Noel sắp đến rồi, kì lạ là ngày này càng lúc càng trở nên “đời hóa”. Thậm chí người ta quên hẳn nguồn gốc xuất xứ của nó mà chỉ biết là một ngày vui và phố phường thì đẹp lên một cách bất ngờ. Mùa Noel năm nay có lẽ sẽ đánh dấu một bước chuyển tiếp của con nên mẹ ghi lại để sau này con nhớ: Đây là mùa Noel đầu tiên con không còn tin vào ông già Noel nữa! Đối với mẹ đây quả là một điều gì đó thật khó nói, vừa vui lại vừa buồn, như cách mà con chia tay tuổi thơ vậy.
Con đã lưu giữ niềm tin vào ông già Noel có lẽ lâu hơn các bạn khác. Có thể bởi trong suy nghĩ, mẹ luôn cho rằng, nếu trẻ em biết tin vào thần thoại, cổ tích hay những nhân vật “siêu nhiên” thì sẽ sống lành, sống thiện. Bởi vậy, mẹ cố gắng gìn giữ niềm tin cho con, càng dài chừng nào càng tốt chừng ấy.
Những năm con còn bé xíu, việc này gần như đến tự nhiên, chẳng cần mẹ giải thích hay “thêu dệt” thì con hoàn toàn tin vào ông già Noel. Những ngày gần đến Giáng sinh, con hồi hộp đến mức khiến mẹ nhiều lúc cũng nghĩ là trong đêm lạnh giá, sẽ có một ông già xuất hiện và tặng quà cho con của mẹ.
Thời kì này, con ngây thơ đến mức, ngoài ông già Noel mẹ còn tự sáng tác thêm một vài nhân vật khác. Mẹ nhớ, chuẩn bị vào lớp Một, mẹ thấy thương ơi là thương vì con không đến lớp được do bố mẹ sợ con đi học sẽ ốm nên con cứ cặm cụi ở nhà một mình. Thế là thỉnh thoảng, mẹ mua một món quà nhỏ, đặt ở đâu đó trong nhà, trước khi đi làm mẹ dặn: “Mẹ được một chú chim thần dặn ngày hôm nay sẽ mang quà đến nhà tặng con vì biết con rất ngoan. Khi mẹ đi làm, con tìm trong nhà xem quà ở đâu và là quà gì nhé.” Thế là con ở nhà với niềm vui sướng tột độ. Lúc mẹ về thế nào con cũng ùa ra đón, ríu rít khoe món quà. Con thường hỏi mẹ: “Mẹ ơi, chú chim ấy thế nào?” Mẹ làm ra vẻ bí mật, miêu tả về một con chim to lớn, có bộ lông xanh mướt thường bay trên các mái nhà. Nó sẽ dừng lại ở nhà của bạn nào ngoan ngoãn và tặng một món quà.
Con mơ mộng cùng với chú chim xanh biếc ấy một thời gian dài, con luôn tin rằng có một chú chim hiểu về những mơ ước của mình. Con tin đến nỗi, thi thoảng khi nghe bố nói đùa: “Chà, chú chim Nghĩa Tân (tên chợ mà bố biết mẹ thường mua quà cho con ở đó) tặng quà cho Nam đẹp thế!” là con lo lắng, ra hiệu cho bố nói khẽ vì chim nghe thấy sẽ... giận.
Lớn lên một chút, khi con đi học, niềm tin của con về những nhân vật thần bí bắt đầu lung lay. Con hay hỏi mẹ những câu như: “Tại sao nhiều bạn nhỏ thế mà ông già Noel vẫn phát đủ quà? Quà đó là từ đâu hả mẹ?” Thế là mẹ phải căng óc để nghĩ những lý do cho thật phù hợp. Câu chuyện mẹ hay kể nhất là về vùng Bắc cực xa xôi, nơi có những ông già Noel đáng yêu, họ phải làm việc quanh năm để sản xuất những món đồ chơi thật đẹp. Họ có những con tuần lộc có thể đi khắp thế giới với tốc độ cực nhanh...
Mỗi năm, câu chuyện lại dài ra, lại phải thêm vào những chi tiết để thêm phần hấp dẫn. Vì thế, con không thích những ông già Noel mà con cho là “giả hiệu” dán râu, mặc áo đi đầy đường. Ông già Noel thật, đối với con không bao giờ xuất hiện một cách “trần tục” như thế vì ông ở xa thật xa. Để củng cố thêm niềm tin của con, bố mẹ cũng đồng thời làm nhà “kiểm định văn hóa”. Tất cả những băng video nói về ông già Noel có kết thúc về một nhân vật có thật đều cương quyết bị loại bỏ, chỉ còn là những bộ phim mà khi xem xong mọi trẻ em đều ngây ngất về lòng tốt và sự tận tụy của ông già Noel. Không những thế, việc chuẩn bị cho món quà của con cũng thật vất vả. Trước đó hàng tháng, con đã rục rịch viết thư, cứ viết vài hôm con lại đổi lại vì ước muốn của con cứ thay đổi liên tục. Mẹ thì luôn lo lắng, sợ những món quà mà con ao ước sẽ không thể tìm mua được trên thị trường, nên mẹ hay “định hướng”.
Có năm, biết con thích máy bay, mẹ còn ra tận cửa hàng chuyên về máy bay, ghi lại nhãn hiệu, màu sắc và khi con viết thư, mẹ luôn bàn bạc: “À, mẹ biết có loại máy bay nhãn hiệu... đẹp lắm, con thử xin xem ông già Noel có không?” Và bởi vậy, con lại càng tin rằng ông già Noel quyền phép vô cùng, có thể thực hiện bất kì mơ ước nào của mình, đúng đến từng chi tiết.
Công việc để quà vào đêm Noel cũng thật là vất vả vì thường đêm đó, con rất thao thức. Canh cho con ngủ, mẹ rón rén lấy quà ra, nhưng có năm vừa sột soạt túi nilon con đã nhỏm dậy vì con tưởng ông già Noel đang đến.
Có năm, canh chờ mãi mà con chưa ngủ, mẹ ngủ quên mất. Sáng tỉnh dậy không thấy quà ở đầu giường, mắt con đã đỏ hoe. Mẹ lo quá, vội vàng bảo: “Chắc ông già Noel muốn thử thách con, không để quà đầu giường mà để đâu đó trong nhà. Con cứ tìm ở tầng này, mẹ xuống dưới xem sao.” Trong khi con đi tìm, mẹ phi như bay xuống dưới nhà, giấu quà đằng sau đống đồ chơi của con. Đến khi tìm thấy, con lại vui, con nói: “Chắc ông già Noel muốn con để món quà bên cạnh những đồ chơi có sẵn, mẹ nhỉ.”
Cứ thế, mỗi mùa Noel mẹ lại được hưởng những giây phút hạnh phúc khi nhìn thấy niềm vui của con, nụ cười của con lúc đón nhận một món quà đặc biệt từ một nhân vật đặc biệt. Đến năm nay thì con đã hoàn toàn không còn tin vào điều đó nữa. Bằng chứng là vài hôm trước, con nói: “Năm nay con sẽ viết thư nhưng không gửi cho ông già Noel mà gửi mẹ Noel, người đã cần mẫn mua quà cho con mỗi dịp Giáng sinh từ khi con bé đến giờ!” Mẹ chỉ biết cười.
Mẹ nghe nói: Đời người đàn ông chia làm ba giai đoạn: Tin vào ông già Noel, không tin vào ông già Noel và trở thành ông già Noel! Con đã sang giai đoạn thứ hai rồi đấy. Ấu thơ và cổ tích thế là đã bỏ con mà đi. Bắt đầu từ bây giờ: “Hạnh phúc khó khăn hơn/ Bao điều con nhìn thấy/ Nhưng là con giành lấy/Từ hai bàn tay con”. Chúc mừng con và các bạn nhỏ khác, dù còn tin hay đã hết tin vào ông già Noel nhé! Giáng sinh an lành!