Câu chuyện của A Minh
Trước khi chia sẻ với mọi người về kinh nghiệm dạy dỗ con cái, tôi muốn kể một câu chuyện. Câu chuyện này xảy ra vào hai mươi tám năm trước, và cũng chính vì nhân vật chính trong câu chuyện này mà tôi đã chọn cách rời xa lĩnh vực tâm lý nhi đồng và tâm lý trị liệu, chuyển sang làm người hướng dẫn và cố vấn học sinh trong trường cấp ba.
Tôi cũng đã không nhớ được tên thật của cậu bé, chỉ nhớ rằng mọi người gọi cậu bé là "A Minh".
A Minh có bốn cô chị gái, bố cậu là thợ gạch ngói, mẹ cậu ở nhà chăm sóc gia đình con cái. Mẹ của A Minh lúc nào cũng mong gia đình có một cậu con trai, chính vì vậy sau khi liên tục sinh ra bốn cô con gái, ở độ tuổi gần bốn mươi, với sự không ngừng cố gắng, bà lại mang thai đứa con thứ năm. Chính vì vậy, khi biết tin đứa trẻ này là con trai, gia đình họ đã vui sướng đến cuồng nộ như thế nào thì không cần nghĩ cũng biết.
Nhưng niềm vui của bố mẹ A Minh kéo dài không được bao lâu. Vì mẹ của A Minh là sản phụ cao tuổi, lại không đi kiểm tra tiền sản theo đúng quy định, nên sau khi đứa trẻ ra đời, mọi người mới phát hiện ra rằng cậu có những điểm không giống với những đứa trẻ khác. Hơn một tuổi, bác sĩ chẩn đoán cậu bé bị thiểu năng trí tuệ ở cấp độ trung, ngoài việc chậm tiếp thu và có một vài trở ngại về phương diện năng lực hành vi, cậu bé còn gặp phải khó khăn trong vấn đề ngôn ngữ.
Khi đó tôi đang làm việc trong trung tâm vệ sinh tâm lý nhi đồng của bệnh viện tổng hợp, bố mẹ A Minh được Sở Y tế địa phương giới thiệu đến trung tâm để chữa trị cho cậu, vừa khéo tôi được phân công phụ trách tiến hành tâm lý trị liệu cho cậu bé. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy A Minh là khi cậu bé mới tròn ba tuổi, cho đến tận hôm nay, tình cảnh của buổi sáng hôm ấy vẫn như hiện rõ trước mắt tôi.
Bố A Minh mồ hôi nhễ nhại, nhưng nụ cười vô cùng chất phác hiền hậu thêm phần ngượng ngùng cõng cậu con trai bước vào. A Minh mặc chiếc áo phông màu đỏ có in hình chú chuột Mickey ở trước ngực và chiếc quần đùi màu trắng. Đôi mắt cậu vừa to vừa đen, hàng mi dài, mũi tẹt tựa hồ chẳng thể nhìn thấy mũi đâu, mái tóc gọn gàng sạch sẽ được chải ngay ngắn sang một bên, giống như kiểu tóc kết hợp với bộ âu phục vậy. Cậu bé có khuôn mặt ngắn ngắn lại tròn tròn, mới nhìn trông có vẻ giống như con chó Nhật khôn ngoan và hoạt bát. Mẹ của A Minh là một phụ nữ nông thôn thật thà chất phác lại hay thẹn thùng. Tôi biết để đến Đài Bắc trị bệnh cho con, họ đã phải xuất phát từ nhà lúc năm giờ sáng, nên trên tay mẹ A Minh vẫn còn xách mấy thứ đồ to to nhỏ nhỏ, nào là hộp cơm giữ nhiệt, nào là phích nước nóng, tất cả đều được bọc vải bông kỹ lưỡng.
Từ sau hôm đó, mỗi một buổi sáng thứ Tư hằng tuần, A Minh lại được bố cõng đến trung tâm để tiến hành trị liệu, và đương nhiên mẹ cậu cũng không ngoại lệ, lần nào cũng lặng lẽ đi theo phía sau hai bố con, trên tay xách theo mấy cái hộp bọc vải hoa, nào to nào nhỏ. Mặc dù A Minh là đứa trẻ dường như không có cách nào để tự lo liệu được cho bản thân trong cuộc sống, nhưng mỗi khi đến phòng trị liệu của tôi, cậu đều mặc những chiếc ao phông màu sắc không giống nhau, song đều in hình chú chuột Mickey ở ngực, chải kiểu đầu thường phối hợp với bộ âu phục, xinh xắn và sạch sẽ, giống như chú chó Nhật thông minh vừa được tắm táp xong.
Phương pháp tâm lý trị liệu của tôi đối với A Minh chủ yếu là giúp cậu bé rèn luyện khả năng tự đảm đương những việc trong cuộc sống hằng ngày, ví dụ như, biết cách thể hiện để mẹ biết mình muốn đi đại tiểu tiện, có thể tự cầm thìa ăn cơm, và biết nói những từ đơn giản, vân vân. Đương nhiên, cũng bao gồm cả việc tôi giúp A Minh chuẩn bị trước tâm lý khi phải đối mặt với sự tò mò, chế giễu thậm chí bắt nạt của các bạn khác trong tương lai. Tiến trình trị liệu của chúng tôi rất chậm rãi, dường như phải mất khoảng hai tháng, chúng tôi mới dạy được A Minh cách cầm thìa thật chắc mà xúc đồ ăn đưa vào miệng.
Sau khoảng nửa năm chúng tôi tiến hành tâm lý trị liệu cho A Minh, một buổi sáng nọ, tôi vừa bước vào phòng làm việc, còn đang đọc và nghiên cứu các bệnh án về những người chuẩn bị gặp mặt ngày hôm đó, bất chợt nghe thấy tiếng bước chân chạy rầm rập ngoài hành lang truyền vào, sau đó thì nhìn thấy bố của A Minh, khuôn mặt đỏ bừng, lệ như mưa tuôn, cõng trên lưng cậu con trai mặc áo phông màu vàng có in hình chú chuột Mickey, chải kiểu đầu quen thuộc chạy vào, miệng không ngừng gào lớn, "Nó biết gọi bố ơi rồi, nó biết gọi bố ơi rồi!". Chứng kiến tình cảnh này, tôi vô cùng kinh ngạc, một lúc lâu cũng không biết phải phản ứng như thế nào cho "chuẩn xác", nước mắt lưng tròng, chỉ còn nghe tiếng A Minh vẫn đang phấn chấn mà gọi mãi không thôi, "Bố ơi, bố ơi!".
Cuối cùng, tôi đã không thể bảo vệ được nguyên tắc "thấu hiểu nhưng không đồng cảm" mà một người làm công tác tâm lý trị liệu chuyên nghiệp nên có.
Toàn thân chấn động, tôi ôm lấy bố mẹ A Minh cũng đang chấn động hệt như mình. Chúng tôi cùng ôm lấy A Minh, vừa khóc, vừa cười, vừa nhảy loạn lên, hoàn toàn không để ý đến ánh mắt chẳng chút vui vẻ của bệnh án cùng chủ nhân của nó đã đợi tôi trong phòng trị liệu rất lâu rồi.
Sau hôm đó, mỗi sáng thứ Tư hằng tuần, tôi vẫn tiến hành công tác tâm lý trị liệu cho A Minh, nhưng tôi phát hiện ra rằng tâm tư tình cảm của mình đã có sự thay đổi rất lớn. Sự tiến triển của quá trình trị liệu cho A Minh đã bắt đầu ảnh hưởng đến cảm xúc của tôi, thậm chí tiến trình làm tâm lý trị liệu cho những đứa trẻ khác giờ đây cũng tác động đến cảm xúc của tôi. Khi đó tôi biết rằng đã đến lúc mình phải rời bỏ công việc này rồi, bởi vì tôi đã hoàn toàn không có cách nào để đối diện với một đứa trẻ đang phải chịu khổ cực bằng một thái độ khách quan và sự "thấu hiểu" chuyên nghiệp được nữa. Đứng trước những đứa trẻ như vậy, trái tim tôi sẽ cảm thấy thật xót xa, sẽ bị tổn thương rất lớn, mà đối với việc trị liệu cho bọn trẻ mà nói, thì tình cảm này của tôi vô cùng không thích hợp và không có tính xây dựng.
Do đó, tôi quyết định rời bỏ công việc này, đến bên cạnh những đứa trẻ đã có khả năng về hành vi và có khả năng bảo vệ được bản thân mình.
Hôm nay, ở cuốn sách này, vừa bắt đầu hạ bút, tôi đã quyết định kể với bạn đọc câu chuyện trên, hy vọng có thể mượn câu chuyện của A Minh để bày tỏ thái độ của tôi về vấn đề nuôi dạy con cái: "Rất nhiều lần, các bậc làm cha làm mẹ đã phải hèn mọn mà khẩn cầu cho con cái mình khỏe mạnh bình thường, vậy những người làm cha làm mẹ đã có con khỏe mạnh bình thường cũng nên vì thế mà hiểu được thế nào là lòng biết ơn, và biết cách đón nhận nó".