Tâm hồn nhỏ bé; thế giới rộng lớn
Quá trình trưởng thành của trẻ rất dài. Đã có người từng hỏi tôi rằng, bao nhiêu tuổi thì trẻ được coi là trưởng thành?
Tôi trả lời, chỉ cần mẹ còn có sức lực, hoặc nói quá một chút thì là, chỉ cần mẹ còn một hơi thở, trẻ vẫn không được coi là thực sự trưởng thành!
Thật vậy! Vậy thì đối diện với quãng thời gian trưởng thành dài dằng dặc ấy, những điều tôi muốn nói đến và những kiến nghị của tôi nên bắt đầu viết từ đâu đây? Sau khi suy đi tính lại, tôi quyết định nên viết từ độ tuổi sáu đến mười hai tuổi, cũng chính là giai đoạn nhi đồng mới nhập học theo như thuật ngữ chuyên ngành mà những người trong ngành hay gọi. Tôi để ý đến độ tuổi này của trẻ trước tiên, do một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, bắt đầu từ khi bước vào lớp Một, trẻ mới được đối mặt với "sự đua tranh" theo đúng nghĩa của nó, đồng thời kết quả của sự đua tranh ấy được tính bằng điểm số qua mỗi cuộc thi. Nó hoàn toàn không giống với sự thoải mái khi còn học ở trường mầm non. Thời còn học mầm non, mặc dù cũng có cạnh tranh, nhưng thành quả tốt xấu đều do giáo viên cảm nhận mà phán đoán. Cho nên, khi đứng trước hoàn cảnh khắc nghiệt như vậy, kết quả cạnh tranh khiến người ta phải ngạc nhiên như thế, tâm hồn bé nhỏ của một đứa trẻ sáu, bảy tuổi thực sự rất cần sự dẫn dắt và bảo vệ của các bậc làm cha làm mẹ. Đồng thời, "hình tượng bản thân" mà trẻ thiết lập nên trong thời gian này cũng ảnh hưởng và tạo thành tính quyết định tới tính cách trẻ khi phải đối mặt với hoàn cảnh cạnh tranh sau này.
Thứ hai, sau khi thay đổi từ giai đoạn nhà trẻ đến giai đoạn nhi đồng phải cắp sách tới trường, cuộc sống vốn thuộc về "bản chất" của trẻ cũng có những thay đổi lớn, giờ đây nó đã chuyển sang cuộc sống "mang tính chất công việc". Khi chưa bước vào lớp Một, bất luận là khi ở trường mầm non hay ở nhà học chữ, trẻ đều được tiến hành trong bầu không khí của những trò chơi, mặc dù thầy cô có giao bài tập về nhà cho trẻ, song bố mẹ và thầy cô đều không có thái độ quá nghiêm túc và nghiêm khắc để thực hiện điều đó. Thế nhưng, khi bước chân vào cổng trường tiểu học, tất cả các hoạt động đều trở nên nghiêm túc hơn: khi lên lớp, phải ngồi ngay ngắn theo đúng quy tắc, phải
chú ý lắng nghe thầy cô giáo giảng bài, về nhà phải
làm bài tập về nhà theo đúng quy định, còn phải tham gia các kỳ thi theo đúng nghĩa là thi. Vì vậy rất nhiều trẻ đã gặp khó khăn với việc điều chỉnh lại bản thân trong quá trình chuyển biến ở phương diện bản chất của cuộc sống, tiềm ẩn nguy cơ trẻ không phát huy hết khả năng của mình sau này.
Thứ ba, từ phương diện nhận thức và tư duy mà nói, độ tuổi nhi đồng đã từ "thời kỳ tư duy trực giác" bước vào "thời kỳ vận dụng cụ thể", cũng chính là nói, rất nhiều sự việc biết được không nhất thiết phải hoàn toàn dựa vào khả năng quan sát và kinh nghiệm của bản thân, mà có thể biết được thông qua sự giải thích, giảng giải, lấy ví dụ của người khác. Sự thay đổi về tư duy và nhận thức này có nghĩa là thế giới của trẻ đang dần dần được mở rộng, kết cấu kiến thức cũng đang từng bước được hình thành thông qua các cách tiếp xúc khác nhau. Chính bởi vậy, nếu như có thể mở rộng khả năng nhận thức cho trẻ trong giai đoạn này, giúp trẻ thiết lập nên một khuôn mẫu tư duy về sức sáng tạo phong phú và tốt đẹp. Như vậy, dù có phải đối mặt với sự ganh đua trong học tập khắc nghiệt hơn nữa ở tương lai, tự nhiên trẻ cũng sẽ thấy dễ dàng hơn rất nhiều.
Thứ tư, đứng từ phương diện phạm vi hoạt động và cuộc sống mà nói, trọng tâm hoạt động ở độ tuổi nhi đồng đã từ gia đình mở rộng ra thành xã hội, trừ áp lực học tập ngày một nặng nề, ngoài việc tiếp xúc với người nhà, trẻ còn phải bắt đầu đối mặt với các mối quan hệ "phức tạp" giữa người với người, ví dụ như, trong lớp có thể có những bạn học sinh thích bắt nạt người khác, có thể có học sinh thích mách lẻo mọi chuyện với thầy cô giáo, có thể có bạn lại thích được thể hiện, hay thích tranh giành hiếu thắng, do đó, rất nhiều học sinh có những hành vi biểu hiện ở trong trường hoàn toàn khác với ở nhà. Giả dụ trong giai đoạn này, bố mẹ không thể nhận biết ra khó khăn con cái gặp phải trong việc giao lưu với bạn bè ở trường, để trẻ chỉ còn cách một mình chống chọi với cái trở ngại trong phương diện giao lưu giữa người và người, chính vì vậy mà tạo nên những trở ngại về cảm xúc và tâm lý, những trở ngại ấy sẽ lớn lên cùng trẻ, thậm chí ảnh hưởng đến sự tự đánh giá bản thân của trẻ và tiến trình phát triển xã hội hóa sau này.
Thứ năm, sau khi bước chân vào cổng trường cấp một, trẻ bắt đầu bước vào giai đoạn tranh luận với bố mẹ, cũng là giai đoạn bắt đầu nảy sinh những mâu thuẫn. Trong một buổi diễn thuyết với các bậc làm mẹ, tôi đã từng khiến rất nhiều bà mẹ phải rơi nước mắt. Tôi nói rằng, "sự kìm hãm" của chúng ta đối với con cái nhiều nhất cũng chỉ có hiệu lực trong khoảng sáu năm. Trước sáu tuổi, trẻ lúc nào cũng treo trên miệng câu nói, "Mẹ nói"; sáu cho đến mười hai tuổi, câu thường dùng của trẻ lại là, "Thầy giáo nói rằng"; mười hai đến mười tám tuổi, câu nói ưa thích lại trở thành, "Bạn nói rằng"; và sau mười tám tuổi nó trở thành, "Người yêu tôi nói"; sau khi kết hôn, không còn nghi ngờ gì nữa, câu nói ấy đương nhiên sẽ là, "Chồng tôi hoặc vợ tôi nói". Cho nên, đối với các bậc làm cha làm mẹ mà nói, việc con mình chuyển ánh mắt sùng bái sang người khác là một sự thật khiến người ta buồn rầu nhưng lại không thể không chấp nhận nó, và rất nhiều những mâu thuẫn nảy sinh giữa cha mẹ và con cái thực chất cũng chính là sự đơn giản biến thành phức tạp quanh vấn đề "tranh chấp chủ quyền" mà thôi.
Thứ sáu, khi bước qua tuổi thứ sáu, việc "phát triển tính cách" cũng có những chuyển biến rõ ràng. Ở giai đoạn khoảng chừng ba bốn tuổi bắt đầu có những phát triển về tâm lý, còn ngồi học trong trường mầm non, trẻ đã bắt đầu nảy sinh cảm hứng với bạn khác giới, nhưng bước vào lứa tuổi nhi đồng, cảm xúc ấy tạm thời bị xếp sang một bên. Trẻ thường có những biểu hiện như bài xích các bạn khác giới, thích chơi cùng các bạn cùng giới với mình, thậm chí đôi khi còn tỏ ra ghét bạn khác giới. Chính vì vậy, thời kỳ này cũng được gọi với cái tên "giai đoạn thích chơi với bạn cùng giới" hoặc "thời kỳ ủ bệnh". Ở độ tuổi này, bé trai sẽ bắt đầu bắt chước bố, bé gái bắt chước mẹ về mọi mặt trong cuộc sống, hình thành nên cái gọi là "nhận biết và bắt chước mọi hành động tâm lý của người cùng giới với mình". Do đó, bố và con trai cần phải thân thiết với nhau, cùng nhau đi chơi bóng, câu cá, xem các cuộc đấu bóng, để con trai học được từ bố những hoạt động dành cho phái nam; còn con gái lại nên đi cùng mẹ đi chợ, đi dạo phố, trang điểm, để con gái học được từ mẹ cách làm thế nào để trở thành một cô gái. Những điều đó đều là những đặc điểm trong quá trình phát triển tính cách của trẻ, và cũng là sự chuẩn bị cho tuổi dậy thì sắp tới. Chính vì vậy, trong giai đoạn này, nếu như trẻ có thể nhận thức và bắt chước những hoạt động của giới tính mình một cách chu đáo, thì sẽ rất có lợi cho sự phát triển giới tính trong tương lai.
Đương nhiên, đến khoảng mười tuổi, sự phát triển về tính cách của trẻ lại bắt đầu có những biến đổi nho nhỏ. Chúng lại càng tỏ ra bài xích các bạn khác giới hơn, thậm chí còn có những hành vi chế giễu, gây sự, chọc ghẹo đối với các bạn khác giới. Thực ra, tất cả những biểu hiện về tính cách nêu trên đều là những chuẩn bị phòng vệ bản thân, để bước vào lứa tuổi dậy thì. Về mặt tâm lý, chúng đã bắt đầu nảy sinh tình cảm với bạn khác giới, luôn bị thu hút bởi bạn khác giới mà mình thích, nhưng đồng thời chúng lại thấy sợ hãi trước cảm giác kỳ lạ này, không biết phải làm thế nào để đối diện và xử lý nó, do vậy chỉ còn cách phản ứng càng quyết liệt hơn nhằm che giấu nỗi lo lắng trong lòng mình.
Ngoài ra, tính cách của các bé gái sẽ phát triển sớm hơn các bạn trai khoảng chừng một hai năm, sự phát dục của cơ thể cũng tương đối sớm, các bạn nam ít nhiều cũng sẽ do đó mà bị đe dọa trên phương diện cảm xúc và tâm lý, nên càng dùng những hành vi quyết liệt để bảo vệ bản thân mình, nhưng những hành động hết sức bình thường này lại dễ dàng bị các thầy cô giáo và bố mẹ hiểu sai. Nếu như chúng ta có thể hiểu động cơ tâm lý đằng sau những hành động "không bình thường" của trẻ, không những chúng ta có thể giảm bớt những tổn hại gây nên cho trẻ, mà còn có thể giảm bớt cảm giác thất bại và tự trách mình vì "không biết cách dạy con" của các bậc làm cha làm mẹ.
Ha ha, đọc xong sáu nguyên nhân tôi đã nêu trên đây, có phải các bạn đang cảm thấy hễ khoác trên vai chiếc cặp sách, bước vào cổng trường tiểu học, là bầu trời ngây thơ xinh đẹp của thiên sử nhỏ bé ngày hôm qua vẫn còn nằm trong nôi dường như sắp đổ sụp đến nơi rồi không?
Đừng lo lắng, các chuyên gia tâm lý trị liệu đều có một đặc điểm khiến mọi người không vừa ý, đó chính là "thích nói những lời dọa dẫm khiến người nghe hoảng hốt". Trên thực tế, đại đa số quá trình trưởng thành của trẻ đều trôi qua một cách bình an và khỏe mạnh, đồng thời chỉ cần chúng ta để tâm một chút, chú ý một chút, chúng ta có thể nghe thấy rất nhiều bậc làm cha làm mẹ với vốn kinh nghiệm và sự
từng trải của mình, với trăm nỗi cảm xúc bộn bề trong lòng, thở phào một hơi trước, sau đó nói với bạn câu, "Con trưởng thành thật nhanh, chớp mắt một cái, nó đã thành người lớn rồi!".