Bữa cơm chiều, con đưa ra tuyên bố: “Mẹ ơi, hôm nay mẹ xới cho con ít cơm thôi nhé.” Mẹ ngẩn người, chạy ra sờ trán con, thấy không sao. Mẹ yên tâm hơn nhưng trong bụng vẫn lo: con tự nguyện ăn ít là hơi bất thường rồi đấy. Buổi tối, thông báo thứ hai: “Mẹ ơi, hôm nay mẹ con mình không đi dạo nữa nhé.” Ôi, thế này thì không chỉ hu hi như mấy ngày trước nữa rồi. Mẹ chạy đến sờ trán, hơi nóng hơn một chút. Từ lúc đó, mẹ canh chừng con. Con vẫn cười hớn hở. Mẹ thở phào. 10 giờ, thấy con nằm ngủ mà ngọ nguậy ghê quá, mẹ sờ trán. Ôi trời, nóng như núi lửa. Vội vàng cặp nhiệt độ. Không tin ở mắt mình: 40 độ. Mẹ chạy đi pha thuốc, cuống cuồng. Một lúc sau, cặp lại: 40,5 độ. Mẹ gọi điện cho bác sĩ Chữ. Thêm một viên thuốc đặt nữa. Mẹ không dám cặp nhiệt độ nữa, nhờ bố cặp hộ, hy vọng bố “mát tay” hơn. Từ lúc có viên thuốc thứ hai, con nằm yên hơn, mồ hôi đầm đìa.
Lau khô mồ hôi cho con thì đã gần 1 giờ sáng. Con nằm yên, mặt đỏ ửng, hơi thở khò khè. Mẹ nằm cạnh, 5 phút sờ trán con một lần. Mệt nhoài, bất an. Đêm yên tĩnh, nghe rõ tiếng tim mẹ đập trong ngực. Cứ năm phút lại sờ trán con một lần. Và đây là câu chuyện đêm khuya:
- Mẹ ơi!
- Gì con (sờ trán).
- Mẹ ngủ đi!
- Ừ, mẹ sắp ngủ (sờ trán).
- Mẹ có thích nghe chuyện không?
- Có, để mai nhé, con ngủ đi! (sờ trán)
- Không, con kể xong rồi ngủ.
- Ừ, con kể đi!
- Ngày xưa, khi mới hình thành loài người, không phải là trẻ con có trước như trong thơ Xuân Quỳnh đâu mà là các bà mẹ có trước đấy mẹ ạ. Các bà mẹ buồn quá nên Trời mới mang đến những đứa trẻ. Vì muốn trẻ em được cứng cáp nên trời nặn các em bé đều rất cứng và rắn. Nhưng “sản phẩm” ngay lập tức nhận được sự phản hồi. Trời nghe ý kiến và thu hồi lại để “chỉnh sửa”. Lần này thì tuyệt rồi. Những chỗ mà các bà mẹ hay thơm như: má, tay, bụng... đều mềm mại và mịn màng, khi cần cúi xuống thơm hệt như cúi xuống một bông hoa.
Nhưng có một chỗ, gần với má mà lại rất cứng cáp, con đố mẹ là chỗ nào?
- À, ừm... là tai phải không con? (sờ trán)
- Không phải, là cái trán, chỗ mẹ vừa sờ đấy. Chỗ đó để các bà mẹ kiểm tra thân nhiệt cho con. Họ phải chạm vào đó nhiều lần đến nỗi nếu “làm” mềm mại thì nó có nguy cơ bị lõm xuống. Từ đó, em bé nào sinh ra cũng có cái trán thật cứng cáp. Những em bé trán dô còn có nguy cơ bướng bỉnh vì không nghe lời mẹ, hay ốm và mẹ hay phải sờ vào đó nhiều.
- Haha, con trêu mẹ nhé! (sờ trán lần nữa). Nam ơi, ngày mẹ bé, mẹ thích nhất mỗi lần ốm, khi mẹ nhăn nhó kêu: Con mệt, là bà ngoại hốt hoảng kéo mẹ vào, áp má vào trán. Bà không kiểm tra nhiệt độ bằng tay mà bằng má. Năm tháng làm cho tay bà chai sạn, xù xì, kiểm tra bằng tay không còn chính xác nữa, bà dùng má. Mẹ nhớ ngây ngất cái áp má mát lạnh của bà, nhớ lắm con ạ.
- Sao mẹ không kiểm tra nhiệt độ con bằng má?
- Vì mẹ sợ tóc mẹ chạm vào mặt con.
- Con ngủ mẹ nhé. Mẹ không cần kiểm tra nữa đâu. Con ôm mẹ chặt thế này này.
Mẹ vất cái cặp nhiệt độ ra xa, hy vọng không còn cần đến nó nữa. Trời gần sáng. Ban mai của ngày 1/6.
Cầu mong không có bé nào bị ốm như anh Nam nhé, nếu không các mẹ sẽ lo lắng lắm đấy! Chúc các con ngày 1/6 đầy niềm vui.