Nghiêm túc mà nói, nghiên cứu về vệ sinh tâm lý1 và tâm lý trị liệu2 cho trẻ ở lứa tuổi nhi đồng và thanh thiếu niên mới đúng là chuyên ngành của tôi.
Khoa chính quy tôi học trong trường đại học có cái tên rất lạ là "hệ thống phúc lợi cho thanh thiếu niên và nhi đồng". "Phúc lợi" ở đây chính là tất cả những vấn đề liên quan đến tâm lý, hành vi, thành tựu hoặc hạnh phúc và lợi ích của trẻ thuộc hai lứa tuổi nói trên. Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp, công việc đầu tiên kéo dài đến năm năm của tôi chính là đảm nhiệm vai trò một nhà tâm lý và tâm lý trị liệu cho lứa tuổi nhi đồng ở trung tâm vệ sinh tâm lý nhi đồng trong bệnh viện tổng hợp. Còn công việc thứ hai của tôi kéo dài hơn hai năm lại là phụ trách việc đào tạo giáo viên phụ đạo trong trường cấp ba tại Bộ Y tế Đài Loan. Khi ấy, tôi buộc phải đến mỗi trường cấp ba ở Đài Loan, ngoài việc mời tất cả những người đảm nhận công việc phụ đạo trong trường ở nơi đây đến tham gia cuộc đào tạo trong thời gian nhất định của tôi ra, có những lúc tôi còn phải đến tận trường để giúp giáo viên phụ đạo của trường đó giải quyết một số vấn đề của những học sinh cá biệt mà họ thấy tương đối hóc búa, không biết phải tháo gỡ thế nào.
1. Vệ sinh tâm lý là những phương pháp và nguyên tắc trong Tâm lý học liên quan đến vấn đề bảo vệ và phát triển sức khỏe tâm lý của con người.
2. Tâm lý trị liệu là hệ thống các phương pháp, kỹ thuật được nhà tâm lý trị liệu sử dụng, nhằm cải thiện sức khỏe, tinh thần, tháo gỡ các trở ngại trong cảm xúc và hành vi của thân chủ, mà nó là nguyên nhân làm cho họ cảm thấy khó khăn trong việc tự quản lý cuộc sống và đạt đến các mục đích mong muốn của mình.
Chính bởi vậy, từ sau khi bắt đầu đặt bút viết sách, trong lòng tôi luôn có một tiếng nói mách bảo mình rằng: ", nhất định sẽ có một ngày, cô phải viết được một cuốn sách liên quan đến vấn đề giáo dục gia đình. Như vậy mới không uổng phí tất cả những kiến thức cô lĩnh hội được về chuyên ngành giáo dục và những kinh nghiệm cô đã tích lũy trong bao nhiêu năm làm việc thực tiễn như vậy".
Thế nhưng, cùng lúc đó, trong lòng tôi còn vang lên một giọng nói khác nữa, to hơn, luôn nhắc nhở tôi, ", cô chắc chắn muốn viết chứ? Hoặc là, cô xác định bản thân có tư cách viết rồi ư?". Thực ra, viết một cuốn sách rất đơn giản, song nếu như quyển sách đó bạn viết không trọn vẹn, không tỉ mỉ, không trung lập, không khách quan, không chuyên nghiệp, như vậy sẽ có chút thiên lệch hoặc độc đoán, có thể bạn sẽ làm tổn thương đến những đứa trẻ vốn dĩ có thể trưởng thành, và không có khả năng phản kích. Một việc mạo hiểm như vậy, bạn có thể thử mà không suy nghĩ kỹ càng chăng?
Đương nhiên, giọng nói nhắc nhở tôi luôn lớn hơn rất nhiều âm thanh thúc giục tôi. Cũng chính bởi vậy, với tâm trạng lo sợ và vô cùng cảnh giác, tôi luôn luôn không dám thử hạ bút viết về chủ đề này. Tôi núp mình trong túp lều có tên gọi "Tìm hiểu về lứa tuổi thành niên đã có khả năng phân biệt và nhận biết", bàn luận về vấn đề giáo dục nâng cao thái độ tích cực, suy ngẫm về triết lý cuộc sống, hay nhận biết về những tinh dầu tự nhiên, mà không dám thảo luận về vấn đề giáo dục trẻ ở độ tuổi vị thành niên.
Mãi cho đến khi con trai tôi trưởng thành, tạm thời kết thúc chặng đường bài vở học hành, có chút thành tích trong công việc, cũng có biểu hiện tích cực và toàn diện về nhân cách lẫn phẩm chất, giọng nói trong lòng tôi mới có chút thay đổi về ngữ khí: "Ừm, , có lẽ đã đến lúc viết sách rồi. Bây giờ, ngoài chuyện đã được thể nghiệm qua những công việc liên quan đến chuyên môn và có kinh nghiệm thực tiễn ra, cô cũng có thể mạnh dạn mà nói rằng, phương thức và lý luận giáo dục của tôi đã được nghiệm chứng trên chính con trai tôi, đồng thời xem như còn vô cùng có hiệu quả!".
Rất nhiều người bạn thân thiết của tôi đều biết rằng, khi nói chuyện với tôi, nhất định không nên nhắc tới con trai tôi, bởi lẽ cứ hễ chủ đề câu chuyện chạm đến nó, tôi sẽ lại bắt đầu kiêu ngạo mà thao thao bất tuyệt, giống như một bà mẹ có vô số những chuyện vụn vặt về cuộc sống thường ngày xảy ra trong gia đình mình cần chia sẻ vậy đó, chẳng khác gì cả thế giới rộng lớn này chỉ có mình con trai tôi được xem là xuất sắc nhất, tuyệt vời nhất vậy.
Con trai tôi quả thực là rất xuất sắc, thế nhưng cái xuất sắc của nó không hoàn toàn dừng lại ở việc chỉ một thành tích học tập tốt hay một trí thông minh tuyệt đỉnh. Trên thực tế, thành tích học tập của nó chỉ được xếp ở bậc trung. Bắt đầu từ khi lên Trung học Cơ sở, nó đã sang học tập ở Anh. Nó học hệ chính quy khoa Lịch sử và Quan hệ quốc tế ở ngôi trường lúc thì nhảy lên xếp thứ hai khi lại tụt xuống đứng thứ tư trong toàn quốc gia Anh - Học viện Kinh tế và Chính trị Lodon (LSE), đồng thời tiếp tục nỗ lực học nghiên cứu sinh khoa Chính trị và Truyền thông cũng tại ngôi trường này. So với phần đông học sinh Trung Quốc học tập tại các ngôi trường nổi tiếng như Harvard, Yale, Cambridge, Oxford vân vân đạt thành tích học tập xuất sắc mà nói, thì việc học tập của con trai tôi thực sự là không đáng để ở đây mà khoe khoang.
Còn về cái gọi là chút thành tựu trong sự nghiệp của con trai tôi mà tôi nhắc đến, trên thực tế, so với những thanh niên Trung Quốc xuất sắc đang làm việc
tại năm trăm công ty lớn nhất thế giới, những ngân hàng đầu tư nổi tiếng, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán thì thực sự cũng chẳng có bất cứ điều gì đáng để khoe khoang cả.
Bắt đầu từ năm lớp Chín, ngoài thời gian học, con trai tôi đã luôn đi làm thuê, liên tục không hề có thời gian bị gián đoạn. Do thời Trung học học trường nội trú dành riêng cho học sinh nam, thứ Bảy hằng tuần, con trai tôi không về ngôi nhà nằm ở ngoại ô Luân Đôn của gia đình, mà ở lại đảm đương công việc rửa tất cả những chiếc ô tô của thầy cô giáo đang nằm ở vườn trường và ký túc xá. Ngoài ra, mỗi tối thứ Sáu, nó còn nhận làm một số việc vặt để giúp thầy cô trông nom con cái. Khi con trai tôi bắt đầu làm những việc này, lúc đầu chúng tôi hoàn toàn không hay biết, mãi cho đến một lần được về nước nghỉ hè, thằng bé đã giúp bố rửa xe bằng cách thức vô cùng thành thạo, chúng tôi mới phát hiện ra rằng, con trai mình đã có một "năng lực chuyên nghiệp" này.
Kỳ nghỉ hè trong năm, con trai tôi dùng tiền tiết kiệm một mình vác ba lô lên tàu hỏa đi du lịch bụi châu Âu một chuyến.
Sau khi vào đại học, con trai tôi lại tiếp tục vui vẻ sống kiếp làm thêm không biết mệt mỏi, chỉ có điều, công việc làm thêm trong giai đoạn này nó chọn là phục vụ trong ngành tổ chức tiệc rượu, công việc có thể giúp nó biết thêm một kỹ năng khác nữa. Trong suốt ba năm học đại học (Hệ thống giáo dục ở Anh gồm bảy năm trung học và ba năm đại học), con trai tôi luôn làm thêm trong công ty tổ chức tiệc rượu, chuyên nhận phục vụ cho các nhân vật nổi tiếng trong xã hội (như những người thuộc Hoàng gia Anh, các đại gia, minh tinh). Bắt đầu từ chàng phục vụ bưng bê khay đĩa, con trai tôi đã trở thành người quản lý và giám sát chất lượng phục vụ, người đứng ở cửa tiếp đón khách, cho đến cuối cùng trở thành người pha chế rượu ở quầy bar. Khi tốt nghiệp đại học bắt buộc phải tạm dừng công việc này lại, con trai tôi đã là bậc thầy pha chế rượu hàng đầu trong công ty tổ chức tiệc rượu cao cấp.
Khi học nghiên cứu sinh, con trai tôi lại thay đổi phương hướng làm thêm. Nó đã đăng ký và được nhận vào thực tập ở phòng làm việc của thủ tướng nước Anh, trở thành một trong những quan sát viên thời sự của thủ tướng nước Anh. Mỗi một buổi sáng sớm tinh mơ, con trai tôi lại phụ trách việc thu thập tin tức của giới truyền thông, đồng thời ngay buổi sáng sớm ngày hôm đó, báo cáo ngắn gọn nội dung tất cả các việc cần làm cho thủ tướng trong cuộc hội nghị cho các kênh thời sự. Cùng thời điểm đó, con trai tôi còn đăng ký vào thực tập ở công ty chuyên về phân tích tính mạo hiểm trong chính trị mang tính chất đòi hỏi một trí tuệ cao. Mỗi một buổi tối, con trai tôi đảm đương công việc phân tích động thái về kinh tế và chính trị của châu Á trong cùng một ngày hôm đó, sau đó căn cứ vào những phân tích ấy, cung cấp cho khách hàng những kiến nghị thích hợp và thiết thực nhất.
Sau này, khi còn chưa dự buổi lễ tốt nghiệp nghiên cứu sinh, con trai tôi đã trở thành nhân viên chính thức của công ty mang tính chất trí tuệ ấy, đồng thời chỉ trong thời gian ngắn ngủi là một năm rưỡi, ở độ tuổi hai mươi tư trẻ trung non nớt, thằng bé đã trở thành bậc thầy đứng đầu trong lĩnh vực phân tích động thái kinh tế chính trị châu Á và chủ quản Vụ Châu Á của công ty ấy, đồng thời cũng nhờ có một tư duy logic và năng lực biểu đạt tốt, nó đã được thay mặt công ty bay đến khắp mọi nơi trên thế giới diễn thuyết, đồng thời đón tiếp các cuộc phỏng vấn của các kênh thời sự.
Cho đến hôm nay, con trai tôi đã quyết định quay về lập nghiệp trên mảnh đất Bắc Kinh với một thị trường rộng lớn. Ngoài việc tiếp tục đem sức lực phục vụ ông chủ của mình và đi khắp nơi thuyết giảng ra, con trai tôi còn thành lập hai công ty với hai tính chất công việc hoàn toàn khác biệt nhau: Một là công ty tư vấn các thương vụ liên quan đến vấn đề kinh tế và chính trị mang tính chất nghiêm túc; một là công ty tổ chức tiệc rượu lại hoàn toàn mang tính thoải mái vui vẻ. Cậu con trai tháng Mười năm nay mới tròn hai mươi sáu tuổi của tôi đã nói với mẹ rằng: "Mẹ, mẹ đừng lo là con sẽ mệt quá, con sẽ dùng bán cầu não trái chủ yếu phụ trách các hoạt động lý tính để phân tích các vấn đề kinh tế chính trị, và dùng bán cầu não phải chủ yếu phụ trách các hoạt động cảm tính để tạo ra niềm vui cho khách hàng. Đó là cách cân bằng tốt nhất đồng thời cũng là cách giảm áp lực tốt nhất. Mẹ yên tâm, con có thể chú ý được đến cả hai công ty!".
Đọc xong những lời này, các bạn có cảm thấy như bị vốn kinh nghiệm phong phú của cậu con trai tôi đè nặng đến mức khó thở không? Thực ra, từ nhỏ con trai tôi đã rất hiếm khi đạt được điểm số đứng đầu trong các kỳ thi khi đi học, thành tích học tập đại đa số đều là dao động từ mốc thứ hai cho đến bậc thứ năm. Và, mặc dù nó chưa bao giờ trở thành cậu học trò có thành tích học tập mũi nhọn trong lớp, nhưng mỗi một buổi trưa khi ăn cơm, nó đều vác đến cho các bạn trong lớp một thùng canh bằng inox; là người đứng đầu, chỉ huy các đội ngũ trong toàn trường, nhưng vì đưa ra hiệu lệnh lạc lối nên đã làm cho cả đội ngũ rối tung lên; dám tranh cử làm chủ tịch thành phố Đài Bắc với khả năng không mấy chắc chắn rằng mình được đắc cử; thầm thương trộm nhớ cô bé xinh đẹp và giỏi giang nhất lớp Hàng loạt những sự việc chẳng mấy dính dáng đến học tập, toàn bộ đều có phần góp mặt của con trai tôi.
Thế nhưng, việc vượt quá giới hạn nhất của con trai tôi lại xảy ra khi nó vừa học xong lớp Năm ở Đài Loan, tiếp tục đến nước Anh bắt đầu học cấp hai. Một buổi tối nọ, chúng tôi đang ở nhà chúng tôi ở Đài Loan thì nhận được điện thoại của thầy hiệu trưởng gọi đến.
Qua điện thoại, thầy hiệu trưởng cố tỏ ra bình tĩnh nhưng chẳng thể nén nổi nỗi lo lắng mà nói với chúng tôi, sau khi uống mấy loại rượu khác nhau do một bạn học sinh mang trộm từ nhà tới ở trong ký túc xá, ngoài việc say đến mức bất tỉnh nhân sự, con trai chúng tôi còn có một vài hành động sinh lý đáng nguy hại, đã phải đưa đến bệnh viện cấp cứu mấy đêm liền rồi.
Thầy hiệu trưởng gọi điện thoại cho chúng tôi, ngoài việc thông báo đến các vị phụ huynh rằng cậu con trai vẫn đang nằm trong bệnh viện của ông bà đã tỉnh và hồi phục lại sức khỏe ra, ông ấy còn bảo chúng tôi đừng quá tức giận, bởi vì vốn dĩ sáng ngày hôm sau, cậu con trai của tôi sẽ được bước lên bục cao nhận phần thưởng và giấy khen danh hiệu Học sinh ưu tú nhất của cả năm học vừa qua, chẳng qua là cậu bé nghe theo "sự dụ dỗ của đám bạn xấu" nên đã lỡ uống nhiều rượu như vậy mà thôi. Trên thực tế, một tuần sau con trai tôi được nghỉ trở về Đài Loan, nó đã thẳng thắn mà kể lại câu chuyện đó với bố mình, rằng buổi tối hôm ấy trong ký túc xá là do nó muốn được trổ tài nên đã chủ động uống thử mấy loại rượu đó, tuyệt đối không phải là do bị bạn bè xấu lôi kéo để nó uống rượu!
Con trai tôi còn có một chuyện rất thú vị mà có lẽ cho đến tận hôm nay nó vẫn không hề biết. Khi nó lên cấp ba, đồng thời đảm nhiệm chức vụ đội trưởng của đội bóng rổ và bóng đá của trường, nó dồn toàn tâm toàn lực vào đội bóng. Trong bảng kết quả học tập của trường gửi về, chúng tôi nhận thấy thầy giáo thể dục dành cho con trai tôi lời nhận xét rất xác đáng. Thầy giáo thể dục nói rằng: Đối với bộ môn thể dục thể thao, biểu hiện của Kevin đã nhận được sự khẳng định lớn của toàn trường, bởi vì mặc dù kỹ thuật chơi bóng của cậu học trò này tuy chưa đạt đến mức xuất sắc, thế nhưng cậu ấy lại là một cầu thủ nhiệt tình nhất và có số lần tham gia đội bóng nhiều nhất!
Đó chính là con trai tôi - một người không hề nổi bật trong phương diện học tập, đồng thời không chút nổi trội về các mặt năng khiếu, thế nhưng lại có đủ lòng nhiệt tình, sự tự tin dồn hết toàn tâm toàn lực giải quyết bằng được mỗi một việc mình đảm nhiệm. Và tôi tin rằng, con trai tôi có được những đức tính tốt đẹp này, ngoài vì sự ưu ái của ông Trời ra, thì đương nhiên còn bởi sự chăm chút dạy dỗ từ nhỏ của những bậc làm cha làm mẹ như chúng tôi đây.
Do đó, tôi thật lòng hy vọng rằng, sau khi tôi chẳng chút giấu giếm mà khoe khoang về con trai mình như vậy, tôi có tư cách chia sẻ với mọi người về kinh nghiệm dạy dỗ con cái qua cuốn sách này. Còn về góc độ tôi là người đang viết cuốn sách này, xin phép cho tôi được dùng lại câu nói của chính con trai mình đã từng nói: Tôi sẽ dùng bán cầu não trái chủ yếu phụ trách các hoạt động lý tính để làm một người chuyên về tâm lý trị liệu đã được trải qua cả quá trình rèn luyện học tập chuyên nghiệp; đồng thời dùng bán cầu não phải chủ yếu phụ trách các hoạt động cảm tính để làm một người mẹ đã chứng kiến con trai mình trưởng thành khỏe mạnh, khiêm tốn mà kể rõ các khái niệm giáo dục của tôi, đồng thời từ đó tôi chân thành hy vọng, những chia sẻ của mình sẽ đem lại cho rất nhiều trẻ em một quãng thời gian trưởng thành thoải mái và tốt đẹp.