Chúng ta là những gì chúng ta thường xuyên làm. Sự xuất sắc, do vậy, không phải là một hành động, mà là một thói quen.
- Triết gia Aristotle
Warren Buffett luôn học những người giỏi nhất trong tất cả các lĩnh vực ông tham gia và từ tất cả các nước. Ông chơi golf với Tiger Woods, chơi tennis với Martina Navratilova, và chơi bài bridge với người hai lần vô địch thế giới Sharon Osberg. Ông nói chuyện về luyện tập thể hình và chính trị với Arnold Schwarzenegger, về âm nhạc với Jimmy Buffett, về sản xuất phim với Debbie Reynolds, về khiêu vũ với Michael Flatley. Với người bạn tốt Bill Gates, ông thường cùng thảo luận về thế giới công nghệ mới nhất và của tương lai. Những giám đốc điều hành giỏi nhất thế giới tập hợp lại để tìm kiếm lời khuyên và lắng nghe Warren Buffett với mọi cơ hội đến với họ. Các chính trị gia thường bay đến Ohama để tìm kiếm sự ủng hộ của ông. Các tổng thống, nhà lập pháp, thẩm phán, chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang cũng tiếp đón và chiêu đãi ông thân mật tại câu lạc bộ Alfalfa ở Washington vào tháng Giêng hàng năm. Công ty nào được Warren mua lại là một vinh dự lớn đối với họ.
Thực ra, Warren không chỉ học hỏi những người giỏi nhất, mà ông còn có một bộ phận riêng chuyên mời cho ông những người giỏi nhất trong giới giải trí, điền kinh, doanh nhân thành công giàu có nhất và quyền lực nhất. Công ty NetJets của Buffett giờ đây đã đưa rước hơn 5.000 người có tài sản lớn và những người giỏi nhất đi và đến hơn 140 quốc gia với 240.000 chuyến bay hàng năm. NetJets cho rằng bất cứ ai có tài sản từ 20 triệu USD trở lên sẽ không thể làm gì tốt hơn để nâng cao phong cách sống, sự an toàn, an ninh và sự thoải mái bằng việc mua lại một phần sở hữu một trong những chiếc phản lực của họ. Điều này giống như bạn đồng sở hữu chuyên cơ Không lực Một(4) mà không cần phải trúng cử tổng thống Hoa Kỳ.
4 Air Force One: Chuyên cơ dành cho các tổng thống đương nhiệm của Mỹ.
Người dẫn chương trình trò chuyện trên radio Don Imus và chương trình truyền hình đêm khuya David Letterman thường khoe với mọi người về chiếc máy bay NetJets của mình. Không chỉ các vận động viên điền kinh, các nhà công nghiệp ngành giải trí, các nhạc sĩ mà cả những lãnh đạo tôn giáo và các cố vấn tinh thần hàng đầu cho những tập đoàn của Mỹ, trong đó có General Electric, cũng sở hữu một phần trong phi đội NetJets cùng với Buffett. Họ thường nói: Mua một cổ phần nhưng có cả một phi đội!
TẠO RA CÁC NHÀ ĐẦU TƯ SIÊU ĐẲNG – BẰNG CHỨNG CHO THẤY WARREN BUFFETT ĐÃ HỌC NHỮNG NGƯỜI GIỎI NHẤT
Warren Buffett học những người giỏi nhất trong lĩnh vực đầu tư (cũng chính là điều bạn đang làm khi nghiên cứu về phương pháp đầu tư của Buffett). Ông đã quan sát, nghiên cứu, thuyết trình và viết rằng những nhà đầu tư giỏi nhất phải là những người theo đuổi và thực hiện các nguyên tắc đầu tư giá trị.
Thời sinh viên, Warren đã học về phân tích chứng khoán dưới sự dẫn dắt của hai giáo sư rất được ông ngưỡng mộ, nếu không nói là tôn thờ: Ben Graham và David Dodd. Năm 1984, nhân dịp kỷ niệm 15 năm của ấn phẩm được xuất bản lần cuối cùng Security Analysis (Phân tích chứng khoán) do Graham và Dodd viết, Warren Buffett đã phát biểu ở ngôi trường nơi ông từng theo học, Đại học Columbia, với chủ đề: “Những nhà đầu tư siêu đẳng của Graham và Doddsville” (tham khảo thêm ở phần phụ lục).
Theo Warren, các nhà đầu tư siêu đẳng này (gồm một nhóm nhỏ có khả năng chiến thắng thị trường một cách chắc chắn qua nhiều năm) đã đọc, hiểu và thực hiện theo những nguyên tắc đầu tư giá trị được trình bày trong quyển Phân tích chứng khoán – họ đến từ một cộng đồng trí thức ảo gọi là “thị trấn” Graham và Dodd(5) (được Buffett đặt tên dựa vào các tác giả của cuốn Phân tích chứng khoán).
5 Graham & Doddsville: ý nói những người đầu tư theo trường phái Ben Graham và David Dodd.
Ông luôn tin tưởng và chứng minh điều này qua bài thuyết trình của mình rằng những “cư dân” của “thị trấn” Graham và Dodd đã và sẽ tiếp tục kiếm được những khoản thu nhập đầy ấn tượng từ việc đầu tư vào những loại chứng khoán khác nhau. Buffett khẳng định các nhà đầu tư nhỏ có thể tăng gấp đôi danh mục đầu tư của họ ở mức tốt hơn so với thị trường tổng thể, miễn là họ thực hiện theo các nguyên tắc của Graham và Dodd, nghĩa là đầu tư giá trị. Các nhà đầu tư có thể thực hiện điều này bằng cách áp dụng những nguyên tắc và phương pháp tương tự như Buffett đã làm mà không nhất thiết phải đầu tư vào những cổ phiếu giống các cổ phiếu ông đang sở hữu.
Đầu tư giá trị, theo Buffett, vừa là nghệ thuật vừa là khoa học để mua được giá trị một tài sản 1 USD bằng 50 cent. Warren không chỉ nhận diện và đặt tên cho thành phố ảo Graham và Dodd, ông còn là một trong những cư dân đầu tiên và là “thị trưởng” đúng nghĩa của nó. Ở Chương 10, bạn sẽ thấy hiện Lou Simpson là “phó thị trưởng” của ông.
Vì thế, nếu Buffett học những người giỏi nhất trong mọi lĩnh vực ông quan tâm, không riêng quản lý đầu tư, thì nếu bạn cũng muốn trở thành một nhà đầu tư trên mức trung bình, bạn cần học Warren Buffett và những người giỏi nhất.
TẠO RA TÀI SẢN CÓ GIÁ TRỊ HƠN 100 TỶ ĐÔ-LA
Để hiểu được thành tựu sâu sắc của Warren Buffett trong việc tạo ra khối tài sản khổng lồ, hãy xem xét điều này: 1 triệu USD thu nhập được đầu tư hàng năm trong 48,5 năm với lãi suất trung bình 10%/năm sẽ mang về 1.000 triệu USD. Không phải là một chiến công nhỏ theo tiêu chuẩn của bất kỳ ai, nhưng Warren Buffett đã làm điều này 66 lần cho các cổ đông, cộng với 36 lần cho bản thân ông hoặc hơn 100 lần trong sự nghiệp đầu tư 50 năm qua của ông, và ông vẫn chưa dừng lại. Cộng sự Charlie Munger của ông nói: “Warren ngày càng giỏi hơn theo tuổi tác của mình.”
Tài sản tỷ phú:
1 triệu USD đầu tư hàng năm @ 10% x 48,5 năm = 1 tỷ USD
Tài sản nhiều tỷ đô-la:
10 triệu USD đầu tư hàng năm @ 10% x 48,5 năm = 10 tỷ USD
Tài sản Buffett:
100 triệu USD đầu tư hàng năm @ 10% x 48,5 năm = 100 tỷ USD
Buffett xem cổ đông như những đối tác (partner) thực sự của mình. Tài sản Buffett được tạo ra cùng với cổ đông, chứ không phải từ chi phí của họ. Hình 1.1 cho thấy cách thức một khoản đầu tư cá nhân 3 triệu USD tăng lên thành hơn 35 tỷ USD, bắt đầu với mức 50.000 USD tiền lương hàng năm và hiện nay là 100.000 USD, không cần đầu tư vốn bổ sung – mà không bao giờ phải mua hoặc bán đi một phần nào trong công ty mẹ hay phải phát hành thêm quyền mua cổ phiếu ưu đãi cho bản thân ông.
(Bạn đọc cần lưu ý rằng ngoài tiền lương, Warren giữ lại 1% giá trị tài sản của ông bên ngoài Berkshire, nghĩa là thêm khoảng 300 triệu USD. Với 5% hàng năm từ số tiền 15 triệu USD cũng đủ đảm bảo một phong cách sống thoải mái theo tiêu chuẩn của bất cứ người nào.)
Như Hình 1.1, Bảng 1.1 và 1.2 thể hiện, Buffett gia tăng tài sản của đối tác và cổ đông trong khi ông tạo ra tài sản cho bản thân, gia đình và trên hết là cho lợi ích của thế giới, vì ông đã cam kết hiến tặng gần như toàn bộ tài sản của mình cho một quỹ lớn nhất thế giới. Năm 1962, khi Buffett tạo lập được khối tài sản khoảng 1,5 triệu USD, các đối tác của ông thu được được 8,5 triệu USD, vì thế tổng tài sản của Buffett và cổ đông trở thành 10 triệu USD. Đến 1971, ở tuổi 41, Buffett có được 33,6 triệu USD, cổ đông của ông có 36,4 triệu USD, tổng tài sản là 70 triệu USD. Đến 1982, giá trị tài sản của Buffett tăng lên đến 372 triệu USD, cổ đông của ông tích lũy được 403 triệu USD, tổng tài sản là 775 triệu USD. Buffett trở thành tỷ phú trước năm 1989, lúc đó ông có 3,4 tỷ USD, cổ đông có 3,7 tỷ USD, tổng tài sản khoảng 7,1 tỷ USD.
Năm 1998, Buffett trở thành một biểu tượng văn hóa và là người giàu thứ hai trên thế giới với tổng tài sản 33,6 tỷ USD. Các đối tác của ông có thêm khoảng 71,4 tỷ USD, tổng tài sản lên đến con số đáng kinh ngạc: 105 tỷ USD. Chưa từng có người nào đạt được mức độ tài sản như thế này mà không bao giờ bán đi một phần nào trong số cổ phiếu của họ, phát hành quyền mua cổ phiếu ưu đãi cho đội ngũ quản lý, tăng vốn, nắm giữ một quy trình hay sáng chế mới, hoặc không cần thiết phải thành lập và sở hữu một công ty riêng.
Sự giàu có có thể đạt được bằng bốn cách: thừa kế, kết hôn với người giàu có, trúng số, hoặc sở hữu doanh nghiệp. Mọi tài sản, dù được hình thành bằng cách nào đi nữa, đều phải được duy trì bằng quyền sở hữu doanh nghiệp và bằng cách chi tiêu ít hơn thu nhập có được. Tài sản của Buffett không phải đến từ thừa kế, kết hôn, trúng số hay quyền sở hữu một doanh nghiệp, thay vào đó là từ quyền sở hữu nhiều doanh nghiệp – trước hết là từng phần thông qua thị trường chứng khoán, sau đó bằng cách mua đứt toàn bộ công ty. Bạn sẽ biết Warren Buffett luôn chi tiêu ít hơn thu nhập của mình và chưa bao giờ ngừng việc gia tăng tài sản cho các đối tác lẫn bản thân. Ông đang trên đường tiếp tục tích lũy hơn 100 tỷ USD cho bản thân, và sau khi ông mất đi, quỹ của ông sẽ phân phối hơn 5 tỷ USD hàng năm và mãi mãi.
Công ty mẹ Berkshire Hathaway của Warren Buffett sở hữu nhiều công ty trong nhiều ngành khác nhau hơn bất cứ tập đoàn đại chúng hoặc tư nhân nào, nhưng Berkshire không có phòng ban hay một phó chủ tịch nào phụ trách từng mảng kinh doanh riêng. Buffett đã tạo ra một tập đoàn rất độc đáo.
Không giống phần lớn những người còn lại trong danh sách Forbes 400 – danh sách những cá nhân giàu nhất thế giới, Buffett không được thừa kế, không kết hôn với người giàu, không trúng số, cũng không tạo ra của cải nhờ sở hữu một doanh nghiệp nào đó. Warren cũng chưa từng tạo ra bất cứ phương pháp hay cách thức đầu tư riêng hay mới mẻ nào. Những nguyên tắc đầu tư của ông được học từ người hướng dẫn và người chủ khi ông còn trẻ: cha ông (một nhà môi giới chứng khoán ở Omaha, đồng thời là nghị sĩ quốc hội) và các giáo sư đại học của ông. Thành công xuất chúng trong kinh doanh và đầu tư của ông không phải đến từ bất cứ sự phát minh hay phương pháp tiên tiến nào, mà đó là việc kiên trì áp dụng những nguyên tắc cũ dựa trên giá trị - ngạc nhiên thay, chúng chỉ là những lẽ thường đơn giản, dễ học và thực hành.
Chuyên môn, tài năng và kỹ năng của Buffett là việc định giá đúng một doanh nghiệp, ước định các giá trị quản lý (có thể có hoặc không), mua doanh nghiệp với giá thấp hơn giá trị thực của nó, động viên và giữ lại những nhà quản lý xuất sắc. Sau đó, ông lại tái triển khai số vốn thặng dư để lặp đi lặp lại thành tích này hết lần này đến lần khác – một chu trình tư bản ở mức độ hoàn chỉnh nhất. Bạn cũng có thể trở nên giàu có vượt trội nếu bạn quyết định chi tiêu cho cuộc sống ít hơn thu nhập của mình, học và làm theo những phương pháp của Buffett. Thực ra, chúng cũng không phải là những nguyên tắc và phương pháp thực tiễn của ông, mà là những lời giảng dạy và ví dụ đơn giản từ cha ông và các giáo sư đại học mà ông từng thụ hưởng.
Buffett - Nhà tư bản tỷ phú
Hầu hết mọi người nghĩ rằng nhà tư bản là người sử dụng đồng vốn để tạo ra hàng hóa và dịch vụ vì mục đích lợi nhuận. Buffett đã tạo ra một định nghĩa đa chiều về “nhà tư bản”:
Tư bản trí tuệ: Tài năng thiên bẩm và sự phát triển của trí thông minh phi thường trong việc triển khai tư bản.
Tư bản phẩm chất: Sự lựa chọn kỹ lưỡng các giá trị đạo đức và nguyên tắc để thu hút và duy trì vốn.
Tư bản giá trị: Sự mua lại các nguồn lực một cách khéo léo với giá thấp hơn giá trị thực của chúng.
Tư bản: Sự tiếp cận các nguồn lực ngày càng gia tăng để phân bổ sử dụng hiệu quả nhất.
Tư bản con người: Tuyển chọn và gắn kết với những người có thể giúp bạn làm việc tốt hơn.
Tư bản xã hội: Có những mối quan hệ đúng với những động cơ phù hợp để gia nhập vào những mạng lưới quan hệ có thể mang lại nhiều giao dịch tốt hơn.
Tư bản cơ hội: Là người đầu tiên được mời gọi khi cơ hội kinh doanh phù hợp với các tiêu chí thu mua cụ thể xuất hiện.
Tư bản mô hình kinh doanh: Phát triển một môi trường kinh doanh nhằm thu hút những doanh nghiệp và đội ngũ quản lý đa dạng dưới một mô hình thống nhất.
Chu trình tư bản: Phân bổ thành công vốn thặng dư của một doanh nghiệp vào việc thu mua hay mở rộng doanh nghiệp khác.
Tư bản ảnh hưởng: Khả năng tác động đến Quốc hội Mỹ, chẳng hạn như mang lại cho tập đoàn Solomon Brothers một cơ hội khác và giữ việc làm cho hơn 8.000 cộng sự. Cũng có khả năng tác động đến tất cả các nhánh của nhà nước: lập pháp, tư pháp và hành pháp. Có thể thu hút hơn 50 hãng truyền thông trên toàn thế giới đưa tin về hội nghị thường niên của Berkshire, trong khi hạn chế sự tiếp cận để phỏng vấn của giới truyền thông trong thời gian còn lại trong năm.
Lưu ý rằng bạn không thể kỳ vọng mình trở nên giàu có bằng cách đầu tư vào công ty của người khác mà không đọc và nghiên cứu kỹ lưỡng về công ty đó. Để có thể làm tốt hơn những nhà đầu tư trung bình, bạn cần phải đọc hàng ngày và phải thích thú với việc đọc. Không may là chẳng có con đường tắt nào cả. Nếu việc nghiên cứu không phải là điều bạn ưa thích, thì bạn có thể tự xem mình là nhà đầu tư thụ động, và có lẽ tốt nhất là nên chú ý đầu tư vào các quỹ có chỉ số chi phí thấp, từ đó bạn cũng có thể đạt được những kết quả tương tự với thị trường với những đòi hỏi tối thiểu về thời gian.
HỌC NGƯỜI GIỎI NHẤT ĐỂ TRỞ THÀNH NGƯỜI GIỎI NHẤT
Tại sao Warren Buffett lại học những người giỏi nhất trong tất cả những lĩnh vực ông quan tâm? Bởi vì những người giỏi nhất có những phẩm chất phổ biến trên nhiều lĩnh vực và có thể sao chép được. Những người giỏi nhất làm một việc rất giỏi và họ tập trung tất cả năng lực cuộc sống của mình vào việc đó. Một trong những tay golf vĩ đại nhất trong lịch sử, Tiger Woods, hàng ngày đánh khoảng 500 quả, chỉ để luyện tập. Ted Williams, được xem là cầu thủ đánh bóng giỏi nhất trong lịch sử bóng chày, đã biến việc vụt bóng trở thành khoa học, và anh cũng đã viết một quyển sách về chủ đề này. Anh chia khu vực đánh bóng thành 77 ô nhỏ, mỗi ô có kích thước của một quả bóng chày (7 bóng hàng ngang và 11 bóng theo chiều cao), sau đó đánh dấu mỗi ô theo khả năng của anh trong việc đánh trúng quả bóng trong ô đó. Chỉ cần đơn giản bằng cách đánh bóng trong những ô mà anh chọn lựa và bỏ qua những ô có khả năng dưới trung bình, Williams đã trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình – vụt bóng chày.
Nếu Warren Buffett học những người giỏi nhất trong mọi lĩnh vực ông quan tâm thì tại sao các bạn không nên học theo ông ấy, xét đến sự thật rằng ông chắc hẳn là người giỏi nhất trong lĩnh vực của ông? Nếu bạn xem xét những hồ sơ đầu tư, quản lý và kinh doanh của Buffett, bạn sẽ nhanh chóng biết là không ai có thể là người thứ hai theo sát ông ấy.
Một số khía cạnh trong lĩnh vực đầu tư có thể rất giống với việc đánh bạc. Bạn không biết bạn đang làm gì, không hiểu bạn đang sở hữu gì, giao dịch trong và ngoài sàn, thực hành theo lời khuyên của những nhóm người nào đó, làm giàu nhanh, và dựa vào sự may mắn thay vì kỹ năng của bản thân – tất cả đều là những dấu hiệu của đánh bạc. Nhưng việc đầu tư và làm giàu như cách áp dụng của Warren Buffett giống với nghệ thuật và khoa học hơn, và có thể sao chép được.
Lưu ý rằng Warren rất thích chơi bài bridge – một trò chơi dựa vào kỹ năng chứ không phải may mắn, một trò chơi với việc chọn lựa đối tác phù hợp có thể tạo ra tất cả sự khác biệt giữa thắng và bại. Thị trường chứng khoán, đầu tư và quản lý doanh nghiệp cũng có những đặc điểm tương tự. Chọn lựa đối tác phù hợp là điểm then chốt. Đối tác chơi bài bridge của Warren, Sharon Osberg, là người đã hai lần vô địch giải quốc gia Mỹ. Cô chú tâm hết sức vào môn này và biến nó thành một công việc toàn thời gian của cô. Warren cẩn thận lựa chọn tất cả các đối tác của mình, và không bao giờ để cho kết quả được quyết định bởi sự may rủi.
Trong quá trình theo đuổi sự hoàn hảo không ngừng, Warren đã tổ chức một trong những hội nghị cổ đông thường niên vào mỗi năm ở thành phố quê hương Omaha của mình, và mời những cao thủ bài bridge, cờ thỏ cáo, trò ghép chữ và cờ vua để họ trình diễn những tuyệt kỹ của họ. Patrick Wolf, một cao thủ cờ vua (một trong số 50 người trên toàn nước Mỹ) chơi cùng lúc với 6 người chơi ngẫu nhiên, trong khi anh bịt mắt, cẩn thận ghi nhớ từng nước đi khi ván cờ diễn ra. Patrick rất hiếm khi thua một trận cờ bịt mắt đánh với nhiều người như vậy.
Tại sao lại phải trình diễn những người giỏi nhất trong các trò chơi dựa vào kỹ năng? Bởi vì đó chính là bản chất của Warren Buffett, đó là điều mà ông ngưỡng mộ và cảm thấy rất cuốn hút, và đó là những lĩnh vực bị cuốn hút bởi ông. Thiên tài ngưỡng mộ thiên tài. Tài năng công nhận tài năng. Người giỏi nhất tìm kiếm và đánh giá bản thân theo tiêu chuẩn của những người giỏi nhất.
Đi theo niềm đam mê và làm đúng điều mà ông sinh ra để làm, Warren không tin vào sự nghỉ hưu. Ông thường đùa rằng mình chỉ nghỉ hưu sau khi chết được 5 năm. Yêu cầu ông nêu tên người thay thế mình và nghỉ hưu cũng giống như bảo Picasso ngừng vẽ. Berkshire là kiệt tác và là bảo tàng những chiến công của Buffett.
Ông đã truyền cảm hứng và lựa chọn cẩn thận những nghệ sĩ kinh doanh bậc thầy khác để treo những kiệt tác kinh doanh của họ tại Berkshire – Bảo tàng Kinh doanh Đô thị - và để tiếp tục vẽ. Berkshire sở hữu toàn phần hơn một trăm công ty, từ Dairy Queen đến World Book, đến hãng bảo hiểm ô tô GEICO. Nó cũng sở hữu hơn 30 tỷ USD đối với các cổ phiếu phổ biến, bao gồm Coca Cola, American Express và Gillette. Công việc của ông chỉ đơn giản là cung cấp sơn và cọ cho các nghệ sĩ kinh doanh (là những CEO của ông). Ông không yêu cầu họp hành hay thuyết minh ngân sách theo nghi thức, không đưa ra lời khuyên nếu không được hỏi, và hứa rằng những tác phẩm nghệ thuật kinh doanh bậc thầy của họ sẽ không bị sáp nhập hoặc vẽ lại từ đầu. Ông yêu cầu mỗi giám đốc kinh doanh của mình hành động như thể công ty là tài sản duy nhất mà họ và gia đình họ sở hữu, và như thể công ty sẽ không bị bán đi trong ít nhất 50 năm tới.
Buffett rất trân trọng những đối tác đầu tiên của mình. Ông luôn đảm bảo cho họ mức thu nhập 6% hàng năm, sau đó Buffett hưởng 25% trên lợi nhuận kiếm được.
Sau khi đóng công ty riêng vào năm 1969 và chuyển sự tập trung sang việc thu mua, quản lý và xây dựng Berkshire thành một tập đoàn khổng lồ, Buffett đã tạo ra một kỷ lục đáng kinh ngạc, nhưng cũng cần lưu ý rằng làm cho 100.000 USD tăng lên thành 100 triệu USD trong 13 năm liên danh Buffett hoạt động dễ dàng hơn nhiều so với việc làm tăng 17 triệu USD (chi phí thu mua trung bình ban đầu của Berkshire) thành hơn 100 tỷ USD ngày nay. Thách thức gia tăng 100 tỷ USD lên khoảng 400 tỷ USD sẽ là chiến công vĩ đại nhất của Buffett. Nếu ai có thể làm được điều này, thì đó chính là ông ấy. Xem xét lại hồ sơ phi thường của ông so với nhóm S&P 500, và khoản giá trị gia tăng trong 38 năm qua được thể hiện trong Bảng 1.3.
Hầu hết những nhà quản lý tài chính chuyên nghiệp và những nhà đầu tư cá nhân cảm thấy vui mừng khi hiệu quả bằng hoặc vượt qua được nhóm S&P 500 – nhóm đại diện cho hơn 70% các cổ phiếu được giao dịch công khai trên NYSE. Nhân lên hơn gấp đôi số tiền trong hơn ba thập kỷ không có ý nghĩa gì lớn hơn ngoài sự kỳ diệu. Cũng cần lưu ý rằng ông đã đạt được điều này chỉ với một năm bị thua lỗ, năm 2001 (tuy nhiên, nhóm S&P 500 còn thua lỗ nhiều hơn trong năm đó).
Warren đã đánh giá lại bản thân qua từng năm một cách thích hợp khi so sánh với chỉ số S&P 500, nhưng ông tập trung tính toán thước đo của mình bằng những thay đổi trong giá trị sổ sách (tài sản trừ đi nợ phải trả), nghĩa là điều thận trọng nhất, luôn duy trì sự tập trung trong kinh doanh và vào những việc mà ông và người quản lý có thể kiểm soát được.
Nếu ông làm khác đi bằng cách báo cáo những thay đổi hàng năm dựa trên giá cổ phiếu (một con số được xác định bởi những người khác bên ngoài công ty và hai người cuối cùng mua và bán cổ phiếu), ông sẽ thể hiện sự trồi sụt, biến động nhiều hơn, nhiều khoản thua lỗ hàng năm hơn, và dĩ nhiên tỉ suất thu nhập hàng năm sẽ là một con số đáng kinh ngạc.
Theo dõi thị giá cổ phiếu trong lịch sử là điều bấp bênh hơn so với việc theo dõi những thay đổi hàng năm trong giá trị sổ sách. Như Bảng 1.4 thể hiện một cách khủng khiếp, tỉ suất thu nhập trung bình hàng năm khoảng 30% kể từ 1965 cho đến hôm nay là một điều đáng để phân tích và học tập. CEO của Berkshire nhiều lần khẳng định ông thích dùng giá trị sổ sách để thể hiện giá trị nội tại (là sự đánh giá về một công ty dựa trên dòng tiền chiết khấu từ thu nhập của chủ sở hữu trong vòng đời hữu dụng của nó).
PHƯƠNG PHÁP ĐẦU TƯ KINH TẾ MỚI, HAY CUỘC THI ĐẤU GIỮA CÔNG NGHỆ VÀ BUFFETT
Trước đây không lâu, thị trường chứng khoán vẫn nằm trên một lộ trình chưa được kiểm tra với mức gia tăng lạ thường, sau này được biết đến rộng rãi qua khái niệm “bong bóng công nghệ”, hay thời kỳ tăng trưởng phi lý.
Hầu hết các học giả và những người tham gia thị trường đều cho rằng vì Berkshire đạt được lợi nhuận hàng năm thấp vào tháng 3/2000, nên Buffett đã đánh mất cảm giác và lạc nhịp với thị trường. Nhưng ông vẫn kiên trì với những nguyên tắc giá trị của mình và tuyên bố ông không bao giờ đầu tư vào bất cứ thứ gì ông không hiểu.
Thực ra, ông đã tiến xa thêm với những niềm tin, nguyên tắc và việc đầu tư vào công nghệ của mình, và nói rằng nếu ông đang dạy một lớp học về đầu tư, ông sẽ yêu cầu sinh viên tiến hành đánh giá hết công ty này đến công ty khác. Trong bài thi tốt nghiệp, ông sẽ yêu cầu sinh viên ước tính giá trị của một công ty dot-com (công ty công nghệ). Nếu sinh viên nào nộp bài có câu trả lời, ông sẽ đánh hỏng, bởi vì nhà phân bổ vốn vĩ đại nhất thế giới không nghĩ rằng có thể đánh giá được một doanh nghiệp không làm ra tiền, không có lợi thế cạnh tranh, và có tương lai không rõ ràng.
Đôi khi, cách tốt nhất để làm những nhà phê bình im tiếng là cứ kiên trì với quyết định của mình và để thời gian cùng kinh nghiệm trả lời.
Hình 1.2 minh họa một Buffett của nền kinh tế cũ, trường phái cổ điển, dễ dàng đánh bại phương pháp tiếp cận của nền kinh tế mới, trường phái hiện đại, được đại diện bởi nhóm NASDAQ, là chỉ số phản ánh phần lớn những công ty công nghệ và các vấn đề mới nổi.
BÀI KIỂM TRA THỊ TRƯỜNG ĐI XUỐNG
Thước đo thực sự của một nhà đầu tư thành công không phải là sự so sánh hiệu quả với NASDAQ hay chỉ số công nghiệp Dow Jones (DJNA) hoặc ngay cả chỉ số S&P 500, nhưng thay vào đó là khả năng thể hiện của danh mục đầu tư trong những thời điểm thị trường xuống dốc. Bảng 1.5 xếp hạng hiệu quả của liên danh Buffett theo giá trị gia tăng (cột cuối) và chỉ ra rằng trong những năm nhóm Dow mất tiền, thì liên danh Buffett vẫn tạo ra giá trị gia tăng rất lớn. Trái lại, khi nhóm Dow đạt tốc độ tăng trưởng 38,5% năm 1958, thì Buffett lại không thể tạo ra giá trị gia tăng.
Thông tin về thị trường khó khăn sẽ tiếp tục nếu bạn xem xét Bảng 1.6, trong đó xếp hạng giá trị gia tăng của Berkshire so với chỉ số S&P 500 từ 1965 đến 2002.
Những thước đo khác về sự thành công sâu sắc trong các lĩnh vực đầu tư, quản lý và kinh doanh của Buffett được tóm lược trong các Hình 1.3, 1.4, 1.5 và 1.6. Do Warren đầu tư vào những công ty có thu nhập gia tăng theo thời gian và không tỏ ra yếu ớt trước sự cạnh tranh, nên những hình này thể hiện khá ấn tượng về cách thức ông tích tụ thu nhập như một quả cầu tuyết (càng ngày càng lớn). Berkshire mua lại những công ty có khả năng tạo ra thu nhập, và với những khoản thu nhập ấy mua tiếp các công ty khác. Loại ngành không còn quan trọng nữa; chất lượng của những khoản thu nhập mới đóng vai trò then chốt.
Như được thể hiện trong Hình 1.3, năm 1967 thu nhập trước thuế và trước khi phân phối cho các cổ đông thiểu số là 1,4 triệu USD. Thu nhập trong năm 1974 là 7 triệu USD. Thu nhập tiếp tục tăng từ 78 triệu USD năm 1982, lên 725 triệu USD năm 1995, và lên 6,5 tỷ USD năm 2002. Về bản chất, vị kiến trúc sư nguồn vốn của Berkshire đã tạo ra một nguồn tiền không giới hạn và một mô hình kinh doanh mang lại mức thu nhập xuất sắc.
Mặc dù sự tăng trưởng doanh thu chưa bao giờ là mục tiêu hay thước đo hiệu quả, nhưng cũng rất thú vị khi nhìn thấy sự tăng trưởng ngoạn mục trong doanh số của Berkshire theo thời gian (xem Hình 1.4). Với mô hình kinh doanh của Buffett, doanh số sẽ tiếp tục tăng trưởng bởi vì không tồn tại bất cứ giới hạn nào đối với loại doanh nghiệp hay ngành mà Warren sẽ bổ sung thêm vào đế chế Berkshire.
Khi nhóm quản lý hiện tại tiếp quản vào năm 1967, Berkshire Hathaway là một nhà máy dệt ở New Bedford, Massachusetts với doanh thu 40 triệu USD. Bằng những khoản đầu tư khôn ngoan từ cơ số vốn và thu nhập của mình, nhóm quản lý đã làm doanh số tăng lên 102 triệu USD năm 1974, 480 triệu USD năm 1982, 3 tỷ USD năm 1991, 4,5 tỷ USD năm 1995 và 43 tỷ USD năm 2002.
Warren thật độc đáo khi đánh giá hiệu quả của bản thân hàng năm bằng những thay đổi trong giá trị sổ sách (chỉ bằng việc tính toán đơn giản: lấy tài sản trừ đi nợ), như thể hiện trong Hình 1.5. Sau đó, ông so sánh tỷ lệ thay đổi này với chỉ số S&P 500 có tính cả cổ tức để xác định xem ông có gia tăng thêm giá trị hay không. Thực tế là, Buffett không chỉ tăng thêm giá trị, ông đã tạo ra kết quả đáng kinh ngạc với việc tăng thu nhập hơn gấp đôi so với S&P 500.
Berkshire Hathaway là tập đoàn lớn nhất nội địa (nước Mỹ) được giao dịch công khai trên sàn chứng khoán nhưng không được đưa vào chỉ số S&P 500. Lý do là ban quản lý kiểm soát một khối lượng cổ phiếu rất lớn và các cổ đông ít khi bán, đến nỗi cổ phiếu này được xem là không có tính thanh khoản. Nếu nó được đưa vào S&P 500, có thể một ngày nào đó, giá cổ phiếu sẽ tăng vọt vì các quỹ đầu tư tương hỗ, các tổ chức và các chỉ số khác đưa nó vào danh mục của mình.
Mua lại thu nhập của các công ty với giá hấp dẫn, với đội ngũ quản lý xuất sắc, và với những lợi thế cạnh tranh nổi bật – tất cả điều đó dẫn đến những khoản gia tăng kinh khủng trong giá trị sổ sách của Berkshire.
Một thước đo khác mà Warren Buffett không bao giờ báo cáo hay nhận xét là thị giá thực của cổ phiếu của công ty ông. Ông chỉ báo cáo giá trị của doanh nghiệp vì ông có thể kiểm soát việc mua bán, hoạt động quản lý đang diễn ra, việc mua bán tài sản, các khoản nợ, và những yếu tố khác có ảnh hưởng đến những thay đổi trong giá trị sổ sách. Trái lại, ông phớt lờ giá cổ phiếu vì nó thường không liên quan gì đến những điều đang diễn ra bên trong công ty. Giá trị nằm bên trong. Giá cả thể hiện ra bên ngoài.
Tuy nhiên, những thay đổi trên giá cổ phiếu Berkshire cũng hết sức phi thường, như thể hiện trong Hình 1.6.
Có thể bạn đã từng thấy giá của một cổ phiếu tăng từ một con số lên hai con số, và đôi khi là ba con số và sau đó sẽ bị chia tách bởi vì thị trường chứng khoán thích làm giảm thị giá để khiến cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn về mặt tâm lý. Những người môi giới chứng khoán cũng thích các cổ phiếu bị chia tách bởi họ được trả lương theo số lượng cổ phiếu được giao dịch. Bạn sẽ cảm thấy hết sức thú vị khi nghiên cứu những biểu đồ được trang web www.bigcharts.com lập trong Hình 1.7. Berkshire chưa bao giờ chia tách cổ phiếu của mình vì ban quản trị chỉ muốn thu hút người sở hữu, chứ không phải những người mua đi bán lại kiểu lướt sóng.
Hầu hết các tập đoàn lớn đều phát hành quyền mua cổ phiếu ưu đãi cho đội ngũ quản lý, điều này tạo ra một động lực tự nhiên cho các nhà quản lý khiến họ “nhào nặn” các khoản thu nhập, tung ra những mục tiêu hướng dẫn hàng quý, và thường xuyên nói về giá cổ phiếu của mình. Khi không có quyền mua cổ phiếu ưu đãi, Berkshire cũng không tạo ra động lực nào để họ “tung hê” giá cổ phiếu cả.
Khi Liên danh Buffett lần đầu tiên mua cổ phiếu của công ty dệt may Berkshire Hathaway, giá cổ phiếu được giao dịch ở mức 7 USD, với 1.017.574 cổ phiếu, đã mang lại cho doanh nghiệp tổng giá trị hơn 7 triệu USD. Sau đó, xét đến những hoạt động đang diễn ra bên trong doanh nghiệp, những thay đổi trong giá trị sổ sách, và giá trị nội tại nền tảng của Berkshire, giá cổ phiếu cứ đều đặn tăng lên. Theo Andy Kilpatrick trong quyển về giá trị vĩnh cửu, thị giá cổ phiếu của Berkshire đã tăng từ 70 USD năm 1971 lên 775 USD năm 1982, rồi lên 7.000 USD năm 1989, và hơn 70.000 USD cho 1 cổ phiếu năm 1998.
Gia tăng từ 7 USD lên 70 USD dễ dàng hơn so với việc tăng từ 70.000 USD lên 700.000 USD. Ngay cả khi tỷ lệ phần trăm không thay đổi, nhưng quy luật số lớn đã gia tăng mức độ khó khăn lên nhiều lần. Kết quả này một lần nữa thể hiện lợi thế của nhà đầu tư nhỏ. Bằng cách sử dụng các nguyên tắc và phương pháp thực tiễn tương tự, danh mục đầu tư nhỏ sẽ mang lại kết quả tốt hơn một danh mục đầu tư đồ sộ. Liên danh Buffett chấm dứt với giá trị khoảng 100 triệu USD vào năm 1969, đạt được những khoản thu nhập siêu lớn cho công ty Berkshire Hathaway với quy mô lớn hơn nhiều, với thị giá hơn 100 tỷ USD ngày hôm nay (năm 2004). Tăng trưởng từ một công ty nhỏ trị giá 10 triệu USD lên 100 triệu USD sẽ dễ dàng hơn so với việc phát triển một công ty có giá trị vốn hóa thị trường là 100 tỷ USD lên mức 1.000 tỷ USD. Đây là con số thống kê khích lệ nhất cho những nhà đầu tư sẵn sàng dành thời gian và nỗ lực để áp dụng phương pháp của Buffett. Các nhà đầu tư nhỏ, được trang bị các nguyên tắc và phương pháp tương tự của Buffett, sẽ có nhiều cơ hội đầu tư hơn so với một tổ chức đầu tư có giá trị hơn 100 tỷ USD – ngay cả khi họ có nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới lãnh đạo.
KẾT LUẬN
Tóm lại, trước hết bạn cần học người giỏi nhất để trở thành người giỏi nhất. Warren là người giỏi nhất trong việc làm ra của cải bằng cách đầu tư vào doanh nghiệp của người khác. Không ai có thể theo sát được ông. Warren học hỏi những người giỏi nhất trong mọi lĩnh vực ông quan tâm. Những nhà sáng tạo khôn ngoan thường nghiên cứu và tìm hiểu Warren Buffett.
Thứ hai, của cải được tạo ra thông qua quyền sở hữu doanh nghiệp. Tài sản cũng có thể được duy trì bằng cách sở hữu doanh nghiệp. Những khái niệm này chính là bản chất của chủ nghĩa tư bản. Warren đã trở thành nhà tư bản vĩ đại nhất thế giới bằng cách triển khai những khoản thu nhập từ nhiều doanh nghiệp khác nhau thành quyền sở hữu của nhiều doanh nghiệp khác nhằm tạo ra thêm nguồn thu nhập để rồi tiếp tục tái triển khai – một hòn tuyết vô hình nằm ở trên đỉnh núi của nền kinh tế có đủ thời gian để tích tụ và tạo thành một cơn địa chấn tài chính khổng lồ, ngày càng mở rộng và tốc độ chuyển động ngày càng cao.
Thứ ba, những vận động viên điền kinh giỏi nhất trở thành người giỏi nhất trong việc tập trung tất cả những tinh hoa, thời gian và năng lượng để trở thành người giỏi nhất trong môn thể thao của mình. Tương tự, trừ phi bạn may mắn được hưởng di sản thừa kế hoặc kết hôn với người rất giàu, những sự nghiệp vĩ đại nhất chỉ được tạo ra bởi những doanh nhân biết tập trung tất cả tinh hoa, thời gian và năng lượng vào một doanh nghiệp. Chỉ có một người đã tạo ra tài sản hàng tỷ đô-la bằng cách đầu tư không chỉ vào một doanh nghiệp của người khác mà vào nhiều doanh nghiệp khác nhau. Tài năng của ông thể hiện ở chỗ biết nhận diện những doanh nghiệp và người quản lý tài năng và đầu tư vào đó. Những người khác có thể làm được điều này – đơn giản cả trên lý thuyết và thực tiễn, nhưng không dễ dàng. Trong một hội nghị với giới truyền thông gần đây, Buffett loan báo rằng nếu ông quản lý tiền ở mức độ vài triệu đô-la thay vì vài tỷ đô-la, ông có thể tích tụ tiền với tốc độ còn nhanh hơn nhiều – có thể là nhanh gấp đôi – điều này đã và luôn là một lợi thế của nhà đầu tư trung bình.
Warren Buffett không đầu tư vào bất cứ lĩnh vực gì mới mẻ cả, và cũng không sở hữu bằng sáng chế nào. Ông không bao giờ đảm nhiệm việc quản lý hàng ngày của bất cứ công ty nào. Công ty Oracle ở Omaha tốt đến nỗi thậm chí ông không cần phải nói chuyện với đội ngũ quản lý, tiếp cận thông tin nội bộ, hoặc ngay cả đến viếng thăm tổng hành dinh của công ty mà ông đã đầu tư vào. Tuy nhiên, giả sử bạn nghiên cứu, tìm hiểu và áp dụng những nguyên tắc tương tự của Buffett, bạn cũng có thể đạt được những kết quả xuất sắc, vượt trội hơn so với thị trường. Kiến thức có ý nghĩa nhiều hơn kinh nghiệm và các mối quan hệ kinh doanh.
Trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét dòng thời gian bắt đầu từ khi Buffett còn là một cậu bé, lớn lên ở Omaha, Nebraska, kéo dài qua những năm tháng học hành, sau đó đi vào cuộc sống kinh doanh, từ khi sở hữu vài trăm đô-la, vài ngàn đô-la cho đến khi trở thành triệu phú, tỷ phú và cuối cùng nằm trong nhóm những người giàu nhất thế giới. Cuộc sống của ông là một cuộc sống với khối tài sản phi thường được xây dựng trên những nét tính cách và phẩm chất mẫu mực.