Mình có quãng thời gian không dài dạy ở trường phổ thông nhưng ngần ấy thời gian cũng đem lại cho mình nhiều trải nghiệm thú vị, trong đó có việc họp phụ huynh.
Hồi đó, mới ra trường, trẻ đến nhức cả răng, nên nghĩ đến việc phải họp phụ huynh là cũng sợ lắm. Bố mình luôn động viên: “Con cứ đặt mình vào tâm trạng của phụ huynh để hiểu mình cần nói gì là được.” Mình cũng hỏi ý kiến của nhiều chị đồng nghiệp trong trường, ai cũng nhiệt tình bày cách, chỉ dẫn. Và đây là cách mình thường làm: Trước buổi họp phụ huynh, mình thường dành cho học sinh một khoảng thời gian để được phép ghi vào một mảnh giấy “Những điều con muốn nói” với bố mẹ. Đảm bảo là sẽ tuyệt đối bí mật, chỉ con và bố mẹ biết.
Học sinh được viết thì hào hứng, viết xong mình chuẩn bị sẵn phong bì để các em bỏ vào, ghi tên bố mẹ ngoài phong bì và đặt trong ngăn bàn. Giờ họp, mình có sơ đồ để phụ huynh được ngồi vào đúng chỗ của con mình.
Món quà bí mật đầu tiên dành cho các phụ huynh khi bắt đầu họp là lùa tay vào ngăn bàn để nhận thư với cam kết, bí mật phải giữ nguyên là bí mật. Có phụ huynh đọc xong thì tươi như hoa nhưng có phụ huynh thì nước mắt giàn giụa bởi những câu nói ngây thơ kiểu như: “Mẹ ơi, mẹ đừng đi làm về muộn nữa nhé” hoặc “Bố mẹ ơi, đừng cãi nhau nữa nhé.” Phụ huynh được sống trong những cảm xúc rất yêu thương, tin cậy.
Tiếp đó, mình sẽ chọn cho mỗi phụ huynh một cuốn vở sạch đẹp nhất trong số các cuốn vở của con mình để “chiêm ngưỡng”. Mình cũng giải thích lý do tại sao lại chọn cuốn đẹp nhất mà không phải là những cuốn xấu hơn bởi điều đó cho thấy, các em hoàn toàn có thể đạt được mức như vậy, miễn là các em cố gắng. Ngay cả trong số những quyển vở đẹp, mức độ “đẹp” cũng khác nhau, điều đó cũng không sao, đối với mình đều là “đẹp” cả. Phụ huynh hãy hài lòng với cái “đẹp” riêng của con mình.
Mình cũng chia các em học sinh thành các nhóm khác nhau, em thì có thiên hướng về nghệ thuật, em thì có năng lực về Toán, về Tiếng Việt. Mình nêu đặc điểm của các nhóm, cả ưu điểm và nhược điểm, cách khắc phục cho từng em. Cũng có năm mình chia lớp theo “ban”. Ban A, B, C, D như kiểu xếp ban thi đại học, để từ đó có phương pháp hướng dẫn học cho từng ban.
Cuối cùng, cũng là phần mình mong đợi nhất, mình sẽ đọc cho phụ huynh nghe những câu nói, những việc làm dễ thương nhất của học sinh mà mình đã ghi chép được. Có năm khi mình đọc câu của một em học sinh được coi là “cá biệt” trong lớp: Cô ơi, nếu sau này em giàu có, em sẽ cho bất cứ người ăn xin nào em gặp ngoài đường 5.000 đồng (thời điểm đó, 5.000 đồng là số tiền khá lớn). Tất cả phụ huynh ngồi dự ai cũng bật cười rồi lại rơm rớm nước mắt.
Cứ thế, buổi họp phụ huynh trôi trong những cảm xúc rất ngọt ngào. Có năm mình còn chia phụ huynh ra thành các nhóm để họ ghi những điều mình mong muốn vào một tờ giấy đã chuẩn bị sẵn.
Được viết chứ không cần phát biểu công khai, mọi người cũng vui vẻ và tự nhiên hơn. Mình tập hợp những ý kiến đó để sau buổi họp viết thư cho từng nhóm ghi nhận những đóng góp của mọi người cũng như những thay đổi của mình, để tiệm cận gần nhất với mong muốn của phụ huynh.
Sau này, khi có con đi học, mình chưa bao giờ bỏ bất cứ buổi họp phụ huynh nào của con. Các cô giáo đã từng dạy Nam đều rất hiểu biết và tâm lý, không biến họp phụ huynh thành buổi chỉ nói về đóng góp. Thật mừng.
Mình mong phụ huynh sau khi đi họp về cảm thấy tin tưởng hơn vào con mình, biết được cách thức giúp con học hiệu quả hơn chứ không bị ám ảnh về các khoản đóng góp hay nhược điểm của con. Mình mong mỗi phụ huynh được đi họp cho con giống như đi đến một buổi lễ, ăn mặc đẹp, lịch sự, cầu thị. Không phải là đi dép lê loẹt xoẹt, đến ào ào hỏi vọng lên: “Cô ơi, đóng bao nhiêu tiền để tôi còn về!” Giáo viên và phụ huynh phải cùng chung niềm tin, chung tình yêu, đó là những đứa trẻ. Điều đó cũng có nghĩa là thêm nhiều niềm vui. Cho nhà trường và cho mỗi gia đình. Mình nghĩ là như thế!