Mình về “ra mắt” nhà chồng tương lai trong một tâm trạng 50/50. Chả là khi đó bên nhà ngoại đang băn khoăn, không hiểu có nên gả một đứa con gái ngờ nghệch là mình đi lấy chồng xa. Chính vì thế, mình tự nhủ, nếu bên “nhà trai” không đồng ý, mình sẽ dừng lại, để lại sau lưng chất ngất những thư tình...
Vừa bước qua bậc cửa, trước con mắt nghi ngại của nhiều người, “bác trai” lẳng lặng ra vườn ngắt một bông hoa vào cắm. Mọi người coi cử chỉ đó như tấm “giấy thông hành” để mình bước sang một cuộc đời mới...
Về làm dâu, mình càng thêm yêu quý và cảm phục ông.
Bất cứ bữa cơm nào, ông cũng vào bếp để nấu nướng cùng mình. Thương con dâu, ông liên tục nhắc: “Bố để phần xôi, gà, con vào lấy mà ăn.”
Mỗi ngày giáp Tết, ông lọ mọ từ sáng đến tận đêm khuya để nấu cỗ, làm chè kho. Mình giục ông vào nghỉ là ông gạt đi ngay: “Bố khỏe hơn mày nhiều.” Biết mình hay buồn, hay khóc, ông thường xuyên an ủi: “Gái có công, chồng chẳng phụ con ơi!”
Ông nấu ăn cực giỏi. Món gì cũng biết làm. Tài thật.
Ông lại còn rất galant. Chưa khi nào thấy ông to tiếng với bà. Hễ thấy bữa cơm bà có vẻ không ăn được là ông lật đật lẳng lặng đi mua cháo, phở về cho bà. Mình thường hay đùa: “Sao phẩm chất ấy của ông không thấy ‘di truyền’ sang cho các con.”
Ông rất xì tin. Hễ đứa cháu gái giơ máy lên chụp ảnh là ông giơ hai ngón tay tạo dáng, cười hết cỡ lộ ra hàm răng còn đúng hai chiếc.
Tết năm vừa rồi, giao thừa cúng cáp xong xuôi là khoảng gần 3 giờ sáng, thấy nằm ngủ một lúc chắc cũng chả được, mình thức luôn làm cơm cúng sáng mùng Một. Làm xong xuôi là 5 giờ, mình lên giường chợp mắt. Tỉnh dậy chạy lên gác thấy ông đang ngồi trước ban thờ, mắt đỏ hoe.
Mình hốt hoảng: “Ôi bố làm sao thế?” Ông nói nhanh: “Bố vui quá vì sau này đã có người làm cơm cúng gia tiên thay bố!” Ôi chao, sáng mùng Một mắt mình cũng đỏ hoe không phải vì mất ngủ.
Mấy hôm nay ông mệt nặng. Hơi thở yếu ớt. Cầm vào bàn tay ông như cầm vào bàn tay con trẻ. Mình chỉ muốn quay mặt đi khóc òa.
Bố của con. Con cầu mong Trời Phật cho bố qua khỏi kiếp nạn này!...