Từ thời ấu thơ cho đến trước khi lấy chồng, có hai người đàn ông mà mình ngưỡng mộ và thần tượng, đó là bố và anh trai.
Trong nhà, mình chưa thấy bố to tiếng nặng lời bao giờ. Bực mình lắm cũng chỉ cau mày. Thế mà con cái đứa nào cũng sợ, cũng nghe theo răm rắp. Thế mới tài!
Đi làm thì thôi, về đến nhà là bố cùng mấy mẹ con làm tất cả những việc bếp núc với một khuôn mặt tươi rói, rạng rỡ như thể đó mới là công việc chính của bố. Đến tận bây giờ, mỗi lần về nhà, vẫn thấy bố vừa dạy mấy đứa trẻ, vừa thi thoảng chạy ra nhặt rau cho mẹ, rồi lại chạy vào giảng văn hay như đàn. Ôi trời, thật tuyệt!
Tuy dạy học nhưng ở bố có những điểm rất lạ.
Bố chẳng bao giờ quan tâm đến điểm số của các con.
Mình học cấp I và đầu cấp II thì cũng tạm nhưng bắt đầu từ cuối cấp II, có vài bạn trai để ý thế là học hành dở tệ. Bố biết hết mà chẳng lấy làm buồn. Duy chỉ có một việc mà bố chưa khi nào quên, đó là, hầu như cứ buổi tối là hai bố con lại bắc ghế ra ngoài sân ngồi nói chuyện. Thói quen này duy trì dễ đến hàng chục năm. Tuổi mới lớn nhiều biến động, mình kể cho bố chuyện bạn bè, những nỗi lo sợ, những nỗi thất vọng, cả những lỗi lầm. Bố im lặng lắng nghe. Trong bóng tối lờ mờ, bố nhìn chăm chú vào mặt mình. Chỉ nhìn vậy thôi, chẳng nói năng gì. Sau này học kĩ năng tư vấn, thấy người ta khuyên rằng, các chuyên gia trước hết phải là người biết lắng nghe, mình mới thấy, bố mình đích thực là một chuyên gia - chuyên gia biết lắng nghe. Thi thoảng bố dặn mình những thứ chẳng liên quan đến học hành, như: là con gái phải giữ vệ sinh thân thể cho tốt; khi nào đau bụng thì phải chườm nước nóng, không được ăn chua; bạn trai đến nhà nếu tiễn thì chỉ ra một đoạn rồi quay vào ngay, không được đi chơi về sau 9 giờ tối... Những lời dặn này mình chưa khi nào quên.
Mỗi lần mình ốm, bố lo lắng và khổ sở.
Hồi đó chưa có điện thoại. Cơ quan bố cách nhà gần 10 cây số, thế mà giữa buổi, bố đạp xe về sờ trán, hỏi han, hết giờ nghỉ trưa lại đạp xe đi. Nghĩ lại mà mắt cứ ầng ậng nước. Đợt mình bị viêm ruột thừa, lạ một cái là nó không đau mấy, suốt đêm chỉ lâm râm nên mình cứ cố tình quên nó đi. Sáng dậy mình vẫn thay đồ để đi làm. Đi qua chỗ bố đang ngồi, vừa định chào bố con đi làm, bố gọi lại nói: “Con mệt đúng không, để bố lai đi khám.” Không kịp để mình phản đối, bố chở tuốt vào bệnh viện Việt Tiệp. Vào đến nơi, xét nghiệm xong thì lên bàn mổ. Cái ruột thừa đã tấy gần vỡ. Hú vía. Sau đó, ai cũng nói sao bố tài thế, đoán bệnh như thần. Bố nói, có gì đâu, mọi hôm nó toe toét, hôm đó mặt tối sầm, đi lom khom, nhìn biết ngay mà. Ôi trời, một câu nói rất-bố!
Ngày mình đi lấy chồng, bố cười hớn hở, chạy ra chạy vào. Ai cũng nói: “Thế là ông đã ‘tháo được hai quả bom nổ chậm’ rồi nhé.” Bố cười cười, ừ ừ mà mắt dâng ngập nước. Bố không tiễn mình về đến nhà chồng, chỉ cho anh Tuấn đi cùng. Bố bảo: “Về cùng con rồi lúc ra bố lại buồn, bố cho anh Tuấn đi cùng, những điều cần dặn, bố bàn hết với anh rồi.” Anh Tuấn ở quê, lúc về cứ loanh quanh đi ra đi vào mãi, mình hỏi: “Anh ơi, anh cần dặn em gì ạ?” Anh nói: “Không, không, em vào tiếp khách đi.” Rồi lại đi loanh quanh. Một lúc sau, anh nháy chồng mình ra, dặn một câu và lên xe ngay, mắt đỏ hoe. Sau này, nghe kể lại mới biết, hóa ra anh đi tới đi lui chỉ để dặn chồng mình một câu: “Điệp nó út ít, vụng về. Nếu nó làm gì sai, em cứ từ từ nói, đừng... mắng nó nhé!” Ôi là anh và bố!
Mình viết những dòng này trong một ngày trời đầy mưa gió. Mắt mình dâng như mưa nhưng trong lòng ngập nắng. Bố ơi!