Nhóm viết thư cho bản thân trong tương lai xa có khuynh hướng tham gia vào bất kỳ hành động nào trong ba hành động xấu kể trên ít hơn hẳn so với nhóm viết thư cho phiên bản “tương lai gần”.
Thoạt nhìn, có thể bạn không rõ làm thế nào mà hành động viết thư cho chính mình lại có thể thay đổi thái độ của bạn về hành vi ứng xử. Trên thực tế, khi tham gia hoạt động viết thư này, người viết đang tạo ra sự tiếp nối của bản thân, tức là họ nhận thức được mối liên quan giữa bản thân trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Bằng cách kết nối với bản thân ở tương lai xa và những giá trị cá nhân, họ hiểu được rằng bản thân mình có những niềm tin cốt lõi và các giá trị đạo đức không bị lung lay ngay cả khi hoàn cảnh và các yếu tố khác trong cuộc đời của họ thay đổi.
Ngược lại, những người được yêu cầu nghĩ về tương lai ba tháng tới vẫn tiếp tục nhìn nhận phiên bản tương lai xa của mình như những đối tượng xa lạ và mơ hồ. Những lựa chọn của họ phản ánh điều đó: họ lựa chọn như thể đang ra quyết định cho ai đó khác chứ không phải bản thân mình. Suy cho cùng, khi bạn tin rằng phiên bản hai mươi năm sau của mình không liên quan tới bản thân ở hiện tại thì có quan trọng gì đâu nếu bây giờ bạn mua hàng ăn cắp, lừa công ty bảo hiểm hoặc sa vào những thói xấu dễ phạm phải hơn như hút thuốc lá, phung phí tiền dành dụm và chìm trong nợ tín dụng?
Việc tạo ra sự tiếp nối của bản thân vừa có thể giúp bạn ngăn chặn các lựa chọn có hại, vừa khuyến khích những quyết định có lợi. Trong một cuộc thí nghiệm khác, những sinh viên tham gia được yêu cầu giả vờ như vừa nhận được 1.000 đô-la “từ trên trời rơi xuống” và phân bổ số tiền đó vào bốn hạng mục khác nhau: “dùng để mua quà cho một người đặc biệt”, “đầu tư vào quỹ lương hưu”, “dùng cho một kỳ nghỉ xa hoa và vui vẻ” và “gửi ngân hàng”. Nhưng trước khi những người tham gia thí nghiệm bắt đầu phân chia số tiền tưởng tượng đó, các nhà nghiên cứu đã đưa họ vào một thực tế ảo. Một nửa số người tham gia được nhìn thấy ảnh đại diện kỹ thuật số của bản thân ở hiện tại, trong khi nửa còn lại nhìn thấy ảnh đại diện kỹ thuật số mô phỏng bản thân vào năm bảy mươi tuổi. Như bạn có thể đoán, nhóm được xem ảnh đại diện khi về già đã phân bổ số tiền “trời cho” vào quỹ hưu trí nhiều gần gấp đôi nhóm còn lại. Khi dành thời gian để nghĩ đến viễn cảnh tương lai xa, con người có xu hướng đưa ra những hành động có lợi về lâu về dài hơn.
Jeff Kinney là tác giả của bộ truyện thiếu nhi nổi tiếng Diary of a Wimpy Kid (tạm dịch: Nhật ký của chú bé nhút nhát), một tác phẩm đã được dịch ra bốn mươi lăm thứ tiếng với tổng cộng một trăm năm mươi triệu bản bán ra. Mặc dù rất phấn khích với sự thành công của bộ truyện và có kế hoạch tiếp tục sáng tác, Kinney cũng biết rằng chỉ một tác phẩm này thôi thì không đủ để tên tuổi của ông trở thành bất tử. Trong một lần trả lời phỏng vấn của tờ New York Times, ông chia sẻ: “Nếu cả đời tôi chỉ có Wimpy Kid thì tôi cảm thấy không trọn vẹn cho lắm. Tôi không muốn ngồi thiết kế vỏ gối hình Wimpy Kid suốt quãng đời còn lại của mình”.
Bằng cách kết nối với bản thân trong tương lai, Kinney đã tìm thấy động lực để điều chỉnh con đường sự nghiệp cho phù hợp hơn với các giá trị của mình. Ông mở một hiệu sách ở quê nhà và tại đó, thỉnh thoảng ông tổ chức các lớp dạy vẽ hoạt hình, khi cần ông cũng phụ trách quầy thu ngân và phục vụ cà phê. Ông muốn làm việc gì đó có ích cho thế giới này để đền đáp cho quá nhiều điều tốt đẹp mà ông đã nhận được, và ông cảm thấy quyết định mở hiệu sách là đúng đắn. “Nếu cuộc đời của một đứa trẻ có thể thay đổi nhờ sự hiện diện của hiệu sách này thì mọi nỗ lực mà tôi bỏ ra đều đáng giá”, Kinney khẳng định.
Câu chuyện của Kinney và Shadyac minh họa cho một chân lý còn lớn hơn nhiều. Đó là nếu hiểu rõ và sống phù hợp với các giá trị của bản thân, bạn sẽ có thể cảm thấy thoải mái với chính mình hơn. Bạn không cần so sánh mình với người khác vì bản thân bạn chính là một thành công tốt đẹp - theo định nghĩa của riêng bạn. Shadyac diễn giải thành công là sống một cuộc đời tràn ngập tình yêu thương và tinh thần hỗ trợ cộng đồng; Kinney cho rằng thành công là sự đền đáp cho xã hội. Theo tiêu chuẩn của riêng họ thì cả hai đều đã thành công lớn.
Xác định những giá trị có ý nghĩa với bản thân
Từ “giá trị” có thể nghe rất không hấp dẫn vì chúng khiến người ta liên tưởng đến cảm giác bị hạn chế, trừng phạt, hoặc tệ hơn là bị phán xét. Chúng ta nghe rất nhiều về việc có các giá trị “đúng” (hoặc “sai”), nhưng như thế nào mới thật sự là “giá trị đúng”? Và ai là người quyết định giá trị nào là đáng có và giá trị nào không?
Trước tiên, tôi không nghĩ rằng các khái niệm cứng nhắc về đúng và sai có thể giúp ích cho chúng ta trong vấn đề này. Và dĩ nhiên các khái niệm đó không thuộc về một quyển sách về sự linh hoạt cảm xúc! Thay vào đó, tôi nhìn nhận các giá trị không phải như các quy tắc được đặt ra để khống chế chúng ta, mà như những phẩm chất được tạo ra bởi các hành động có mục đích mà chúng ta có thể đưa vào trong nhiều khía cạnh của cuộc sống. Mỗi người đều có những giá trị khác nhau; những gì là “đúng” đối với người này không chắc sẽ đúng đối với người khác. Tuy vậy, việc xác định điều gì là quan trọng đối với bạn, bất kể đó là thành công trong sự nghiệp, sự sáng tạo, các mối quan hệ thân thiết, sự trung thực hay lòng vị tha - có cả một danh sách gần như vô hạn để bạn lựa chọn - cũng đều cho bạn một nguồn tài nguyên vô giá để tạo ra sự nối tiếp của bản thân. Các giá trị có vai trò như trục xương sống tâm lý để giữ bạn ổn định.
Bạn không nhất thiết phải dựa vào chỉ một giá trị. Một đồng nghiệp của tôi mô tả các giá trị như “những mặt cắt trên một viên kim cương”. Ông nói: “Khi bạn xoay một mặt cắt trực diện với mình thì những mặt khác phải xoay về các hướng khác, nhưng các mặt cắt vẫn ở đó, vẫn là một phần của viên kim cương và có thể được nhìn thấy khi bạn quan sát viên kim cương dưới lăng kính”.
Dưới đây là một số đặc điểm khác của các giá trị:
• Các giá trị được chúng ta tự do lựa chọn chứ không phải bị áp đặt.
• Các giá trị không phải là mục tiêu cuối cùng; chúng không cố định mà luôn ở trạng thái tiếp diễn.
• Các giá trị mang tính hướng dẫn chứ không phải ép buộc.
• Các giá trị mang tính động, không phải tĩnh.
• Chúng giúp bạn đến gần hơn với lối sống mà bạn mong muốn.
• Chúng giải phóng bạn khỏi những phép so sánh mang tính xã hội.
• Chúng nuôi dưỡng sự tự chấp nhận bản thân, một yếu tố rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần của bạn.
Trên hết, giá trị là cái gì đó mà bạn có thể sử dụng được. Các giá trị giúp bạn đi đúng hướng trong hành trình cuộc đời mình, bất kể đích đến ở đâu.
Khi viết quyển hồi ký Eat, Pray, Love (tựa tiếng Việt: Ăn, Cầu nguyện và Yêu), tác giả Elizabeth Gilbert đã không ít lần tự nghi ngờ bản thân, nghi ngờ quyển sách và toàn bộ kế hoạch viết lách của mình. Bà nhớ lại: “Trong đầu tôi không ngừng vang lên câu nói CHUYỆN NÀY SẼ KHÔNG ĐI ĐẾN ĐÂU”. Bà bị giày vò trong nỗi thống khổ và oán hận cả vũ trụ vì đã khiến mình trở thành một nhà văn. Và sau đó, từ trong vòng lẩn quẩn của những ý nghĩ tự phán xét bản thân, bà vực dậy tinh thần với một giá trị mà chính bà cũng không biết là mình có.
“Tôi chợt nhận ra một chuyện, đó là tôi chỉ hứa với vũ trụ rằng tôi sẽ viết chứ tôi chưa bao giờ cam kết mình sẽ viết thật xuất sắc. Thế là tôi vùi đầu và dốc sức viết, đúng như những gì tôi đã hứa.”
Bằng cách xác định và giữ vững nguyên tắc có ý nghĩa đối với mình - tức là trở thành một người sáng tạo thông qua viết lách - Gilbert đã hoàn thành quyển hồi ký. Sau đó thì như chúng ta đã biết, tác phẩm của bà để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử ngành xuất bản sách.
Đây là một vài câu hỏi mà bạn có thể tự đặt ra để bắt đầu xác định các giá trị của mình:
• Từ trong thâm tâm, điều gì là quan trọng với tôi?
• Tôi muốn xây dựng những mối quan hệ nào?
• Tôi muốn cuộc đời của mình tập trung vào điều gì?
• Phần lớn thời gian trong ngày tôi cảm thấy thế nào? Tôi cảm thấy mình đầy sức sống nhất trong những tình huống nào?
• Nếu một phép lạ xảy ra làm cho tất cả những nỗi âu lo, căng thẳng trong cuộc sống của tôi đều biến mất thì đời tôi sẽ như thế nào và tôi sẽ theo đuổi những điều mới mẻ nào?
Khi trả lời những câu hỏi này, bạn sẽ có thể bắt đầu tìm ra các nguyên tắc chỉ dẫn của đời mình, nhiều nguyên tắc trong số đó vốn dĩ đã hiện diện trong bạn ngay từ đầu cho dù bạn không thể hiện chúng một cách rõ ràng. Những người xung quanh có hay hỏi xin lời khuyên và ý kiến chuyên môn của bạn về một vài lĩnh vực nhất định nào đó không? Bạn có cảm thấy mình tràn đầy năng lượng nhất khi được thực hiện những hoạt động hay dự án cụ thể nào không? Có những dịp nào khiến bạn cảm thấy được thoải mái là chính mình nhất không?
Vấn đề không nằm ở chỗ cái gì đó là “đúng” hay “sai”, mà là điều đó có liên quan thế nào đến cách bạn muốn sống cuộc đời mình. Khi biết mình thật sự quan tâm những gì, bạn sẽ không còn bị ràng buộc bởi những điều mình không quan tâm.
Ví dụ, nếu “trở thành một phụ huynh tốt” là mục tiêu mà bạn coi trọng thì việc hiểu cụ thể thế nào là bậc phụ huynh tốt theo quan điểm của bạn sẽ quan trọng hơn nhiều so với việc cố gắng chạy theo những tiêu chuẩn chung chung về “một phụ huynh tốt”. Có rất nhiều kiểu cha mẹ trên thế giới này và không có một cách làm cha làm mẹ nào là “đúng” cho tất cả mọi người, ngay cả khi bạn chỉ xét trong phạm vi thành phố, thị trấn hoặc khu nhà của mình.
Sau đây là một số câu hỏi mà bạn có thể tự đặt ra cho mình về tiêu chuẩn của một “bậc phụ huynh tốt”: Tôi muốn để lại cho người khác ấn tượng gì khi họ thấy tôi với các con của tôi? Nếu tự quan sát quá trình nuôi dạy con của mình, tôi muốn thấy những gì? Cách hành xử của tôi có nhất quán ở một mức độ hợp lý khi thay đổi từ tình huống này sang tình huống khác không? Hành vi của tôi có phù hợp với niềm tin cốt lõi của tôi về một bậc phụ huynh tốt không?
Lẽ dĩ nhiên, việc nuôi dạy con chỉ là một ví dụ. Bạn có thể áp dụng kiểu câu hỏi tương tự cho hầu hết các khía cạnh của cuộc sống hàng ngày. Để bắt đầu, mỗi tối trước khi đi ngủ, bạn hãy viết ra câu trả lời cho câu hỏi sau: “Khi nhìn lại ngày hôm nay, tôi thấy mình đã làm được việc gì xứng đáng với thời gian mình đã bỏ ra?”. Điều quan trọng không phải là bạn thích hay không thích làm việc gì trong ngày hôm đó, mà là bạn nhận thấy việc làm nào có giá trị.
Nếu sau một vài tuần, bạn phát hiện có rất ít thứ để liệt kê vào câu trả lời cho câu hỏi này, hãy tiếp cận vấn đề từ một khía cạnh khác bằng cách tự hỏi khi bạn thức dậy mỗi sáng: “Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của tôi trên thế giới này, tôi sẽ làm gì để nó trở thành một ngày đáng mãn nguyện?”. Ví dụ, nếu trân trọng mối quan hệ với vợ nhưng đã quen không cất lời chào mỗi khi cô ấy đi làm về, bạn có thể quyết định tạm dừng bất cứ công việc gì bạn đang làm và chào đón cô ấy bằng một cái ôm ấm áp khi cô ấy bước qua ngưỡng cửa phòng khách. Một khi đã thực hiện một hành động mới mẻ nào đó, bạn có thể quyết định xem hành động đó có đáng với thời gian bạn bỏ ra hay không, và chẳng bao lâu sau bạn sẽ có danh sách các hành động và trải nghiệm phù hợp với những giá trị mà bạn tin là quan trọng.
Người tố giác
Vào năm hai mươi bốn tuổi, trung sĩ Joseph Darby vẫn đang thuộc đội dự bị của quân đội Hoa Kỳ. Anh nhận được lệnh tập trung vào những ngày đầu của cuộc chiến tranh Iraq và được điều đến nhà tù Abu Ghraib, nơi mà lúc bấy giờ chưa ai biết sẽ trở thành trại giam đầy tai tiếng vì tình trạng lính Mỹ lạm dụng tình dục và ngược đãi tù nhân. Sau bức tường nhà tù, những hành vi đồi bại đó dường như đã trở thành chuyện bình thường và hết người lính này đến người lính khác lần lượt tiếp tay cho tội ác. Nhưng Darby thì khác, dù lúc đầu anh từng có ý định hùa theo khi xem những bức ảnh chụp lại cảnh lạm dụng và ngược đãi tù nhân trong đĩa CD mà các sĩ quan khác đưa cho.
“Ban đầu tôi cảm thấy chuyện này khá thú vị”, Darby chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn. Thế nhưng càng chứng kiến nhiều thì anh càng nhận ra rằng hành vi lạm dụng tù nhân ở nhà tù này “đã vi phạm tất cả những giá trị mà tôi tin tưởng cũng như mọi nguyên tắc tôi được dạy về chiến tranh”. Sau vài ngày đắn đo suy nghĩ, anh đã trình đĩa CD đó cho một sĩ quan cấp trên, và từ hành động này của Darby, nhiều sĩ quan có mặt trong những bức ảnh ngược đãi tù nhân đã bị truy tố.
Tuân thủ quy tắc chung và trung thành là những khái niệm then chốt của văn hóa quân đội. Nhưng trong điều kiện làm việc căng thẳng, các binh sĩ của các đơn vị quân đội có quy mô khép kín có thể sa vào cái bẫy nguy hiểm của “tinh thần tập thể” và làm ra những hành vi bạo lực phi nhân tính mà nếu ở trong các hoàn cảnh khác thì họ luôn xem là sai trái. Tội ác tại nhà tù Abu Ghraib là một ví dụ điển hình cho hiện tượng tư duy của cá nhân bị ép tuân theo tư duy tập thể. Chống lại hành vi của tập thể đòi hỏi nhiều sức mạnh, và Darby đã làm được việc khó khăn này bằng cách hành động theo chân lý mà anh tin tưởng từ sâu trong thâm tâm mình. Nhờ giữ vững những giá trị mà bản thân coi trọng, anh không chỉ không tiếp tay cho hành vi xấu của tập thể mà còn có can đảm tố giác các hành vi đó, dù đã có lúc anh sợ bị phát hiện là người tố giác đến mức phải đi ngủ với một khẩu súng được giấu dưới gối.
Mặc dù hành động của Darby đã tạo ra một cái kết khiến nhiều người choáng váng, quá trình dẫn tới sự lựa chọn của anh thật ra lại khá đơn giản. Anh có ý thức cá nhân mạnh mẽ về đúng và sai, do đó, việc anh quyết định trở thành người tố giác là hoàn toàn dễ hiểu.
Khi kết nối với chính bản thân mình và với những gì bạn tin là quan trọng, khoảng cách giữa cách bạn cảm nhận và cách bạn cư xử sẽ được thu hẹp lại. Bạn bắt đầu sống một cuộc đời không có quá nhiều hối tiếc và cũng không có nhiều lần tự hoài nghi bản thân.
Đa số chúng ta sẽ không bao giờ rơi vào hoàn cảnh khủng khiếp như những gì trung sĩ Darby gặp phải, nhưng chúng ta đều phải đối mặt với nhiều sự lựa chọn khác, chẳng hạn như có nên kiếm sống bằng cách bán hợp đồng bảo hiểm nợ xấu hay không, an cư ở đâu, dạy con như thế nào. Ngay cả những lựa chọn đơn giản trong cuộc sống thường nhật như tối nay tự nấu ăn hay gọi pizza, đi bộ hay lái xe… cũng khiến ta bận tâm. Như triết gia Aristotle đã nói với những người bạn đến từ Hy Lạp của ông từ lâu trước khi quốc gia này gia nhập Liên minh châu Âu: “Chúng ta là những gì chúng ta thường xuyên làm”.
Đây là lý do sự hiểu biết rõ ràng về các giá trị của bản thân là rất quan trọng đối với hành trình tìm kiếm sự thay đổi và cảm giác viên mãn. Các giá trị không chỉ là những điều mà chúng ta nên có. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã cho thấy các giá trị có thể giúp chúng ta có được nguồn sức mạnh ý chí và lòng can đảm ở mức độ cao hơn, đồng thời bảo vệ chúng ta không bị lây nhiễm những thói xấu trong xã hội. Hơn nữa, các giá trị còn giúp chúng ta chống lại những khuôn mẫu tư duy hằn sâu trong tiềm thức, cũng như các niềm tin hạn hẹp đang gò bó và làm giảm “sức chiến đấu” của ta trong khi ta còn không biết chúng có tồn tại.
Giả sử bạn là một nữ sinh viên năm nhất với ước mơ trở thành bác sĩ, nhưng bạn trưởng thành trong một nền văn hóa luôn dạy bạn rằng “con gái rất dở khoa học”. Sau đó, bạn vấp phải một thất bại, chẳng hạn như bị điểm kém trong bài kiểm tra đầu tiên của môn sinh học. Trong hoàn cảnh như vậy, khả năng cao là bạn sẽ đổi ngành học và từ bỏ ước mơ. Trừ khi bạn biết rõ điều gì là quan trọng đối với mình.
Một nghiên cứu có sức ảnh hưởng lớn cho thấy chỉ bằng cách xác định được các giá trị mà mình coi trọng, một nhóm học sinh cấp hai đã có thể tự bảo vệ bản thân khỏi những định kiến nguy hại của xã hội, thứ định kiến cho rằng các em không có khả năng học tập tốt như những người bạn đồng trang lứa được xem là có “đẳng cấp xã hội cao hơn”. Cụ thể, trong nghiên cứu này, các học sinh người Mỹ gốc Phi và gốc La-tinh được yêu cầu hoàn thành một bài tập trong mười phút, đó là viết ra những điều quan trọng nhất đối với bản thân các em. Câu trả lời của các em rất đa dạng, từ khiêu vũ, chuyện gia đình cho đến chính trị, và tác động của bài tập đơn giản này thật đáng ngạc nhiên. Sau khi tập trung vào mối liên kết giữa bản thân với thế giới và những người xung quanh, các học sinh da màu này đã có thể cải thiện điểm trung bình các môn học đủ để thu hẹp khoảng cách thành tích giữa các em với các bạn học sinh da trắng cùng lớp. Đối với nhiều trường hợp, hiệu quả của bài tập này thậm chí còn kéo dài đến tận khi các em vào trường cấp ba. Tất cả là nhờ vài phút suy ngẫm về các giá trị cốt lõi của bản thân.
Một thí nghiệm có kịch bản tương tự đã được triển khai cho một nhóm các nữ sinh viên đang học lớp Vật lý đại cương - môi trường hoàn hảo để những định kiến về giới tính và năng lực khoa học được dịp “sinh sôi”. So với những sinh viên không được yêu cầu làm bài tập xác định giá trị, những sinh viên được chọn ngẫu nhiên để làm bài tập này đã có thành tích tốt hơn trong các bài kiểm tra vật lý nói riêng và trong toàn khóa học nói chung. Bằng cách suy ngẫm những giá trị quan trọng đối với cá nhân mình, họ đã có thể phát huy tiềm năng thật sự của bản thân, bất kể định kiến xã hội có hoài nghi năng lực của họ như thế nào đi nữa.
Thời gian của chúng ta trên hành tinh này là hữu hạn, thế nên chúng ta cần cố gắng sử dụng khoảng thời gian đó sao cho thật khôn ngoan, để vun đắp nên một điều gì đó có ý nghĩa đối với bản thân mình. Và rất nhiều nghiên cứu đều cho chúng ta thấy rằng một ý thức mạnh mẽ về những gì là quan trọng với bản thân sẽ có thể dẫn chúng ta đến với niềm hạnh phúc to lớn hơn, có được cơ thể khỏe mạnh hơn, cuộc hôn nhân bền chặt hơn, cũng như đạt được nhiều thành tựu hơn trên con đường học vấn và sự nghiệp. Một nghiên cứu thuộc loại này còn chứng minh rằng những người chỉ xác định được một giá trị cốt lõi thôi cũng đã có phản ứng tốt hơn với các cảnh báo về những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn (cũng như mạnh dạn hơn trong việc tìm cách giải quyết chúng) và cởi mở hơn với những quan điểm văn hóa khác nhau của những người xung quanh.
Khi đưa ra lựa chọn dựa vào những giá trị mà mình coi trọng, chứ không phải dựa vào những tiêu chuẩn “đúng” hay “sai” mà người khác đặt ra, chúng ta có đủ sức mạnh để đối mặt với gần như bất kỳ tình huống nào trong cuộc sống với tinh thần học hỏi và xây dựng. Thay vì phải loay loay “sống cuộc đời của người khác” hoặc kẹt cứng trong vòng lẩn quẩn của các phép so sánh, chúng ta có thể tự tin đi con đường của mình và đến với một tương lai tốt đẹp hơn.
Sống đúng với những giá trị của bản thân
Tất nhiên, việc xác định được những gì bạn thật sự quan tâm chỉ mới là một nửa quá trình theo đuổi lý tưởng của đời mình. Sau khi đã xác định được các giá trị có ý nghĩa đối với bản thân, bạn cần học cách áp dụng những giá trị này vào cuộc sống. Quá trình này đòi hỏi một mức độ can đảm nhất định, nhưng mục tiêu của bạn không phải là trở thành một người hoàn toàn không có nỗi sợ. Thay vào đó, bạn nên đương đầu với những nỗi sợ của mình, vượt qua chúng để hướng đến những điều thật sự quan trọng trong đời, và các giá trị cốt lõi chính là kim chỉ nam của bạn trong suốt hành trình đó. Can đảm không phải là không cảm thấy sợ hãi, mà là dám đương đầu với nỗi sợ.
Khi Irena Sendler còn là một cô bé bảy tuổi sống ở Ba Lan, người cha làm bác sĩ của bà đã luôn dạy bà rằng “Nếu nhìn thấy ai đó đang đuối nước, con phải nhảy xuống cứu họ”. Sau đó, khi Đức quốc xã xâm chiếm quê hương bà trong Chiến tranh thế giới thứ hai, giá trị về sự giúp đỡ mà bà hằng gìn giữ này đã thôi thúc bà cưu mang người hàng xóm Do Thái của mình.
Khi cuộc chiến leo thang, Sendler và những người bạn cùng chí hướng đã tiếp tục phát huy tinh thần tương thân tương ái bằng cách làm giả hàng ngàn bộ hồ sơ để giúp các gia đình Do Thái thoát khỏi cảnh sống bi thảm trong các khu ổ chuột ở Warsaw. Không những vậy, bà còn cải trang thành nhân viên xã hội phụ trách kiểm tra chứng sốt phát ban để lén đưa trẻ em ra khỏi nơi địa ngục trần gian này.
Mặc cho hoàn cảnh đáng sợ và nguy hiểm cận kề, Sendler chưa bao giờ nao núng, ngay cả khi bà bị cơ quan mật vụ của Đức quốc xã bắt và kết án tù chung thân. Sau này, bà chia sẻ rằng mình đã cảm thấy nhẹ nhõm như thế nào khi nghe bản án đó, bởi vì cuối cùng bà cũng được giải phóng khỏi nỗi sợ đã luôn đeo bám kể từ khi bà bắt đầu hành trình quả cảm của mình.
May mắn thay, một người lính canh đã giúp bà trốn thoát và tìm nơi ẩn náu sau đó. Tuy nhiên, thay vì tự bảo vệ bản thân trong phần thời gian còn lại của cuộc chiến, Sendler vẫn kiên định sống đúng với những giá trị của mình và tiếp tục mạo hiểm để cứu những đứa trẻ người Do Thái - tổng cộng bà đã giải cứu được ít nhất là 2.500 đứa trẻ. Bà đã quyết định giữ vững lý tưởng của mình dù sẽ dễ dàng và an toàn hơn rất nhiều nếu bà chọn bỏ cuộc. Bởi vì Sendler biết nếu không có hành động cụ thể thì một giá trị chỉ mãi là nguồn cảm hứng chứ không thể trở thành một phần của con người mình.
Cho dù những hành động dựa trên giá trị cơ bản của bạn liên quan tới vấn đề sống còn, như trường hợp của Sendler, hay những chuyện hết sức đời thường như “Tôi nên đi ngủ đúng giờ hay xem Netflix thêm chút nữa?” thì cuối cùng bạn cũng sẽ đối mặt với điều mà tôi gọi là điểm lựa chọn, một ngã ba nơi bạn phải đưa ra quyết định về con đường mình sẽ đi. Nhưng không giống nhiều lựa chọn khác - ví dụ như mang đôi giày màu đen hay màu nâu, uống cà phê hay trà - mỗi điểm lựa chọn mang đến cho bạn cơ hội để theo đuổi lý tưởng của mình. Bạn sẽ đi theo các giá trị của bản thân và hành xử theo cách của con người mà bạn muốn trở thành, hay bạn sẽ đi ngược lại các giá trị đó và có những hành động phủ nhận chúng? Bạn càng kiên định chọn con đường hướng tới giá trị của mình, cuộc đời của bạn càng trở nên đáng sống và có ý nghĩa hơn. Nhưng thật không may, khi bị cuốn vào những suy nghĩ, cảm xúc khó chịu và các tình huống nhiều thử thách, chúng ta thường bắt đầu đi lệch khỏi những giá trị của mình.
Nếu trân trọng các mối quan hệ và mong muốn được kết hôn, bạn có thể phản ánh điều đó qua những hành động như hẹn hò qua các dịch vụ trên Internet, tham gia lớp học nấu ăn hoặc lớp hướng dẫn leo núi, trở thành thành viên của một câu lạc bộ đọc sách để có thể gặp gỡ người cùng sở thích. Nếu cứ khăng khăng rằng mình quá nhút nhát hoặc quá dễ căng thẳng nên không thể thực hiện những hành động đó, bạn đang tự đẩy mình xa rời các giá trị mà bạn coi trọng và chọn hướng đi hoàn toàn ngược lại với chúng.
Nếu muốn khỏe mạnh hơn, bạn có thể bắt đầu bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, đi tập gym hoặc đơn giản là chọn đi cầu thang bộ thay cho thang máy. Điều quan trọng là bạn không chỉ cam kết với các giá trị cốt lõi trên phương diện tâm trí. Bạn phải thật sự hành động theo những giá trị đó, hay nói cách khác, bạn cần thực hiện lý tưởng của mình bằng các hành động cụ thể. Suy cho cùng, khi chạy xe đạp, bạn chỉ có thể giữ thăng bằng khi liên tục đạp xe. Chuyện tương tự cũng xảy ra với các giá trị - chỉ khi liên tục được đưa vào hành động thì chúng mới thật sự phát huy tác dụng.
Sự xung đột giữa các mục tiêu
Đã bao nhiêu lần bạn thấy mình bị giằng xé giữa hai lựa chọn mà bạn đều coi trọng như nhau? Công việc và gia đình? Chăm sóc cho bản thân hay là quan tâm người khác? Đi theo giá trị tinh thần hay giá trị vật chất? Nói cách khác, nếu việc lựa chọn giá trị này khiến bạn phải phủ nhận giá trị kia thì sao?
Điểm mấu chốt để giải quyết vấn đề này là hãy xem các giá trị như những lựa chọn khác nhau và ngang hàng với nhau, không có cái nào tốt hơn hay tệ hơn cái nào. Sau đó, tùy vào tiêu chí lựa chọn mà bạn đưa ra, bạn sẽ quyết định mình muốn hành động theo giá trị nào, không phải vì giá trị đó tốt hơn những giá trị còn lại, mà đơn giản chỉ vì ngay tại thời điểm đó, bạn cần phải đưa ra một quyết định. Và để đưa ra một quyết định đúng đắn, chúng ta phải thật sự hiểu bản thân mình.
Triết gia Ruth Chang từng nói: “Những lựa chọn là cơ hội để chúng ta tôn vinh sự đặc biệt của loài người… chứng tỏ chúng ta có sức mạnh đủ để tạo thành lý do cho sự phát triển vượt bậc của con người”.
Thông thường, những gì chúng ta coi là sự xung đột về giá trị thật ra lại là sự xung đột về mục tiêu (và hãy nhớ rằng các giá trị không phải là mục tiêu), hoặc là vấn đề về quản lý thời gian, sự khó khăn trong việc cam kết với một kế hoạch hoặc một hành động nào đó. Hoặc có thể vấn đề chỉ đơn giản là người trần mắt thịt như chúng ta không thể ở hai nơi cùng một lúc. Một trong những khó khăn lớn nhất mà nhiều người gặp phải trên phương diện này là cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và công việc. Nhiều người trong chúng ta - bao gồm cả tôi - luôn bị giằng co giữa công việc và thời gian cho gia đình.
Nhưng nếu sự lựa chọn không phải là giữa công việc và gia đình thì sao? Nếu sự lựa chọn của chúng ta là chu toàn cả công việc và gia đình thay vì bị giằng xé và héo mòn vì suy nghĩ phải chọn một trong hai thì sao?
Nếu bạn nói “Tôi coi trọng việc làm một người cha yêu thương gia đình; tôi sẽ thể hiện tình yêu thương đó trong những lần tương tác với các con của mình” và “Tôi coi trọng việc làm một nhân viên có năng lực; tôi sẽ thể hiện năng lực đó trong công việc của mình mỗi ngày” thì kết quả mà bạn có được sẽ rất khác với khi bạn nói “Tôi coi trọng việc làm một người cha yêu thương gia đình nên dù có chuyện gì đi nữa, tôi cũng sẽ rời văn phòng vào đúng năm giờ chiều mỗi ngày”. Với cách nói thứ nhất, bạn không còn nhìn nhận công việc và gia đình như hai khía cạnh xung đột với nhau nữa, mà bạn đang mở rộng những khả năng để mình có thể đạt được cả hai giá trị đó trong cuộc sống.
Vì các giá trị liên quan đến chất lượng của hành động hơn là số lượng, nên lượng thời gian bạn dành cho các giá trị không nhất thiết phản ánh tầm quan trọng của các giá trị này đối với bạn, cũng không giới hạn mức độ cam kết của bạn trong công việc hoặc trong những khoảnh khắc quý báu bên gia đình và người thân. Nếu bạn phải làm việc mười hai tiếng đồng hồ một ngày để hoàn thành một dự án, một hành động đơn giản như gửi tin nhắn hoặc email ngắn gọn cho người bạn đời vẫn có thể giúp bạn duy trì sự kết nối với giá trị “làm một người vợ/người chồng tốt” mà bạn coi trọng. Các nhà tâm lý học gọi hành động này là “những tương tác xã hội đơn giản và gọn nhẹ”. Có thể bạn thường xuyên phải đi công tác, nhưng bạn có thể gọi điện thoại cho các con vào mỗi tối trước giờ ngủ và thật sự tập trung trò chuyện với con. Gìn giữ những giá trị này có thể đồng nghĩa với việc bạn phải làm việc chăm chỉ hơn và hiệu quả hơn trong giờ làm để có thể ra về vào thời điểm hợp lý. Có thể bạn cũng phải rút khỏi đội bóng của công ty hoặc ít tham gia các cuộc vui sau giờ làm cùng đồng nghiệp, nhưng khi xem xét những hoạt động này với việc bạn trân trọng cuộc sống gia đình của mình đến mức nào, bạn sẽ thấy những đánh đổi này là xứng đáng.
Tất nhiên, đôi khi chúng ta phải đưa ra những quyết định phức tạp hơn. Nếu công việc buộc bạn phải đi công tác vào đúng ngày sinh nhật của con trai, nhiều khả năng là bạn sẽ không thể ở nhà mừng sinh nhật con dù bạn có coi trọng mối quan hệ với các con đến mức nào đi nữa. (Bạn cũng coi trọng việc có khả năng thanh toán chi phí sinh hoạt và chu cấp đầy đủ cho các con.) Nhưng vì thật sự muốn làm một bậc phụ huynh yêu thương con, bạn có thể tìm cách khác để thể hiện tình yêu thương của mình, chẳng hạn như tổ chức tiệc sinh nhật cho con trước khi lên đường, gửi cho con một món quà đặc biệt vào đúng ngày sinh nhật hoặc gọi video call trong bữa tiệc của con.
Tất cả chúng ta đều phải phân bổ thời gian cho các giá trị khác nhau trong cuộc sống theo cách này hoặc cách khác, tùy vào hoàn cảnh cụ thể của mình. Khi bạn đang dành thời gian cho giá trị này không có nghĩa là bạn đang xem nhẹ những giá trị còn lại.
Thật ra, quá trình đưa ra những lựa chọn khó khăn có thể giải phóng bạn, vì trong quá trình đó, bạn sẽ xác định được mình thật sự là người như thế nào và thể hiện được nguồn sức mạnh mà tất cả chúng ta đều sở hữu để định hình cuộc đời mình. Nếu có thể chủ động chấp nhận nỗi đau liên quan đến việc từ bỏ con đường mà mình không thể chọn, bạn sẽ có thể toàn tâm toàn ý với quyết định mà mình đã đưa ra và tiếp tục hành trình của mình với một tâm trí sáng tỏ.
Trên thực tế, các giá trị không giới hạn hoặc hạn chế chúng ta. Thay vào đó, bằng cách mang lại một mạng lưới hỗ trợ liên tục, các giá trị giúp mở rộng phạm vi hoạt động của chúng ta - một việc mà bình thường có thể chúng ta sẽ không dám làm. Nhận thức được các giá trị của mình cũng giúp chúng ta linh hoạt và cởi mở đón nhận những trải nghiệm mới. Chúng ta có thể sử dụng các giá trị mà mình ưu tiên để thực hiện nhiều hành động có chủ ý và đáng thỏa mãn hơn, cũng như giảm bớt những hành động thiếu suy xét và kém hiệu quả.
Tuy nhiên, sống theo những giá trị của bản thân - đi theo lý tưởng đời mình - sẽ không mang lại cho bạn một cuộc sống bằng phẳng. Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với những tình huống tiến thoái lưỡng nan, bất kể niềm tin của chúng ta vững chắc thế nào và các quyết định của chúng ta ra sao. Hướng đến các giá trị của bản thân không phải lúc nào cũng là chuyện vui vẻ hay dễ dàng, ít nhất là khi bạn đang ở trong quá trình đó. Ví dụ, nếu bạn sợ giao tiếp xã hội và một người bạn mời bạn đến dự tiệc, phản ứng mà bạn dễ đưa ra nhất có lẽ sẽ là từ chối. Nhưng nếu coi trọng mối quan hệ bạn bè và để giá trị này dẫn dắt hành động của mình, bạn sẽ cố gắng vượt qua nỗi sợ và nhận lời mời dự tiệc. Khi đến bữa tiệc, bạn sẽ phải trải nghiệm một cảm giác khó chịu khác - khó chịu nhiều hơn so với khi bạn chọn ở nhà. Nhưng sự khó chịu lúc ban đầu này là “tiền vé” mà bạn cần trả để bước vào một cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Như nhà văn Elizabeth Gilbert đã khám phá được, ngay cả sau khi bà bắt đầu chỉ tập trung vào viết lách thì quá trình sáng tác vẫn rất khó khăn. Trung sĩ Darby và Irena Sendler thì học được rằng sống đúng với niềm tin của mình có nghĩa là đi theo những con đường có thể khiến cuộc sống của họ cam go hơn. Tôi vẫn nhớ một cuộc trò chuyện có ý nghĩa sâu sắc tôi từng được trải nghiệm với nhà động vật học nổi tiếng Jane Goodall. Bà kể rằng trong sự nghiệp vinh quang của mình, sự nghiệp mà bà đã cống hiến hết cho hoạt động bảo tồn và bảo vệ phúc lợi của động vật, có thời điểm bà thường xuyên rơi nước mắt. Sau đó, một người bạn hỏi tại sao bà lại buồn đến như vậy. “Và tôi đã nói một điều khiến chính mình ngỡ ngàng. Đó là một câu trả lời chưa từng xuất hiện trong tâm trí của tôi trước đây. Tôi nói với bạn mình: ‘Tôi nghĩ tôi khóc vì biết mình đang từ bỏ quyền được ích kỷ’. Vậy đó. Nghe lạ lùng lắm đúng không?”
Một đồng nghiệp của tôi đã mô tả tình trạng khó xử của Goodall thế này: “Tâm trí của bạn nói ‘Tôi nghĩ nếu làm công việc mà mình coi trọng này thì tôi sẽ không cảm thấy quá buồn bã hoặc mâu thuẫn sau khi đưa ra lựa chọn’. Nhưng thực tế đơn giản là bạn vẫn đang phải lựa chọn”.
Sự lựa chọn nào cũng có mất mát. Bạn từ bỏ con đường mà mình không chọn và bất kỳ sự từ bỏ nào cũng kéo theo một nỗi buồn, niềm đau hay thậm chí là cả nỗi tiếc nuối. Bạn có thể biết lý do mình làm một việc nào đó - hãy nhớ câu hỏi “Tôi đã làm việc gì thật sự xứng đáng với thời gian mà mình đã bỏ ra?” - nhưng rồi bạn vẫn cảm thấy lo lắng hoặc buồn rầu về sự lựa chọn đó. Sự khác biệt nằm ở chỗ bạn thật sự đầu tư vào điều mà mình đã chọn và nhờ vậy, bạn có thể linh hoạt vượt qua những cảm xúc khó chịu. Ngay cả nếu sự lựa chọn của bạn hóa ra là “sai”, ít nhất bạn cũng cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi biết mình đã quyết định dựa trên những lý do chính đáng. Bạn có thể đối diện với chính mình bằng lòng can đảm, tinh thần học hỏi và sự cảm thông.
*
Tôi từng nghe câu chuyện về một người phụ nữ được chẩn đoán là không còn bao nhiêu ngày để sống.
Cô ấy hỏi bác sĩ: “Có hy vọng gì không?”.
Bác sĩ trả lời: “Hy vọng cho chuyện gì?”.
Khi trả lời bằng một câu hỏi như vậy, ngụ ý của vị bác sĩ là ngay cả khi đang tiến gần đến cái chết - một quá trình mà tất cả chúng ta đều đang trải qua ngay lúc này - chúng ta vẫn có thể lựa chọn mình sẽ sống những ngày còn lại như thế nào, dựa vào những giá trị cốt lõi của mình.
Tôi đã nhớ lại câu chuyện này khi cô bạn kiêm đồng nghiệp Linda của tôi được chẩn đoán mắc chứng xơ cứng teo cơ một bên (Amyotrophic Lateral Sclerosis - ALS), một căn bệnh thần kinh hiểm nghèo. Linda yêu thương các con, trân trọng tình bạn và yêu thích nhảy múa. Dù vô cùng đau khổ khi căn bệnh và các triệu chứng ngày càng nghiêm trọng, Linda vẫn tiếp tục đăng những dòng cập nhật đầy tình yêu cuộc sống lên mạng xã hội. Khi phải đối mặt với điểm lựa chọn của mình, cô đã quyết định chọn cách vượt qua nỗi sợ và tiếp tục kết nối với thế giới. Ngay trước khi chuyển vào nhà an dưỡng cuối đời dành cho bệnh nhân giai đoạn cuối, và không lâu trước khi qua đời, Linda viết: “Tôi dự định dành khoảng thời gian tĩnh lặng cuối đời ở nơi thiêng liêng này để suy ngẫm về cuộc sống và cái chết của mình. Tôi cảm thấy may mắn. Nhiều người đã phải rời bỏ thế giới này mà không có cơ hội để đánh giá lại sứ mệnh của họ… Trong khi chờ đợi, hãy nhảy múa nếu có thể”.
Khi hiểu mình là ai và nỗ lực vì mục tiêu gì, bạn sẽ có thể đối mặt với những ngả rẽ trong đời với một trang bị quyền năng nhất, đó chính là bản thể trọn vẹn của bạn. Và hãy nhảy múa nếu có thể.